STEPHEN R. COVEY
Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ
Thời gian riêng dành cho mỗi đứa trẻ là rất quan trọng, lũ trẻ thường mong chờ việc này. Đây là thời gian giữa bố hoặc mẹ với một đứa con. Nhớ rằng, khi có người thứ ba xuất hiện, sẽ có sự thay đổi chút ít. Thời gian riêng cho từng đứa con sẽ giúp diệt trừ tận gốc sự ganh tị giữa anh chị em với nhau.
Thời gian riêng với con bao gồm những lần ghé thăm, những cuộc hẹn riêng, những lúc dạy bảo riêng. Vào những dịp như thế, cảm xúc và tình cảm giữa bố mẹ với con cái sâu đậm thêm, giúp nảy nở tình yêu không điều kiện, thúc đẩy sự tôn trọng “trước sau như một”.
Khoảng thời gian gắn kết đặc biệt này còn tạo dựng một niềm tin: mỗi khi gặp rắc rối hoặc vấn nạn xảy đến, con cái có thể an tâm dựa vào mối quan hệ gia đình.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Niềm tin, tình yêu vô điều kiện tạo thành cốt lõi bất biến, cùng với những nguyên tắc bền vững khác, sẽ giúp mọi người trong gia đình đối mặt trước những thay đổi thường xuyên ở bên ngoài xã hội.
Khi lên mười tuổi, tôi rất thích xem phim Chiến tranh giữa các vì sao. Nó là tất cả đối với tôi. Khi đến lượt bố dành thời gian riêng cho tôi, tôi muốn đi xem bộ phim này lần nữa, mặc dù đã xem bốn lần rồi.
Tôi thầm e ngại, việc này có thể là một “vấn đề” vì bố thích chỉ bảo tôi hơn là cho phép tôi tự chọn sở thích. Nhưng khi ông hỏi tôi muốn làm gì vào tối hôm đó, thực sự ông đang nghĩ đến kế hoạch của tôi chứ không phải của ông. “Catherine, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì con muốn”, ông nói, “Đây là buổi tối của con mà”.
Đối với một đứa trẻ mười tuổi, điều đó giống như một giấc mơ chợt biến thành hiện thực: một buổi tối đi cùng với bố để xem một bộ phim mình yêu thích. Vì thế tôi đã nói với ông về kế hoạch của mình. Tôi thoáng thấy một chút do dự trên mặt ông trước khi ông mỉm cười nói: “Chiến tranh giữa các vì sao! Nghe có vẻ hay đấy!”. Và rồi chúng tôi đi xem.
Khi ngồi xuống ghế trong rạp, với bắp rang và kẹo trên tay, tôi vẫn còn nhớ cảm giác chợt thấy mình trở nên quan trọng đối với bố. Khi nhạc bắt đầu, ánh sáng mờ đi, tôi bắt đầu giải thích nho nhỏ cho bố về “các lực lượng” trong phim. Và trong suốt thời gian trình chiếu, tôi giải thích về các hành tinh, sinh vật, sao chổi, những con tàu vũ trụ – tất cả thứ gì dường như xa lạ với bố. Ông ngồi yên, gật đầu và lắng nghe.
Xem phim xong, chúng tôi đi ăn kem, và tôi tiếp tục giải thích về bộ phim với tất cả sự thích thú của mình, đồng thời trả lời rất nhiều câu hỏi của bố.
Vào cuối buổi tối hôm đó, bố cảm ơn tôi vì đã giúp ông hiểu hơn về thế giới khoa học viễn tưởng. Khi chuẩn bị lên giường đi ngủ, tôi cảm ơn Chúa vì đã cho tôi một người bố biết quan tâm, lắng nghe và khiến tôi có cảm giác mình trở nên quan trọng như thế nào. Tôi không bao giờ biết bố có thích bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” theo cách mà tôi thích hay không, nhưng tôi biết rằng bố yêu tôi. Điều đó mới là quan trọng nhất.
Để thể hiện sự tôn trọng của bạn với một đứa trẻ, không gì bằng là dành thời gian cho nó.
Một phụ nữ kể lại, kỷ niệm đáng nhớ nhất hồi bé là việc bố cô đưa cô ra ngoài ăn sáng ở McDonald’s một tuần một lần, trong suốt 10 năm. Sau khi ăn sáng, ông đưa cô đến trường rồi mới đi làm.
Một người mẹ của 5 đứa con đã chia sẻ những nhận thức của cô về sự gắn kết sâu sắc, do cô biết dành thời gian riêng cho đứa con trai như sau:
Vào một ngày, tôi đưa cậu con trai 22 tuổi Brandon ra ngoài ăn trưa. Khi ngồi ăn, chúng tôi bắt đầu nói chuyện về mọi thứ trong cuộc sống của con, bao gồm việc học hành ở trường, những kế hoạch cho tương lai hôn nhân… Trong khi nói chuyện, cậu con trai nói đùa: “Mẹ, con thực sự không biết sau này con muốn làm gì nữa!”.
Tôi nói:“Cuộc sống luôn thay đổi, nhưng con hãy tập trung vào một việc gì đó và sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi”.
Chúng tôi thảo luận rất nhiều về những khả năng cho tương lai, và kết thúc bằng một ý tưởng mà con trai tôi chưa từng xem xét trước đây: lấy một tấm bằng về kinh doanh quốc tế và tiếng Bồ Đào Nha rồi kinh doanh ở Brazil.
Mẹ con tôi đã có một thời gian tuyệt vời bên nhau và chia sẻ. Theo bản tuyên ngôn nhiệm vụ cá nhân của tôi vài năm trước kia, tôi đã đặt mục tiêu là có thời gian riêng với từng đứa con trong tháng. Tôi bắt đầu thói quen này khi chúng vào tiểu học, tôi không chắc thực hiện hoàn hảo nhưng nó đã tạo ra một sự khác biệt trong quan hệ của chúng tôi. Tôi không nghĩ là mình có thể dành được thời gian riêng như thế này với cậu con trai lớn 22 tuổi, nếu tôi không bắt đầu thực hiện điều đó khi nó còn nhỏ.
Chúng tôi cần chuyển đổi từ việc làm cha làm mẹ trở thành một người bạn tốt nhất với con cái, khi chúng lớn lên. Những khoảng thời gian dành riêng cho con trong nhiều năm qua đã khiến cho sự chuyển đổi ấy trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, vì giữa chúng tôi đã có một tình bạn.
Khoảng thời gian nói chuyện riêng có thể được lên kế hoạch trong lịch của gia đình. Tuy nhiên, như lời người phụ nữ dưới đây, không phải lúc nào bạn cũng có thể lên kế hoạch trước cho những cuộc nói chuyện riêng đạt hiệu quả:
Ngoài những thời gian nói chuyện riêng đã được lên kế hoạch, cũng có những lúc chồng tôi hoặc tôi biết được một trong những đứa con trai của chúng tôi đang gặp chuyện gì đó bất ổn. Là bố mẹ, chúng tôi cố gắng nhận ra những thay đổi ấy và sắp xếp thời gian để nói chuyện. Thông thường, Dave sẽ đưa thằng bé đi câu cá hay đưa nó đi ăn trưa. Dave và tôi cố gắng thay phiên nhau. Cả hai chúng tôi không cùng đi một lúc, vì chúng tôi không muốn những cậu con trai của mình cảm thấy bố mẹ đang canh chừng chúng.
Khi các con trai của chúng tôi cảm thấy thoải mái, chúng thường tâm sự những điều chúng quan tâm. Đôi khi đó là một điều gì đó xảy ra với những cậu bạn khác mà chúng không thích. Đôi khi là vấn đề ở trường học – chúng cảm thấy có một thầy giáo nào đó không thích chúng hay chúng cảm thấy bài tập về nhà quá khó, không biết làm thế nào để hoàn thành.
Chúng tôi thường hỏi: “Con có muốn quay về nhà và nói về chuyện đó không? Con có muốn bố mẹ giúp con giải quyết không?”. Quyền quyết định thuộc về thằng bé. Chúng tôi biết, bọn trẻ cần phải học cách đưa ra quyết định và tự mình giải quyết vấn đề. Nhưng chúng tôi cũng nhận ra: mọi người đều cần có ai đó để nói chuyện, bổ sung quan điểm và giúp đỡ để tìm giải pháp. Đó không phải là việc mà bạn có thể lên kế hoạch được. Nó nằm ở bên trong bạn. Nó phải là một phần của trái tim bạn, xuất phát một cách tự nhiên từ sự yêu thương của những người làm cha làm mẹ quan tâm đến con cái và nhận ra những điều bất ổn, biết dành thời gian riêng cho chúng. Con của bạn cần điều đó.
Điều quan trọng nhất là gia đình phải được ưu tiên hàng đầu hơn bất cứ điều gì. Chúng tôi tin rằng, nếu đặt gia đình lên hàng đầu, chúng tôi sẽ không gặp phải những rắc rối trong gia đình, phải mất đến cả tháng, thậm chí cả năm để giải quyết. Vì chúng tôi đã giải quyết từ khi nó hình thành, ngay từ lúc ban đầu.
Hãy luôn luôn nhớ đến tầm quan trọng của gia đình, và hành động dựa trên giá trị, chứ không phải là phản ứng với những gì xảy đến trước mắt.