THẬM CHÍ MỘT KỸ SƯ CŨNG CÓ THỂ THÀNH CÔNG VỀ TRÍ THÔNG MINH CẢM XÚC

CHADE-MENG TAN

Trích: Seach Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới; Việt dịch: Kiều Anh Tú; NXB. Lao động; Công ty CP Sách Thái Hà; 2018

Định nghĩa chuẩn nhất về trí thông minh cảm xúc là của hai người được coi là cha đẻ của khung lý thuyết về trí thông minh cảm xúc, Peter Salovey và John D. Mayer. Họ định nghĩa trí thông minh cảm xúc như sau:

Khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình.

Cuốn sách đột phá khiến chủ đề này trở nên phổ biến là Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Then IQ (Trí tuệ xúc cảm) của Daniel Goleman, người bạn và cũng là người cố vấn của chúng tôi. Một trong những thông điệp quan trọng nhất của cuốn sách là năng lực cảm xúc không phải là bẩm sinh; chúng là những khả năng mà người ta có thể học hỏi được. Nói cách khác, bạn có thể chủ đích trang bị năng lực cảm xúc thông qua luyện tập.

Goleman đã xây dựng một cấu trúc rất hữu ích về trí thông minh cảm xúc bằng cách phân loại nó thành năm phần. Đó là:

  1. Khả năng am hiểu bản thân: Kiến thức về các trạng thái bên trong, sở thích, nguồn lực, và trực giác của chính mình.
  2. Khả năng kiểm soát bản thân: Khả năng quản lý các trạng thái bên trong, các xung động, và nguồn lực của chính mình.
  3. Động lực: Những xu hướng cảm xúc dẫn dắt hoặc hỗ trợ việc đạt được mục tiêu.
  4. Cảm thông: Khả năng am hiểu cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác.
  5. Kỹ năng xã hội: Sự thành thạo trong việc gợi ra những phản ứng mong muốn bên trong người khác.

Salovey và Mayer không phải là những người duy nhất có công trình liên quan đến trí thông minh cảm xúc và xã hội. Ví dụ, Howard Gardner là người nổi tiếng vì đã đưa ra ý tưởng rằng có nhiều loại hình thông minh. Gardner cho rằng mọi người có thể thông minh theo những cách mà bài kiểm tra IQ không đo lường được. Ví dụ, một đứa trẻ có thể không giỏi làm toán, nhưng lại có năng khiếu về ngôn ngữ hoặc sáng tác nhạc, thì chúng ta nên coi cậu bé là thông minh. Gardner đã tạo ra một danh sách bảy loại hình thông minh (sau này tăng lên thành tám). Hai trong số đó, trí thông minh nội tâm cá nhân và trí  thông minh tương tác cá nhân, có liên quan mật thiết đến trí thông minh cảm xúc. Gardner gọi chúng là “trí thông minh cá  nhân”. Năm phần trí thông minh cảm xúc của Goleman vẽ ra rất đẹp con đường đi vào trí thông minh cá nhân của Gardner: bạn có thể coi ba phần trí thông minh cảm xúc đầu tiên là trí thông minh nội tâm cá nhân và hai phần sau là trí thông minh tương tác cá nhân.

NHỮNG LỢI ÍCH CỦA TRÍ THÔNG MINH CẢM XÚC

Có một câu hỏi quan trọng mà  những người bạn của tôi trong lĩnh vực đào tạo gọi là câu hỏi thế thì sao, kiểu như, “Vâng, rất hay, nhưng thế thì trí thông minh cảm xúc có tác dụng gì cho tôi?”. Trong bối cảnh công sở, trí thông minh cảm xúc giúp trang bị ba bộ kỹ năng quan trọng: Hiệu suất làm việc nổi bật, năng lực lãnh đạo xuất sắc, và khả năng tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc.

Hiệu suất làm việc nổi bật

Điều đầu tiên trí thông minh cảm xúc giúp trang bị là hiệu suất làm việc nổi bật. Các nghiên cứu đã cho thấy năng lực cảm xúc quan trọng gấp đôi chuyên môn và kiến thức thuần túy trong việc tạo ra sự hoàn hảo. Một nghiên cứu của Martin Seligman, người được coi là cha đẻ của tâm lý học tích cực hiện đại và cũng là người tạo ra ý tưởng rằng tính lạc quan có thể học hỏi được, đã cho thấy rằng các nhân viên bán bảo hiểm lạc quan bán được nhiều hơn các đồng nghiệp bi quan 8% trong năm đầu tiên và 31% trong năm thứ hai. (Vâng, tôi lạc quan về việc viết ra một cuốn sách bán chạy nhất. Cám ơn vì bạn đã hỏi.)

Tôi không ngạc nhiên về điều này. Suy cho cùng, có nhiều công việc trong ngành bán hàng và dịch vụ khách hàng mà các năng lực cảm xúc rõ ràng có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn. Bằng trực giác, chúng ta đã biết điều này rồi. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nó đúng thậm chí cả với những người làm việc trong khu vực kỹ thuật như những kỹ sư giống tôi, những người mà bạn sẽ nghĩ rằng thành công chỉ dựa vào trí thông minh thuần túy. Theo một nghiên cứu thì sáu năng lực đứng đầu giúp phân biệt những người làm việc hiệu suất cao với những người làm việc bình thường trong khu vực kỹ thuật là (theo thứ tự này):

  1. Khát khao đạt được thành tựu và tiêu chuẩn thành tựu cao.
  2. Khả năng gây ảnh hưởng
  3. Tư duy khái niệm
  4. Khả năng phân tích
  5. Chủ động chấp nhận thử thách
  6. Tự tin

Trong sáu năng lực này, chỉ có hai năng lực (khả năng phân tích và tư duy khái niệm) là những năng lực thuộc về trí thông minh thuần túy. Bốn năng lực kia, kể cả hai năng lực đứng đầu, là năng lực thuộc về cảm xúc.

Trí thông minh cảm xúc cao có thể giúp bất kỳ ai trở nên xuất sắc trong công việc, thậm chí cả kỹ sư.

Năng lực lãnh đạo xuất sắc

Trí thông minh cảm xúc biến mọi người trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn. Bằng trực giác, phần lớn chúng ta hiểu được điều này thông qua những kinh nghiệm hàng ngày thu được khi tương tác với những người chúng ta lãnh đạo và những người lãnh đạo chúng ta. Cũng có những nghiên cứu cung cấp bằng chứng khoa học làm cơ sở cho trực giác của chúng ta. Ví dụ, Goleman đã nêu ra một phân tích cho thấy năng lực cảm xúc chiếm từ 80 đến 100% những năng lực đặc trưng của những nhà lãnh đạo xuất sắc. Điều này được minh họa bởi câu chuyện về Gerald Grinstein, một CEO đã phải trải qua quá trình cắt giảm chi phí đau đớn. Grinstein rất cứng rắn, nhưng là một thiên tài về kỹ năng tương tác cá nhân, anh đã nhận được sự hợp tác của nhân viên, giữ cho lòng trung thành và tinh thần của họ ở mức cao trong khi đảo ngược lại tình thế, bất chấp việc phải đưa ra những quyết định rất khó khăn. Thực tế, Grinstein đã biểu diễn ma thuật của mình không chỉ một mà là hai lần, một lần khi là CEO của Western Airlines, một lần khi là CEO của Delta. Khi Grinstein tiếp nhận Delta đang trong thời kỳ khủng hoảng, anh ngay lập tức bắt tay vào việc hồi phục lại dòng giao tiếp và niềm tin bên trong công ty. Anh hiểu tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực, và bằng việc sử dụng những kỹ năng lãnh đạo phi thường (trí thông minh cảm xúc), anh đã biến một môi trường làm việc độc hại thành một bầu không khí giống như gia đình hơn.

Khả năng tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc

Có lẽ điều quan trọng nhất là trí thông minh cảm xúc đem lại các kỹ năng giúp chúng ta tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc lâu dài của mình. Matthieu Ricard định nghĩa hạnh phúc là “một cảm giác viên mãn sâu sắc xuất phát từ một tâm lành mạnh tuyệt vời… không phải là một cảm giác vui vẻ đơn thuần, một cảm xúc thoáng qua, hay một tâm trạng, mà là trạng thái hiện hữu trọn vẹn”. Và trạng thái hiện hữu trọn vẹn đó là “sự cân bằng cảm xúc sâu sắc được đạt đến thông qua việc am hiểu tinh tế cách hoạt động của tâm”.

Theo kinh nghiệm của Matthieu, hạnh phúc là một kỹ năng có thể rèn luyện được. Việc rèn luyện đó bắt đầu bằng sự nhận thức sâu sắc tâm trí, cảm xúc, và kinh nghiệm của chúng ta về hiện tượng. Sau đó, nó sẽ tạo điều kiện cho những phương pháp giúp tối đa  hóa hạnh phúc bên trong của chúng ta ở một mức độ sâu rồi cuối cùng tạo ra hạnh phúc lâu dài.

Trải nghiệm của tôi cũng giống của Matthieu. Khi còn trẻ, tôi không hạnh phúc một cách tự nhiên. Nếu không có gì tốt xảy ra, thì tôi mặc định là không hạnh phúc. Giờ thì ngược lại: nếu không có gì xấu xảy ra thì tôi mặc định đó là hạnh phúc. Tôi đã trở nên vui vẻ một cách tự nhiên đến mức nó trở thành một phần trong chức danh của tôi tại Google: người bạn tốt luôn vui vẻ. Tất cả chúng ta đều có một trọng điểm hạnh phúc mà chúng ta quay trở lại bất cứ khi nào sự hưng phấn của một trải nghiệm dễ chịu hay sự đau đớn của một trải nghiệm khó chịu phai nhạt. Nhiều người trong chúng ta cho rằng trọng điểm này cố định, nhưng kinh nghiệm cá nhân của tôi cũng như nhiều người khác như Matthieu đã cho thấy rằng có thể dịch chuyển trọng điểm này thông qua rèn luyện có chủ đích.

Một cách hạnh phúc, những kỹ năng giúp chúng ta trau dồi trí thông minh cảm xúc cũng sẽ giúp chúng ta xác định và phát triển các yếu tố tạo cảm giác an lành sâu bên trong chúng ta. Những thứ xây dựng trí thông minh cảm xúc cũng sẽ giúp chúng ta tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc của mình. Do đó, hạnh phúc có thể là một phản ứng phụ chắc chắn sẽ xảy ra của việc trau dồi trí thông minh cảm xúc. Những phản ứng phụ khác bao gồm năng lực hồi phục, tinh thần lạc quan và lòng tốt. (Bạn có thể sẽ muốn gọi cho bác sĩ của mình để quyết định xem hạnh phúc có phù hợp với bạn không.)

Thực ra mà nói, trong ba lợi ích của trí thông minh cảm xúc, hạnh phúc là thứ duy nhất tôi thực sự quan tâm. (Đùa một chút, nhưng chỉ giữa bạn, tôi cùng hàng triệu người khác đang đọc cuốn sách này thôi nhé. Những lợi ích hiệu suất làm việc nổi bật và năng lực lãnh đạo xuất sắc, mặc dù hữu dụng, đúng đắn và có cơ sở khoa học, nhưng tôi chủ yếu chỉ sử dụng chúng để lấy con dấu xác nhận từ cấp trên thôi.) Thứ tôi thực sự quan tâm là hạnh phúc của các đồng nghiệp. Đó là lý do tại sao trí thông minh cảm xúc khiến tôi rất phấn khích. Nó không chỉ tạo ra các điều kiện cho thành công nổi bật trong công việc; mà còn tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc cá nhân của tất cả mọi người. Và tôi thích hạnh phúc.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC
  2. TÌNH YÊU THƯƠNG, NGUỒN GỐC CỦA HẠNH PHÚC
  3. “NGƯỜI HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI” TIẾT LỘ BÍ QUYẾT SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. BA BƯỚC DỄ DÀNG ĐỂ ĐI ĐẾN HÒA BÌNH THẾ GIỚI
  2. THIỀN TRONG HOẠT ĐỘNG
  3. KẾT BẠN VỚI CẢM XÚC

Bài viết mới

  1. BA CON ĐƯỜNG
  2. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  3. HÃY BIẾT CHÍNH NGƯƠI