BỒ ĐỀ TÂM TƯƠNG ĐỐI VÀ BỒ ĐỀ TÂM TUYỆT ĐỐI

DILGO KHYENTSE RINPOCHE

Tiểu sử Đức Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991):

Đức Dilgo Khyentse Rinpoche là một trong những Đại Lama của thế hệ cuối cùng hoàn thành sự học tập và tu hành ở Tây Tạng. Ngài là một trong những lama chánh của truyền thống cổ Nyingma, một vị nối dòng lỗi lạc của Dòng Thực Hành, ngài đã để hai mươi hai năm của đời mình thiền định trong ẩn tu, thành tựu những kết quả của nhiều giáo lý ngài đã nhận được.

—————-o0o—————-

? Patrul Rinpoche

Nền tảng của con đường Đại thừa là tư tưởng giác ngộ;
Tư tưởng cao cả này là con đường duy nhất tất cả chư Phật đều dẫm bước.
Không bao giờ bỏ con đường cao cả của tư tưởng giác ngộ,
Với lòng bi cho tất cả chúng sanh, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

? Dilgo Khyentse Rinpoche bình giảng:

“Tư tưởng giác ngộ”, Bồ đề tâm (bodhicitta), là mong muốn đạt đến giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sanh. Bồ đề tâm có hai phương diện, tương đối và tuyệt đối. Bồ đề tâm tuyệt đối là sự nhận biết Phật tánh hiện diện vốn sẵn có trong mỗi chúng sanh và chỉ có thể thấu hiểu bởi những ai chứng ngộ tánh Không của tất cả hiện tượng; bởi vì không dễ dàng thấu hiểu nó một cách trọn vẹn, chúng ta thường bắt đầu với sự thực hành Bồ đề tâm tương đối, nó ít khó khăn hơn.

Bồ đề tâm tương đối cũng được chia làm hai: nguyện vọng và áp dụng. Cái thứ nhất là ước muốn đạt được giác ngộ vì tất cả chúng sanh, và cái thứ hai đưa ước muốn này vào hành động qua sự thực hành sáu Ba la mật. Nói cách khác, Bồ đề tâm nguyện vọng là cái nhận ra mục đích, và Bồ đề tâm áp dụng là phương tiện nhờ nó mà mục đích được đạt đến. Điểm then chốt của Đại thừa là cả hai nguyện vọng và áp dụng đều được hướng không phải đến chính mình mà đến tất cả chúng sanh, dù sanh tử còn có thể tồn tại bao nhiêu.

Làm thế nào người ta bắt đầu phát sanh Bồ đề tâm nguyện vọng, cảm giác của lòng bi cho tất cả chúng sanh khơi dậy trong chúng ta ước muốn đạt được giác ngộ vì họ? Trước tiên, hãy lấy Quán Thế Âm như là một người làm chứng cho quyết định của các bạn đạt đến chứng ngộ để làm lợi lạc cho những người khác. Tiếp theo, nỗ lực đánh bại thái độ chỉ muốn giúp đỡ những người thân thiết với các bạn trong khi từ chối những nhu cầu của những người mà các bạn không thích. Điều này trở nên có thể khi các bạn thấu hiểu rằng, trong tất cả vô số những đời trước của mình, mỗi chúng sanh không ngoại trừ ai, phải đã từng là mẹ hoặc cha của các bạn ít nhất một lần. Mỗi một chúng sanh này, xuống tới con côn trùng nhỏ nhất, đều chỉ muốn được hạnh phúc và không đau khổ; nhưng không có ai trong số họ biết rằng khổ là do các hành động xấu gây ra và hạnh phúc là do một tâm đức hạnh phát sanh. Khi các bạn nghĩ về tất cả những chúng sanh này họ đang chìm đắm một cách vô vọng trong khổ đau như những người mù lạc trong một sa mạc bao la, các bạn không thể cứu giúp nhưng cảm thấy một lòng đại bi cho tất cả họ.

Để triển khai lòng bi này hơn nữa, hãy tưởng tượng chính các bạn đang ở trong những cõi địa ngục; thình lình trước mắt các bạn, cha mẹ các bạn bị các tay sai của Thần Chết Yama kéo lê trên đất, chúng đánh đập họ dã man, đâm chém họ với vũ khí sắc bén, bỏ họ vào vạc đồng cháy bỏng, và ép họ dưới những tấm sắt nóng đỏ. Trông thấy sự hấp hối khủng khiếp của họ, chẳng lẽ các bạn không cảm thấy thương xót ngập tràn và sự khẩn thiết không thể kiềm chế lao đến tức thời để cứu họ? Khi cảm giác mạnh mẽ này của lòng bi khởi lên rõ ràng, hãy suy nghĩ một chút. Cha mẹ còn sống của các bạn chỉ là hai người trong số vô cùng những chúng sanh. Tại sao con số vô cùng những chúng sanh khác cũng không đáng để bạn bi mẫn ư? Thấu hiểu điều này quả thật là không hợp lý, hãy dần dần cố gắng mở rộng lòng bi của các bạn, trước tiên với những bạn bè quyến thuộc thân thiết nhất, rồi đến những ai bạn biết, đến toàn thể một đất nước, toàn thể trái đất và cuối cùng đến vô cùng chúng sanh trong ba cõi của sanh tử luân hồi. Chỉ khi lòng bi của các bạn thực sự đạt đến tầm mức bao la này nó mới có thể được gọi là lòng bi chân thật.

Tất cả chúng sanh đều như nhau trong ước mong được hạnh phúc và không khổ đau. Sự khác biệt lớn lao giữa chính mình và những người khác là trong con số – tôi thì chỉ một, những người khác thì vô số. Thế nên, hạnh phúc và khổ đau của tôi hoàn toàn vô nghĩa khi so sánh với hạnh phúc và khổ đau của vô số chúng sanh khác. Điều thực sự quan trọng là những chúng sanh khác hạnh phúc hay khổ đau. Đây là nền tảng của Bồ đề tâm. Chúng ta cần phải mong muốn những người khác được hạnh phúc hơn chính chúng ta, và chúng ta đặc biệt cần phải mong muốn hạnh phúc cho những người mà chúng ta xem như những kẻ thù và những người đối xử xấu với chúng ta. Nếu không thể, lòng bi có ích gì?

Cảm thấy lòng bi với tất cả chúng sanh là điểm khởi đầu. Bấy giờ các bạn có thể chuyển dịch những mong muốn và nguyện vọng của các bạn thành hành động. Nhưng, như đức Atisha nói, “Chính ý định mới đáng kể.” Nếu tâm thức các bạn luôn luôn đầy ngập với ý định làm lợi lạc cho những người khác, bấy giờ, bất kể những hành động của các bạn ở bề ngoài có như thế nào, sự áp dụng Bồ đề tâm tự lo cho chính nó. Nếu các bạn có thể duy trì thái độ này của Bồ đề tâm, các bạn sẽ không chỉ không bao giờ lạc khỏi con đường, mà còn sẽ tiến bộ chắc chắn trên con đường đó. Khi thân, ngữ và tâm thức các bạn hoàn toàn thấm đẫm bởi mong muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh, khi mục tiêu của các bạn là Phật tánh viên mãn cho những người khác và cho cả chính các bạn, bấy giờ ngay cả hành động nhỏ nhất, chỉ một trì tụng mani hay chỉ một lễ lạy, sẽ nhanh chóng và chắc chắn đem lại sự hoàn thành mục đích của các bạn.

Sáu chữ mani, tinh túy của bản thân Quán Thế Âm, là sáu Ba la mật trong hình thức thần chú. Khi các bạn trì tụng thần chú, sáu Ba la mật tự nhiên khởi hiện và Bồ đề tâm áp dụng được hoàn thành.

Có nói rằng khi những ai đau buồn trong ngục tù của sanh tử phát sanh tư tưởng giác ngộ, họ đều tức khắc được chư Phật nhận làm con trai và con gái của các ngài, và họ được tán thán bởi cả người và trời. Toàn thể cuộc đời họ có một ý nghĩa mới. Tất cả điều này đều nhờ năng lực vô lường của Bồ đề tâm như ngọc báu. Bồ đề tâm là tinh túy của tám vạn bốn ngàn phần của Phật pháp, nhưng đồng thời nó quá đơn giản, quá dễ hiểu và dễ thực hành, ngay với người sơ học.

Bồ đề tâm tối hậu là tính chất bất khả phân của tánh Không và đại bi không phải tạo tác. Đó là tính đơn giản của trạng thái bổn nhiên, vượt khỏi mọi ý niệm và mọi giới hạn của tư tưởng và tri thức, từ nó lòng bi tự nhiên, không có đối tượng hưng khởi, làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh.

Khi các bạn tiến bộ trong sự thực hành của các bạn, hai phương diện của Bồ đề tâm củng cố cho nhau. Bắt được dù chỉ một thoáng thấy bản tánh tuyệt đối của tâm sẽ cho các bạn viễn cảnh thích đáng để thực hành Bồ đề tâm tương đối, và ngược lại, sự thực hành Bồ đề tâm tương đối mở rộng sự chứng ngộ của bạn về Bồ đề tâm tuyệt đối.

Trích “Kho Tàng Tâm Của Các Bậc Giác Ngộ”
Anh Ngữ: Nhóm Dịch Thuật Padmakara
Việt Ngữ: Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức
NXB: Văn Hóa Sài Gòn

Bình luận

[…] Bài viết dưới đây được trích từ quyển sách “Những lời khai thị từ bậc tôn quý“, tổng hợp 108 bài pháp đặc biệt đầy trí huệ về các giáo huấn cốt tủy của Đức Phật liên quan đến Ba mươi bảy pháp hành Bồ tát đạo, luật nhân quả không sai chệch và các thực hành tối hậu về Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm viên mãn. […]


Bài viết liên quan

  1. TRÍ THÔNG MINH CỦA CẢM XÚC
  2. HÀNH HƯƠNG
  3. BỒ ĐỀ TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG SÙNG MỘ VỚI MỘT VỊ THẦY
  2. THỰC HÀNH GURU YOGA – VIÊN NGỌC NHƯ Ý
  3. SỰ QUÁN TƯỞNG – NƠI CHỐN NHƯ MỘT CÕI PHẬT

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI