THA THỨ

EDWARD HOFFMAN – WILLIAM C. COMPTON

Trích: Tâm Lý Học Tích Cực – Một Cuốn Sách Thực Tiễn Để Phát Triển Tiềm Năng Trong Bạn; 1980Books dịch; NXB. Lao Động

Bạn có dễ dàng tha thứ cho người khác không, hay bạn thường giữ trong lòng những trải nghiệm khi mọi người làm tổn thương bạn hoặc làm bạn thất vọng? Không phải ngẫu nhiên mà cả truyền thống tâm linh phương Đông và phương Tây đều tôn sùng nhà hiền triết như một người có lòng vị tha. Dựa trên nhiều thập kỷ thuyết giảng tôn giáo, Tiến sĩ Martin Luther King tuyên bố vào năm 1967 như sau: “Chúng ta cần phải duy trì và tăng cường năng lực tha thứ. Người không có năng lượng để tha thứ thì cũng không có năng lượng để yêu thương.”

Học cách tha thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người bị sa lầy giữa ý định và hành vi tiếp theo của họ. Vì lý do này, Tiến sĩ Robert Enright của Đại học Wisconsin tại Madison – một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này – đã đề xuất rằng sự tha thứ khá phức tạp và bao gồm bốn bước: khám phá cảm xúc tức giận hoặc phẫn nộ của ai đó, quyết định tha thứ, làm việc để điều chỉnh lại một sự cố thông qua cái nhìn sâu sắc và thấu cảm, và làm sâu sắc thêm ý nghĩa của bản thân sau một tổn thương. Bằng cách làm theo bốn bước này, các cá nhân có thể giảm bớt lo lắng và đau khổ.

Bằng chứng khoa học đã cho thấy lợi ích sức khỏe của sự tha thứ. Ví dụ, những người đã tha thứ cho người khác sau một lỗi lầm lớn thường có huyết áp và nhịp tim thấp hơn so với những người vẫn không tha thứ. Một cuộc điều tra đã phát hiện ra chất lượng giấc ngủ – điều ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất của chúng ta bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ trả thù. Những người mắc chứng mất ngủ thường có những suy nghĩ cay đắng hơn những người có tâm trí bình yên. Tương tự như vậy, những người mắc bệnh tim có tính cách dễ tha thứ đã bớt trầm cảm và lo lắng về tình trạng của họ hơn (so với những bệnh nhân ít tha thứ hơn).

Nghiên cứu tâm lý học cũng tiết lộ một điều, khi chúng ta già đi, chúng ta có xu hướng trở nên dễ tha thứ hơn. Phát hiện này có lẽ phản ánh thực tế rằng việc tăng tuổi theo thời gian giúp chúng ta nhìn thấy “bức tranh lớn” về cuộc sống từ góc độ tốt hơn – một đặc điểm trung tâm của trí tuệ. Theo nghĩa này, khả năng tha thứ là một đặc điểm mà tất cả chúng ta có thể củng cố, nhằm có được những cơ hội mới cho hạnh phúc.

Trong hoạt động này, hãy phỏng vấn hai người trên 40 tuổi. Câu hỏi của bạn có thể bao gồm những điều sau đây: Bạn dễ dàng tha thứ những hành động nào nhất ở người khác? Tại sao lại như vậy? Ngược lại, những hành động nào khó để bạn tha thứ hơn, và tại sao? Theo quan điểm của bạn, những hành vi nhất định nào không thể tha thứ được? Bạn đã bao giờ quyết định tha thứ hành động sai trái của một ai đó chưa? Nếu đã từng, bạn cảm thấy thế nào sau đó? Nếu bạn nhận thấy một tác động, thì nó xuất hiện ngay lập tức hay từ từ?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÝ DO CỦA SỰ THA THỨ
  2. BIẾT THA THỨ

Bài viết khác của tác giả

  1. CẢM XÚC TIÊU CỰC VÀ HẠNH PHÚC
  2. THIỀN ĐỊNH ĐỂ TĂNG TRƯỞNG CÁ NHÂN VÀ THÚC ĐẨY TINH THẦN

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU