NHẬT HUY
Tác giả: Nhật Huy; Nguồn: Tuổi Trẻ Thứ Hai Ngày 21-01-2019; Ảnh: Thomas Edison (1847 – 1931) – nguồn internet
‘Nhìn sự đông vui, sôi động và phong phú của ngày hội, tôi rất mừng’ – Anh hùng lao động, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân vừa nói tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 ở TP.HCM.
Rồi vị giáo sư kể chuyện ông có dự một hội thảo giáo dục quốc tế do trường ĐH danh giá MIT của Mỹ tổ chức. “Tại hội thảo, các nhà giáo dục, các chuyên gia hàng đầu thế giới đồng tình với nhau rằng giáo dục ở nhiều nơi đã và đang góp phần… triệt tiêu nhân tài” – ông nói. Giáo sư giải thích thêm kiểu giáo dục “đồng phục” lấy một chuẩn mực để đánh giá nhiều con người khác nhau, với những khả năng, mạnh yếu khác nhau đang làm thui chột con người.
“Không thể có chuyện đứa trẻ nào cũng phải giỏi các môn như nhau. Sẽ có đứa giỏi toán, đứa giỏi lý, đứa giỏi văn, đứa giỏi đàn hát, đứa giỏi thể dục thể thao… Giáo dục là phải tìm ra cho được trẻ nào giỏi cái gì và giúp trẻ phát huy được thế mạnh đó của mình” – GS Xuân nói.
Không hẹn mà gặp, cách nơi vị hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ ngồi chỉ vài chục mét, tại khu vực tư vấn sức khỏe mùa thi, gỡ rối hướng nghiệp, tư vấn tâm lý, ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhận được một câu hỏi “muôn thuở”: năm nay ngành nào là ngành hot? Ông Tuấn như “lên đồng” khi trả lời câu hỏi: “Không có ngành hot mà chỉ có người hot, người tạo ra ngành chứ không phải ngành tạo ra người! Mỗi người có sở thích, sở trường khác nhau và không nhất thiết cứ phải cùng một đáp án là vào ĐH thì mới thành công. Bạn học của tôi giờ người được coi là thành công nhất, giàu nhất hồi đó chỉ học nghề”.
Câu trả lời của ông Tuấn và thông tin từ GS Xuân gợi lại câu chuyện cảm động về người mẹ của nhà sáng chế thiên tài Thomas Edison. Chuyện kể rằng cậu bé Edison hồi 7 tuổi, khác với bạn cùng trang lứa, rất hay đặt câu hỏi về những thứ xung quanh. Đầu óc cậu luôn lơ mơ nên giáo viên gọi cậu là rối trí. Một hôm, cậu đi học về và đưa cho mẹ bức thư của thầy giáo chủ nhiệm. Mẹ cậu mở ra, vừa đọc vừa khóc. Edison rất tò mò và đòi mẹ đọc to lá thư. Mẹ cậu bèn đọc: “Con trai của ông bà là một thiên tài! Trường học này quá nhỏ bé và không có giáo viên đủ tốt để đào tạo cháu. Xin hãy để cháu tự nghiên cứu và học tại nhà”.
Vậy là người mẹ, vốn là một giáo viên, đã một mình nuôi dạy con khôn lớn và về sau trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20 – Thomas Edison. Một ngày, Edison vô tình nhìn thấy lá thư của thầy giáo chủ nhiệm khi xưa. Ông tò mò mở ra đọc, cũng như mẹ mình trước đây, vừa đọc nước mắt không ngừng tuôn rơi. Thư viết: “Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí, chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”! Edison đã khóc hàng giờ sau lá thư ấy. Về sau, ông viết trong nhật ký rằng: “Thomas Alva Edison là một đứa trẻ rối trí, nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ”.
Trở lại với ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019, niềm vui mà GS Võ Tòng Xuân nói ở trên chính là sự đa dạng của các trường, không chỉ ĐH mà còn CĐ, trường nghề; không chỉ các khóa học dài hạn mà còn ngắn hạn; không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Đó chính là ngày hội của tri thức và nghề nghiệp, mà qua đó người dự hội – học sinh – trước hết tìm ra chính mình, biết mình mạnh cái gì, yếu cái gì; hợp với ngành gì, trường gì để có thể đi tới quyết định chọn ngành, chọn trường phù hợp với chính mình, phù hợp với sự khác biệt và riêng có của mình.