THIỀN ĐỊNH – TRÍ TUỆ

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng; Dịch Việt ngữ: Liên Hoa; NXB Thiện Tri Thức

☘️ Thiền định

Thiền định là trạng thái nhất tâm tập trung vào một đối tượng đức hạnh. Trạng thái tinh thần bình thường của chúng ta là một sự phóng tâm. Tâm thức bình thường của chúng ta thật khó kiểm soát và quá yếu ớt không thể thấu suốt bản tánh của thực tại. Và điều cốt yếu là phải thấu hiểu bản tánh của thực tại nếu chúng ta sắp giải thoát bất cứ ai, bản thân ta hay những người khác, khỏi những đau khổ của vòng sinh tử. Vì thế, rất cần thiết phải phát triển tâm thức thành một khí cụ thích hợp để quán sát thực tại, giống như một kính hiển vi mạnh mẽ. Rất cần phát triển tâm thức thành một vũ khí chặt đứt gốc rễ đau khổ, như một thanh gươm bén. Thiền định là sự thực hành nhờ đó tâm thức bình thường, phóng dật, không được chế ngự của con người được phát triển tới chỗ nó có thể an trụ đầy năng lực, không cố gắng và nhất tâm vào bất kỳ đối tượng nào người ta chọn lựa. Bồ đề tâm phải là căn bản của thực hành thiền định.

Ngài Tsong-kha-pa nói rằng tâm thức chúng ta đã chịu ảnh hưởng của những mê lầm từ vô thủy. Chức năng của thiền định là để kiểm soát được tâm bạn khiến bạn có thể hướng nó về bất kỳ đối tượng đức hạnh nào bạn chọn. Cho tới nay chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng của tâm thức ta, và tâm chúng ta từng chịu ảnh hưởng của những mê lầm. Bởi thế, chúng ta đã chìm đắm trong những ác hạnh. Kết quả là ta phải chịu đựng những đau khổ không mong muốn. Để chấm dứt sự luẩn quẩn này của những nhân duyên gây nên đau khổ trong vòng tái sinh, chúng ta phải chuyển hóa tâm thức chúng ta và giành phần kiểm soát chúng. Tâm thức thì giống như một con ngựa, phải được hướng vào những thiện hạnh hơn là những ác hạnh.

Chúng ta đừng để tâm thức chỉ lang thang bừa bãi vào những thiện hạnh. Để sự thực hành thiền định của bạn được hữu hiệu, bạn phải thiền định trong một trình tự có hệ thống với một mức độ kiểm soát. Nếu không, mặc dù lúc đầu bạn có thể ngẫu nhiên kinh nghiệm một sự quán tưởng sống động, nhưng chừng nào nó không được kiểm soát đúng đắn thì nó sẽ không thật ích lợi. Bạn sẽ phát triển tập quán xấu là để mặc cho tâm thức vơ vẩn bất kỳ nơi đâu nó muốn. Khi bạn đạt được tiến bộ thực sự thì trái lại, bạn phải có khả năng trụ tâm bạn ở một điểm nào đó một cách dễ dàng không trở ngại gì. Cho tới khi bạn đạt tới giai đoạn đó, rất cần thiết phải tuân thủ một sự liên tục đúng đắn, giống như bạn phải đặt nền móng thực sự cho một ngôi nhà nếu bạn sắp xây dựng những bức tường kiên cố. Bạn nên có một chương trình ngay từ lúc bắt đầu, và bạn sớm quyết định là bạn sẽ thực hiện thiền định được bao nhiêu. Suốt trong sự thiền định chính yếu, bạn phải có thể sử dụng cả sự chánh niệm lẫn nội quán để nhìn xem tâm bạn có bị xao lãng vào những vấn đề khác hay không. Có nói rằng vào lúc bắt đầu, tốt hơn là bạn nên làm những thời thiền định ngắn, vì nếu thời khóa của bạn quá dài thì sẽ có nguy cơ tâm thức rơi vào ảnh hưởng của sự hôn trầm hay trạo cử. Nếu bạn làm một khóa thiền định dài hai hoặc ba giờ, thì mặc dù bạn hao tốn thời gian nhưng nếu tâm bạn không thật tập trung và chịu sự chi phối của hôn trầm hoặc trạo cử, thì sự thiền định của bạn sẽ không hữu hiệu như mong muốn. Vào lúc bắt đầu, cũng cần có những thời thiền ngắn khiến khi thiền định, bạn sẽ có sự hỉ lạc trong thời gian đó. Trái lại, nếu bạn thực hiện một thời khóa dài và không thấy vui thích nó, thì có nguy cơ trở nên ngã lòng. Khi lại nhìn thấy chỗ tọa thiền của bạn, bạn sẽ cảm thấy buồn chán hay miễn cưỡng. Tuy nhiên, nếu bạn làm những thời thiền ngắn thì khi tiếp tục thiền định, bạn sẽ thực sự vui thú làm điều đó, bởi ảnh hưởng của thời thiền trước đó sẽ không bị phai lạt.

Vai trò của giấc ngủ trong sự thực hành là gì? Điều quan trọng là đừng ngủ vào ban ngày hay vào lúc đầu hay cuối của đêm. Người Tây phương có một thói quen rất kỳ lạ. Ban đêm họ đi ngủ rất trễ và buổi sáng dậy thật muộn. Nếu có một lý do đặc biệt để làm điều này thì đó là vấn đề khác, còn không thì tốt hơn là nên đi ngủ sớm và thức dậy sớm. Giấc ngủ được cho là một yếu tố có thể chuyển hóa tâm thức. Nếu bạn có một tư tưởng thiện lành khi rơi vào giấc ngủ, thì có nói là toàn bộ giấc ngủ của bạn được chuyển hóa thành tư tưởng thiện lành. Bạn phải đi ngủ trong một số giờ riêng biệt, vì thế trước khi ngủ hãy cố gắng nuôi dưỡng một tư tưởng thiện lành, như lòng bi mẫn; sau đó toàn bộ giấc ngủ của bạn sẽ thiện lành. Giấc ngủ đúng đắn thực sự trợ giúp cho thân thể bạn và duy trì sức khỏe thể chất của bạn, nó sẽ giúp đỡ bạn trong sự thực hành tâm linh. Nếu bạn theo tục lệ Ấn Độ, bạn nên rửa chân rồi đi ngủ. Tôi không biết nhiều Đạo sư Tây Tạng có làm theo thực hành này không vì trời lạnh. Có nói là ta nên ngủ như một con sư tử, nằm nghiêng về bên phải. Ngủ trong tư thế này được nói là có nhiều thuận lợi, ví dụ như thân thể bạn sẽ không thư dãn thái quá; mặc dù ngủ bạn sẽ không mất năng lực chánh niệm; bạn sẽ không rơi vào giấc ngủ quá say, và không có những giấc mơ xấu.

Khi đi ngủ, bạn nên cố gắng tưởng tượng một thị kiến chói sáng khiến bạn sẽ không bị lệ thuộc vào bóng tối vô minh khi bạn ngủ. Bạn cũng nên có chánh niệm và sự nội quán và ước muốn thức dậy sớm. Hãy giữ chánh niệm trước khi đi ngủ, nhớ lại những hoạt động trong ngày hay đi vào những thiền định của bạn bằng tâm thức. Nếu bạn thành công trong việc đó thì ngay cả khi ngủ bạn cũng không mất sự kiểm soát. Giấc ngủ của bạn sẽ không chỉ thiện lành, nó cũng có thể có những tư tưởng tốt. Khi thức dậy, tâm bạn sẽ tỉnh táo, nhưng vì những ý thức giác quan chưa lấy lại được năng lực của chúng, đôi khi bạn có thể có một tâm thái hết sức sáng suốt. Nếu bạn có thể dùng nó cho những thực hành phân tích thì nó thực sự rất có năng lực. Vì thế bạn nên có ý định thức dậy vào một giờ nào đó và ngủ nhẹ nhàng, như loài vật ngủ. Nhờ sức mạnh của ý muốn đó, bạn sẽ có thể thức dậy như bạn dự định. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng nếu bạn có thể sử dụng những hoạt động ăn và ngủ một cách đúng đắn, bạn có thể xoay chuyển chúng theo một chiều hướng tốt lành và nhiều ác hạnh sẽ được ngăn ngừa.

Ngài Tsong-kha-pa nói rằng rất cần thiết phải nhận thức rằng thiền định có hai loại, là thiền định làm kiên cố (chỉ) và thiền định phân tích (quán), và sự áp dụng khéo léo năng lực phân tích của tâm thức thì rất quan trọng. Ví dụ như để làm vật dụng bằng bạc và vàng, trước tiên, những người thợ vàng, thợ bạc đốt nóng, rửa sạch, lau chùi nó và làm mọi loại công việc nhờ đó họ có thể dùng nó để làm đồ trang sức bất kỳ hình dạng nào. Tương tự như vậy, để chiến thắng được những mê lầm chính và thứ yếu, trước tiên, rất cần phải quán chiếu về những khiếm khuyết và bản chất hủy hoại của những mê lầm và việc chúng gây nên hành động tiêu cực như thế nào – như một hậu quả của hành động này, người ta quay cuồng ra sao trong vòng tái sinh. Tất cả những điều này phải được thấu hiểu nhờ áp dụng năng lực phân tích của trí tuệ, và chỉ lúc ấy người ta mới có thể hy vọng thành tựu sự cam kết dấn mình vào thực hành của con đường. Tất cả những tiến trình phân tích này giống như những chuẩn bị để sửa soạn cho tâm thức nhận được lợi lạc từ sự đột phá mạnh mẽ của thiền định. Khi đã đặt nền móng đúng đắn và làm cho tâm thức bạn trở nên phong phú nhờ những tiến trình phân tích như vậy, bạn có thể thực hành bất kỳ sự thiền định nào, dù nó liên quan tới thiền định an định hay quán chiếu.

Khi thực hành thiền định, chúng ta nên có một mục đích; ta cần tinh tấn. Tinh tấn đó được phát triển nhờ nhìn thấy một mục đích, và mục đích việc thiền định của chúng ta phải được hiểu rõ. Bạn càng hiểu rõ mục đích thì bạn sẽ càng gắn bó với việc thiền định. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng mọi Kinh điển có thành sự chỉ dạy riêng hay không thì tùy thuộc rất nhiều vào việc bạn có thể nhận ra hay không sự cần thiết và quan trọng của sự thiền định phân tích lẫn định tĩnh Ngài nói rằng thật đáng buồn là không phải chỉ có những người không học tập đúng đắn, mà ngay cả những người đã có một nghiên cứu rộng lớn, khi thực sự đi vào thực hành nghiêm ngặt, họ lại loại bỏ tất cả các nghiên cứu của mình và bằng lòng với độc nhất sự vô niệm đơn thuần. Điều đó thật đáng buồn. Nếu bạn không nỗ lực khai phá khả năng phân tích của tâm thức mà vẫn chỉ miệt mài bền bỉ trong thiền định định tĩnh, chỉ duy trì sự vô niệm, bạn sẽ trở nên càng lúc càng kém thông tuệ, và trí tuệ phân biện giữa đúng và sai sẽ suy giảm. Điều này thì rất nguy hiểm.

☘️ Trí tuệ

Trí tuệ phân tích bản tánh của các hiện tượng. Có nhiều loại trí tuệ khác nhau, như năm ngành học (ngũ minh): nội minh thuộc tôn giáo và bốn ngoại minh là luận lý, y khoa, văn phạm, và các nghệ thuật. Ở đây tôi đề cập tới nội minh. Hình thái trí tuệ này là nền tảng của mọi phẩm tính tốt đẹp. Không có sự dẫn dắt của trí tuệ, tất cả những toàn thiện (ba la mật) khác, như bố thí và giới hạnh, sẽ giống như một nhóm người không có người chỉ huy. Sự thực hành những toàn thiện khác không có năng lực của trí tuệ sẽ không đưa tới mục đích mong muốn, tức là đến sự thành tựu giác ngộ. So sánh với những khả năng khác như đức tin, chánh niệm, tinh tấn và v.v…, trí tuệ được cho là còn quan trọng hơn nữa vì chỉ nhờ sức mạnh của trí tuệ, khi được phụ trợ bởi những khả năng khác, người ta có thể thực sự đánh bại thế lực của những mê lầm. Những toàn thiện khác như bố thí và giới hạnh thì tùy thuộc rất nhiều vào sự thấu suốt của trí tuệ.

Năng lực của trí tuệ thì giống như năng lực của một vị vua đầy quyền lực. Khi ngài được trợ giúp bởi những vị thượng thư thật khéo léo và thông minh, ngài sẽ không làm bất kỳ điều gì sai lầm. Cũng thế, những tình huống dường như mâu thuẫn, như có lòng từ bi rất mãnh liệt mà vẫn không bị ô nhiễm bởi sự tham luyến và dục vọng, là do ảnh hưởng của trí tuệ. Với trí tuệ, mặc dù bạn phát triển lòng từ bi mạnh mẽ đối với những người khác, bạn sẽ không bao giờ có lòng ham muốn và bám luyến đối với họ. Nếu bạn có năng lực trí tuệ, bạn sẽ không rơi vào một quan điểm triết học cực đoan về sự thường hằng hay hư vô (chấp không).

Chướng ngại của trí tuệ là vô minh, và nguyên nhân khiến tăng trưởng và phát triển vô minh là sự thường xuyên đắm mình trong những hoạt động vô ích, như lười biếng và ngủ quá nhiều. Vô minh cũng phát sinh từ sự không có được hỉ hay lạc trong năng lực của trí tuệ. Phương pháp để chiến thắng vô minh này là tăng trưởng sự hiểu biết của bạn qua sự nghiên cứu. Đối với những người hiểu được lợi lạc trong sự thực hành Pháp, điều quan trọng là nhận thức được rằng trí tuệ phân biện bản tánh của các hiện tượng là nguyên nhân cốt yếu để thành tựu Giác ngộ. Nếu người nào chỉ quan tâm tới giáo lý mà không thực hành, không cần thâu đạt một sự hiểu biết rộng lớn; nhưng thay vì giảng dạy sự hiểu biết đó, sẽ lợi lạc hơn nữa nếu những người như vậy giữ sự im lặng. Đối với một hành giả nghiêm túc, cả sự nghiên cứu lẫn suy niệm đều hết sức quan trọng. Sự tiến bộ bạn có được trong sự thực hành nên tương ứng với sự tăng tiến trong việc hiểu biết Giáo Pháp của bạn. Khi đã có đời người quý báu được phú cho một bộ óc tinh vi này, chúng ta phải sử dụng những phẩm tính đặc biệt của nó và áp dụng năng lực duy nhất mà ta đã được phú tặng cho, đó là năng lực phân biện giữa đúng và sai. Điều này được thực hiện nhờ sự tăng trưởng nhận thức của chúng ta. Bạn càng tăng trưởng sự hiểu biết, thì nhận thức của bạn càng hoàn hảo hơn. Khi bạn làm việc cho sự thành tựu trí tuệ, điều tối quan trọng là đừng bao giờ cách ly sự thực hành trí tuệ của bạn với những toàn thiện (ba la mật) khác. Chúng ta có thể rút ra được niềm hứng khởi từ chính gương mẫu của Đức Phật. Trước tiên, Ngài trải qua những khổ hạnh dữ dội và chịu đựng những gian khổ to lớn trong tiến trình của con đường. Cuối cùng, dưới gốc cây Bồ đề, Ngài đạt được Giác ngộ và giảng dạy cho những người khác những gì bản thân Ngài đã chứng ngộ. Mặc dù ban đầu đối với chúng ta sẽ rất khó khăn khi đi sâu vào thực hành sáu toàn thiện, trước hết, điều quan trọng là phát triển lòng ngưỡng mộ đối với sáu toàn thiện và tăng trưởng nhận thức của ta về chúng. Cuối cùng, điều này sẽ đưa chúng ta tới sự thực hành đích thực, khiến ta có thể tìm thấy tìm thấy sự giải thoát khỏi những khó khăn nhọc nhằn của luân hồi sinh tử và hưởng thọ niềm an lạc của sự Toàn Giác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM ĐẠI BI
  2. CÁI THẤY VÀ THIỀN ĐỊNH CỦA ĐẠI TOÀN THIỆN
  3. THIỀN ĐỊNH VỀ CHÂN TÁNH CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  2. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI
  3. SUY TƯ VỀ NHỮNG NGƯỜI MUỐN BƯỚC THEO CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN