THỜI GIAN VÀ NỖI SỢ – ĐIỀM TĨNH TRONG BẬN RỘN

MARC LESSER

Trích: Điềm Tĩnh Trong Bận Rộn - ít hơn hiệu quả hơn; dịch giả: Thu Hương; NXB Thanh Niên

Hai nhà sư tranh luận với nhau khi quan sát lá cờ bay trong gió.
Một nhà sư nói: Lá cờ đang chuyển động.
Nhà sư kia quả quyết: Cơn gió đang chuyển động.
Một Thiền sư đáp lại: Không phải lá cờ hay cơn gió đang chuyển động. Tâm trí của hai người mới đang chuyển động.

Câu chuyện giảng dạy Thiền trên thể hiện sức mạnh và tầm ảnh hưởng của nhận thức. Chúng ta có thể đặt ra các giả định để hiểu thế giới, và coi hiểu biết của mình là điều hiển nhiên; nhưng điều chúng ta thực sự thấy chỉ là khái niệm giới hạn của bản thân về thế giới. Cụ thể là, chúng ta có thể cảm thấy bị thách thức (và dễ bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ) khi đứng trước hai ý tưởng đối lập mà cả hai đều đúng. Có nhiều ví dụ thường ngày về việc đối mặt với nghịch lí, nhưng một ví dụ có thể gây ra nỗi sợ trong toàn bộ cuộc sống, mà phần lớn chúng ta chẳng mấy khi để ý đến, đó chính là thời gian.

Nghịch lí đó là chúng ta bị ám ảnh bởi thời gian, nhưng lại không suy nghĩ nhiều về khái niệm thời gian của mình. Thực tế, để phản ứng với tốc độ ngày càng nhanh của cuộc sống và sự bận rộn điên cuồng trong công việc, gần đây nhiều lí thuyết về cách quản lí thời gian tốt nhất đã được đưa ra. Một số người nói rằng hãy quên đi những kĩ thuật quản lí thời gian kiểu cũ và thay vào đó là quản lí năng suất. Những người khác cho rằng bí mật thực sự để tránh được sự bận rộn trong khi vẫn tham gia các hoạt động là quản lí năng lượng. Lại có một quan điểm khác, đó là chìa khóa để thành công và hài lòng là có những giá trị rõ ràng, một mục tiêu rõ ràng và một la bàn nội tâm rõ ràng để vượt qua sự bận rộn và những yếu tố gây xao nhãng.

Tôi luôn muốn nói theo cách của Thiền: không phải quản lý thời gian, năng suất, năng lượng hay mục tiêu; mà hãy quản lí tâm trí của bạn. Thật ra, tôi tin rằng tất cả những cách tiếp cận trên đều chứa đựng những yếu tố quan trọng, tất cả đều đáng chú ý.

Nếu dường như ta không bao giờ có đủ thời gian để hoàn thành tất cả những dự định trong ngày, có lẽ đều là lỗi của Benjamin Franklin cả. Năm 1784, ông tuyên bố một câu nổi tiếng: “Thời gian là tiền bạc”. Ý định của ông là thúc đẩy mọi người làm việc nhiều hơn và không lười nhác. Ông lo lắng về tiềm năng sản xuất, tính đổi mới và siêng năng của nước Mỹ khi đó còn non trẻ. Một sự thay đổi lớn đã diễn ra kể từ đó đến nay!

Tôi luôn muốn nói theo cách của Thiền: không phải quán lý thời gian, năng suất, năng lượng, hay mục tiêu; mà hãy quản lý tâm trí của bạn.

Ngày hôm nay, một trong số những nỗi lo âm thầm ngày càng nguy hiểm của cuộc sống hiện đại là sợ thiếu thời gian. Nhưng thời gian là một khái niệm trừu tượng của con người. Thế giới tự nhiên vận động liền mạch, một chuỗi những ngày và đêm, Mặt Trăng và Mặt Trời thay nhau xuất hiện. Thế giới tự nhiên thay đổi, nhưng chỉ tồn tại duy nhất khoảnh khác hiện tại. Khi con người phát minh ra lịch và đồng hồ, họ có thể đo đếm và chia nhỏ dòng chảy vô tận này. Thời gian trở thành một thứ có thể “tiêu”, “mất”, hoặc “lãng phí; và nếu có một nhiệm vụ trước mắt, chúng ta thường chú ý tới thời gian trở thành một yếu tố gây căng thẳng. Ngày nay, thời gian mình bỏ ra để hoàn thành nhiệm vụ – một tiếng hoặc nửa tiếng hoặc mười phút – hơn là bản thân nhiệm vụ đó. Nếu một nhiệm vụ cần nhiều thời gian hơn dự kiến, nếu chúng ta gấp rút và mắc sai lầm; sự lo lắng bắt đầu nảy sinh. Khi đó hơi thở nông hơn, cảm giác tận hưởng và đạt được thành tựu biến mất. Thường thì, chúng ta càng bị xao nhãng bởi cố gắng thực hiện công việc nhanh nhất có thể, thì lại càng mất nhiều thời gian hơn.

Nhưng dù chúng ta quản lí thời gian tốt đến đâu, những vấn đề và nỗi sợ hãi tiềm ẩn liên quan tới thời gian vẫn tồn tại. Để biến đổi nỗi sợ này, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ và cách trải nghiệm thời gian của bản thân. Chúng ta phải coi thời gian là một thứ gì đó to lớn hơn những phút giây.

THỜI GIAN TƯƠNG ĐỐI VÀ THỜI GIAN TUYỆT ĐỐI

Thời gian tương đối là thời gian của đồng hồ và thời gian tâm lí. Dù chỉ là một thứ do con người tạo ra, thời gian tương đối thật sự hữu dụng. Chúng ta chỉ có thể lên kế hoạch và sắp đặt thứ tự ưu tiên trong thời gian tương đối. Quá khứ hiện tại và tương lai là những công cụ thiết yếu để thấu hiểu, xây dựng tầm nhìn và lên kế hoạch. Một khi đã quyết định điều gì là quan trọng và thiết yếu nhất cần hoàn thành, thời gian tương đối cho phép chúng ta đo lường tương lai (theo giờ, ngày và năm) để có thể thành công đạt được mục tiêu.

Trên thực tế, điều này nghĩa là suy ngẫm về quá khứ (trước đây mọi việc tốn bao nhiêu thời gian?), cân nhắc những lựa chọn (sẽ tốn bao nhiêu thời gian nếu làm theo cách này hoặc cách kia?), và lên kế hoạch mỗi ngày để thời gian được “tiêu” một cách hiệu quả thay vì “bị lãng phí” bởi chúng ta liên tục phản ứng với các yếu tố gây xao nhãng hoặc tập trung vào những thứ có độ ưu tiên thấp hơn.

Thời gian tuyệt đối là khoảnh khắc “hiện tại” không thể đo đếm, luôn tiếp diễn của thế giới tự nhiên, và nó cũng quan trọng không kém. Khi bước vào thời gian tuyệt đối, chúng ta thấy, trải nghiệm bản thân và thế giới vượt ra khỏi thời gian tương đối tạo ra bởi con người. Trong thời gian tuyệt đối, không có “thời gian”. Thay vào đó, chúng ta nhận thức đầy đủ và tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và hoạt động ngay trước mắt mà không nghĩ tới quá khứ hay tương lai. Nghịch lí là, khi nhận thức và hiện diện hoàn toàn trong thời gian tuyệt đối, chúng ta cũng mất đi nhận thức về bản thân mình. Đây chính là ý nghĩa trong câu nói của vị Thiền sư người Nhật Bản Eihei Dogen, sống ở thế kỉ XIII: “Nghiên cứu Phật giáo là nghiên cứu bản thân. Nghiên cứu bản thân là quên đi bản thân. Quên đi bản thân là thức tỉnh với mọi người và vạn vật.

Chúng ta nghiên cứu bản thân để nhận thức được về tình trạng điều kiện hóa của mình – là tổng hợp những trải nghiệm trong quá khứ của chúng ta. Hiểu tình trạng điều kiện hóa của mình là hiểu cách chúng ta phóng chiếu quá khứ vào hiện tại và tương lai. Ví dụ, khi tôi nói từ bầu trời, bạn hình thành một hình ảnh bầu trời trong tâm trí của mình. Bạn biết bầu trời trông như thế nào vì đã nhìn thấy từ trước. Nhưng hình ảnh bầu trời của bạn có thể khác của tôi. Quan trọng hơn, khi bước ra ngoài, bạn có thể không chú ý gì đến bầu trời nữa, bởi vì bạn nghĩ mình đã biết bầu trời trông như thế nào rồi. Bạn đã nhìn thấy bầu trời vô số lần. Tuy nhiên, sự thật là, bầu trời luôn mới mẻ trong từng khoảnh khắc và không bao giờ giống hệt nhau – nó luôn luôn thay đổi, đôi khi khó nhận ra, đôi khi lại rất rõ rệt.

Điều tương tự cũng đúng với bản thân chúng ta. Chúng ta nghĩ ta biết mình là ai, vì đã bị điều kiện hóa bởi những trải nghiệm trong quá khứ. Cũng như với thời gian tương đối, vì sự tiện lợi, chúng ta giữ những ý tưởng cố định về bản thân – như vậy bản thân chúng ta là một thứ có thể đoán trước và đem lại cảm giác yên lòng, giống như các giờ trong một ngày. Tuy nhiên, trong thời gian tuyệt đối, những nhận định tích lũy trong quá khứ không tồn tại. Những gì con người tạo ra dựa trên thời gian tương đối biến mất. Trải nghiệm thời gian tuyệt đối là trải nghiệm thế giới với bản chất thực sự của nó trong khoảnh khắc hiện tại, và như vậy chúng ta cần bớt cố chấp với những ý tưởng của bản thân và những gì mình đã tạo ra.

Khi chúng ta từ bỏ tình trạng điều kiện hóa của bản thân, những thứ bình thường trở nên khác thường một cách đáng chú ý: bầu trời trở nên sống động, những đóa hoa trở nên sống động, thời gian trở nên sống động, và cả những trải nghiệm của chúng ta cũng trở nên sống động. Trong trạng thái đầy sức sống này, chúng ta điểm tĩnh hơn, sẵn sàng hơn và năng suất hơn. Cảm giác tràn đầy sinh lực này đem lại nghĩa tươi mới cho những hoạt động và các mối quan hệ của chúng ta. Nó cũng mở ra những khả năng mới, vì chúng ta không còn bị trói buộc bởi quá khứ. Kết quả là sự tập trung, sự sáng tạo và năng suất được cải thiện. Và sự sợ hãi ít đi.

Trong những buổi trò chuyện và trong cuốn sách Mỹ Stroke of Insight (Tạm dịch: Khoảnh khắc thấu suốt của tôi.), nhà thần kinh học Jill Bolte Taylor miêu tả một cách chi tiết trải nghiệm quan sát bản thân trong cơn đột quỵ. Trong lúc đó, có nhận thức rất rõ não trái của mình đã ngừng hoạt động như thế nào. Bởi vì cô chỉ sử dụng não phải, thời gian dừng lại và tất cả những suy nghĩ lí tính, so sánh cũng ngừng lại. Kết quả là, cô trải nghiệm niềm vui và niềm hạnh phúc tuyệt đối lớn lao. Cô trải nghiệm sự bình an và cởi mở mới mẻ và đầy hấp dẫn, đem lại những hiểu biết mới về ý nghĩa, tình yêu và sự chấp nhận hoàn toàn. Sau đó, nhận ra bản thân đang bị đột quỵ và cần sự giúp đỡ, cô đã có thể tiếp cận não trái để gọi điện thoại. Rõ ràng là chúng ta cần đến não trái, nhưng thông điệp của Taylor là: Đừng quên não phải của mình. Đừng sống mà chối bỏ trạng thái tâm trí độc nhất, phi thời gian, luôn sẵn có cho mỗi chúng ta.

Thật tuyệt vời là chúng ta không phải lựa chọn giữa thời gian tương đối và thời gian tuyệt đối. Như trong câu chuyện Thiền về lá cờ, chúng ta có thể đón nhận tất cả cùng lúc – lá cờ, cơn gió, và tâm trí của chính mình. Trong thời gian tương đối, chúng ta có thể lập kế hoạch và đặt ra những ưu tiên một cách thông minh – làm những việc quan trọng nhất trước. Nhưng trong lúc thực hiện các ưu tiên đó, chúng ta có thể bước vào thời gian tuyệt đối, nơi mỗi khoảnh khắc đều mới mẻ, mỗi hoạt động đều đem lại cảm xúc (và cũng thực sự) tươi mới và sống động

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC: THÓI QUEN
  2. QUY TRÌNH BỐN BƯỚC CHO SỰ SÁNG TẠO TRUYỀN CẢM HỨNG
  3. THIỀN SƯ VÀ NHÀ LÃNH ĐẠO KINH DOANH

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG