TÌM HIỂU VỀ TRẢI NGHIỆM CẬN TỬ

JEFFREY LONG

PAUL PERRY

Trích: Giải Mã Tâm Linh, Sự Sống Sau Cái Chết, Linh Hồn - Có Hay Không?; Nguyên tác: The Evidence of the AfterLife; Việt dịch: Lê Tuyên; NXB. Đồng Nai; 2011

Jeffrey Long là một bác sĩ chuyên khoa ung thư trị liệu bằng bức xạ và là nhà nghiên cứu về Trải nghiệm cận tử. Năm 1998, trang web về nghiên cứu Trải nghiệm cận tử (NDERF, www.nderf.org) do ông sáng lập, được đưa vào hoạt động với mục tiêu thu thập các bằng chứng khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, từ những người đã từng có trải nghiệm cận tử đến từ nhiều chủng tộc, tín ngưỡng và hầu như khắp mọi nơi trên trái đất. Với kiến thức và kỹ năng chuyên môn được đào tạo, ông đã tiến hành những nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng các câu chuyện người thật việc thật từ hàng nghìn người tham gia khảo sát qua trang web của tổ chức NDERF. Và trước những bằng chứng thuyết phục từ dữ liệu thu thập được đã đưa ông đến kết luận: Có sự tồn tại của sự sống sau cái chết.

Nội dung dưới đây được Ban biên tập trích từ tác phẩm “Giải Mã Tâm Linh, Sự Sống Sau Cái Chết, Linh Hồn – Có Hay Không? (The Evidence of the AfterLife)” được Jeffrey Long viết cùng với Paul Perry, đưa ra bằng chứng đầu tiên trả lời cho câu hỏi liệu rằng cái chết có phải là chấm dứt tất cả hay không, từ tường thuật của chính những người đã trải qua kinh nghiệm cận tử.

——- ☘️?☘️ ——-

BẰNG CHỨNG SỐ 1: CÁI CHẾT MINH MẪN

“Cái chết bắt đầu bằng hơi thở đầu tiên của sự sống và sự sống bắt đầu bằng hình bóng của cái chết.” _John Oxeham

Ở góc độ y học, không thể nào có một trải nghiệm hoàn toàn minh mẫn trong khi chết lâm sàng hay hôn mê.

Xét cho cùng, chết lâm sàng nghĩa là không còn bất kỳ nhận thức hoặc cảm giác nào của một người đang sống. Nếu quan điểm trên là đúng, vậy thì làm thế nào bạn giải thích được những sự kiện như ở đây? Qua mỗi sự kiện như tim ngừng đập, xuất huyết não và một cơn đau nhói – người ta có một trải nghiệm cực kỳ minh mẫn bất chấp sự thật rằng cơ thể họ đã rơi vào trạng thái bất tỉnh hay sắp chết.

Câu chuyện đầu tiên được thuật lại bởi một bác sĩ đang cố gắng cứu sống một bệnh nhân lớn tuổi. Bạn sẽ thấy trong bài tường thuật dưới đây, bệnh nhân rất cảm kích hành động của bác sĩ.

Sau gần 28 lần kích thích tim, tôi đã cứu sống được bà ấy. Tim bà ấy ngưng đập hơn 1.5 giờ… Tối hôm đó, tôi đến phòng ICU gặp bà và hỏi xem bà có nhớ những gì đã xảy ra không.

Bà trả lời tôi: “Vâng, tôi đứng ở góc phòng – tôi đang trôi đi – và tôi thấy ông đang cật lực cứu sống tôi. Ông kích thích tim cho tôi và lúc đó tôi đã chết. Tôi thấy một vùng ánh sáng chói lòa, có hai thiên thần ở đó… Họ nói với tôi rằng chưa đến lúc tôi đi, tôi phải quay lại. Nhưng tôi không muốn thế?”

Bệnh nhân này bị xuất huyết não và té ngã xuống sân. Ông ta kể rằng ông ta có thể thấy “360 độ” xung quanh mình. Ngay lúc đó, ông ta cảm nhận sâu sắc về cái chết, ông cho rằng đó không phải là điều xấu. Ông ta kể lại:

Vài phút sau tôi biết mình đã chết, một cảm giác ấm áp tràn ngập yêu thương bao quanh tôi, và tôi cảm thấy rất nhiều cánh tay bao bọc lấy tôi dù thể xác của tôi không còn nữa; màu sắc thật rực rỡ, mùi hương lạ kỳ… Tôi cảm giác cuộc đời tôi thật yên tĩnh diệu kỳ, tôi cảm nhận và tin rằng chỉ có cảm giác là thật. Trải nghiệm về cái chết là thật và trải nghiệm cuộc đời của tôi và thế giới trần tục ở đây là thứ lạnh lùng, nặng nề và không thật.

Bệnh nhân này đã rơi vào trạng thái hôn mê suốt 3 ngày. Trong thời gian ấy, có rất nhiều bạn bè, gia đình chăm sóc anh ta. Tuy nhiên, anh ta khẳng định rằng mình đã thoát xác trong suốt khoảng thời gian đó, và anh ta nghe, thấy tất cả những gì mọi người trong phòng đang làm. Anh ta thấy một phụ nữ mang một cây nến mùi oải hương vào bệnh viện và đặt vào một ngăn kéo gần giường mình. Khi tỉnh dậy, anh ta biết ngăn kệ nào chứa cây nến ấy.

Một người đàn ông nọ cũng thường có những giấc mơ tiên đoán về con người và thế giới. Anh ta không những “thấy” những sự kiện của con cái trong tương lai, mà anh ta còn thấy cả sự thăng trầm của nền kinh tế thế giới cũng như vụ nổ hạt nhân ở Bắc Triều Tiên.

Một ví dụ khác về một cái chết minh mẫn của Michelle, cô bị bạn trai của mình bắn chết gần Boston. Michelle đang trong giai đoạn chia tay với bạn trai mình tại căn hộ của anh ta. Michelle nghe một tiếng nổ lớn, cô cảm thấy nóng ran cả người, đau buốt từ phía sau gáy. Khi miệng cô đầy máu, anh ta ôm choàng lấy Michelle và nói rằng: “Tôi đã làm gì thế này?”

Michelle thoát ra khỏi thân xác của mình, và từ góc phòng cô trông thấy những người lính cứu hỏa và cảnh sát vây quanh thể xác của mình. Em của bạn trai Michelle bắt đầu gào khóc, và khi cậu bé khóc, cậu nôn vào một cảnh sát, hình ảnh đó khiến Michelle buồn cười. Sau đây là lời kể của Michelle:

Tôi cảm giác rất sung sướng và tràn ngập yêu thương. Tôi thầm nghĩ: “Nếu đây là lúc hấp hối thì thật sự nó không tệ như nhiều người vẫn nghĩ”. Sau đó, tôi thấy một luồng sáng từ trên cao. Tôi bị luồng sáng ấy cuốn ra khỏi phòng. Tôi nghĩ rằng tôi chấp nhận những gì đang xảy ra, để nó cuốn tôi đi và sẵn sàng chấp nhận những gì sẽ tới. Ánh sáng càng ngày càng sáng hơn, bao trùm lấy tôi… Thể xác ư, tôi không có thể xác. Thể xác tôi đã nằm lại dưới kia. Tôi nhận ra rằng cơ thể tôi đã chết nhưng linh hồn tôi vẫn sống. Linh hồn tôi giờ là thể xác của tôi. Tôi nhìn vào luồng ánh sáng ấy. Tôi thấy vài người vẫy tay chào tôi. Anh ta đang đứng ở cuối đường hầm. Tôi nghe giọng nói của một người đàn ông. Anh ta hỏi rằng liệu tôi đã sẵn sàng chưa. Tôi cảm thấy hoàn toàn sẵn sàng. Điều đó thật là dễ chịu.

Nhiều trường hợp TNCT kể lại rằng họ đi vào hoặc xuyên qua một đường hầm

Hàng năm, trên toàn thế giới, hàng triệu TNCT diễn ra giống như thế, họ bị bất tỉnh hoặc rơi vào trạng thái chết lâm sàng, tắt thở và tim ngừng đập. Nhưng họ vẫn có những trải nghiệm cực kỳ minh mẫn về thời gian ở cõi chết, trải nghiệm này rất rõ ràng, logic và có trình tự cấu trúc hợp lý.

Đáng kể hơn là phát hiện của tổ chức nghiên cứu NDERF cho thấy rằng, ý thức và mức độ tỉnh táo trong suốt trải nghiệm này diễn ra ở mức độ cao hơn so với thường ngày.

Nghiên cứu của NDERF hỏi: “Bạn có mức độ ý thức và tỉnh táo cao đến mức nào trong suốt khoảnh khắc cận tử so với bình thường?”. 74,34% trong số 613 các cận tử nhân trả lời rằng họ có “một trí não minh mẫn và sáng suốt hơn bình thường rất nhiều”; 19,9% cho rằng họ trải nghiệm trong tình trạng “sáng suốt và mình mẫn bình thường”; chỉ 5,7% cho rằng “ít sáng suốt và minh mẫn hơn bình thường”.

Khái niệm về mức độ sáng suốt của trạng thái tinh thần và sự minh mẫn là yếu tố khách quan, vì thế nghiên cứu của NDERF đề nghị các cận tử nhân giải thích cảm giác này bằng ngôn từ của họ. Câu hỏi dành cho các cận tử nhân là: “Nếu bạn cho rằng mình sáng suốt và minh mẫn hơn so với bình thường trong suốt thời gian cận tử, xin vui lòng giải thích rõ hơn.” Hàng trăm cận tử nhân trả lời câu hỏi này và đây là một trong những ví dụ điển hình.

Một phụ nữ bị tai nạn xe viết:

Tôi có một cảm giác rất khác biệt, đó là không gian khác và cảm nhận khác về linh hồn… Tôi tin rằng có một loại ý thức không thuộc phạm vi suy nghĩ thông thường. Khi ấy suy nghĩ của tôi diễn ra với tốc độ ánh sáng.

Dưới đây là trải nghiệm của một người tim ngừng đập và ngừng thở:

Trong suốt khoảnh khắc bất ngờ ấy, tôi cảm thấy rằng tôi chưa bao giờ minh mẫn hơn thế. Tinh thần tôi rất nhanh nhẹn ngay cả khi thể xác tôi đang trong tình trạng hôn mê.

KHÔNG GIỐNG GIẤC MƠ HAY CÁI CHẾT

Những lời tường thuật như thế này cho thấy rằng ý thức vẫn tiếp tục tồn tại sau cái chết. Để hiểu được mức độ minh mẫn khác thường trong suốt thời gian chết lâm sàng, bạn cần hiểu rõ những gì xảy ra tại thời khắc cái chết xuất hiện. Nhiều cận tử nhân rơi vào trạng thái tim ngừng đập. Trong số những người tim ngừng đập này, có khoảng 10-20% có TNCT. Ở khoảnh khắc kinh hoàng này, ta không thể tiên đoán được ai sẽ thực sự có TNCT và ai không.

Như đã đề cập ở chương 2, khi tim ngừng đập, ngay lập tức máu cũng ngừng chảy về não. Khoảng 10-20 giây sau khi máu ngừng chảy về não, máy đo điện não đồ (EEG) phát tín hiệu một đường thẳng. Máy đo điện não đồ giúp đo các hoạt động ở vỏ não vốn là vùng quanh não chịu trách nhiệm về hoạt động tri giác. Sau khi tim ngừng đập, về cơ bản mọi trạng thái minh mẫn và các trải nghiệm sáng suốt và có tổ chức đều không thể tồn tại.

Với một điện não đồ phẳng, một số hoạt động điện từ ở những vùng thấp của não như thân não vẫn có khả năng xảy ra. Hoạt động điện não ở những vùng thấp của não không thể giải thích được những trải nghiệm hoàn toàn minh mẫn và sắp xếp có trật tự như các cận tử nhân đã mô tả.

Sự minh mẫn và trật tự xảy ra của các tình tiết trong TNCT cho thấy rằng TNCT không phải là một giấc mơ hay ảo giác, cũng không phải kết quả từ bất kỳ nguyên nhân suy giảm chức năng nào của não.

Trong lần khảo sát đầu tiên, tổ chức nghiên cứu NDERF hỏi: “Có phải những trải nghiệm ấy giống như một dạng khác của giấc mơ?” và yêu cầu chỉ trả lời theo dạng mô tả. Nhìn chung, câu trả lời lời cho câu hỏi này là “Không”. Điều này chứng tỏ rằng các cận tử nhân đã không nằm mơ. Điểm nổi bật của nghiên cứu này là cách dùng từ để hỏi, cách này khuyến khích các cận tử nhân dễ xác định được các yếu tố giống giấc mơ trong TNCT.

Tính minh mẫn của trải nghiệm cận tử trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta xem kỹ cảm nhận được mô tả trong TNCT. Qua hàng trăm TNCT mà tôi đã đọc, cảm nhận này sâu sắc đến nỗi tôi phải tự nhắc nhở mình rằng các cận tử nhân đều trong trạng thái hôn mê hoặc chết lâm sàng ở thời điểm trải nghiệm. Màu sắc thoát tục thật đa dạng và xinh tươi. Một lần nữa, tôi đưa ra đây những ví dụ trong trang web NDERF để chứng minh về sự minh mẫn của các cận tử nhân.

Một người đàn ông ba lần trải qua Trải nghiệm cận tử viết:

Màu sắc ở thế giới ấy thật rực rỡ, những màu sắc rực rỡ nhất trên trần gian của chúng ta chỉ giống như bùn bẩn so với màu sắc chói chang và kỳ diệu nơi thiên đàng.

Một phụ nữ đã từng trải qua cơn đau tim kể lại:

Tôi muốn thấy những sắc màu ấy một lần nữa, nó thật phi thường! Tôi sẽ không bao giờ giải thích được và tôi sẽ không bao giờ quên sắc thái của màu đỏ ở đó.

Một phụ nữ bị tai nạn ô tô kể:

Tôi được đưa đến một bãi cỏ tuyệt đẹp với các loại cây kỳ lạ với màu sắc sống động mà chưa bao giờ thấy trước đây, thật đáng kinh ngạc.

Nhà nghiên cứu Greyson là ngưởi dẫn đầu nhóm nghiên cứu về TNCT đang xem xét mức độ minh mẫn của tri giác trong quá trình cận tử, cũng giống như tôi đang nghiên cứu về chúng trong nghiên cứu của NDERF. Tiến sĩ Greyson và các cộng sự của ông nói:

“TNCT thường mô tả trạng thái tinh thần của các cận tử nhân trong suốt thời gian xảy ra TNCT một cách rõ ràng, trải nghiệm cảm xúc của họ sống động khác thường, vượt trội hơn những cảm xúc thường ngày của họ. Trong đợt khảo sát nọ, sau khi phân tích hơn 520 trường hợp, chúng tôi nhận thấy rằng 80% cận tử nhân mô tả suy nghĩ của mình trong TNCT là “rõ ràng hơn bình thường” hoặc “rõ ràng như bình thường”. Hơn nữa, trong đợt khảo sát này, họ mô tả chức năng thần kinh mạnh hơn đáng kể so với bình thường khi họ thực sự tiến gần đến cái chết hơn.”

NHẠY BÉN PHI THƯỜNG

Cảm nhận trong suốt TNCT thường khác nhiều so với cảm nhận ở mặt đất. Nghiên cứu của NDERF hỏi: “Bạn có cảm nhận khác biệt so với bình thường? Cảm nhận hàng ngày (bất kì góc độ nào, chẳng hạn như sự cảm nhận về độ sáng tối, cảnh quan, màu sắc, độ rực rỡ, tốc độ chuyển động của các vật thể…?” Trong 613 người, có 66,1% trả lời “Có”, 15% trả lời “Không chắc”, 18,9% cho rằng “Không”. Sau đó, hàng trăm các cận tử nhân giải thích cụ thể cảm nhận của mình trong suốt TNCT mà họ cho rằng khác biệt so với khi ở trái đất. Hầu hết đều nhận xét rằng thị giác trong TNCT thật tuyệt diệu bởi nó rất rực rỡ, rõ ràng và sáng chói. Rất ít cận tử nhân cho rằng cảnh tượng trong TNCT ít rực rỡ hơn so với ở trái đất.

Nhiều cận tử nhân cho rằng, trong TNCT họ nhìn được 360 độ, thậm chí còn hơn thế nữa. Từ 360 độ chỉ không gian hai chiều, trong khi các cận tử nhân lại nói đến cảm nhận của họ về không gian hình cầu ba chiều, nhiều hướng cùng một lúc như trước, sau, phải, trái, trên và dưới.

Ví dụ, chú bé Ray được bạn cho xem cú ném Judo mới. Ray bị ném mạnh xuống đất và điều này khiến đầu Ray bị va đập mạnh, cậu nằm im bất tỉnh. Cùng một lúc Ray có thể thấy mọi hướng. Chú bé đã kể lại tình huống đó như sau:

Tôi vẫn còn “thể xác” nhưng nó hoàn toàn khác. Tôi thấy cả ba chiều không gian cứ như thể tôi không có thể xác mà chỉ là một nhãn cầu trôi bồng bềnh, tôi không thể nào diễn tả được. Tôi có thể thấy tất cả mọi chiều cùng một lúc, tuy vậy không có một hướng nào hoặc chiều nào như chúng ta thường nghĩ.

Những người có TNCT thường mô tả những cảm nhận phi thường. Đây là bằng chứng cho thấy rằng, ngoài não bộ ra còn có một bộ phận nào đó đảm nhiệm vai trò của thị giác trong suốt thời gian cận tử. Chúng ta sẽ khám phá thêm về khái niệm này ở chương 5 khi nghiên cứu về thị lực trong TNCT ở người mù, kể cả người mù bẩm sinh.

Thính giác trong suốt thời gian cận tử cũng là yếu tố khác thường, nhưng không thay đổi mạnh như thị giác. Tổ chức nghiên cứu NDERF hỏi: “Cảm nhận về âm thanh của bạn có khác so với thường ngày không, ví dụ như mức độ rõ ràng, khả năng xác định nguồn âm thanh, cường độ âm thanh, âm lượng…?” Trả lời cho câu hỏi này, 46% cận tử nhân trả lời là “Có”, 22% trả lời “Không chắc”, 31,8% cho rằng “Không”. Nhiều người tiếp tục giải thích rõ câu trả lời của mình.

Dưới đây là trường hợp của Mark, một thanh niên bị tắc nghẽn động mạch tim. Các bác sĩ chuyên khoa cố gắng lắp thiết bị hỗ trợ vào động mạch của cậu, nhưng tình huống trở nên nguy cấp cần phải mổ gấp. Trong khi hồi phục sau khi phẫu thuật, tim của Mark yếu dần và ngừng đập.

Khi các bác sĩ hối hả cứu sống Mark, cậu trải qua một cuộc dạo chơi đến “một con đường tuyệt đẹp chưa từng thấy”, đó là một ngọn núi thiên đường. Khi bước đến đây, Mark bắt đầu nghe giọng nói dường như là “rất gần nhưng lại vọng khắp nơi”.

“Mark! Con phải trở về”.

“Trở lại à, không, không, con không thể trở về đâu”

Giọng nói lại vang lên, “Con phải trở về, ta đã giao việc cho con, nhưng con chưa hoàn thành”.

“Không, không, làm ơn đi, Chúa ơi! Xin Người để con ở lại đây”.

Nhanh như cắt, tôi bị đưa trở về xuyên qua một vùng tối thăm thẳm. Có rất nhiều ánh chớp xung quanh tôi, từ chân đến đầu. Những ánh chớp sáng khổng lồ xuất hiện từ khắp nơi trong bóng tối. Dù rực rỡ, ánh sáng ấy vẫn không thể xuyên qua được bóng tối dày đặc khủng khiếp ấy.

Mark dần hồi phục. Sau đó khi mô tả lại trải nghiệm của mình trên website NDERF, Mark chỉ ra rằng trong tất cả các sự kiện ấy, nổi bật nhất chính là âm thanh cực rõ ràng.

Âm thanh rõ ràng đến kinh ngạc. Giọng nói của Đấng Tối Cao dường như xuất nguồn từ một nơi rất xa, nhưng cùng một lúc và khắp mọi nơi. Những lời nói ấy không xuất phát từ miệng của những linh hồn mà là từ tinh hoa phát tiết của họ.

Sau đây là những mô tả khác từ các cận tử nhân, họ nhấn mạnh chất lượng âm thanh trong TNCT của mình:

Tôi nghe âm thanh nhưng không phải là những âm thanh quen thuộc mà chúng ta nghe hàng ngày bằng tai. Dường như nó không được phát ra từ khắp mọi nơi, nó chỉ đơn giản là xuất hiện ở đó. Dường như đó là sự chuyển động của gió hay một thứ gì đó. Tôi không thể mô tả được.

Rõ ràng hơn, sinh động hơn như khi bạn ở trong một căn phòng thật yên tĩnh và lắng nghe những lời thì thầm.

Cực kỳ rõ ràng. Bình thường tai tôi không nhạy cảm lắm. Nhưng khi ấy, tôi nghe rõ mọi thứ. Cực kỳ rõ ràng.

ÂM THANH CỦA SỰ TĨNH LẶNG

Trước khi bạn cho rằng TNCT luôn mang theo âm thanh, bạn hãy suy ngẫm điều này: so với các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu gần đây của NDERF phát hiện rằng âm thanh ít xuất hiện trong TNCT hơn. Trong nghiên cứu này, các cận tử nhân trải qua những giây phút im lặng đáng chú ý trong suốt TNCT. Và sự im lặng ấy dường như đem đến cảm giác thoải mái hơn cho tất cả ai trải qua giai đoạn này. Một trong số các cận tử nhân kể:

Tôi rời khỏi cơ thể mình và đến một nơi có thứ âm thanh tuyệt vời của sự tĩnh lặng và tình yêu.

Một ví dụ khác, Joshep mô tả trải nghiệm của mình trong suốt thời gian bị bệnh hen suyễn tấn công dữ dội đến nỗi thuốc men không còn giá trị và anh ta bắt đầu khó thở. Joshep kể:

Tôi có cảm giác buông xuôi, nhưng tôi lại tập trung quan tâm đến một cảm giác khác. Đó là cảm giác sinh lực tràn khắp cơ thể. Tôi cố gắng chống chọi bằng cách vận dụng ý chí, nhưng nó mạnh hơn, càng mạnh hơn, và mạnh hơn nữa, cuối cùng, tôi không thể giữ được nữa. Tôi từng tự nhủ: “Mình không thể làm được gì khác hơn”

Ngay sau đó, bốp! Sự yên tĩnh bao trùm lấy tôi và cả suy nghĩ tôi, tôi không còn sợ hãi nữa. Một sự im lặng đến mức kỳ lạ, tôi nhận ra rằng mình vẫn đang ở đó – và tôi đứng đó, (điều này thật không thể vì sự thật là tôi đã bị ngã ngược ra sau trước đó vài phút) – và sau đó tôi biết rằng mình đã chết.

Sự yên tĩnh lạ thường này dường như có sự ảnh hưởng sâu sắc. Joshep viết:

Không hề có bất cứ âm thanh nào. Đó là một sự tĩnh lặng bình an mà tôi chưa từng trải qua. Giống như chìm xuống nước, không ai gây ra một tiếng động nào, hoàn toàn tĩnh lặng.

Theo Joshep thì không thể nói đây là một trải nghiệm khó chịu, nó gần giống như “trạng thái thiền”. Lúc này anh cảm thấy điềm tĩnh hơn bất cứ lúc nào.

Những điều tồi tệ mà tôi đã gặp trong quá khứ không còn dằn vặt tôi như trước nữa.

Tất cả 5 giác quan của con người như nghe, thấy, sờ, nếm, ngửi, đều được mô tả trong TNCT. Nâng cao cảm xúc, tăng cường thị giác và thính giác, tri giác nhạy bén hơn là vài khía cạnh đáng chú ý nhất của TNCT. Rõ ràng là sự cải thiện những giác quan trên không mang ý nghĩa điều trị đối với trạng thái hôn mê hoặc chết lâm sàng. Về phương diện y học, thật khó giải thích được trường hợp một ai đó có tri giác nhạy bén hơn khi đến bên bờ vực của cái chết. Những trải nghiệm này không phải là những giấc mơ hoặc những ảo giác từ một bộ não chết. Trải nghiệm cận tử là có thật. Không có một trải nghiệm biến đổi tri giác nào có thể minh mẫn và nhạy bén, được sắp xếp có trật tự như trong TNCT. Nghiên cứu của NDERF và những nghiên cứu được công bố trong lĩnh vực này đều chứng tỏ khuôn mẫu nhất quán về sự nâng cao khả năng tri giác và nhận thức. Điều này khiến nhiều người gọi trải nghiệm này là “cái chết minh mẫn”.

NGƯỜI HOÀI NGHI: CÁC CẬN TỬ NHÂN CÓ THỂ KHÔNG THỰC SỰ CẬN TỬ

Vẫn còn một số nhà khoa học không tin vào “cái chết minh mẫn”. Một số cho rằng trong các nghiên cứu về TNCT trước đây, người ta định nghĩa về cận tử quá sơ sài, kể cả những trường hợp thể xác không thực sự sắp chết. Những người hoài nghi cho rằng các nghiên cứu về TNCT kể đến cả những trường hợp không thực sự cận tử. Trải nghiệm minh mẫn sẽ được giải thích bằng thực tế rằng những người này không thực sự chạm đến cái chết.

Trong nghiên cứu của NDERF, chúng tôi rất thận trọng cân nhắc kỹ nhiều vấn đề. Nghiên cứu này chỉ xét đến những người kể lại những tình huống đe dọa mạng sống xảy ra vào thời điểm TNCT. NDERF định nghĩa những tình huống như vậy rất khắt khe, chỉ xét đến những tình huống sức khỏe thể chất bị đe dọa ở mức độ nghiêm trọng, chắc chắn cái chết sẽ xảy ra nếu không có một sự tác động tích cực nào đến tình trạng của bệnh nhân. Nhìn chung, các cận tử nhân đều kể về việc cơ thể bị thương nặng đến mức họ bị hôn mê sâu và rơi vào tình trạng chết lâm sàng. Nghiên cứu của NDERF sẽ loại các trường hợp không phù hợp với định nghĩa trên.

Một trong những lời “giải thích” hoài nghi về TNCT là sự giảm oxy máu. Sự giảm oxy máu có nghĩa là lượng oxy trong máu và các mô trong cơ thể người, kể cả não bộ, bị giảm thiểu. Sự giảm oxy máu có thể xảy ra ở nhiều bệnh trạng, gồm có tim ngừng đập và những căn bệnh nguy hiểm khác dẫn đến hôn mê.

Hầu hết các bác sĩ đều biết đến triệu chứng của chứng thiếu oxy máu, có thể là nhức đầu, rối loạn, giảm trí nhớ, và mệt mỏi. Trong tình trạng xấu, chứng giảm oxy máu có thể gây rối loạn chức năng và cuối cùng rơi vào tình trạng hôn mê. Nếu bạn đã từng đột ngột thở ngắn vì bất kỳ lý do gì, có thể bạn đã có triệu chứng về sự thiếu oxy máu. Nếu thế, trừ khi chứng thiếu oxy máu của bạn quá nặng đến nỗi đe dọa tính mạng, tôi tin chắc rằng những gì bạn đã trải qua không là gì cả so với những yếu tố của TNCT. Hầu hết các cận tử nhân không bao giờ có trí nhớ bị lộn xộn, trong khi đây lại là dấu hiệu điển hình của chứng thiếu oxy máu. Thực tế trải nghiệm cận tử là thứ rất minh mẫn và có trật tự, nó không thể xảy ra tại thời điểm mắc chứng thiếu oxy máu nghiêm trọng.

PHẢN ỨNG VỚI YẾU TỐ “OPRAH”

Những người nghi ngờ còn có sự quan tâm chính đáng khác là: liệu nội dung về TNCT được gửi đến cho chúng tôi có bị ảnh hưởng bởi những kiến thức mà các cận tử nhân có trước đó về TNCT không. Vài nhà nghiên cứu bậc thầy gọi đây là “Yếu tố Oprah” (bị ảnh hưởng bởi chương trình truyền hình của Oprah Winfrey được thực hiện nhằm nâng cao kiến thức về TNCT cho cộng đồng).

Lý luận của những người hoài nghi là: “Nếu các cận tử nhân đã biết về TNCT trước thời điểm trải nghiệm, điều này có ảnh hưởng đến nội dung họ chia sẻ với chúng ta về TNCT không?”

Trước khi xuất bản quyển Life after life của tiến sĩ Raymond Moody được xuất bản năm 1975, điều này không thể xảy ra vì gần như không ai biết đến các tình tiết của TNCT.

Tôi quyết định thực hiện cuộc nghiên cứu để tìm hiểu xem liệu yếu tố Oprah có ảnh hưởng sâu sắc đến nội dung chia sẻ của các cận tử nhân không. Nghiên cứu này rất đơn giản. Tôi so sánh câu trả lời của 21 câu hỏi điều tra trong đợt điều tra lần đầu dành cho những người có TNCT trước năm 1975, và với câu trả lời của những người có TNCT sau năm 1975.

Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Các tình tiết giống nhau xuất hiện ở cả hai nhóm, trước 1975 và sau 1975. Ngoài ra, các yếu tố giống nhau này xuất hiện ở tần suất như nhau. Sự nghiên cứu này cho thấy rằng, nội dung của TNCT không hề bị ảnh hưởng của những kiến thức có trước về trải nghiệm cận tử.

Một nghiên cứu khác mang tính thuyết phục cao hơn do Geena Athappilly thực hiện năm 2006. Cô xem xét 24 trường hợp TNCT được ghi nhận trước năm 1975, trước khi cuốn Life after life được xuất bản, so sánh với nhóm 24 cận tử nhân sau 1975. Nghiên cứu này cho thấy rằng hai nhóm TNCT này, dù xảy ra ở hai thời điểm khác nhau nhưng chỉ có một điểm khác nhau là: các TNCT sau năm 1975 kể nhiều hơn về đường hầm. Tác giả kết luận rằng: “Những dữ liệu này thách thức giả thuyết cho rằng TNCT, về căn bản, là do ảnh hưởng của trào lưu văn hóa đang thịnh hành.”

Yếu tố Oprah được đề cập đến trong nhóm câu hỏi nghiên cứu của NDERF qua câu hỏi: “Bạn có từng biết về TNCT trước khi bạn thực sự trải qua TNCT không?”. 66,4% trả lời “Không”, điều này thực sự khiến tôi ngạc nhiên vì tỷ lệ phần trăm quá cao.

Tôi đã đọc hàng nghìn trường hợp với các bằng chứng thuyết phục về cái chết minh mẫn. Kết luận duy nhất tôi có thể rút ra là “Tinh thần rời khỏi thể xác ngay khi chết”.

Tôi biết kết luận này là vô lý về mặt khoa học – rằng chết không có nghĩa là kết thúc đời người như mọi người vẫn nghĩ. Tôi tin rằng trải nghiệm sáng suốt và có ý thức khi chết lâm sàng là một trong những bằng chứng thuyết phục cho thấy rằng tinh thần vẫn tồn tại sau khi thể xác đã chết. Đây là một trong những bằng chứng thuyết phục nhất về sự sống sau cái chết.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CỘI NGUỒN YÊU THƯƠNG – SỰ SỐNG BẤT TỬ

Bài viết khác của tác giả

  1. CÁI CHẾT MINH MẪN
  2. ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH
  3. THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG