Thiền Sư Nhật Bản BẠT ĐỘI
Trích: Thấy Thẳng Nhất Tâm; Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức, 2005
Quán Thế Âm Bồ tát thị hiện ngàn tai ngàn mắt để giúp độ chúng sanh
Khi Phật xuất hiện trong thế gian này, có một Bồ tát sống trong thời ấy thực hành nghe và tư duy những lời dạy và nhập vào một trạng thái thiền định sâu xa. Do đó ngài có tên là Quán Âm, Ngài là người, với mỗi âm thanh ngài nghe, thiền quán cái tâm của người nghe, do đó chứng ngộ chân tánh của mình. Thế Tôn xem ngài là bậc nhất trong hai mươi lăm bồ tát và la hán hoàn hảo. Tâm bi của Bồ tát này cực kỳ sâu thẳm. Ngài tận lực ở khắp nơi, thuyết pháp hợp với khả năng của người, chăm lo rất mực khi dạy chúng sanh. Thế Tôn lấy ngài làm gương, nói rằng hoạt động thần diệu vô biên của bản tánh của mỗi chúng sanh bình thường đều giống như hoạt động của Quán Âm. Thực ra, không có ví dụ nào giống được với cái được gọi là hoạt động vô biên của tâm này. Có Bồ tát nào giống như cái này? Tâm các ông chuyên nhất, tận lực phổ quát, khắp nơi. Nó thấy màu sắc với mắt, nghe tiếng với tai, ngửi hương với mũi, tạo lời với miệng, nắm với bàn tay, chạy với hai chân. Tất cả chư Phật và chúng sanh đều có thần lực ban phước lành này. Mỗi pháp của vạn pháp đều được thiết lập bởi thần lực này. Dù ánh sáng mặt trời mặt trăng soi chiếu khắp nơi, cũng có những khoảng trống giữa ngày và đêm. Nếu các ông chứng ngộ tâm này, các ông giải thoát; nếu các ông không biết tâm này, các ông luôn luôn gặp nguy hiểm. Kho tàng Pháp này mà mất, công đức vô biên này bị hủy hoại là do tâm lôn xộn mê lầm này. Tám vạn bốn ngàn mê lầm phiền não đều bắt rễ từ trong thức các ông. Thức này bám níu nhiều sắc tướng, làm tăng thêm hạt giống địa ngục. Nếu các ông thấy chân tánh, ngay trên việc quên những vọng tưởng các ông sẽ chuyển nghiệp của vô minh thành biển cả của giải thoát. Do đó một kinh (Pháp Hoa) nói: “Dù bị đẩy vào hầm lửa, nếu ngươi tập trung tâm mình vào thần lực của Quán Âm thì hầm lửa sẽ biến thành ao nước.”
Bồ tát Quán Âm trong hình tướng là vị Tara Xanh theo truyền thống Phật giáo Tây tạng
Khi các ông thấy tánh, mọi mê lầm của tâm sẽ tức thời tan biến. Thế nên có nói tại sao khi các ông gặp bất hạnh, nếu các ông tham thiền về thần lực của Quán Âm các ông sẽ tức thời được giải thoát. Nếu người ta không tin bản tánh này là Quán Âm, tìm ngài ở ngoài tâm, người ta sẽ trở thành đứa con của người giàu có quên mất quê nhà ở đâu. Nếu các ông tập trung vào ngón tay chỉ mặt trăng, gọi ngón tay ấy là mặt trăng thì làm sao điều này có thể tương hợp với nghĩa của những lời dạy của Phật? Khi tại thế, Thế Tôn thuyết những giáo lý. Nhiều người chấp trên danh tướng của phần giáo lý họ tin, bàn luận đo lường những điểm cạn sâu, cao thấp trong những điều tin khác nhau của họ. Trước khi đức Phật xuất hiện trong thế giới này, trước khi ngài nói lên một lời, cái gì có thể gọi là Đại thừa? và cái gì có thể gọi là Tiểu thừa? Khi cuộc đời của Thế Tôn trong thới giới này đến lúc chấm dứt, ngài nói: “Từ thời kỳ khởi đầu ở Vườn Nai và lúc chấm dứt gần Sông Hiranyarati với sự nhập diệt của ta, ta chưa từng nói một chữ.” Với cái búa của thuyết pháp không lời, Thế Tôn đã hủy hoại những bài thuyết pháp ngài ban cho trong thời gian làm việc ở thế giới này. Đó cũng giống như thuốc là để cho bệnh. Khi lành bệnh thuốc có để làm gì. Những lời của sự thuyết pháp này thuộc về giáo lý nào? Chúng là những kẻ hủy hoại, những kẻ xây dựng, chúng là những bài pháp hay chúng là những cái chẳng phải bài thuyết pháp? Chúng ta hãy nhìn kỹ vào điều này. Khi chúng ta bàn luận sự cạn sâu của nó, đó giống như đo cỡ của một con chim đã bay qua trong đêm vừa rồi bằng cách xem những dấu chân của nó. Chúng ta may mắn có một câu từ Thế Tôn trước khi ngài ra đi. Ngài nói: “Ta có Kho Tàng Con Mắt Chánh Pháp (Chánh Pháp Nhãng Tạng), Diệu Tâm Niết Bàn thật tướng vô tướng, Cửa Pháp vi diệu, Truyền Ngoài Giáo điển, nay phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp.” Diệu Tâm là nền tảng của tất cả chúng sanh. Cái gì là Diệu Tâm của tất cả chúng sanh? Hãy cẩn thận tập trung con mắt và nhìn vào điều này.