LÊ DUYÊN HẢI
Trích: Quan Hệ Quyết Định Thành Bại; NXB Thanh Niên.
Dù là với khách hàng, nhà cung cấp hay với nhân viên thì một mối quan hệ tốt là yếu tố quan trọng trong quá trình kinh doanh. Cùng với sự phát triển của sự nghiệp, mạng lưới các mối quan hệ và chất lượng các mối quan hệ cũng không ngừng được mở rộng và nâng cao, không có các mối quan hệ tốt, sự nghiệp không thể phát triển nhanh chóng. Rất rõ ràng, có một số ngành nghề như ngành quản lí, tư vấn, ngành kế toán, ngành luật sư phải dựa vào mối quan hệ giữa họ và cá nhân khách hàng nhiều hơn so với các ngành nghề như trạm xăng dầu tự động, các cửa hàng liên hoàn hay công ty kinh doanh trực tiếp. Đương nhiên, với bất cứ ngành nghề nào thì các mối quan hệ đều không thể thiếu.
Là một cá nhân, cùng với sự mở rộng và cải thiện của các mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp, giám đốc, khách hàng và khách hàng tiềm năng, tiền đồ sự nghiệp của bạn cũng sẽ trở nên xán lạn. Nếu bạn là một giám đốc dự án hoặc làm việc trong một tổ công tác có chức năng đan xen, rất có thể, bạn không có nhiều quyền hạn nhưng lại phải chịu nhiều trách nhiệm và chỉ có thể dựa vào mối quan hệ của bản thân với người khác để hoàn thành công việc. Nếu mối quan hệ đó tốt và đáng tin cậy, hiệu suất công việc của bạn sẽ được nâng cao. Ngược lại, nếu các mối quan hệ chỉ hời hợt, hoặc trong tình trạng xấu hơn – mối quan hệ đó là tiêu cực – thì bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thành công việc.
Nếu bạn có ý thức duy trì và tận dụng các mối quan hệ tốt giữa bạn và các đối tác kinh doanh, ví dụ như các mối quan hệ với giám đốc, khách hàng, đồng nghiệp, thì những thành công mà bạn có được trong kinh doanh sẽ là vô kể, ngược lại, nếu các mối quan hệ đó xấu thì bạn sẽ khó có được thành công.
Vấn đề then chốt để thiết lập được mối quan hệ tốt là phải tiến hành việc này một cách có ý thức, có hệ thống, đồng thời phải duy trì thường xuyên các mối quan hệ này. Đây là kỹ xảo mà bất cứ ai cũng có thể học được, bởi vì bạn đã trải qua các bước của quá trình này theo bản năng. Nếu bạn thực hành theo các bước đơn giản được đưa ra trong cuốn sách này, công việc kinh doanh và cuộc sống cá nhân của bạn nhất định sẽ được cải thiện.
Quá trình thiết lập mối quan hệ gồm 3 bước sau:
- Thái độ đúng đắn: Bạn phải ý thức rằng, các mối quan hệ là vô cùng quan trọng, bạn phải tin tường, mình là người mà người khác muốn kết giao: Tại sao lại như vậy? Bởi vì họ coi trọng kinh nghiệm, kỹ năng, tài năng, kiến thức của bạn. Bạn phải học được cách nghĩ nhiều cho người khác, đặt mình vào địa vị của người khác để nhìn nhận vấn đề.
- Đưa ra câu hỏi đúng: Bạn phải áp dụng những phương thức thích hợp để đưa ra những câu hỏi thích hợp. Bạn có thể tìm hiểu thông qua những chương sau, xem thế nào là một câu hỏi tỉ mỉ, chính xác và những nguyên tắc ẩn chứa phía sau mỗi câu hỏi. Mục đích của việc hỏi và trả lời là để phát hiện ra những điểm chung giữa bạn và đối phương, ví dụ, những sở thích tương đồng, những mối quan tâm chung… Nếu giữa bạn và đối phương không có những điểm chung rõ nét, hoặc đối phương thích nói đến những chủ đề mà bạn không biết nhiều thì bạn nên điều chỉnh mục tiêu của buổi nói chuyện thành mục tiêu học hỏi.
- Thể hiện kỹ năng chuyên môn, phẩm chất chân chính, sự đồng tình và kiến thức của bạn, vào lúc thích hợp, dựa vào những hiểu biết của bạn về người khác, làm cho họ một số việc ngoài dự đoán của họ, không tiêu tốn nhiều tiền nhưng tỉ mỉ và chu đáo: Điều này rất đơn giản, nhưng để làm được một cách hợp lý thì phải mất vài tuần, thậm chí là vài tháng để suy nghĩ và cân nhắc.
Tại sao chúng ta lại phải dụng tâm cải thiện mối quan hệ? Sự thực là, chất lượng của mối quan hệ cá nhân và mối quan hệ kinh doanh, ở một mức độ rất lớn, quyết định trực tiếp đến sự tốt xấu của cuộc sống chúng ta trên nhiều phương diện. Mối quan hệ cá nhân và quan hệ kinh doanh càng tốt sẽ càng thuận lợi cho chúng ta kinh doanh các sản phẩm, thậm chí cuộc sống của chúng ta càng có giá trị, dễ đạt đến thành công.