TRÁCH NHIỆM THAY ĐỔI

Trích: Những Nẻo Đường Chiêm Nghiệm, Đối Thoại Giữa Nhà Sư & Nhà Khoa học; Người dịch: Lê Trường Sơn; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2023

27/04/2025
44 lượt xem

Matthieu: Hiện tại, có lẽ chúng ta không có lựa chọn nào khác về con người lúc này của chúng ta; nếu không, mọi người chắc chắn sẽ lựa chọn để trở thành một người với đầy đủ những phẩm chất đáng ngưỡng mộ hơn là một tên tội phạm hay một kẻ nghiện tình dục, một đối tượng khinh miệt người khác. Chúng ta cũng có thể không có lựa chọn nào về cách mình cư xử trong thời điểm này. Nhưng chúng ta có trách nhiệm thay đổi khi sự thay đổi trở thành khao khát và phải chịu trách nhiệm, ở một mức độ nào đó, vì đã không tham gia vào quá trình chuyển đổi trong quá khứ. 

Khi bạn nhận ra rằng mình không kiểm soát được cảm xúc và điều đó khiến bạn đau khổ, thì trách nhiệm của bạn là phải thoát khỏi cái bẫy này. 

Hãy lấy ví dụ về một người chịu sự ép buộc mạnh mẽ để làm một cái gì đó. Như bạn nói, khi cô ấy bị choáng ngợp bởi các động lực của mình, thì có thể cô ấy không có nhiều sự lựa chọn ngay lập tức hoặc đủ năng lực để kiểm soát hành động của mình. Như Oscar Wilde đã nói: “Tôi có thể chống lại mọi thứ, ngoại trừ cám dỗ”. Nhưng nếu người đó biết rằng cô ấy có những đặc điểm hoặc khuynh hướng gây bất lợi cho người khác và sức khỏe của chính mình, cũng như đã từng trải qua sự thiếu kiểm soát trong quá khứ, khiến bản thân và người khác cùng phải chịu đựng điều đó, thì cô ấy có thể tận dụng những kinh nghiệm này như là cơ hội để thay đổi. Chắc chắn sẽ có những thời điểm mà xu hướng bắt buộc của người đó không được thể hiện theo cách mạnh mẽ như vậy. Phải chăng đây là lúc để làm điều gì đó với những đặc điểm này bằng cách rèn luyện tâm trí thông qua việc sử dụng loại thuốc giải độc phù hợp hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có thể đưa ra phương tiện và phương pháp để đạt được sự thay đổi đó? Việc thực hiện một điều gì đó khi nó có thể được làm và tìm kiếm sự giúp đỡ đúng đắn là một phần trách nhiệm tổng quan của chúng ta. 

Chúng ta có thể hành xử như những rô-bốt trong thời điểm này, nhưng chúng ta không phải là máy móc trong suốt cuộc đời. Vì tất cả mọi thứ đều là kết quả của nguyên nhân và điều kiện. Khi tất cả các nguyên nhân, cho dù trong não hoặc ở nơi khác, của một sự kiện được tập hợp lại, thì sự kiện đó sẽ phải xảy ra. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng ta có thể tạo ra các nguyên nhân cũng như các điều kiện mới và ảnh hưởng đến quá trình động này. Đây chính là đặc điểm của việc rèn luyện tâm trí và sự dẻo dai cho não: tiếp xúc với các điều kiện mới gây ra những thay đổi não bộ, bao gồm cả trong quá trình được gọi là vô thức. 

Người ta có thể không chấp nhận một hành động, nhưng về bản chất, mọi người không phải là xấu xa, dù cho hành động của họ có thể là xấu. Tuy nhiên, cách mọi người nghĩ và hành xử là kết quả của một mạng lưới dày đặc các nguyên nhân và điều kiện đang thay đổi tự nhiên và có thể được thay đổi nhiều hơn thông qua các can thiệp cụ thể. Tất cả mọi người đều ít nhiều bị nhầm lẫn, si mê hoặc “bệnh hoạn” trong tâm tưởng của mình, và chúng ta nên tiếp cận họ như những con người đã trải qua vô số trải nghiệm, dưới vô số ảnh hưởng từ bên ngoài lẫn bên trong. 

Đổ lỗi thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, khinh miệt và thiếu lòng trắc ẩn. Một bác sĩ không đổ lỗi cho bệnh nhân của mình, ngay cả khi bệnh nhân đã cư xử theo cách gây hại cho sức khỏe của chính họ; mà anh ta sẽ cố gắng tìm cách chữa trị và khéo léo giúp họ thay đổi thói quen. Khi ai đó làm hại người khác, anh ta nên bị ngăn chặn bằng các phương tiện đầy đủ, hiệu quả và có định lượng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên giúp đỡ để họ thay đổi hành vi gây hại của mình. 

Thay vì khắc ghi những đánh giá về mọi người lên đá, chúng ta nên nhìn nhận chúng – cũng như bản thân chúng ta – như những dòng chảy động tự nhiên và luôn có tiềm năng thay đổi thực sự. 

Khi Nelson Mandela được hỏi làm thế nào ông có thể kết bạn với các tù nhân trong suốt 27 năm bị giam giữ, ông trả lời: “Bằng cách đưa những phẩm chất tốt đẹp của họ ra ánh sáng”. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng, tất cả mọi người đều ẩn giấu những điều tốt đẹp sâu thẳm bên trong không, ông trả lời: “Không có nghi ngờ gì nữa, miễn là bạn có thể khơi dậy lòng tốt vốn có bên trong họ”

Wolf: Ngài hoàn toàn đúng. Con người sở hữu một phạm vỉ rộng các khuynh hướng hành vi, từ một kẻ giết người máu lạnh cực độ và diệt chủng đến lòng hy sinh vị tha. Có nhiều cách để ảnh hưởng đến kết quả hành vi. Một là thay đổi các mệnh lệnh bên ngoài, để thiết kế các hệ thống kinh tế xã hội nhằm tưởng thưởng cho các hành vi góp phần làm ổn định hệ thống và nghiêm trị những hành động phá hoại. Theo một nghĩa nào đó, điều này giống như một quá trình tiến hóa mà cuối cùng dẫn đến sự xuất hiện của các mạng tương tác xã hội có kiến trúc ủng hộ hành vi thích nghi. Tuy nhiên, con người từng trải qua một quá trình tiến hóa văn hóa, mà trong đó, các đặc điểm truyền dẫn được mã hóa không phải ở gen mà trong các quy tắc đạo đức, được thể hiện trong hành vi và thói quen xã hội. Sự khác biệt quan trọng là sự tiến hóa văn hóa có một thành phần “có thủ ý”, bởi chúng ta cố tình thiết kế các kiến trúc tương tác áp đặt các ràng buộc cho việc thích ứng và lựa chọn. 

Một chiến lược khác là mã hóa các giá trị đạo đức và thiết kế hệ thống giáo dục mà qua đó, các giá trị này có thể được chuyển đổi thành các mệnh lệnh ràng buộc hành động được cá nhân hóa và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau đó chúng được bổ sung bởi các hệ thống quy phạm đặt ra nhiều ràng buộc hơn nữa về phạm vi của hành vi được dung thứ. Nếu tôi hiểu chính xác, vẫn còn một lựa chọn khác, dường như được ưa chuộng bởi các truyền thống Phật giáo. Đó là bao gồm các nỗ lực để thay đổi khuynh hướng hành vi của cá nhân thông qua đào tạo chánh niệm. Trong mọi trường hợp, mục tiêu cuối cùng giữa các mệnh lệnh bên ngoài và các khuynh hướng bên trong sẽ là đạt được càng nhiều thỏa thuận càng tốt, bởi cả hai sức mạnh đều hướng đến điều tốt đẹp. Kiến trúc chức năng của bộ não chúng ta có thể được sửa đổi bởi giáo dục, kinh nghiệm tích cực và tiêu cực; đóng vai trò như là phần thưởng và sự trừng phạt, hiểu biết, rèn luyện và thực hành. Những khuyến khích để thay đổi được cung cấp bởi các hệ thống phần thưởng trong bộ não của chúng ta. 

Bộ não của chúng ta dường như được phú cho các hệ thống có khả năng xác định những trạng thái não là nhất quán, mạch lạc, phù hợp và hài hòa hoặc xung đột và không được giải quyết. Chúng ta vẫn chưa biết những đặc trưng tế bào thần kinh của các trạng thái này là gì, nhưng chúng ta phấn đấu vì cái trước và nỗ lực vượt qua cái sau.

Matthieu: Những từ như – “mạch lạc”, “hài hòa” v.v. – đề cập đến các loại kinh nghiệm, không phải là quá trình thần kinh. Điều này cho thấy rằng để làm những điều này có ý nghĩa, bạn cần phải sử dụng kinh nghiệm chủ quan của riêng mình. 

Wolf: Không cần thiết. Cảm giác chủ quan của sự hài hòa phải được liên kết với các trạng thái tế bào thần kinh nhất định, và các mô hình hoạt động thần kinh mạch lạc gợi lên cảm giác tích cực là khả thi. Như đã đề cập lúc trước, chúng ta vẫn bỏ qua những đặc điểm của các mẫu kích hoạt tương ứng với các giải pháp và trạng thái nội bộ không xung đột. Có thể các trạng thái như vậy thực sự được đặc trưng bởi một mức độ gắn kết cao. Bởi vì chúng ta là những sinh vật xã hội gắn bó sâu sắc với mạng lưới văn hóa của chính mình và tiếp xúc lâu dài với những phán xét của người khác, nên tiêu chí của các trạng thái nội bộ nhất quán bắt nguồn từ di sản tiến hóa sinh học cũng như các mệnh lệnh xuất hiện từ tiến hóa văn hóa, tiêu chuẩn đạo đức mà chúng ta được cho là đáp ứng và được cài đặt trong kiến trúc não bộ bằng cách giáo dục, quan sát các tương tác xã hội và tiếp xúc suốt đời với sự tưởng thưởng cũng như trừng phạt của xã hội. Sau khi được nội bộ hóa, những kinh nghiệm này giả định trạng thái của các mục tiêu nội bộ, như các mệnh lệnh tự áp đặt cần phải đạt được để đạt đến các trạng thái nội bộ nhất quán, không xung đột — giống như chúng ta cố gắng thỏa mãn các mục tiêu có động lực sinh học như cảm giác no và sinh sản. Tất cả phụ thuộc vào bản chất của các giá trị và chuẩn mực mà nền văn hóa của chúng ta áp đặt lên chính mình, và rằng một khi được cài đặt trong kiến trúc chức năng của bộ não, nó sẽ đóng vai trò là mục tiêu và mệnh lệnh. 

Các giá trị và chuẩn mực được cài đặt ngay từ buổi đầu trong cuộc đời, trước sự phát triển của trí nhớ phân đoạn, vẫn tiềm ẩn và gắn chặt vào tiềm thức của chúng ta. Và do đó chúng được trải nghiệm như một phần không thể thiếu trong tính cách của mỗi người. Chúng được trải nghiệm như là mục tiêu, động lực, niềm tin và những đánh giá về đạo đức của chúng ta. Những quan điểm áp đặt lên chúng ta trong cuộc sống sau này thường rõ ràng hơn; chúng ta ý thức được nguồn gốc của chúng và vì thế, trải nghiệm chúng như những ràng buộc xã hội áp đặt mà không nhất thiết phải đồng quan điểm với niềm tin nội tại. Ấy vậy, chúng ta muốn tuân thủ chúng để tìm các trạng thái xung đột trong bộ não của mình và phấn đấu cho một trạng thái gắn kết. 

Matthieu: Các nền văn hóa xung quanh không chỉ áp đặt lên chúng ta, mà bản thân chúng ta cũng thời trang hóa văn hóa của mình thông qua suy nghĩ, sự biến chuyển cá nhân và trí thông minh. Cá nhân và văn hóa giống như hai lưỡi kiếm mài bén lẫn nhau. Bởi cả khoa học chiêm nghiệm và khoa học thần kinh đã cho chúng ta thấy rằng tâm trí là có thể rèn luyện và dần dần, chúng ta có thể sửa đổi các đặc điểm của chính mình. Không những vậy, sự tích lũy của những thay đổi cá nhân cũng có thể định hình một nền văn hóa mới.

Wolf: Rõ ràng chúng ta tạo ra văn hóa, và đến lượt chúng tác động ngược lại chúng ta. Tôi cũng có xu hướng đồng ý rằng có khả năng ghi đè lên một số đặc điểm được kế thừa và khắc ghi sớm không chỉ thông qua kiểm soát nhận thức – một chiến lược mà tất cả chúng ta đều áp dụng ở tuổi trưởng thành – mà còn thông qua việc học tập theo quy trình đơn giản bằng cách phát triển các thói quen thích nghi mới và tốt hơn. Tôi thấy có một sự giống nhau với việc thu được các kỹ năng vận động mới, thứ mà sau khi đào tạo đầy đủ có thể được thực hiện mà không cần nhận thức hoặc kiểm soát có ý thức. 

Matthieu: Điều này khá giống với những gì mà những người chiêm nghiệm nói. Ban đầu, bất kỳ việc luyện tập nào cũng đều là giả tạo và không tự nhiên. Với việc làm quen, chúng ta bắt đầu làm tốt dần và dễ dàng hơn. Cuối cùng, nó trở thành một phần của chúng ta. 

Wolf: Vì thế, tôi có thể tưởng tượng rằng có thể thay đổi một số đặc điểm nhất định bằng thực tiễn. Chống lại một cám dỗ cụ thể hoặc tham gia vào một hành động vị tha, cả hai đều sẽ được khen ngợi bởi sự thừa nhận của xã hội. Nhưng ban đầu, việc này đòi hỏi phải có sự kiểm soát nhận thức và đầu tư các nguồn lực đáng chú ý. Có thể hiểu được rằng việc thực hành những thái độ mới lạ một cách lặp đi lặp lại cuối cùng có thể neo chúng trong các cấu trúc não để thực hiện các chức năng của chúng mà không cần kiểm soát nhận thức. Trong trường hợp này, hành vi mới lạ sẽ ngày càng trở thành một đặc điểm mới của tính cách. Chúng ta quan sát những thay đổi như vậy trong thái độ của tiểu sử, và sẽ rất thú vị khi kiểm tra bằng thực nghiệm mức độ mà những thay đổi này có thể được tạo ra – ngay cả ở người lớn – bằng cách thực hành và đào tạo theo nhịp độ, hoặc liệu chúng có nhiều khả năng là kết quả của những trạng thái đặc biệt, chẳng hạn như chấn thương hoặc kinh nghiệm khai sáng. Bằng chứng cho thấy trí tuệ phát triển theo tuổi tác chứng tỏ rằng việc tích lũy kinh nghiệm có thể thay đổi đặc điểm tính cách, vì vậy có hy vọng rằng việc rèn luyện lòng từ bi và quảng đại có thể đạt hiệu quả. 

Matthieu: Nếu một số lượng cá nhân nhất định có thể trải qua việc thay đổi cá nhân, thì điều này sẽ tự nhiên tạo ra những thay đổi dần dần trong văn hóa xung quanh –

Wolf: – điều sẽ có những tác động qua lại lên các cá nhân. Về nguyên tắc, sự có đi có lại này có thể khởi xướng cho quá trình tự củng cố hướng tới các xã hội tốt hơn, cũng như theo hướng ngược lại, sự gây hấn và trả thù sẽ khơi mào cho những vòng luẩn quẩn gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Chúng ta nên khai thác cả hai lựa chọn để thay đổi: làm việc trên các cá nhân và thiết kế những kiến trúc tương tác cho xã hội khuyến khích cách cư xử hòa bình.