NGUYÊN TẮC TÒ MÒ – 15 NGUYÊN TẮC VÀNG VỀ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN

JOHN C. MAXWELL

Trích: 15 Nguyên Tắc Vàng Về Phát Triển Bản Thân; Dịch Giả: Nguyễn Hương Giang; NXB: Thế Giới, CT sách Alphabooks in năm 2018

Có thể kích thích sự tò mò Bằng cách đặt câu hỏi tại sao?

“Một vài người nhìn mọi thứ như chúng vốn có và hỏi tại sao. Những người khác mơ về mọi thứ như chúng không bao giờ có thể và hỏi tại sao không.”
GEORGE BERNARD SHAW

Khi tôi là sinh viên năm nhất đại học tham gia giờ Tâm lý học căn bản, tất cả mọi người trong lớp được yêu cầu thực hiện một thử nghiệm sáng tạo. Trước sự ngạc nhiên và đầy thất vọng của tôi, điểm số của tôi thuộc nhóm tệ nhất trong lớp. Có gì tồi tệ cơ chứ? Bạn có thể hỏi vậy. Rất nhiều người không sáng tạo mà. Vấn đề là tôi biết mình sẽ làm diễn giả để kiếm sống, và chẳng gì tệ hơn một diễn giả nhàm chán. Làm thế nào tôi có thể vượt qua sự thiếu hụt này trong nghề nghiệp của tôi?

Tôi dựa vào một đặc điểm khác biệt mà tôi sở hữu rất nhiều: sự tò mò. Tôi đã tò mò từ khi còn bé. Ở tuổi thiếu niên, tôi cũng giống như chúng bạn – chỉ khác một điều. Họ thích ngủ nướng, nhưng tôi thích dậy sớm mỗi sáng. Tôi luôn sợ rằng nếu còn nằm ườn trên giường, tôi sẽ bỏ lỡ điều gì đó! Bây giờ tôi thấy chuyện đó thật buồn cười bởi tôi sống ở một thị trấn nhỏ ở trung tâm Ohio, nơi có rất ít điều có thể xảy ra, vì vậy tôi có thể bỏ lỡ điều gì chứ? Tuy nhiên, điều này khiến tôi khác biệt với bạn bè của mình.

Tôi bắt đầu sử dụng bản tính này để thu thập các trích dẫn, câu truyện và ý tưởng. Tôi nhủ thầm, cách tốt nhất để tránh nhàm chán là trích dẫn câu nói của những người không nhàm chán. Tôi bắt đầu tìm kiếm những ý tưởng đã được tuyên bố một cách hài hước, thông minh hoặc truyền cảm hứng. Nhưng hãy đoán xem điều gì xảy ra sau khi tôi đã làm điều đó trong nhiều năm? Tôi bắt đầu hỏi lý do tại sao các câu chuyện và tuyên bố của họ lại thú vị đến vậy. Tại sao họ lại dễ thương? Tại sao người ta lại cười họ? Tại sao họ lại sáng tạo? Tại sao mọi người kết nối với họ? Không bao lâu sau, tôi đã học hỏi được từ những trích dẫn tôi thu thập được cách tạo ra những ý tưởng sáng tạo và đáng nhớ của riêng mình. Nó đã đưa khả năng giao tiếp của tôi lên một cấp độ hoàn toàn mới. Và tốt hơn thế, nó cũng kích thích sự phát triển cá nhân và thành tựu của tôi.

SỰ TÒ MÒ ĐẾN TỪ ĐÂU?

Tôi sinh ra vốn đã tò mò rồi ư? Hay nó được tiêm nhiễm vào tôi sau đó? Tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi biết rằng: tôi vẫn tiếp tục tò mò và nuôi dưỡng sự tò mò ấy trong suốt cuộc đời. Và điều đó quan trọng bởi vì tôi tin rằng sự tò mò là chìa khóa để trở thành một người học cả đời, và nếu bạn muốn tiếp tục phát triển, bạn phải không ngừng học hỏi.

Những người tò mò luôn khao khát sở hữu kiến thức. Họ quan tâm đến cuộc sống con người, ý tưởng, kinh nghiệm và sự kiện; họ sống trong một trạng thái liên tục muốn tìm hiểu hơn nữa. Họ liên tục hỏi tại sao? Tò mò là chất xúc tác chính cho việc học hỏi tự giác. Những người tò mò không cần được khuyến khích đặt câu hỏi hoặc khám phá. Họ cứ thế làm việc đó – luôn luôn như vậy. Họ biết rằng dấu vết để khám phá cũng thú vị như chính những khám phá vậy, bởi vì có những điều tuyệt vời cần được học hỏi trên dọc đường đi.

Tò mò giúp một người suy nghĩ và mở rộng các khả năng vượt ra khỏi người bình thường. Việc đặt ra câu hỏi tại sao? Châm nòi trí tưởng tượng. Nó dẫn đến sự khám phá. Nó mở ra các lựa chọn. Nó đưa mọi người vượt lên sự tầm thường và sở hữu một cuộc sống phi thường. Không qua sông sao biết sông sâu, nhưng như ai đó từng nói rằng: “Thế giới này thuộc về những người qua sông trong trí tưởng tượng trước khi bất cứ ai làm việc đó.” Tôi tin rằng đó là lý do tại sao nhà vật lý học đoạt giải Nobel Albert Einstein cho rằng: “Mọi thay đổi có ý nghĩa và lâu dài được bắt đầu từ trí tưởng tượng của bạn và sau đó hoạt động theo cách của nó.” Einstein đã tạo ra những phát minh vĩ đại của mình bởi ông là một người tò mò. Và ông coi bản chất tò mò và trí tưởng tượng của mình là những phẩm chất tuyệt vời nhất của ông.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NUÔI DƯỠNG SỰ TÒ MÒ

Tôi thích những người tò mò. Tôi thích dành thời gian với họ và trò chuyện với họ. Sự phần khích của họ trước kiến thức và việc học hỏi mang tính lây lan. Tôi thường tự hỏi tại sao có nhiều người không tò mò. Quá nhiều người có vẻ thờ ơ. Tại sao họ không hỏi tại sao? Một số người sinh ra đã không có ham muốn học hỏi sao? Hay họ lười biếng? Hay cuộc sống đã trở nên quá sáo mòn đến mức họ chẳng bận tâm khi mình đang sống một cuộc sống tẻ nhạt, làm cùng một công việc hết ngày này sang ngày khác? Những người như vậy có thể “đánh thức” tâm trí của họ và trở nên tò mò hơn để sự phát triển cá nhân trở nên tự nhiên hơn đối với họ không?

Tôi hy vọng là có. Tôi tin là có. Đó là lý do tại sao tôi đã viết chương này. Và đó là lý do tại sao tôi khuyên bạn làm theo 10 gợi ý sau để nuôi dưỡng sự tò mò:

1. Tin rằng mình có thể tò mò

Nhiều người lấp đầy tâm trí của họ bằng những niềm tin hạn chế. Sự thiếu tự tin hoặc thiếu sự tự trọng khiến họ tạo ra những rào cản cho chính mình và áp những hạn chế vào cách thức và những gì họ nghĩ. Kết quả ư? Họ không đạt được tiềm năng của mình – không phải vì họ thiếu năng lực mà vì họ không muốn sẵn lòng mở rộng niềm tin và phá vỡ các nền tảng mới. Chúng ta không thể đạt được thành tựu vượt trội một cách bất cân xứng với những gì chúng ta suy nghĩ bên trong. Bạn không thể trở thành người mà bạn tin rằng mình không thể. Nhưng tin vui là: Bạn có thể thay đổi suy nghĩ của bạn và từ đó thay đổi cuộc sống của bạn.

Cho phép mình được tò mò. Sự khác biệt lớn nhất giữa những người tò mò, phát triển và những người còn lại là niềm tin rằng họ có thể học hỏi, phát triển và thay đổi. Như tôi đã giải thích trong chương Nguyên tắc Có chủ đích, bạn phải bám sát sự phát triển. Kiens thức, hiểu biết và trí tuệ sẽ không tìm đến bạn. Bạn phải tìm đến chúng. Cách tối nhất để làm điều đó là tò mò.

Sự khác biệt lớn nhất giữa những người tò mò,
Phát triển và những người không tò mò hay phát triển
Là niềm tin rằng họ có thể học hỏi, phát triển và thay đổi.

2. Sở hữu tư duy của người mới bắt đầu

Cách bạn tiếp cận cuộc sống và học tập không liên quan đến tuổi tác. Bạn có thể làm mọi thứ với thái độ của mình. Sở hữu tư duy của người mới bắt đầu có nghĩa là tự hỏi tại sao và đặt ra thật nhiều câu hỏi cho đến khi bạn có câu trả lời. Nó cũng có nghĩa là cởi mở và dễ bị tổn thương. Nếu thái độ của bạn giống như một người mới bắt đầu, bạn không có hình ảnh nào để bảo vệ và mong muốn học hỏi nhiều hơn nữa để giữ thể diện. Bạn không bị ảnh hưởng bởi các nguyên tắc đặt trước hoặc cái gọi là tư duy chấp-nhận được. Chuyên gia quản lý Peter Druker cho biết: “Thế mạnh lớn nhất của tôi với tư cách là một nhà tư vấn là không biết gì và đặt ra vài câu hỏi.” Đó là tư duy của người mới bắt đầu.

“Thế mạnh lớn nhất của tôi với tư cách là một nhà
Tư vấn là không biết gì và đặt ra một vài câu hỏi”.
PETER DRUCKER

Những người sở hữu “tư duy của người mới bắt đầu” tiếp cận cuộc sống theo cách mà một đứa trẻ làm: với sự tò mò. Họ giống như một cô bé đang hỏi mẹ mình hết câu này đến câu khác. Cuối cùng người mẹ phải la lên: “Ôi, làm ơn đừng hỏi quá nhiều như thế được không con. Sự tò mò đã giết chết con mèo đấy!”.

Sau vài phút suy nghĩ, đứa trẻ tiếp tục hỏi: “Vậy, con mèo muốn biết điều gì hả mẹ?”.

Đối lập với những người có tư duy của người mới bắt đầu là những kẻ biết tuốt. Họ tự coi mình là chuyên gia. Họ có nhiều kiến thức, sự giáo dục và kinh nghiệm, vì vậy thay vì hỏi tại sao và bắt đầu lắng nghe, họ bắt đầu nói và đưa ra câu trả lời. Bất cứ lúc nào một người trả lời nhiều hơn đặt câu hỏi, bạn có thể chắc chắn rằng họ đã làm chậm sự phát triển trong họ và đã mất đi động lực để phát triển cá nhân.

“Bất cứ lúc nào một người trả lời nhiều hơn đặt câu hỏi, bạn có thể chắc chắn rằng họ làm chậm sự phát triển trong họ và đã mất đi dộng lực để phát triển cá nhân.”

3. Hãy biến “tại sao” thành từ yêu thích của bạn

Albert Einstein dã nói: “Điều quan trọng là không được ngừng hỏi. Sự tò mò có lý do riêng để tồn tại. Người ta chẳng thế làm gì ngoài việc kính phục khi chiêm ngưỡng những bí ẩn về sự vĩnh cửu, về cuộc sống, về cấu trúc kỳ diều của sự thực. Thế là đủ nếu ai đó chỉ cần cố gắng để hiểu được một chút về bí ẩn này mỗi ngày. Đừng bao giờ đánh mất sự tò mò thánh thiện.” Bí mật để duy trì “sự tò mò thánh thiện” ấy là luôn hỏi tại sao.

Trong những năm đầu làm lãnh đạo, tôi nghĩ rằng tôi được cho là một cỗ máy trả lời tự động. Cho dù ai đó hỏi gì đi nữa, tôi cũng hướng dẫn, phấn khởi và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng – cho dù tôi thực sự biết tôi có đang làm gì đó hay không! Khi trưởng thành, tôi phát hiện ra rằng các nhà lãnh đạo phát triển tập trung vào việc đặt câu hỏi thay vì trả lời. Càng hỏi nhiều, chúng ta, với tư cách một đội, càng đạt được kết quả tốt hơn. Và sự thèm muốn đặt nhiều câu hỏi hơn nữa càng tăng. Ngày nay tôi luôn ép mình phải tìm hiểu về những người tôi gặp. Tôi đã trở thành một cỗ máy đặt câu hỏi.

Diễn giả kiêm tác giả Brian tracy nói: “Một tác nhân kích thích rất lớn cho tư duy sáng tạo là những câu hỏi tập trung. Có một điều gì đó ở một câu hỏi được lựa chọn từ ngữ cẩn thận thường đánh trúng trọng tâm vấn đề và tạo ra những ý tưởng và hiểu biết mới.” Đa số các câu hỏi tập trung bắt đầu bằng từ “Tại sao”. Từ đó thực sự có thể giúp bạn làm rõ một vấn đề. Và điều quan trọng là bạn đặt câu hỏi như thế nào. Những người với tư duy nạn nhân sẽ hỏi: “Tại sao lại là tôi?” Không phải vì họ muốn biết lý do, mà vì họ thấy thương cảm cho bản thân. Những người tò mò đặt câu hỏi để tìm ra giải pháp giúp họ có thể tiếp tục tiến bộ và phát triển.

Nhà khoa học, triết gia Georg Christoph Lichtenberg quan sát thấy: “Bước đầu tiên của một người tới sự thông tuệ là đặt câu hỏi về mọi thứ.” Đó là cơ sở để phát triển liên tục. Hãy hỏi tại sao. Khám phá. Đánh giá những gì bạn khám phá. Lặp lại. Đó là một công thức phát triển khá tuyệt vời. Đừng bao giờ quên, bất cứ ai biết tất cả các câu trả lời đều đang không đặt các câu hỏi đúng đắn.

4. Dành thời gian với những người tò mò khác

Khi nghĩ về sự tò mò, phát triển và học tập, bạn có nghĩ về giáo dục chính quy không? Tôi nghĩ rằng trong những năm học đầu đời, sự tò mò được khuyến khích, nhưng sau đó, thì không. Hầu hết các chương trình giáo dục chính quy đều hướng người ta đến những câu trả lời chứng không phải là những câu hỏi. Nếu từng học đại học, đã bao lần bạn thấy giáo sư yêu cầu sinh viên dừng đặt câu hỏi đề ông có thể nói hết hoặc hoàn thành giáo trình của mình?

Bạn có thấy một thái độ cởi mở và tìm kiếm thông tin ở các tổ chức không? Thường là không. Hầu hết các tập đoàn không cố gắng khuyến khích sự tò mò. Jerry Hirshberg, trong cuốn sách của ông The Creative Priority: Putting Innovation to work in your business (tạm dịch: Ưu tiên sáng tạo: Buộc sự đổi mới phải hoạt động trong doanh nghiệp của bạn) đã viết:

Không ai trong một công ty cố tình dập tắt ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, một cấu trúc quan liêu truyền thống, với nhu cầu về dự đoán, logic tuyến tính, chấp nhận các tiêu chuẩn, và mệnh lệnh của các tuyên bố tấm nhìn “tầm xa” gần đây nhất, là một cỗ máy tiêu diệt ý tưởng gần như hoàn hảo. Mọi người trong nhóm đều thoái lui về với sự an toàn của thứ quen thuộc và được kiểm soát tốt. Ngay cả những người sáng tạo cũng làm vậy. Việc đó dễ dàng hơn. Nó tránh được sự mơ hồ, nỗi sợ về những gì không thể đoán trước, sự đe dọa của những gì không quen thuộc và sự lộn xộn của trực giác và cảm xúc của con người.

Vậy bạn phải làm gì để nuôi dưỡng sự tò mò và kích thích phát triển. Bạn phải tìm kiếm những người tò mò khác.

Một vài năm trước đây, Margaret và tôi đã đến Jordan vào kỳ nghỉ. Chúng tôi yêu thích lịch sử và nghệ thuật, và trong nhiều năm chúng tôi đã nghe và đọc về Petra, thành phố cổ được xây dựng bằng đá sa thạch. Nếu bạn đã từng xem Indiana Jones and the last Crusade (Indiana Jones và cuộc thập tự chinh cuối cùng), bạn có thể nhớ mặt tiền bằng đá được chạm khắc thông điệp về nơi chiếc Chén Thánh được cất giấu. Cảnh đó trong bộ phim đã được ghi hình ở ngoài Kho bạc tại Petra.

Khi đến thăm Petra, chúng tôi đã đi bộ nhiều dặm. Vào thời điểm đó, tôi cần phẫu thuật thay thế đệm đầu gối, vì vậy tôi thấy trải nghiệm đó thật khó khăn và đau đớn. Đến giờ ăn trưa, tôi đã kiệt sức và đau đầu gối khủng khiếp. Khi chúng tôi đang ăn, người hướng dẫn nói với chúng tôi rằng có một nơi đẹp hơn để xem những gì khắc trên đá. Nó nằm ở ngọn núi tiếp theo, và chúng tôi có thể xem nó, nhưng phải tự leo.

Hầu hết mọi người đều chọn không tham gia. Như tôi, họ đã mệt. Tôi cũng từ chối. Nhưng khi chúng tôi ngồi ăn trưa và vài người quyết định tham gia chuẩn bị đi, tôi bắt đầu phân vân. Họ tò mò và hào hứng về chuyến đi, và sự hứng thú của họ bắt đầu kích thích và truyền cảm hứng cho tôi. Sự tò mò trước đây của tôi trỗi dậy và không thể chịu đựng được suy nghĩ sẽ bỏ lỡ điều gì đó, Margaret và tôi đã quyết định gia nhập nhóm. Chúng tôi mất một giờ để leo lên núi và hai giờ để quay trở lại, nhưng thật đáng giá. Tôi thậm trí còn không để tâm đến việc suốt tối phải ngâm đầu gối trong phòng khách sạn. Được vây xung quanh bởi những người tò mò thật tuyệt vời. Tôi không biết cách nào tốt hơn thế để nuôi dưỡng và duy trì sự tò mò.

5. Tìm hiểu cái gì đó mới mẻ mỗi ngày

Một trong những cách tốt nhất để duy trì sự tò mò là bắt đầu mỗi ngày với quyết tâm học một cái gì đó mới, trải nghiệm một cái gì đó khác biệt hoặc gặp ai đó mà bạn không biết. Làm điều này đòi hỏi ba điều. Trước tiên, bạn phải thức dậy với một thái độ cởi mở với những điều mới mẻ. Bạn phải coi ngày hôm đó là ngày có rất nhiều cơ hội để học hỏi.

Thức hai, bạn phải luôn cởi mở và đón nhận những thông tin mới trong cả ngày. Hầu hết những người không thành công chấp nhận một ngày của họ diễn ra như thường lệ, nhìn nhận mọi thứ như chúng vốn có và chỉ đơn giản là mong cho hết ngày. Hầu hết những người thành công nắm giữ ngày của họ, tập trung vào đó và bỏ qua những phiền nhiễu. Những người đang phát triển vừa tập trung, vừa duy trì sự nhạy cảm và nhận thức giúp họ đón nhận những trải nghiệm mới.

Yếu tố thứ ba là suy nghĩ. Nhìn thấy cái gì mới mẻ mà không dành thời gian để suy nghĩ về nó không mang lại hiệu quả. Nghe thấy điều gì đó mới mẻ mà không áp dụng nó cũng vậy. Tôi đã nhận thấy rằng cách tốt nhất để học hỏi cái mới là dành thời gian vào cuối ngày để tự hỏi mình những câu hỏi khiến bạn suy nghĩ về những gì bạn học được. Trong nhiều năm, tôi đã rèn cho mình thói quen tổng kết lại sau một ngày và liệt kê ra những điểm nổi bật. Hãy nhớ rằng, trải nghiệm không phải là người thầy tốt nhất; mà là trải nghiệm đã được đánh giá.

“Trải nghiệm không phải là người thầy tốt nhất; mà là trải nghiệm đã được đánh giá”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TƯ DUY KHI ĐỌC
  2. CÁCH ĐỌC MỘT CUỐN SÁCH KHÓ
  3. ĐỌC

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÍCH LỆ ĐIỀU BẠN MUỐN ĐẠT ĐƯỢC MỖI NGÀY
  2. LÀM VIỆC NHÓM: MỖI THÀNH VIÊN ĐỀU CÓ MỘT VỊ TRÍ THÍCH HỢP ĐỂ PHÁT HUY HẾT KHẢ NĂNG CỦA MÌNH
  3. TÔI BIẾT GÌ VỀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM TỒI TỆ

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM