THỨ KHÔNG THỂ HẠ GỤC BẠN SẼ KHIẾN BẠN MẠNH MẼ HƠN – IKIGAI

KEN MOGI

Trích "Ikigai - Bí Mật Sống Trường Thọ Và Hạnh Phúc Của Người Nhật"; Vũ Thị Nhân Hậu dịch; NXB Thế Giới, 2018

Một trong những lợi ích của việc có ikigai đó là nó mang lại cho bạn sức mạnh và khả năng phục hồi – cả hai thế mạnh này đều rất cần thiết khi các biến cố trong đời xảy đến. Trong cuộc đời của mỗi con người, khả năng tự đứng dậy sau mỗi lần suy sụp thực sự rất quan trọng, đặc biệt là trong một thế giới đang ngày càng trở nên khó lường và hỗn loạn.

Năm 2012, tôi được nói chuyện trên chương trình Hùng biện TED tại Long Beach California. Chủ đề hôm đó là sự hồi phục của người dân Nhật Bản, đúng một năm sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng diễn ra năm 2011, một thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người.

Vào khoảnh khắc trận động đất xảy ra, tôi đang ngồi trên tàu điện ngầm ở Tokyo. Mặt đất bỗng rung chuyển với rung chấn tôi chưa từng được biết đến, mặc dù tôi sinh ra ở quốc gia thường xuyên xảy ra động đất. Tàu dừng lại, và tôi phải cuốc bộ khá xa để về nhà. Tôi kinh ngạc xem trên điện thoại thông minh những tin tức về cơn sóng thần khổng lồ tấn công cả khu vực Tohoku. Đó là trải nghiệm vô cùng kinh hãi.

Tôi đã trải hết nỗi lòng vào bài chia sẻ trong chương trình TED đó. Tôi đã sử dụng hình ảnh cơn sóng thần đánh vào thành phố Kamaishi, vẫy lá cờ mượn của người đánh cá để minh họa cho biểu tượng của lòng dũng cảm và niềm hy vọng. Tôi đã nói về tinh thần hồi phục của Nhật Bản. Các ngư dân Nhật Bản thường truyền tụng nhau câu nói “Dưới đáy thuyền là địa ngục”. Một khi Mẹ Thiên nhiên nổi giận, ta chẳng thể làm gì ngoài chịu trận. Vậy nhưng các ngư dân vẫn ra khơi, bất chấp rủi ro, gắng hết sức để kiếm sống. Chính nhờ tinh thần ấy, tôi lập luận, mà người dân ở khu vực chịu thiệt hại về động đất và sóng thần hồi phục.

Nhật Bản là một quốc gia phải hứng chịu nhiều thiên tai. Những năm vừa qua, đất nước này đã phải hứng chịu hàng loạt các thảm họa thiên nhiên. Giống như các ngư dân sau trận động đất và sóng thần, người dân Nhật đã thể hiện tinh thần kiên cường tuyệt vời sau mỗi lần hứng chịu thiên tai.

Các đợt núi lửa phun trào gây ra thiệt hại nhiều nhất cho nước Nhật. Năm 1792, nhóm núi lửa Unzen phun trào, làm sụt lún một trong những miệng núi lửa thứ của nó, đã tạo ra một trận siêu sóng thần cướp đi gần 15.000 sinh mệnh. Đợt phun trào cuối cùng của núi lửa Phú Sĩ là vào năm 1707, kéo dài hai tuần lễ. Dù không có ghi nhận số lượng người bị thương vong, nhưng tro núi lửa đã rơi xuống một khu vực rộng lớn, lan đến tận Tokyo (thời điểm đó gọi là Edo) gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất làm nông nghiệp.

Năm 1707 là ‘annus horribilis’ (năm kinh hoàng) đối với đất nước Nhật Bản. Bốn mươi chín ngày trước khi núi lửa Phú Sĩ phun trào, một trận động đất và sóng thần lớn đã xảy ra ở phía tây Nhật Bản, khiến gần 20.000 người chết. Trận động đất và sự phun trào của núi lửa Phú Sĩ nhiều khả năng có quan hệ nhân quả với nhau. Gần đây hơn, Đại thảm họa động đất Kanto năm 1923 xảy ra gần Tokyo khiến hơn 100.000 người tử vong. Những trận động đất kinh hoàng này đã được đạo diễn Hayao Miyazaki sử dụng làm bối cảnh cho bộ phim ‘The Wind Rises [Gió nổi] (2013)’. Cơn bảo Isewan, hay siêu bão Vera diễn ra năm 1959, gây ra một trận lở đất ở gần Nagoya làm hơn 5.000 người thiệt mạng.

Với việc thường xuyên gặp phải thiên tai như vậy, thật khó để có thể tìm thấy một cá nhân nào đó sinh ra và lớn lên trên đất nước này mà trong đời chưa từng phải đối mặt với sự bạo tàn của tự nhiên.

Ngoài thiên tai cũng có những thiệt hại do con người gây ra. Các ngôi nhà ở Nhật Bản thường được làm từ vật liệu truyền thống là gỗ. Trước khi công nghệ chống cháy hiện đại xuất hiện, những tòa nhà này rất dễ bị cháy. Hệ quả là, ở Nhật đã xảy ra hàng loạt các vụ hỏa hoạn lớn, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của. Vụ Đại hỏa hoạn Meireki xảy ra năm 1657, theo như câu chuyện thần thoại được phổ biến rộng rãi thì nguyên nhân của vụ cháy là do một bộ kimono bị ám lời nguyền, đã lan khắp một khu vực rộng lớn của Edo. Gió mạnh đã tiếp sức cho ngọn lửa tàn phá suốt ba ngày, phá hủy gần 70% kinh thành, cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người. Tháp chính của lâu đài Edo, nơi Shogun sinh sống, đã bị thiêu trụi hoàn toàn và không bao giờ được xây lại trong suốt thời đại Edo, chấm dứt năm 1867.

Những vụ đánh bom Tokyo trong Thế chiến thứ hai cũng đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp. Cụ thể, vào các đêm mùng 09 và mùng 10 tháng Ba năm 1945, trong chiến dịch mà quân Đồng minh gọi là “Chiến dịch Nhà nguyện (Operation Meetinghouse)”, khi hàng trăm máy bay ném bom B-29 đã thả các loại bom chùm, giải phóng các quả bom na-pan bên trong bom mẹ. Hậu quả là khu vực trung tâm Tokyo bị phá hủy hoàn toàn giết chết 100.000 người. Đây là một thảm kịch, khi mà mới trước đó chưa đầy hai mươi năm, Nhật Bản đã phải gánh chịu Đại thảm họa động đất Kanto (1923) khiến chính khu vực này gần như bị hủy hoại hoàn toàn.

Hôm nay, nếu đứng trên một con phố sầm uất của Tokyo, bạn sẽ kinh ngạc khi không thể nhận ra bất cứ dấu vết nào của thảm họa kinh hoàng từng giáng xuống đánh bom Tokyo năm 1945 ngày nay vẫn có được sự bình an và thịnh vượng giống như phần còn lại của thủ đô. Bất cứ ai cũng mong những điều tốt đẹp như vậy sẽ còn mãi trong tương lai.

Người Nhật tìm thấy nguồn năng lượng để tiếp tục sống ở đâu vậy?

Một số người có thể tìm thấy các nguồn cảm hứng và động lực để gượng dậy trong các chuẩn mực và đạo đức xã hội. Sự giáo dục và tài chính ổn định cũng đóng vai trò quan trọng, cả các mối quan hệ gia đình và tình bạn cũng vậy.

Thông điệp này được người Nhật dạy lại cho con trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. ‘Tuần san thiếu niên Jump’, một tạp chí chuyên về truyện tranh do công ty Shueisha, Tokyo, xuất bản, luôn tự hào với lượng lưu hành trên hai triệu bản. Trong những năm qua, tuần san truyện tranh bán chạy nhất thế giới này đã cam kết ba giá trị trong thông điệp mà các bài viết của tuần san mang truyền tải là: tình bạn, chiến đấu và chiến thắng. Ba nền tảng của cuộc sống này ban đầu được xác định dựa trên bảng câu hỏi gửi cho các học sinh lớp bốn và năm ở trường tiểu học. Trẻ nhỏ ở Nhật Bản lớn lên với nhận thức sâu sắc về những giá trị quan trọng của cuộc sống, trong đó những dạng thức đương đầu và khắc phục khó khăn nhờ hợp tác với bạn bè sẽ được chúng tiếp nhận thông qua các tác phẩm truyện tranh. Điều này góp phần làm cho trẻ em Nhật có một cảm thức rõ ràng về ikigai (trong ‘Tuần san thiếu niên Jump’ đó là tình bạn, chiến đấu và chiến thắng) từ khi chúng còn rất nhỏ.

Nhưng từ trước tới nay tôn giáo rõ ràng là luôn đóng vai trò quan trọng trong khả năng hồi phục của người dân Nhật Bản. Và đó là một hình thức tôn giáo đặc biệt.

Từ xa xưa, tôn giáo của người Nhật được đặc trưng bởi ý tưởng về “tám triệu thần linh” trong đó “tám triệu” đại diện cho tính vô hạn. Người Nhật có truyền thống ưa thích ý tưởng rằng có vô hạn các ý nghĩa và giá trị tôn giáo trong cuộc sống, trái với một nguồn duy nhất đại diện cho ý chí của một vị thần.

Có một trời khác biệt giữa tôn giáo chỉ thờ một vị thần duy nhất, người nói cho bạn biết điều cần làm và cách để sống, và quan niệm của người Nhật về tám triệu vị thần. Vị thần độc nhất phân định điều tốt và điều xấu, quyết định ai sẽ lên thiên đàng hoặc bị đày xuống địa ngục. Trong Thần đạo, với niềm tin vào tám triệu vị thần, đức tin được chia sẻ cho nhiều vị thần hơn. Thần đạo được hình thành từ nhiều các nghi lễ nhỏ thể hiện chánh niệm của tự nhiên và môi trường sống. Và thay vì tập trung vào cuộc sống ở kiếp sau, vốn là một phần quan trọng của Kito giáo, Thần đạo coi trọng hơn vào thực tại hiện hữu, và cách con người là một phần của mạng lưới các thành tố cấu thành thế giới như ta thấy. Người Nhật tin rằng các thành tố đa dạng, không bị giới hạn bởi các giáo lý tôn giáo nghiêm ngặt, cần phải gắn liền với thực tế và cuộc sống thế tục, và ý tưởng về tám triệu vị thần là ẩn dụ cho một triết lý như vậy.

Phải thừa nhận rằng hệ đức tin trong Thần đạo cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài. Chánh niệm thấm đẫm trong triết lý về cuộc sống của người Nhật chịu ảnh hưởng của truyền thống thiền định Phật giáo, trong đó hướng con người ta đến những hành vi tốt đẹp và dần hoàn thiện mình. Ikigai cũng có mối liên hệ đáng ngạc nhiên khác với các giá trị được miêu tả trong ‘Huấn ca’ (Ecclesiastes) – một trong hai mươi bốn cuốn sách của Kinh thánh Do Thái, vốn cho rằng về cơ bản cuộc sống là vô thường, chỉ là “cõi tạm”. Bởi thế, ‘Huấn ca’ khuyên chúng ta tìm kiếm niềm vui từ những phần thưởng nhỏ bé trong cuộc sống, những thứ mà Chúa ban cho, và con người nên nhận lấy với lòng biết ơn chân thành – rất phù hợp với triết lý của ikigai.

Văn hóa Nhật Bản cũng chịu nhiều tác động của Nho giáo, đặc biệt là cách hành xử giữa đời thường, đặc biệt là mối quan hệ thầy – trò và sự kính trọng đối với những người lớn tuổi. Ý niệm thay đổi thế giới bên ngoài bằng cách thay đổi bản thân của Nho giáo, một điểm được nhấn mạnh trong hình thức Thiền (Zen) truyền thống của người Nhật, là ảnh hưởng lớn nhất trong các ảnh hưởng đa chiều như vậy.

Trong thế giới này, vạn vật đều kết nối với nhau, và không có thứ gì bị cô lập cả.

Người Nhật Bản mặc định rằng mọi thứ mang tính tôn giáo đều phải được đặt trong bối cảnh thế tục thường ngày. Dù hầu hết người Nhật không nhận thức được bối cảnh lịch sử của cách tiếp cận tôn giáo có vẻ tầm thường, quan niệm về tám triệu vị thần, trong đó việc người Nhật nhìn thấy các vị thần ở mọi thứ xung quanh, trong chính con người, động vật và thực vật, trong những ngọn núi hùng vĩ hay trong những vật dụng nhỏ bé thường ngày, chắc chắn có nhiều ẩn ý.

Các môn võ của Nhật Bản, một trận đấu sumo hoặc một trận judo, thường bắt đầu và kết thúc bằng một cử chỉ cúi gập người. Như chúng ta đã thấy, khi một võ sĩ sumo thắng trận, anh ta không tỏ ra vui sướng ra mặt, để tôn trọng người bị đánh bại. Còn các võ sĩ bị đánh bại, thừa nhận thất bại với tâm thế ngẩng cao đầu. Mỗi võ sĩ sumo hoặc judo là một kẻ thua cuộc vẻ vang đúng nghĩa, chí ít thì lý tưởng là vậy hoặc bề ngoài là thế. Đó đơn giản là sự tôn trọng lẫn nhau. Đây là một ví dụ về việc tìm thấy niềm vui và sự hài lòng trong việc làm những việc nhỏ một cách đúng đắn, nhằm hướng đến lợi ích lớn hơn.

Trong tâm trí của người Nhật, ứng dụng của triết lý về tám triệu vị thần không giới hạn xuống con người, hoặc những sinh vật sống. Các vật dụng vô tri có thể đối xử tốt với con người, miễn là chúng ta tôn trọng chúng. Tuy nhiên, nếu chúng ta đối xử bất cần và vô tâm với chúng, chúng sẽ cáu giận và có thể đánh trả. Một truyện cổ dân gian của Nhật nói về một trăm con quái (Hyaakki Yagyo) mô tả một số vật dụng cũ trong gia đình (như bát, chổi và quần áo) biến hình thành quái vật và diễu hành trên đường phố vào ban đêm. Người ta tin rằng các đồ vật trong gia đình có thể biến thành quái vật sau nhiều năm sử dụng, đặc biệt nếu con người không đối xử tốt với chúng. Những đồ gia dụng đã biến thành quái vật đôi khi được gọi là tsukumokami, hoặc chín mươi chín vị thần, trong đó “chín mươi chín” (năm) tượng trưng cho một thời gian dài. Do đó, tồn tại những vị thần trong các đồ gia dụng. Niềm tin đó đã ăn sâu vào tiềm thức đối với nhiều người Nhật ngày nay.

Ý niệm về thần linh của người Nhật, như trong triết lý về tám triệu vị thần, hoàn toàn khác với quan niệm của phương Tây về các vị thần. Khi một người Nhật nói rằng họ tin rằng có một vị thần trong một đồ gia dụng nào đó, điều đó ngụ ý rằng cần phải đối xử tôn trọng nó, thay vì nói rằng một vị thần, người sáng tạo ra toàn bộ vũ trụ, được gói gọn một cách kỳ diệu trong không gian nhỏ bé đó.

Thái độ của một người phản ánh trong những hành động của người đó. Một người tin rằng có thần linh ngụ trong một vật sẽ tiếp cận cuộc sống khác với người không tin vào điều đó. Niềm tin cũng được biểu hiện trong cách cư xử hằng ngày ở các mức độ khác nhau. Có người tin vào một vị thần sống trong những đồ vật nhỏ, trong những người khác tôn trọng và cẩn thận khi đối xử với mọi vật quanh họ mà không nhất thiết tin rằng trong chúng có một vị thần cư ngụ. Ở Nhật, người ta vẫn hay bắt gặp cảnh các nhân viên vận chuyển hành lý và cả nhân viên không lưu cúi chào hay vẫy tay tạm biệt những chiếc máy bay vừa cất cánh, một cảnh tượng quá đỗi bình thường với người Nhật nhưng lại khiến nhiều người nước ngoài ngạc nhiên và băn khoăn.

Đối với một người Nhật điển hình, cuộc sống là sự cân bằng của nhiều điều nho nhỏ, chứ không phải là thứ gì đó được ban xuống từ một giáo lý độc thành nào đó. Mặc dù ở một vài xã hội, thái độ hời hợt đối với tôn giáo có thể khiến người khác tỏ ra khó chịu, nhưng với một người Nhật việc quan tâm tới nhiều tôn giáo cũng là điều hết sức tự nhiên. Với người Nhật, các chủ đề tôn giáo đều được hoan nghênh, miễn là chúng đóng góp cho sự đa dạng của một nền tảng thế tục cho cuộc sống.

Tầm quan trọng của các giá trị thế tục trái ngược với các hệ giá trị tôn giáo nghiêm ngặt là một mặt quan trọng trong cách sống của người Nhật, có liên quan rất nhiều tới việc tạo nên một ikigai mạnh mẽ. Người Nhật, ngay cả khi tỏ lòng ngưỡng vọng một tổ chức tôn giáo nào đó, họ hiếm khi làm vậy với sự khắt khe mà loại trừ những tôn giáo khác. Đối với một người Nhật, hoàn toàn bình thường khi viếng thăm đền thờ đạo Thần đạo vào ngày đầu năm mới, ăn mừng Giáng sinh với người yêu, lập gia đình theo phong cách Cơ đốc giáo và dự đám tang theo nghi lễ Phật giáo. Họ thật sự không quá để ý đến tính thiếu nhất quán. Trong những năm gần đây, nhiều người Nhật coi Giáng sinh, Halloween và lễ Phục sinh như những ngày lễ họ có thể ra đường phố dạo chơi, mua sắm, ăn uống và có một thời gian vui vẻ. Nói cách khác, người Nhật dần dần đồng hóa các truyền thống tôn giáo được du nhập từ nước ngoài vào trong bối cảnh tám triệu vị thần.

Trong quá khứ, “tính linh hoạt” như vậy từng bị chỉ trích gay gắt là thiếu niềm tin “thực sự” vào tôn giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đương đại, nơi mà nhiều người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau đôi khi xung đột dẫn đến những kết cục bi thảm, lối suy nghĩ về tôn giáo có phần không phù hợp của người Nhật có thể sẽ được đề cao. Việc theo đuổi ikigai cá nhân theo phong cách Nhật, với đầy đủ các phổ giá trị, có thể được nhìn nhận như cách để đạt được sự an nhiên trong một thế giới mà chủ nghĩa cực đoan có xu hướng giữ vai trò chủ đạo.

Nói thế không có nghĩa là Nhật Bản miễn nhiễm hoàn toàn với các cuộc xung đột tôn giáo. Xuyên suốt lịch sử Nhật Bản, đã có thời xảy ra đàn áp tôn giáo tàn bạo, đặc biệt là khi tôn giáo ấy bị cho là xung đột với các giá trị thế tục. Ví dụ, năm 1571, trong một loạt các sự kiện sau này sử sách ghi lại là “Cuộc vây hãm núi Hiei”, lãnh chúa Nobunaga Oda (người tự sát ở đền Honno, đồng thời phá hủy “chén ngàn sao” thứ tư được nhắc đến trong chương 3) đã ra lệnh thiêu hủy hàng trăm đền thờ, tàn sát hơn 20.000 tu sĩ và dân thường. Một số sử gia cho rằng hành động tàn bạo này đã ngăn chặn hiệu quả các tín ngưỡng tôn giáo chi phối lối sống thế tục của người Nhật.

Thiên Chúa giáo được nhiều nhà truyền giáo mang tới Nhật Bản, nổi bật nhất là Francis Zavier (1506-1552), nhà truyền giáo đầu tiên đến Nhật Bản năm 1549. Ban đầu, các chiến binh samurai hoan nghênh tín ngưỡng và văn hóa mới đến mang hơi hướng ngoại lai ấy. Thậm chí còn có nhiều trường hợp chính các lãnh chúa còn cải đạo sang Thiên Chúa giáo. Sau một thời kỳ “yên ấm”, Hideyoshi Toyotomi, một lãnh chúa quyền lực, đã tuyên bố cấm Thiên Chúa giáo năm 1587, và lại tiếp tục cấm vào năm 1596. Lệnh cấm vẫn có nhiều chỗ chưa triệt để, và nhiều nhà truyền giáo vẫn tiếp tục công việc của họ tại Nhật Bản.

Khi phải lựa chọn giữa việc tận hiến cho một nguyên tắc và cho một dải các hệ tư tưởng, một người Nhật điển hình sẽ chọn cái sau. Điều này đã giúp nước Nhật hấp thụ nhiều thứ mới lạ từ nước ngoài, vì có rất ít những cấm kỵ làm giới hạn sự ham học hỏi của người dân. Mặc khác, việc coi trọng sự cân bằng của những điều nhỏ khiến người Nhật khó mà tuân theo chỉ một quy tắc. Trong bộ phim “The Silence” [tạm dịch: Tĩnh lặng] (2016) của đạo diễn Martin Scorsese, dựa theo tiểu thuyết kinh điển của Shusaku Endo, giáo sĩ Kito, Cha Rodrigues vốn bị ép phải cải đạo dưới chế độ Mạc phủ đã ví Nhật Bản như một “đầm lầy”, nơi không có loại cây cối nào có thể bắt rễ sâu để phát triển. Ông tiếp tục nói rằng ngay cả khi Thiên Chúa giáo được người Nhật tin theo thì nó cũng là một thứ tôn giáo khác với nguyên gốc, được biến đổi và hấp thụ theo cách của Nhật Bản. Trong một vùng đất của tám triệu vị thần thì ý niệm của Thiên Chúa giáo về Đức Chúa trời khó có thể được chấp nhận.

Hình ảnh “đầm lầy” có lẽ hơi mang ý xúc phạm, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Xúc phạm hay không phụ thuộc vào thành kiến của người nhận xét, chứ không phải trong bản chất của bản thân cái đầm lầy. Một đầm lầy là một hệ sinh thái phong phú, nơi nhiều vi sinh vật phát triển mạnh. Sự sống trên Trái đất có khả năng đã bắt nguồn từ một môi trường tương tự như đầm lầy. Trong ruột, bộ phận mà nhiều năm gần đây được chỉ ra là có vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của chúng ta, có một hệ sinh thái vi sinh vật phong phú thiết yếu cho việc duy trì sức khỏe của chúng ta.

Ikigai của một người thực sự cũng giống như một đầm lầy, nếu có đủ sự đa dạng và chiều sâu. Tóm lại, nơi đầm lầy cũng có vẻ đẹp của nó. Rất có thể có đến tám triệu vị thần đang cư ngụ tại đó.

Hãy tự hỏi bản thân điều này: những điều nhỏ bé nào ở trong đầm lầy tâm trí bạn, thứ sẽ giúp bạn vượt qua một chặng đường khó khăn? Có lẽ có những yếu tố bạn muốn tập trung và lưu giữ chúng luôn hiện hữu trong tâm trí.

???

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HÃY LÀM CHO NGÀY MAI TRỞ NÊN ĐẶC BIỆT
  2. NGHỊ LỰC VÀ CAN ĐẢM

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG