LAMA SURYA DAS
Trích: Đánh Thức Phật Tâm/ Lama Surya Das; Thái An dịch Việt; NXB. Hồng Đức
——
THỰC HÀNH LẮNG NGHE BẮT ĐẦU VỚI SỰ YÊN LẶNG: MỘT SUY NGẪM
Kabir, nhà thơ và thánh nhân Ấn Độ thời Trung cổ, nói rằng: “Thượng đế nghe được cả tiếng những chiếc vòng kêu chói tai ở chân một con muỗi”.
Sẽ như thế nào nếu làm cho sự nghe trở nên sắc sảo, tinh nhạy và hoà hợp đến vậy với thế giới, đến nỗi chúng ta có thể nghe được mọi thứ – những gì được nói ra cũng như không được nói ra? Chẳng mấy người trong chúng ta đến gần được lý tưởng đó; ta vẫn đang vật lộn để nghe được bạn bè, bạn đời, con cái mình. Ta đang vật lộn để nghe được những khác biệt giữa sự thật và ảo tưởng trong cuộc đời mình; ta vẫn đang cố gắng học cách lắng nghe.
Các bậc thầy Tây Tạng nói rằng có ba kiểu trí huệ. Đầu tiên, trí huệ lắng nghe. Tiếp đó là trí huệ suy ngẫm, quán chiếu, rồi có trí huệ thuộc về trải nghiệm trong thiền định. Nói ngắn gọn, chúng ta lắng nghe và biết, rồi suy ngẫm, sau đó hành thiền và hấp thu nó. Trong toàn bộ quá trình này có sự nhấn mạnh vô cùng lớn vào việc lắng nghe.
Để giúp chúng ta suy ngẫm về năng lực nghe của mình, các vị thầy Tây Tạng thường sử dụng biểu tượng cái nồi nấu, đang chờ để được làm đầy với kiến thứ và minh triết, đây là những thứ làm thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn. Thậm chí có một bài dạy mà những môn sinh thành tâm có thể áp dụng cho mình, được gọi là Năm khiếm khuyết của một cái bình. Bài dạy này giúp chúng ta suy nghĩ về những tình trạng cần tránh để ta trở thành những cái bình phù hợp chứa đựng chân lý và minh triết.
Năm khiếm khuyết của một cái bình
1. Cái bình bị lật úp
Khi đang nhìn về một hướng đi sai, căn bản ta sẽ không thể thấy được ngay cả những thứ bổ ích nhất. Đây là lời nhắc rằng chúng ta phải chọn hướng mà mình sẽ đi tới. Chúng ta cần đưa ra những lựa chọn sáng suốt và sẵn sàng lắng nghe những lời dạy minh triết.
2. Cái bình bị bịt
Bạn có từng thử nói chuyện với ai đó đang đeo tai nghe? Cũng tương tự, làm thế nào có thể rót bất cứ thứ gì vào một cái bình bị đóng lại trên mọi phương diện? Điều này nhắc chúng ta trở nên đón nhận và cởi mở.
3. Cái bình vốn đã chứa thứ gì đó độc hại
Nếu rót thứ nước tinh khiết nhất vào một cái bình đã chứa chất độc, mặc dù chất độc sẽ bị làm loãng, nhưng nước vẫn bị hư hại. Điều này nhắc ta thanh tịnh bản thân để trở nên sẵn sàng đón nhận.
4. Cái bình đã đầy đến miệng
Biểu tượng này nói cho chúng ta đừng kiêu ngạo, đừng chứa đầy những ý kiến, quan niệm đến không có chỗ cho bất cứ thứ gì khác.
5. Cái bình bị rò
Chúng ta đều biết câu ngạn ngữ “vào tai nọ, ra tai kia”. Lắng nghe, hấp thu minh triết là không đủ, chúng ta cần học cách giữ lại.
YÊN LẶNG CAO QUÝ
Lắng nghe diễn ra không chỉ thông qua tai, mà với tất cả các giác quan. Có những lúc, cách tốt nhất để chuẩn bị bản thân nhằm có thể nghe theo một cách thức mới và tốt hơn, đó là yên tĩnh và im lặng. Khi chúng ta làm yên lặng cái đầu và cái miệng của mình, ta sẽ thấy mình có khả năng tốt hơn để mở rộng trái tim. Thực hành cổ xưa “Yên lặng cao quý” giúp chúng ta bắt đầu quá trình nghe theo một cách mới, đây là một thực hành sáng suốt, phi thời gian, giúp chúng ta trở nên nhạy bén và mẫn cảm hơn.
Theo truyền thống, thực hành Yên lặng cao quý bắt đầu với lời nguyện giữ yên lặng trong một thời gian cụ thể. Đó có thể là một giờ, một ngày, một tuần, hoặc một tháng. Có những môn sinh đã giữ Yên lặng cao quý hàng năm. Thậm chí, ở Ấn Độ có một thực hành giữ yên lặng cả đời gọi là “maun”. Bậc thầy nổi tiếng Meher Baba là một mauni baba, một bậc thiêng liêng yên lặng. Từ lâu trước khi thể loại nhạc reggae được tạo ra, ngài đã dùng một cái bảng đen nhỏ để giải thích một cách đơn giản những thông điệp cô đọng của ngài, chẳng hạn: “Đừng lo âu, hãy hoan lạc”.
Nếu bạn muốn thử một thời kỳ Yên lặng cao quý, hãy nhớ, nó là sự nghỉ ngơi của tất cả các giác quan. Hãy tắt máy tính, điện thoại, tivi. Hãy tận hưởng việc bỏ qua mọi thông tin. Bỏ đi những ý nghĩ trong đầu. Giữ yên lặng. Nương vào sự bình an bên trong của tâm yên lặng. Đừng viết, đừng đọc. Giữ thanh tĩnh. Lắng nghe xung quanh. Bạn nghe thấy gì? Bạn nhìn thấy gì? Hãy mở rộng mắt, hãy mở rộng tai, hãy mở rộng trái tim. Lắng nghe tiếng nói bên trong. Đây là cách chúng ta học để tu dưỡng cái nghe, sự cảm nhận, và cái thấy ở những cấp độ cao hơn.
– Trích trong Tôi có thể giúp thế nào (How Can I Help) của Ram Dass và Paul Gorman.
——