HH. DALAI LAMA XIV
HOWARD C. CUTLER
Trích: Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Nguyên tác: The Art of Happiness; Việt dịch: Nguyễn Trung Kỳ; NXB. Lao động; Công ty VH-TT Nhã Nam, 2010
Một ngày kia, môn đệ của một triết gia Hy Lạp được thầy ra lệnh trong ba năm phải trả tiền cho những ai lăng mạ mình. Khi thời gian thử thách đã xong, vị thầy nói với anh: “Bây giờ con có thể đi đến Athens và học lấy sự Thông Thái.“ Khi vào Athens, môn sinh gặp một nhà thông thái đang ngồi tại cổng thành, ai đến ai đi ông ta đều lăng mạ. Ông cũng mắng mỏ môn sinh nọ. Anh bật cười. “Sao cậu lại cười khi tôi chửi cậu?” Người thông thái hỏi. “Bởi vì,” môn sinh nọ trả lời, “trong ba năm qua, tôi đã trả tiền để có được điều này, còn bây giờ ông lại cho tôi miễn phí.” “Vào thành đi,” nhà thông thái nói, “Tất cả là của cậu đấy.”
Các giáo phụ sa mạc vào thế kỷ thứ tư, một nhóm nhà khổ hạnh rút vào sa mạc quanh Scete để sống hãm mình và cầu nguyện, đã kể câu chuyện này để minh họa giá trị của đau khổ và vất vả. Tuy nhiên, không chỉ mình sự vất vả đã mở cửa “đô thành thông thái” cho người môn đệ kia. Yếu tố chính cho phép anh ta xử lý rất hiệu quả một tình huống khó khăn là khả năng thay đổi góc nhìn của mình, để nhìn tình huống từ một quan điểm khác hẳn.
Khả năng thay đổi góc nhìn có thể là một trong những công cụ mạnh mẽ và hiệu quả nhất để giúp chúng ta giải quyết những vấn đề hằng ngày. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích:
“Khả năng nhìn các sự kiện từ những góc nhìn khác nhau có thể rất hữu dụng. Vậy khi thực hành điều này, người ta có thể sử dụng một số kinh nghiệm nhất định, những bi kịch để phát triển sự an tĩnh nội tâm. Người ta phải nhận thức rằng mọi hiện tượng, mọi sự việc đều có những mặt khác nhau. Mọi sự đều có tính tương đối. Nếu mọi thứ đều nguyên trạng, nếu mọi thứ đều tốt đẹp, thì sẽ có nhiều trường hợp anh chỉ đi lướt qua. Anh giả vờ. Nhưng khi anh trải qua những tình huống nghiệt ngã, anh không có thời gian để giả vờ.
“Hình như là khi vấn đề phát sinh, cái nhìn của chúng ta bị thu hẹp. Tất cả sự chú ý của chúng ta tập trung vào chuyện lo lắng cho vấn đề, và chúng ta có thể có cảm giác mình là người duy nhất trải qua những khó khăn như thế. Điều này có thể dẫn tới sự quá quan tâm đến mình, nó có thể khiến sự việc xem ra rất căng thẳng. Khi điều này xảy ra, tôi nghĩ rằng nhìn mọi việc từ một góc nhìn rộng hơn chắc hẳn có thể là điều hữu ích, chẳng hạn, nhận thức rằng có nhiều người khác đã trải qua những kinh nghiệm tương tự, thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. Việc chuyển dịch góc nhìn này thậm chí còn hữu ích trong một số căn bệnh và trong lúc đau đớn. Vào lúc cơn đau phát sinh, dĩ nhiên nếu ngay lúc đó mà thực hành thiền định hay tĩnh tâm thì thường rất khó. Nhưng nếu anh có thể làm vài phép so sánh, nhìn hoàn cảnh của anh từ một góc nhìn khác, thì bằng cách nào đó, có một điều gì đó xảy ra. Nếu anh chỉ nhìn chăm chăm vào một sự kiện đó, nó sẽ có vẻ ngày càng lớn hơn. Nếu anh tập trung quá gần, quá căng thắng vào một vấn đề khi nó xảy ra, thì vấn đề ấy xem ra không thể kiểm soát nổi. Nhưng nếu anh so sánh biến cố ấy với một số sự kiện còn lớn hơn nữa, nhìn cùng một vấn đề từ một khoảng cách xa hơn, thì khi đó nó trông nhỏ hơn và bớt quan trọng hơn.”
Ngay trước một lần làm việc với đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi tình cờ gặp người điều hành một xí nghiệp mà tôi đã từng làm việc. Trong thời gian làm việc tại đây, chúng tôi đã có vài lần cãi vã vì tôi tin rằng, ông ta đã gian lận trong việc chăm sóc bệnh nhân vì lợi ích tài chính. Tôi đã không gặp ông ta một thời gian, nhưng ngay khi nhận ra ông, mọi cuộc cãi vã giữa chúng tôi ùn ùn đổ về, và tôi cảm thấy giận dữ, oán ghét trào dâng trong mình. Lúc được đưa lại phòng của đức Đạt Lai Lạt Ma để bắt đầu phiên làm việc chiều hôm ấy, tôi đã lắng lại đáng kể, nhưng cảm thấy vẫn có chút gì chưa yên.
“Chúng ta hãy giả sử như có một ai đó làm ngài tức giận,” tôi bắt đầu, “phản ứng tự nhiên của ngài với việc bị xúc phạm, phản ứng tức thời của ngài là tức giận. Nhưng trong nhiều trường hợp, vấn đề không chỉ là giận dữ ngay lúc ngài bị tổn thương, ngài có thể nghĩ về sự kiện đó về sau, thậm chí rất lâu sau này, và cứ mỗi lần nghĩ đến nó, ngài lại trở nên tức giận. Ngài khuyên nên xử lý loại tình huống như vậy như thế nào?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu một cách trầm tư, nhìn thẳng vào tôi. Tôi tự hỏi có phải ngài đã cảm thấy rằng tôi đem ra chủ đề này có phải chỉ vì lý do học thuật hay không.
“Nếu tôi nhìn từ một góc độ khác,” ngài nói, “thì chắc chắn người đã gây ra sự giận dữ này trong anh sẽ có nhiều mặt tích cực khác, nhiều khía cạnh tích cực khác. Nếu anh xem xét cẩn thận, anh cũng sẽ thấy rằng hành động làm anh giận dữ cũng đã cho anh một số cơ hội, một điều mà nếu khác đi thì sẽ không thể có được, ngay cả từ quan điểm của anh. Vì thế, nếu cố gắng, anh sẽ có thể nhìn thấy nhiều góc cạnh khác nhau về cùng một sự kiện. Điều này sẽ giúp ích đấy.”
“Nhưng nếu ngài tìm kiếm những khía cạnh tích cực của một con người hay sự kiện mà không tìm thấy thì sao?”
“Ở đây, tôi nghĩ chúng ta sẽ xử lý một tình huống mà có thể anh cần chút cố gắng. Hãy nghiêm túc dành ít thời gian để tìm kiếm một góc nhìn khác về tình huống ấy. Không chỉ một cách hời hợt bên ngoài, mà một cách trực tiếp và thẳng thắn. Anh cần sử dụng tất cả khả năng lý luận của anh mà nhìn vào tình huống sao cho thật khách quan. Chẳng hạn, anh có thể suy tư về sự kiện là, khi anh thực sự oán giận một ai đó, anh thường nhận thức về họ như thể ở họ 100% là những phẩm chất tiêu cực. Cũng như khi nào anh bị ai đó thu hút mạnh mẽ, thì khuynh hướng thường là thấy họ có 100% phẩm tính tích cực. Nhưng sự cảm nhận này không tương ứng với thực tại. Nếu người bạn của anh, người mà anh thấy quá ư là tuyệt, có chủ ý làm hại anh theo cách nào đó, thì lập tức anh sẽ ý thức rất rõ rằng họ không phải là 100% tuyệt hảo. Tương tự, nếu kẻ thù của anh, người mà anh ghét, chân thành nài nỉ anh tha thứ và tiếp tục tỏ ra tử tế với anh, thì không chắc gì anh sẽ tiếp tục thấy họ 100% tồi tệ. Vậy, cho dù khi anh tức giận ai đó, anh có thể cảm thấy người ấy không hề có gì tích cực, thực tế vẫn là không có ai 100% xấu xa cả. Họ phải có một vài đặc tính tốt đẹp nếu anh tìm kiếm cho kỹ. Vậy, xu hướng nhìn người khác hoàn toàn tiêu cực là do nhận thức của anh dựa trên sự phóng chiếu của chính anh, hơn là bản chất thực sự của cá nhân người ấy. Cũng thế, một tình huống mà ban đầu anh nhận thức là 100% tiêu cực cũng có thể có những khía cạnh tích cực trong đó. Nhưng tôi nghĩ rằng ngay cả nếu như anh khám phá được một góc cạnh tích cực nơi một tình huống xấu, nội một việc ấy vẫn chưa đủ. Anh còn cần phải củng cố ý niệm ấy nữa. Vì thế, anh cần phải tự nhắc nhở mình về góc độ tích cực ấy nhiều lần, cho đến khi dần dần anh cảm thấy những thay đổi. Nói chung, một khi đã ở vào một tình huống khó khăn, anh không thể thay đổi được thái độ của mình chỉ bằng việc chấp nhận một suy nghĩ nào đó chỉ qua một hoặc hai lần lặp lại. Nhưng chỉ qua một tiến trình học hỏi, huấn luyện và làm quen với quan điểm mới, việc ấy mới giúp anh giải quyết được khó khăn đó.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma suy tư thêm một lát, và, vẫn theo lập trường thực tiễn của mình, ngài nói thêm: “Tuy nhiên, nếu bất chấp những nỗ lực của anh, anh không tìm thấy một khía cạnh tích cực nào cả trong hành vi của một người, thì khi ấy việc tốt nhất có thể làm là cố gắng quên nó đi.”
Được gợi hứng bởi những lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chiều tối hôm ấy tôi đã cố gắng tìm kiếm một số “mặt tích cực“ của người quản lý, những cách thức trong đó ông ta không phải “100% xấu.” Điều đó không khó lắm. Chẳng hạn, tôi biết ông ta là một người cha tử tế, đang cố gắng nuôi dạy các con mình sao cho tốt nhất. Và tôi phải thừa nhận rằng những cuộc cãi vã với ông ấy đã rất hữu ích cho tôi – chúng giúp tôi quyết định bỏ việc ở hãng ấy, và cuối cùng đưa đến một công việc thỏa mãn hơn. Tuy những suy nghĩ ấy không lập tức đưa đến thiện cảm dồi dào với người này, nhưng chắc chắn chúng đã khiến sự chua cay trong cảm xúc ghen ghét của tôi với ông ta nguôi đi một cách thật dễ dàng. Chẳng bao lâu, đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đưa ra một bài học còn sâu sắc hơn nữa: làm thể nào để hoàn toàn biến đổi thái độ của mình đối với kẻ thù và học cách yêu thương họ.