THANH BÌNH VÀ TỊCH TĨNH

DAININ KATAGIRI

Trích: Trở Về Yên Lặng-Thiền Trong Đời Sống Hàng Ngày; Người dịch: Thái An; NXB Hồng Đức

Sống một cuộc sống tâm linh tức là học và tu tập đạo tâm. Đạo là con đường bao trùm, là sự thanh bình và tịch tĩnh trọn vẹn. Nó được gọi là Tâm. Tâm này không phải tâm trí bình thường. Tâm, hay sự thanh bình và tịch tĩnh, là bản chất của nhận thức. Con đường này rộng mở với mọi chúng sinh dù hữu tình hay vô tình, không riêng gì con người. Bất kể chúng ta có nhận thức về nó hay không, cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng ở ngay trong sự bao trùm, tức sự thanh bình và tịch tĩnh này. Đạo tâm ở trong mọi thứ, mọi lúc.

Thanh bình và tịch tĩnh, hay Tâm, là tâm thức bao trùm. Nó giống như một thác nước lúc nào cũng tuôn chảy, dù bạn có hiểu biết về nó hay không. Mặc dù đạo tâm là sự thanh bình và tịch tĩnh, sự thanh bình ấy không phải giống như hiểu biết thông thường của chúng ta về sự thanh bình. Nó đồng thời cũng năng động. Nếu bạn thấy một thác nước từ xa, nó có vẻ yên ắng, nhưng nếu thấy gần, nó lúc nào cũng vận động Bản chất nguyên sơ của tâm thức con người giống như một thác nước, thanh bình và tịch tĩnh, nhưng đồng thời cũng năng động.

Trong nghiên cứu tâm lý học, người ta tìm cách hiểu cơ sở của tâm thức, được gọi là vô thức. Vô thức thì bao la, chứa đựng nhiều thứ bởi nó được gắn liền với các thời kỳ quá khứ, hiện tại và tương lai. Tâm lý học cố gắng hiểu cấp độ vô thức này, và lấy ra những thứ từ đó. Khi bạn cố gắng lấy ra những thứ từ đó, đây chẳng là gì ngoài sự hoạt động của bản ngã. Bản ngã là nguồn gốc của ích kỷ, nguồn gốc của thái độ chấp ngã. Bản ngã xem đạo tâm là một thứ cụ thể bởi nó có thể được trải nghiệm, rồi bản ngã muốn biết có gì đang xảy ra ở đó. Nhưng bất kỳ thứ gì bản ngã có thể lựa ra cũng chỉ ở bề mặt của đạo tâm.

Phật giáo là trực nhận sự thanh bình và tịch tĩnh, và trau dồi những điều ấy. Nói cách khác, Phật giáo muốn biết làm thế nào hiện hữu trong đạo tâm, làm thế nào là một với đạo tâm, không phải làm thế nào lấy ra những thứ từ đó. Vì vậy mà chúng ta phải học và tu tập sự thanh bình và tịch tĩnh. Bởi lẽ khi bản ngã hiểu nguồn gốc của sự tồn tại, nó lập tức nắm lấy cái đó như thể cái đó cố định, và nó cố gắng bám víu vào, gọi cái đó là “tôi”.

Nếu hiểu thấu bản ngã, chúng ta cũng đồng thời giải thoát khỏi nó. Chúng ta phải thoát khỏi nó vì cái “tôi” tồn tại với mọi chúng sinh. Tâm thức bao trùm thì năng động, nhưng đồng thời lại thanh bình và tịch tĩnh. Chúng ta phải trở thành một với nó, đây là điểm quan trọng mà Phật giáo nhấn mạnh.

Khi bạn chứng nghiệm đạo pháp, đó được gọi là đường giác ngộ hay bồ đề (bodhi). Giác ngộ hay con đạo pháp luôn hỗ trợ cho bạn, dù bạn có thích nó hay không. Ngay cả nếu cố gắng bỏ qua nó, bạn vẫn có thể trải nghiệm con đường này.

Tìm hiểu và trau dồi sự thanh bình tịch tĩnh tức là trở thành một với con đường đạo pháp bằng toàn bộ nhận thức của mình. Lúc ấy, chúng ta mới hiểu đúng sự thanh bình và tịch tĩnh. Chúng ta phải tìm hiểu và trau dồi điều đó vì đang sống trong thế giới nhị nguyên. Nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội thấu tỏ sự thanh bình và tịch tĩnh này.

Làm thế nào bạn trở thành một với sự thanh bình và tịch tĩnh? Đầu tiên, hãy nhìn vào dòng chảy những gì khởi lên và suy tàn, hãy nhận ra bản chất nhất thời của thế gian. Đây là điều chúng ta gọi là vô thường hay sự biến dịch không ngừng. Khi nhận ra bản chất nhất thời của thế gian, tâm trí ích kỷ thông thường luôn chấp vào một điều gì đó, nó nói: “Tôi thấy rồi!”. Nhưng không có cơ hội như vậy vì mọi thứ đang liên tục thay đổi. Tất cả những gì bạn phải làm là hiện hữu trong từng khoảnh khắc. Khi toạ thiền, hãy chỉ toạ thiền. Đó là tất cả những gì bạn phải làm. Không có ý tưởng cụ thể nào để dựa vào đó định nghĩa toạ thiền. Nếu bạn định nghĩa toạ thiền, nó trở thành một thứ cụ thể, và khi ấy không còn là toạ thiền đích thực. Bản ngã sẽ định nghĩa toạ thiền, nó nói: “Đây là toạ thiền của tôi. Khi ấy, tự nhiên sự phán xét sẽ theo sau. Phán xét và đánh giá là các chức năng của nhận thức, nhưng vấn đề là ở chỗ khi phán xét và đánh giá, chúng ta níu bám sự vật hay sự việc và dính mắc vào chúng. Đây là vận hành của bản ngã.

Nếu bạn có những ý tưởng nhất định về toạ thiền, sẽ rất khó biết toạ thiền là gì ngay giữa tính chất nhất thời này. Không có cách nào thoát khỏi sự thay đổi liên tục. Vậy, làm thế nào tôi trở thành một với toạ thiền như chính nó là? Làm thế nào tôi biểu thị chân lý vô thường? Tôi phải là như tôi thật sự là. Đây không chỉ là một vấn đề cho con người. Cây thông phải sống như một cây thông. Đó là tất cả những gì nó phải làm. Cây thông, cây tre, hồ nước, mùa đông, mọi thứ đều liên tục biểu thị sự vô thường. Cây thông phải là cây thông như khi cây thông tồn tại. Mùa đông phải là mùa đông như khi mùa đông đến. Tuyết phải là tuyết như nó là. Chỉ khi cây thông trở thành như nó là, nó mới có thể biểu thị sự vô thường, cũng được gọi là tự nhiên. Vì thế chúng ta mới thấy cây thông đẹp đẽ dường nào. Khi cây thông là cây thông, nó thật sự tồn tại với mọi thứ khác trong tự nhiên – đá cuội, hồ nước, con sông, bầu trời – đây thực sự là cách cây thông trở thành như nó là. Đây là khía cạnh thực tiễn của vô thường.

Vô thường không cho bạn cơ hội đưa ý thức ích kỷ của mình vào trong nó. Tất cả những gì bạn phải làm là “như bạn là”. Toạ thiền phải là toạ thiền như nó là Khi ấy, tự nhiên tâm trí ích kỷ thông thường sẽ không khởi lên.

Theo Phật giáo, tâm trí ích kỷ thông thường xuất hiện theo nhiều cách: như sự thèm khát, như cơn giận, và như ảo tưởng về một cái tôi. Ảo tưởng về một cái tổ nghĩa là vô minh, kiêu ngạo và nghi ngờ. Bạn không tin điều gì cả. Bạn chối bỏ mọi thứ. Cuối cùng, chỉ mình bạn còn lại. Rồi bạn nói: “Nó là của tôi” hoặc “Tôi này là quan trọng nhất”. Tâm trí ích kỷ rất dễ xuất hiện với danh tiếng và điều lợi. Chỉ con người mới muốn có danh tiếng. Chó và mèo không quan tâm đến danh tiếng hay điều lợi. Nếu bạn cho một con mèo xem viên kim cương, nó cũng không quan tâm. Chỉ con người mới yêu quý danh tiếng và điều lợi. Điều lợi là sự níu bám liên tục, không chỉ đối với thế giới vật chất mà cả đời sống tâm lí và tâm linh nữa. Đó là sự níu bám khá bận rộn. Dù sự níu bám này là đối với thế giới tâm linh, ở đó vẫn có sự thèm khát. Chúng ta muốn có được tài sản tâm linh, muốn được lợi từ nó. Đây là sự ích kỷ. Nếu không có điều lợi, rất khó để bản ngã tồn tại.

Bản ngã rất mạnh và rất sâu. Nó tồn tại trong các chiều sâu của vô thức. Chúng ta lúc nào cũng ham muốn, vì thế ngay trong toạ thiền, chúng ta cũng không thể ngồi yên, điều đó rất tự nhiên. Chúng ta luôn tìm kiếm cái lợi, ngay cả trong toạ thiền. Đây là toạ thiền ồn ào, nó không phải sự thanh bình và tịch tĩnh. Chúng ta sẽ là một với sự thanh bình và tịch tĩnh nếu bản thân chúng ta thanh bình và tịch tĩnh ngay giữa toạ thiền. Đây là điều quan trọng nhất. Nếu tìm kiếm điều gì khác, nó đã không thanh tĩnh. Chúng ta phải là sự thanh bình và tịch tĩnh, được biểu lộ trong khi toạ thiền, khi bước đi, khi ăn, hay khi làm bất kỳ điều gì. Đây chính là sống cuộc sống tâm linh.

Chúng ta phải nhìn vào bản chất giả tạm của thế gian. Nếu hiểu điều này, sự thay đổi sẽ rất thanh bình, không có gì để nói. Nhưng đồng thời nó lại là một thứ năng động, hoạt dụng. Chúng ta phải biết điều đó. Phải chạm vào nó. Chúng ta phải trực tiếp là nó. Để biến điều này thành thực tại, toạ thiền tự nó phải là sự thanh tĩnh, chỉ như một bông hoa đang nở.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. Ý NGHĨA CỦA MỘT NGÓN TAY
  2. TRANH BÁNH GẠO
  3. HOÀ BÌNH

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ