TRI KIẾN CHÂN CHÁNH

LEDI SAYADAW

Chánh Kiến Và Nghiệp; Tác giả: Ledi Sayadaw và nhiều Tác giả khác; Dịch giả: Pháp Thông; Nguồn: trungtamhotong.org

Có tri kiến chân chánh, ngay thẳng, chính trực được gọi là diṭṭhijukamma (diṭṭhi: kiến, ujukamma: chính trực). Tri kiến là quan niệm của một người về sự vật dựa trên trí hiểu biết của người đó. Khi quan niệm ngay thẳng hay chân chánh, nó được gọi là chánh kiến hay hiểu biết chân chánh (sammādiṭṭhi). Nếu một tri kiến sai lạc, thì gọi là tà kiến (micchadiṭṭhi). Bạn hãy xét kỹ những điều sau:

  1. Thiện nghiệp và ác nghiệp
  2. Quả tốt và xấu của những nghiệp ấy
  3. Kiếp sống hiện tại và những kiếp sống tương lai là do những thiện nghiệp và ác nghiệp của một người quyết định
  4. Có các vị chư thiên (devas) và phạm thiên (brahmas)
  5. Người nào thực hành theo thánh đạo và đắc các bậc thiền, thần thông hoặc trở thành các vị Alahán.

Nếu sau khi suy xét sâu xa, bạn thấy rằng năm điều kể trên là những sự thực, tin là chúng thực sự có mặt, thời bạn có chánh kiến (sammādiṭṭhi). Đây cũng gọi là tri kiến chân chánh (diṭṭhijukamma) và nghiệp sở hữu trí (kammasakatā-ñāna, do chữ kamma: nghiệp; saka: tài sản riêng của một người; ta: chúng sinh; ñāna: trí hay sự hiểu biết). Nói chung, với sự hiểu biết rằng chỉ có thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mà người ta làm là tài sản riêng của họ và đi theo họ bất cứ nơi đâu trong tam giới này, là bạn có chánh kiến.

Nếu bạn loại bỏ tất cả hay bác bỏ một trong năm điều kể trên xem chúng như phi thực, tức chúng không thực sự hiện hữu, như vậy bạn đã có tà kiến (micchadiṭṭhi). Do không tin có nghiệp và quả của nghiệp, người ta không thể nhận ra rằng những con vật cũng là một loại chúng sinh do quả của nghiệp sinh ra. Đó là lý do vì sao những người này không do dự khi đoạt mạng sống của những chúng sinh khác. Họ không cảm thấy cắn rứt lương tâm hay có cảm giác tội lỗi khi làm điều đó vì họ tin rằng không có đời này, không có đời sau do quả của nghiệp, họ có khuynh hướng tin rằng thế gian cùng với các hữu tình trong đó là do một “Đấng quyền năng” sáng tạo ra. Chúng ta có bằng chứng đầy đủ về cuộc đời của đức Phật với những chứng cứ lịch sử. Có bằng chứng nào như vậy về sự hiện hữu của một con người gọi là “Đấng Quyền năng” hay không?

* Là một người Phật tử

Chúng ta vừa nói đến tri kiến chân chánh – diṭṭhijukamma, cũng gọi là chánh kiến – sammādiṭṭhi. Cho đến lúc này chúng ta cũng chưa thể nói rằng mọi người có chánh kiến đều là Phật tử cả. Người theo Ấn giáo cũng tin vào nghiệp và quả của nghiệp song họ vẫn không phải là Phật tử. Chỉ những người nào tầm cầu sự quy y nơi đức Phật, Giáo Pháp (Dhamma) và chư Tăng (Saṅgha) mới là những Phật tử đích thực. Bạn phải công bố, “Con xin quy y đức Phật, Giáo Pháp và chư Tăng” hoặc bằng tiếng Pāli hoặc bằng một thứ tiếng nào khác cũng được. Chỉ sau khi quy y nơi Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng), bạn mới có thể tự gọi mình là một Phật tử. Những người không hiểu rõ pháp Tam quy (Tisaraṇagamana) như các trẻ em chẳng hạn, cũng có thể xem như Phật tử nếu họ tự hiến dâng đời mình cho Tam Bảo theo truyền thống gia đình.

* Làm thế nào để có tri kiến chánh trực

Chánh kiến và nghiệp sở hữu trí (kammassakatā ñāṇa) là đồng nghĩa với tri kiến chánh trực (diṭṭhijukamma). Khi bạn tự mình quán xét hay suy tư trên nghiệp và quả của nghiệp, suy tư trên hiện thực của các kiếp sống quá khứ và vị lai, bạn thành tựu tri kiến chánh trực. Khi bạn ghi nhớ trong tâm, lúc sắp thực hiện việc bố thí và giữ giới, rằng những việc làm cao quý như bố thí và giữ giới sẽ đem lại quả lành trong những kiếp sống tương lai, bạn đã phát triển tri kiến chánh trực. Khi bạn làm việc thiện khác với sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp cũng sẽ có giá trị như vậy. Nói chung, lòng nhân từ có mặt trong mọi hình thức của thiện sự được nâng lên cao nhờ tri kiến chánh trực (diṭṭhijukamma).

* Bốn mươi việc thiện

Những thiện sự kể trên được xem là những việc làm cao quý không chỉ khi bạn thực sự thực hiện chúng, mà cả khi bạn bảo người khác làm, hoặc khi bạn giải thích những kết quả tốt đẹp của những thiện sự ấy cho người khác, và khi bạn cảm thấy hoan hỷ với những việc làm cao quý của người khác. Như vậy, từ mười phước nghiệp sự (puññakiya-vatthus) chúng ta đã thảo luận ở trên nhân với bốn yếu tố, đó là (1) thực sự làm, (2) khích lệ người khác làm, (3) giải thích những phẩm chất tốt của việc làm ấy cho người khác, và (4) cảm thấy hoan hỷ, chúng ta có bốn mươi thiện sự được gọi chung là bốn mươi phước nghiệp sự (puññakiya-vatthus).

Kết luận: Trong chương này tôi đã giải thích chi tiết mười thiện sự được làm với tâm thiện và chủ ý hay tư thiện. Đối với hành động bố thí (dāna), tôi cũng đã giải thích về những quả báo của nó. Trước khi chấm dứt chương này tôi xin lược qua một số quả báo của giới (sīla) và tu thiền (bhāvanā).

* Quả lợi ích của giới

Giữ ngũ giới hoặc bát quan trai giới (uposatha sīla) đem lại hạnh phúc cho mọi chúng sinh. Giới cũng giúp bạn sống một cuộc sống không lo lắng và phiền muộn. Những quả lành của giới tuy không thể làm cho bạn giàu có; song chắc chắn nó sẽ đem lại sự an lạc của tâm. Bố thí đem lại giàu sang trong các kiếp sống tương lại (dāmato bhogavā). Giới đem lại sức khoẻ của thân và sự an lạc của tâm (sīlato sukhīto)

* Quả của tu thiền

Những ai muốn thực hành thiền chỉ và thiền quán cần phải tìm đến những nơi rừng núi xa xôi, sống một cuộc sống cô độc (độc cư). Bạn chỉ có thể đắc thiền khi thực sự thấy rõ những khuyết điểm của dục lạc. Nếu bạn muốn thực hành để đạt đến Đạo (magga) và Quả (Phala), bạn phải tiến xa hơn nữa và phát triển tâm nhàm chán và ghê tởm đối với các uẩn của danh và sắc (hợp thể thân-tâm) trong suốt kiếp luân hồi.

Nếu bạn hành thiền và đắc các bậc thiền, bạn sẽ được tái sinh trong phạm thiên giới, ở đây bạn sẽ không còn phải đi tìm một người vợ như trong cõi dục nữa. Bạn sẽ sống một cuộc sống cô độc ở đó để phát triển tâm từ (mettā), bi (karuṇā) và hỷ (muditā). Bạn sẽ sống trong một thiên cung lộng lẫy như một hành giả với vẻ uy nghiêm và bình thản. Còn nếu bạn đã đắc Đạo Quả (Magga-Phala), bạn sẽ không bị dính mắc, chẳng những vào các toà thiên cung mà ngay cả danh và sắc của mình cũng vậy, vì bạn đã ghê tởm và xoay lưng lại với mọi hình thức của danh và sắc. Vì thế khi bạn đạt đến Niết-bàn sẽ chỉ còn lại một yếu tố đặc biệt không liên quan gì với danh và sắc mà thôi.

Do đó, mỗi loại thiện sự (bố thí, trì giới, tu thiền) đều tạo ra những kết quả tương xứng. Mọi hình thức của thiện nghiệp (kusala-kamma) đều đem lại những kết quả lợi ích. Bởi thế, nếu bạn có một mục đích cao thượng muốn đạt đến Niết-bàn, trước hết bạn phải loại bỏ mọi tư duy ác, bất thiện; kế đó, bạn phải dọn con đường cao quý dọc theo vòng luân hồi này bằng cách làm những việc thiện càng nhiều càng tốt.

Cầu mong tất cả độc giả phát triển được khuynh hướng thực hiện các thiện nghiệp của mình nhiều hơn bao giờ hết. Cầu mong tất cả những người cộng tác với tôi hoan hỷ trong các thiện sự với ý định thành tựu sự an lạc tối thượng của Niết-bàn.

Mong cho tôi có thể đứng vững trên nền tảng bố thí, trì giới, và tu thiền; thắng phục được tính miễn cưỡng khi làm các việc thiện dẫn đường đến Niết-bàn. Cầu mong cho tôi có thể phát triển được ngũ lực (hay năm sức mạnh tinh thần), đó là tín (saddhā), tinh tấn (viriyā), định (samādhi), niệm (sati), và tuệ (paññā) trên con đường đi đến mục tiêu cuối cùng (giải thoát khỏi tử sinh luân hồi) của tôi.


Có mười phước nghiệp sự là:

  1. Bố thí (Dāna)
  2. Trì giới (Sīla)
  3. Tu thiền (Bhāvanā)
  4. Cung kính (Apacāyana)
  5. Phục vụ (Veyyāvacca)
  6. Hồi hướng công đức (Pattidāna)
  7. Tuỳ hỷ công đức (Pattānumodanā)
  8. Thính pháp (Dhammassavana)
  9. Thuyết pháp (Dhammadesanā)
  10. Tri kiến chân chánh (Diṭṭhịukamma)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO
  2. CHÁNH NIỆM ĐỂ HÓA GIẢI CĂNG THẲNG (STRESS)
  3. BỒ ĐỀ TÂM TƯƠNG ĐỐI VÀ BỒ ĐỀ TÂM TUYỆT ĐỐI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP