THỰC HÀNH THIỆN HẠNH

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Tự Truyện Pháp Ký; Drukpa Việt Nam biên dịch; Nhà xuất bản Tôn giáo

Thân, tâm, và cha mẹ theo phúc báo

Khi nghĩ về thân tâm hiện đời, tôi tin chắc là thiện nghiệp được tích lũy từ các đời quá khứ đã tạo ra mối liên hệ thiện lành hiện tại. Vô số trẻ em sinh ra trên thế giới này nhưng chỉ một số có phúc duyên được sinh ra tại miền thánh địa tại Ấn Độ được hạnh ngộ bậc Thầy tâm linh lúc chào đời, được các bậc Thầy chứng ngộ ẵm bế, nghe giảng pháp về thiện hạnh, được sinh vào một gia đình không hề làm hại bất kỳ chúng sinh nào, dù lớn hay nhỏ, và được thấy gương mặt cha mẹ phản chiếu Bồ để tâm và lòng bi mẫn. Hơn 95% trẻ em sinh ra không có đủ những điều kiện để sống và tu tập con đường đạo thực hành thiện hạnh và an lạc.

Lời dạy và tấm gương xấu khiến con người hư hỏng

Nếu từ khoảnh khắc chào đời, chúng ta phải sống cùng cha mẹ và họ hàng ưa thích việc sát sinh và làm hại mọi người, thì chúng ta sẽ được dạy cách giết hại những loài vật vô tội, lừa dối mọi người bằng hành động và lời nói, và sẽ rất khó thấy ai chỉ cho chúng ta con đường thực hành thiện hạnh. Kể cả khi chúng ta thực hành một truyền thống tôn giáo trong hoàn cảnh đó, chúng ta vẫn có tâm phân biệt, coi con người có vị trí đặc biệt và khác với các loài vật như chó, lợn, ngựa, và gia súc… dù các loài cũng biết vui, buồn như chúng ta. Những tôn giáo như vậy dạy rằng những loài vật này, mặc dù từ bi với chúng ta hơn con người và có tình yêu thương bi mẫn lớn lao hơn so với họ hàng, quyến thuộc của chúng ta, là được đấng sáng tạo ban cho chúng ta sử dụng. Một số tôn giáo còn giết hại hàng trăm người để hiến tế cho thần linh.

Ngày nay, một số người giảng rằng giết hại những người vô tội bằng cách ném bom vào nhà họ hay đặt mìn các phương tiện giao thông là phụng sự Đấng sáng tạo. Một số người khác giảng rằng hiến tế động vật là một cách làm vui lòng các vị thần để được ban phúc lành. Vì những lời giảng sai lệch đó, hàng trăm nghìn động vật vô tội đã bị giết để tế thần. Hàng trăm năm trước, thậm chí con người cũng bị giết để tế thần. Vì thế mà nhiều người khó lòng có cơ hội phù hợp để thực hành tu tập thiện hạnh.

Do vậy, ngay cả khi chúng ta đã tích lũy được nghiệp lành trong một đời quá khứ, thiện nghiệp đó không thể trổ quả vì thiếu đi các duyên lành. Ngoài lý do thiếu nhân duyên, chắc chắn những người đó đã từng tích lũy thiện hạnh. Với việc làm hại chúng sinh trong đời này, họ đã vô minh tích lũy thêm ác nghiệp và nhất định sẽ phải chịu các quả báo của nghiệp ác trong đời này và các đời sau. Không ai phải chịu quả báo của nghiệp mà họ không tạo ra, và các nhân đã gieo nhất định sẽ có quả báo. Vì không ngại tích lũy ác nghiệp, chúng ta nhất định sẽ phải chịu khổ đau khi các ác nghiệp đó trổ quả. Đây là cách khiến chúng sinh trôi lăn trong luân hồi.

Nếu chúng ta phát nguyện không làm hại chúng sinh và tinh tấn thực hành giúp đỡ chúng sinh, thì dần dần những khổ đau to lớn của chúng ta sẽ giảm xuống cho đến khi không còn khổ đau nữa. Đây chính là sự giải thoát khỏi luân hồi. Giáo pháp dạy rằng sau khi đã chứng đắc giải thoát, bậc giác ngộ có thể chủ động quay lại luân hồi để cứu độ chúng sinh chứ không phải quay lại luân hồi để trả nghiệp. Vì thế, để viên mãn tâm nguyện tốt lành của mình, không những chúng ta cần tích lũy thiện nghiệp mà điều quan trọng là còn cần hội tụ đủ các duyên thuận lợi.

Bất kỳ thiện nghiệp nào cũng cần được thực hiện với động cơ vì lợi ích chúng sinh. Đặc biệt vào thời điểm chết, chúng ta không được để các xúc tình phiền não như chấp ngã và sân giận chi phối mà phải chuyên tâm thực hành và làm theo các khai thị về tình yêu thương, lòng bi mẫn và Bồ đề tâm. Khi đã hội tụ đủ các nhân duyên cần thiết, điều quan trọng là cần sử dụng các nhân duyên đó để tạo ra sự tái sinh thuận lợi hơn trong đời sau vì lợi ích chúng sinh. Việc này được gọi là tạo dựng nhân duyên. Đây là lý do tại sao tôi luôn nhấn mạnh rằng ngay lúc này đây chúng ta cần làm cho cuộc sống của bản thân trở nên ý nghĩa.

Chúng ta cần thực hành để tâm phiền não chuyển hóa thành Bồ đề tâm. Nếu biết tin vào tái sinh thì đó là niềm tin tốt lành vì chúng ta sẽ dễ dàng thực hành hơn. Chúng ta sẽ có thể trưởng dưỡng thói quen tốt bằng sự nhìn xa trông rộng. Những ai không tin vào tái sinh nhưng tinh tấn trưởng dưỡng tâm nguyện thiện lành và hành động nhất mực vì lợi ích chúng sinh, thì từ khi tỉnh giấc cho đến tận lúc đi ngủ, người đó chắc chắn sẽ đạt được quan kiến mới và hỷ lạc ngay trong đời này nhờ nhận ra hạnh phúc chân thực. Mọi người từ bạn bè và gia đình sẽ yêu thương và trân trọng họ. Chỉ cần như vậy cũng đã khiến họ được hạnh phúc.

Việc đó giống như câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, hay như thượng sư Shantarakshita từng dạy: “Nếu chăm chỉ thực hành, không có việc gì khó cả”. Dù cho tin có kiếp sau hay không, chúng ta vẫn phải chịu quả báo của những hành động mình đã thực hiện. Một nghiệp lành cần có nền tảng là động cơ thiện lành và phải thực sự hành động, chứ không chỉ tồn tại trong lời nói hay suy nghĩ. Chúng ta phải làm quen với việc thực hành thiện nghiệp. Người có thói quen thực hành thiện nghiệp trở thành một người tốt. Người có thói quen tạo ra các ác nghiệp trở thành người xấu. Đây là cách vận hành của nghiệp. Tất cả chúng ta ắt hẳn đều biết điều này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. QUY LUẬT CỦA NGHIỆP QUẢ
  2. MỞ RỘNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN
  3. QUẢ BÁO CỦA VIỆC SÁT SINH

Bài viết khác của tác giả

  1. TỰ DO TRONG KỶ LUẬT – HẠNH PHÚC TẠI TÂM
  2. SỐNG HÒA HỢP VỚI CẢM XÚC CỦA BẠN
  3. TRƯỞNG DƯỠNG TÂM TỪ BI

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG