THỰC TẬP PHẬT PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI

VENERABLE THUBTEN CHODRON

Trích: Để Có Hạnh Phúc (The path to happiness); Tâm Tuệ Uyển Việt dịch, 2016

Thubten Chodron sinh năm 1950, lớn lên gần thành phố Los Angeles (Hoa Kỳ). Bà tốt nghiệp chuyên ngành Lịch Sử, sau đại học chuyên ngành giáo dục. Năm 1975, bà tham gia một khóa học về thiền của Ven. Lama Yeshe và Ven. Zopa Rinpoche, và sau đó tiếp tục tu học tại Tu viện Kopan Monastery (Nepal). Năm 1977 bà xuất gia, tu tập dưới sự hướng dẫn của Kyabje Ling Rinpoche ở Dharamsala, (Ấn Độ); và năm 1986, bà thọ tất cả các ni giới tại Đài Loan.

Ven. Chodron là đồng tổ chức của chương trình “Sống như là một Ni sư Phương Tây” (Life as a Western Buddhist Nun). Bà tham gia như là một giáo viên trong nhiều chương trình của Dalai Lama cho các giảng sư Phật học, cũng như trong những kỳ pháp hội thường niên của các tu viện Tây phương. Bà cũng thường hay truyền pháp cho tù nhân và đi hoằng pháp khắp thế giới: Bắc Mỹ, Mỹ La tinh, Israel, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, và nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũ. Nhận thấy sự cần thiết của một tu viện hướng dẫn Phật pháp cho người phương tây, bà thành lập Sravasti Abbey, ở bang Washington, USA, và hiện là trụ trì tại đây.

Ven. Chodron coi trọng việc ứng dụng Phật pháp vào đời sống hàng ngày, và đặc biệt có kinh nghiệm trong việc truyền đạt chúng theo những cách dễ hiểu. Bà được biết tới vì những bài giảng ấm áp tính nhân hậu, hài hước và rõ ràng. Bạn có thể tìm đọc, nghe và xem những bài giảng của Ven. Thubten Chodron tại thubtenchodron.org  và  sravasti.org.

Ven. Thubten Chodron

Thực tập Phật pháp trong đời sống hiện đại là một khía cạnh quan trọng của Phật pháp trong thời đại mới. Thực tập Phật pháp không phải chỉ là tới chùa; và không chỉ đơn giản là đọc kinh hoặc tụng niệm hồng danh của Đức Phật. Thực tập là cách mà chúng ta sống cuộc đời mình, là cách mà chúng ta đối xử với gia đình, là cách mà chúng ta làm việc chung với đồng nghiệp, là cách mà chúng ta liên hệ với những người khác trong cùng một đất nước và trên cùng một hành tinh. Chúng ta cần đưa những lời dạy của Phật về tình yêu thương vào nơi làm việc, vào gia đình và thậm chí cả vào cả tiệm bán rau và phòng tập thể dục. Chúng ta làm điều này không phải bằng cách phát những tờ bướm tại góc đường, mà bằng cách thực tập và sống trong chánh niệm. Khi chúng ta làm vậy, một cách tự nhiên, chúng ta sẽ có những tác động tích cực vào những người xung quanh chúng ta. Ví dụ như, bạn dạy những đứa trẻ của bạn về tình yêu thương, vị tha và kiên nhẫn không chỉ bằng cách nói về những đức tính này mà bằng cách cho chúng thấy những thái độ của chính bạn. Nếu bạn nói với những đứa con mình một cách, nhưng lại hành động theo một cách khác, chúng sẽ theo cách chúng ta làm, chứ không phải những gì chúng ta nói.

Dạy dỗ trẻ em bằng các ví dụ

Nếu chúng ta không cẩn thận, sẽ rất dễ dạy những đứa trẻ của chúng ta ghét bỏ và không bao giờ tha thứ cho những ai đã làm hại chúng. Nhìn lại hoàn cảnh của Nam Tư cũ: đây là một ví dụ về việc gia đình và trường học đã dạy những đứa trẻ lòng hận thù như thế nào. Khi những đứa trẻ này lớn lên, chúng dạy con chúng hận thù. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước và hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra? Có quá nhiều đau khổ ở đó. Thật đáng buồn. Đôi khi, bạn dạy con mình ghét bỏ những thành viên khác trong nhà, và do đó, các thành viên trong nhà không nói chuyện với nhau. Điều gì đó đã xảy ra nhiều năm trước khi bạn ra đời – bạn cũng chẳng biết đó là chuyện gì – nhưng vì nó, bạn không được phép nói chuyện với một số người họ hàng. Sau đó, bạn dạy con mình, cháu mình. Chúng học rằng giải pháp để trừng phạt một người là không bao giờ nói chuyện với họ nữa. Điều này có giúp họ trở thành người hạnh phúc và tử tế không? Bạn cần suy nghĩ kỹ về điều này và đảm bảo rằng bạn chỉ dạy con mình những gì có giá trị.

Thái độ và hành động của bạn là điển hình cho những gì bạn muốn con mình học lấy. Khi bạn thấy trong tim mình có oán giận, ganh ghét, phẫn uất, thù hằn, bạn sẽ phải sửa đổi, không phải chỉ cho sự bình an của chính bạn mà còn để bạn sẽ không dạy con bạn có những cảm xúc xấu này. Bởi vì bạn yêu con mình, hãy cố gắng yêu thương bản thân mình. Yêu chính mình và mong muốn cho mình được hạnh phúc nghĩa là bạn phát triển trái tim nhân hậu, biết buông bỏ vì lợi ích của tất cả mọi người trong gia đình.

Đưa tình yêu thương vào trường học

Chúng ta cần đưa tình yêu thương không chỉ vào trong gia đình mà cả vào trong trường học. Trước khi tôi trở thành một ni sư, tôi là một giáo viên, do đó tôi đặc biệt có những cảm xúc mạnh về giáo dục trẻ em. Điều quan trọng nhất đối với chuyện học của trẻ em không phải là thật nhiều kiến thức mà là làm sao để trở thành một người tử tế, làm sao để giải quyết các mâu thuẫn với người khác theo một cách có tính chất xây dựng. Cha mẹ và thầy cô bỏ nhiều thời gian và tiền bạc để dạy trẻ về khoa khọc, số học, văn học, địa lý, địa chất học và máy tính. Nhưng có bao giờ chúng ta bỏ thời gian để dạy trẻ cách để trở nên nhân hậu?  Chúng ta có lớp học nào được dạy với lòng nhân hậu không? Chúng ta có dạy trẻ những cách để chuyển hóa những cảm xúc xấu của chúng và cách giải quyết những mâu thuẫn với người khác không? Tôi nghĩ điều này quan trọng hơn nhiều so với những môn học trong trường. Tại sao? Vì trẻ con có thể biết rất nhiều nhưng nếu chúng lớn lên trở thành những người oán hận, thiếu tử tế, hoặc tham lam, cuộc sống của chúng sẽ không hạnh phúc.

Cha mẹ mong cho con mình có một tương lai tốt, và do đó, nghĩ rằng con họ cần làm ra nhiều tiền. Họ dạy con những kỹ năng kỹ thuật và học thuật để chúng có thể tìm một công việc tốt và tạo ra nhiều tiền – như thể tiền chính là nguồn gốc của hạnh phúc. Nhưng khi người ta nằm trên giường hấp hối, bạn chưa bao giờ nghe thấy bất kỳ ai nói một cách đầy mong ước rằng “Lẽ ra, tôi nên dành nhiều thời gian hơn để làm việc. Tôi nên kiếm nhiều tiền hơn.”  Khi người ta hối hận về cách mà họ đã sống cuộc đời của mình, thường thì họ hối hận rằng đã không giao tiếp tốt hơn với mọi người, đã không tử tế hơn, đã không cho những người mà họ yêu thương biết rằng họ yêu thương những người này. Nếu bạn muốn con bạn có một tương lai tốt đẹp, đừng chỉ dạy chúng cách kiếm tiền, mà hãy dạy chúng cách sống một cuộc đời khỏe mạnh, cách trở thành một người hạnh phúc và đóng góp cho xã hội một cách có hiệu quả.

Dạy trẻ em chia sẻ với mọi người

Là cha mẹ, bạn cần làm theo điều này. Ví dụ như: con bạn về nhà và nói rằng “Cha, mẹ, con muốn những chiếc quần jean do các nhà thiết kế danh tiếng sản xuất, con muốn có đôi giày trượt ba–tanh hiệu Rollerblades mới, con muốn cái này, con muốn cái kia vì tất cả những đứa trẻ khác đều có.” Bạn nói với con mình rằng “Những thứ ấy không làm con hạnh phúc. Con không cần chúng. Việc có những cái quần jean của hãng Lee’s không làm con hạnh phúc.” Nhưng sau đó, bạn đi mua những thứ mà ai cũng có, mặc dù nhà bạn đã đầy đồ. Trong trường hợp này, những gì bạn nói và những gì bạn làm mâu thuẫn với nhau. Bạn nói con bạn chia sẻ với những đứa trẻ khác, nhưng bạn không cho đồ từ thiện cho những người nghèo và những người cần chúng. Nhìn lại những căn nhà trên đất nước này[1]: chúng chất đầy đồ mà chúng ta không dùng tới nhưng lại không thể cho đi. Tại sao? Vì chúng ta sợ rằng nếu chúng ta cho đi, chúng ta có thể sẽ cần tới nó trong tương lai. Chúng ta cảm thấy khó khăn khi phải chia sẻ đồ của chúng ta, nhưng chúng ta dạy con mình cần phải chia sẻ. Một cách đơn giản để dạy con bạn về tính hào phóng là cho đi những thứ mà bạn không dùng đến trong năm ngoái. Nếu một năm trôi qua, mà chúng ta không dùng đến một cái gì đó thì chúng ta thường là sẽ không dùng đến nó trong năm kế tiếp. Có nhiều người nghèo có thể sử dụng những thứ này. Việc cho đi này cũng sẽ giúp chúng ta, giúp con chúng ta và những người mà chúng ta cho những thứ này.

Một cách khác để dạy con bạn về lòng nhân hậu là không mua tất cả mọi thứ mà bạn muốn. Thay vào đó, tiết kiệm tiền và cho một tổ chức từ thiện hoặc cho ai đó cần. Bạn có thể chỉ cho các con mình thấy thông qua những ví dụ của chính bạn rằng tích chứa nhiều các thứ vật chất không mang lại hạnh phúc và chia sẻ chúng với mọi người quan trọng hơn nhiều.

Dạy trẻ em về môi trường và tái chế

Thêm vào đó, chúng ta cần dạy trẻ em về môi trường và tái chế. Chăm sóc môi trường mà chúng ta sống chung với những thực thể sống khác là một phần của tình yêu thương. Nếu chúng ta tàn phá môi trường, chúng ta làm hại những người khác. Ví dụ, nếu chúng ta dùng thật nhiều những thứ xài một lần và không tái chế chúng, vứt bỏ chúng, thì chúng ta còn lại gì cho các thế hệ tương lai? Con cháu chúng ta sẽ thừa hưởng từ chúng ta những bãi rác ngày càng lớn. Tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy ngày càng có nhiều người tái sử dụng và tái chế các vật dụng. Đây là một phần quan trọng của việc thực tập Phật pháp và là một hoạt động mà các chùa và trung tâm Phật giáo cần phải chủ động dẫn dắt.

Đức Phật không trực tiếp khuyên bảo nhiều mặt trong đời sống hiện đại của chúng ta – ví dụ như tái chế — bởi vì những chuyện như vậy không tồn tại vào thời của Người. Nhưng Người nói về những nguyên tắc mà chúng ta có thể áp dụng vào đời sống hiện tại. Những nguyên tắc này có thể hướng dẫn chúng ta cách hành xử trong nhiều tình huống mới, không có vào 2.500 năm trước.

Chú thích:

[1] Nước này ở đây là Hoa Kỳ. Bài giảng này được thực hiện tại Hoa Kỳ. Nhưng tình trạng này cũng đã xuất hiện trong nhiều gia đình tại Việt Nam- Chú thích của người dịch.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO HUẤN CHO PHỤ NỮ ĐẠT GIÁC NGỘ MÀ KHÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG HÀNG NGÀY
  2. THIỀN TẬP NƠI NHÀ BẾP
  3. KHI THIỀN SƯ GIÁO HUẤN CON CHÁU

Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM VIỆC TRÊN NHỮNG CẢM XÚC
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. PHẬT PHÁP VÀ GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG