SWAMI SIVANANDA
Trích: Phúc Lạc Thánh Thiện; Nguyên tác tiếng Anh: Bliss Divine; Dịch giả: Swami Sitaramananda; Việt dịch và phát hành bởi TT. Sivananda Yoga Vedanta VN; NXB. Tôn Giáo, 2020
Về tác giả
Swami Sivananda (1887 – 1963) là một bậc Thầy về Yoga, người giảng dạy về tâm linh theo truyền thống Ấn Độ giáo. Những lời dạy của Swami Sivananda được tóm tắt trong sáu từ: Phục vụ, Yêu thương, Cho đi, Trong sạch, Thiền, Ngộ.
Sinh tại Pathamadai, Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, Swami Sivananda là một cậu bé học rất giỏi và cũng rất có năng khiếu thể dục thể thao. Tuy nhiên, ông đặc biệt yêu thích nghiên cứu về tâm linh.
Với tham vọng lớn cho sự phát triển tâm linh và giác ngộ, Swami Sivananda đi đến miền Bắc Ấn Độ để tìm kiếm Guru của mình. Sau khi dành thời gian ở Varanasi, ông đi về thành phố linh thiêng Rishikesh (có nghĩa là “nơi ở của các nhà hiền triết”) và tìm thấy Guru của mình. Sau khi nguyện thề Sannyas (lời thề của một nhà sư nguyện từ bỏ tất cả), Swami Sivananda bắt đầu Sadhana (thực hành tâm linh) và Tapas (khổ hạnh) trong 10 năm hoặc lâu hơn. Đến cuối của thời kỳ đó, nhiều học trò cảm phục Swami Sivananda và nguyện theo ông học tập về tâm linh.
Vào thời điểm đó Swami Sivananda đã trở thành một trong những thầy Yoga giỏi nhất. Ông viết hơn 200 cuốn sách về chủ đề liên quan đến Yoga và Triết học.
Năm 1957, Swami Sivananda gửi đệ tử giỏi nhất của mình, Swami Vishnudevananda sang phương Tây nơi mà sau đó ông thành lập trung tâm Yoga Sivananda Vedanta.
??☘️
Trong thế giới hỗn loạn và ồn ào, giữa những thú vui nhục dục, tâm trí bị lạc lối.
Các hình thức cám dỗ là cơ sở của tất cả mọi tội lỗi. Sự vô minh của con người đem lại sự cám dỗ và phạm tội lỗi.
Những người làm ra vẻ đạo đức là những người có nhiều tội lỗi hơn những người không lương thiện. Họ sẽ phải trải qua những. điều bất hạnh lớn.
Gây tội lỗi và cái ác hầu như đã trở thành thói quen của con người đến nỗi ta không bao giờ cảm thấy mình phạm tội, mặc dù ngày và đêm ta liên tục làm như vậy.
Đừng nghĩ một cách hời hợt về tội lỗi. Cũng giống như một cái nồi được làm đầy nước bởi từng giọt nước rơi liên tục, sự vô minh của con người dần dần lấp đầy họ với cái ác và tội lỗi.
TỘI LỖI KHỞI NGUỒN NHƯ THẾ NÀO?
Tội lỗi là một hành động xấu xa. Tội lỗi là cố ý vi phạm các điều luật của đạo đức và tôn giáo. Đó là sự vi phạm Luật của Đấng Tối Cao.
Thói xấu làm nên tội lỗi và tội ác. Thói xấu là một vết nhơ của nhân cách. Đây là một lỗ hổng của tính cách. Ðó là một khuyết điểm hay thiếu sót. Các thói xấu nảy sinh trong những hành động xấu vốn được gọi là tội lỗi.
Giận dữ, ham muốn, buồn phiền, thiếu óc phán đoán, có khuynh hướng làm tổn thương người khác, tàn nhẫn và sợ hãi là những kẻ thù vô cùng mạnh mẽ của mọi sinh vật, Chúng tiếp cận con người và cám dỗ con người từ mọi phía. Chúng khiêu khích và hoành hành khi ta sơ suất hoặc dại dột. Chúng tấn công ta một cách mạnh mẽ, như một con hổ nhảy theo vồ con mồi của nó. Từ đó khởi nguồn mọi nỗi sầu khổ và tội lỗi.
Chính sự ích kỷ đã xúi giục con người làm những hành động xấu. Một người ích kỷ làm tổn thương những người khác, cướp của cải của người khác, và làm rất nhiều các hành động tội lỗi khác chỉ để thỏa mãn tính ích kỷ của mình. Tính ích kỷ là hiện thân của ma quỷ trong mỗi người.
Thật là tội lỗi nếu ta tự hài lòng với bản thân mình. Tiến trình của sự suy đồi bắt đầu bằng cách loại trừ khả năng tiến bộ, tự vấn và tự xem xét nội tâm.
Ích kỷ là tội lớn nhất. Quan niệm sai lầm “tôi là thân thể này” thật sự là căn nguyên của tội lỗi. Một suy nghĩ này – suy nghĩ về “Tôi” – đã làm nên mọi điều ác. Một suy nghĩ đã nhân lên thành ngàn ý nghĩ. Cái ý nghĩ này đã chia tách con người khỏi Đấng Tối Cao. Cái tôi tự cao tự đại này thật sự là tội lỗi di truyền của bản chất con người. Tất cả mọi Vritti (làn sóng tâm trí) xấu xa đều đến từ cái tôi bé nhỏ này.
ĐỨC HẠNH LÀ GÌ? TỘI LỖI LÀ GÌ?
Papa là tội lỗi. Punya là đức hạnh. Luôn luôn ghi nhớ phương châm: “Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình.” Đó chính là khảo nghiệm (Kasoti) về đức hạnh và tội ác. Bạn không muốn người khác làm tổn thương mình. Vậy đừng làm tổn thương người khác. Bạn muốn được mọi người giúp đỡ. Vậy hãy giúp đỡ mọi người. Bạn không muốn bị cướp. Vậy đừng cướp của người khác. Khi bạn bước vào một toa tàu, bạn muốn người khác nhường chỗ cho mình, họ không nên đuổi bạn đi sang toa khác. Vậy khi có người bước lên toa tàu của mình, bạn hãy nhường chỗ cho họ, đừng đuổi họ ra chỗ khác. Cướp của người khác là tội lỗi, làm từ thiện là đức tính tốt. Đuổi người khác đi sang toa tàu khác là tội lỗi, nhường chỗ của mình cho họ là đức hạnh.
Điều nâng bạn lên cao chính là đức hạnh; cái kéo bạn xuống chính là thói xấu hay tội lỗi. Điều đưa bạn tới mục tiêu là đức hạnh; cái làm bạn trở thành một người trần tục là tội lỗi. Điều giúp bạn đạt được giác ngộ Đấng Tối Cao là đức hạnh, cái lật đổ bạn xuống vực thẳm đen tối của sự thiếu hiểu biết là tội lỗi. Điều đem lại cho bạn ánh sáng soi rọi là đức hạnh; cái làm cho bạn say sưa là tội lỗi. Điều thanh tẩy trái tim của bạn là đức hạnh; cái làm ô uế trái tim của bạn là tội lỗi. Điều đem lại cho bạn sự bình an, niềm vui, sự hài lòng, niềm hứng khởi, trái tim rộng mở, là đức hạnh; cái mang lại cho bạn sự bồn chồn, bất mãn, trầm cảm, và tấm lòng hẹp hòi, là thói xấu.
Phục vụ nhân loại và Guru là đức hạnh; buôn bán ranh mãnh là tội lỗi. Đức tin vào Đấng Tối Cao, vào kinh sách, vào những lời của các vị thầy tâm linh, là đức hạnh; nghi ngờ là tội lỗi. Yêu thương tất cả mọi người là đức hạnh; căm ghét người khác là tội lỗi. Đoàn kết là đức hạnh; tách rời là tội lỗi. Độc lập là đức hạnh; phụ thuộc là tội lỗi. Brahmachrarya (tiết dục) là đức hạnh; ham muốn là tội lỗi. Chân thật là đức hạnh; lừa dối là tội lỗi. Khoan dung rộng lượng là đức hạnh; keo kiệt là tội lỗi. Hợp nhất là đức hạnh; tính hai mặt là tội lỗi. Mạnh mẽ là đức hạnh; yếu đuối là tội lỗi. Can đảm là đức hạnh; hèn nhát là tội lỗi. Thấy Bản Ngã Bất Tử ở khắp mọi nơi là đức hạnh; thấy sự đa dạng là tội lỗi.
Điều mà bạn cảm thấy xấu hổ khi làm trước công chúng là tội lỗi. Điều mà bạn không dám thừa nhận trước Guru của mình là tội lỗi.
Hãy học cách phân biệt giữa đức hạnh và tội lỗi và trở nên khôn ngoan. Antaryamin (chứng nhân tinh thần) sẽ hướng dẫn cho bạn; hãy nghe theo Ngài.