TRIẾT LÝ VỀ HOA

GEORGE OHSAWA

Trích “Hoa Đao”, George Ohsawa/ Anh Minh, Song Anh & Ngô Ánh Tuyết dịch; nhà xuất bản Thời Đại; năm 2011.

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản (ảnh google image)

Ngày nay không còn nơi nào trên hành tinh này chưa được khám phá, không miền đất nào không có đường giao thông băng qua ngang dọc, và cả đến không gian cũng được thám hiểm, nhưng vẫn còn một vùng tuyệt đối bí mật, hầu như khó hiểu, khó lý giải, vì quá xa lạ và các giác quan chưa hề nhận biết, đó là tâm trạng của những dân tộc có vị trí đối nghịch nhau trên mặt địa cầu.
Cho rằng Nhật Bản chỉ đối nghịch với châu Âu về vị trí địa dư là nhận xét phiến diện. Sự đối nghịch này gồm cả các mặt tâm lý, luân lý và mỹ thuật. Chúng tôi đã chứng minh rằng nhờ có các loài hoa mà ta thấy được vẻ đẹp ở bên kia không là đẹp đối với ta bên này; nhưng chúng tôi lại không biết nguyên do tại sao có sự trái ngược đó, nhất là chúng tôi không tin sự trái ngược nơi nào cũng có. Tuy nhiên, không có gì để nói tổng quát hơn, và nói về hoa thì chẳng có nhiều khác biệt, nên chúng tôi đã dùng hoa làm điểm khởi đầu. Có người sẽ cãi: “Người Nhật chẳng khác gì chúng tôi, vì đã hơn mấy chục năm nay người Nhật cũng sản xuất những thứ như chúng tôi, chế tạo những dụng cụ như chúng tôi, tóm lại là cũng có chung một nền văn minh như chúng tôi.”. Chữ “Nhật” tương đương với chữ “văn minh”, nghĩa là “trí sáng suốt” hoặc “trí sâu sắc”. Chữ ấy có giá trị thuần túy tinh thần. Nếu nói “một nền văn minh vật chất” thì quả là vô nghĩa. Cũng thế, nếu nói những nhà bác học thông thái có tiếng khôn ngoan mà chỉ nhắm đến mục đích cải thiện vật chất không thôi thì đó là điều một người Nhật chính thống không sao quan niệm được. Quốc gia Nhật Bản là một quốc gia có đẳng cấp. Dân chúng tuy vẫn đổ xô vào tiền tài như các nơi khác, nhưng vẫn ca tụng sự thanh liêm. Ở nước Nhật xưa, các giai cấp xã hội được phân chia theo thứ tự: sĩ (giới trí thức), nông (người làm ruộng), công (giới làm thuê) và thương (giới buôn bán). Thương gia là hạng người giàu nhất, nhưng bị xem thường nhất. Đến nay cũng thế, tại các buổi tiệc linh đình ở hoàng cung những người ngồi kề cận Thiên hoàng là giới trí thức nghèo, những hiền đức, còn các nhà tỷ phú sắp xếp tận cuối bàn. Dù Nhật Bản cố gắng hết sức bắt chước người phương Tây trong mọi chi tiết sinh hoạt, cũng không thể nào cải đổi quy luật đã có. Nhật Bản tha thiết với những giá trị vô hình, với sự thanh bần cao quý, với cái chết trên đài vinh dự. Khi một nhân vật lên nắm chính quyền, dù người đó nguyên là một đô đốc hoặc một tướng lãnh, báo chí đều đua nhau mô tả vật dụng, đồ đạc của ông. Thường người ta thấy tất cả tài sản của Thủ tướng chỉ vỏn vẹn cái giường nhỏ bằng sắt.

Trong Hoàng Cung còn lưu giữ ba bảo vật thiêng liêng gọi là “Sanshu no Jingi” (Tam Chủng Thần Khí, ba loại thần khí giống nòi) từ thời tiền sử: đó là miếng ngọc quý, yasakani no magatama (Bát xích quỳnh khúc ngọc), tượng trưng cho lòng quảng đại; một tấm gương đồ Yata no Kagami (Bát chỉ kính), tượng trưng cho sự soi xét mình; và thanh gươm Kusanagi-no-Tsurugi (Thảo Thế Kiếm), còn gọi là Murakumo-no-Tsurugi (Thiên tùng vân kiếm) tượng trưng cho công lý. Trong khi đó, ở Âu châu, người ta dùng cái cân làm biểu tượng cho công lý khiến dễ liên tưởng đến chuyện buôn bán.

Nhưng ta hãy trở lại với hoa.

Đức Phật Thích Ca một ngày kia chỉ vào một đóa hoa và nói với các môn đồ đang tập hợp chung quanh: “Hôm nay ta truyền lại cho các người tất cả bí quyết trong giáo lý của ta. Bí quyết ấy là đây!”. Không ai hiểu Ngài muốn nói gì. Chỉ có một đệ tử mỉm cười nhìn Phật. Phật Thích Ca bảo người đệ tử: “Ngươi đã hiểu. Từ này ta cho phép ngươi thay ta thuyết giáo.”.

Một trái táo rơi đã tạo cơ hội cho nhà khoa học người Anh Newton tìm ra các nguyên lý về lực hấp dẫn. Nhưng đối với người Nhật, chỉ cần một chiếc lá rơi giữa những sắc màu diễm lệ của mùa thu cũng đủ cho thấy sự hư ảo của mọi vật, sự chóng qua của tất cả những gì mà kẻ điên rồ mới muốn giữ mãi, cùng nỗi chán chường do vật hữu hình gây ra. Dù trải qua bao nhiêu thế kỷ, người không được thừa hưởng lòng quý chuộng những gì tâm linh, vô hình, vô thể thì một sự kiện nhỏ nhoi đó cũng đủ gợi sáng trong tâm. Chỉ có người điếc tâm hồn mới không nghe được tiếng nói của hoa lá, cỏ cây. Hoa có tiếng nói của hoa, cũng như tất cả những cảnh đẹp thiên nhiên đều có tiếng nói: ao hồ, đại dương, sông suối, núi non, ruộng đồng đều bày tỏ hùng hồn làm con người thấm thía, không còn gì để nói thêm, mà có nói thì cũng nghèo nàn thô thiển, chẳng đáng vào đâu so với tiếng nói của muôn đời ấy.
Người Nhật biết nghe lời nói của hoa lá, cỏ cây, côn trùng, hay chim chóc. Chúng đều đồng thanh nói rằng cứ mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mỗi ý muốn của con người đều sai lầm hoặc phạm thượng. Con người xét ra quá nhỏ nhoi, và thường phạm sai lầm. Tốt hơn con người nên buông bỏ tất cả để sống như hoa đồng, cỏ nội. Làm được như thế, con người sẽ hưởng được hạnh phúc đời đời. Tục ngữ có câu: “Bỏ tất cả là được tất cả.”.

Đương nhiên nghệ thuật Nhật Bản phải mang đặc tính y như tâm hồn người Nhật. Lúc mới du nhập nền văn minh Trung Hoa, người Nhật mô phỏng theo hai tông phái của các bậc thầy: Bắc tôngNam tông. Tông phái miền Bắc là hiện thực, trung thành với hữu hình và màu sắc. Tông phái miền Nam, lý tưởng hơn là hình thức, tính chất bên trong hơn là dáng vẻ phù phiếm bên ngoài. Bắc tông dùng những màu sắc tự nhiên. Nam tông chỉ dùng mực xạ (mực đen) hòa với nước, tông phái này chỉ tìm vẻ đẹp lý tưởng và tinh thần. Tông phái miền Nam (Nanga, Nam họa) tự nhiên gần gũi với tinh thần thật sự của người Nhật là khinh thường vật chất. Nhưng những nghệ sĩ thời bấy giờ lừng danh nhất là ba đời nhà Nakao (Noami, Geami và Sòami) tỏ ra thiếu khả năng diễn tả tình thương phổ quát. Họ để cho ngọn bút lông của họ tự do đưa đẩy theo năng lực huyền bí trong tâm tư. Họ khinh miệt hình thức, nhưng đồng thời để mất cả sắc màu. Tuy nhiên, do đặc tính của thiên tài, họ đã lập ra một môn phái về hoa. Hoa trở thành một nguyên liệu mới cho mỹ thuật. Sắc điệu của hoa thay đổi vô cùng, người ta cho rằng chính Đức Phật A Di Đà đã định ra chuyện đó. Trái lại, hình hoa thì có hạn, và điều này là một thuận lợi vì chính sự hữu hạn của hình thể xác định được ngôn ngữ của loài hoa. Từ đó, nghệ thuật Nhật Bản đã tìm ra cách thức diễn tả đặc thù và tự phát triển bằng những phương tiện của riêng mình. Người ta có thể ngạc nhiên khi nhìn thấy cách phối cảnh lạ lùng ở những bức họa xưa của người Nhật. Những đường nét phía trước thì ngắn, trái lại, những đường nét phía sau thì dài hơn. Thí dụ, để thể hiện một khối vuông, thì mặt phía sau được vẽ lớn, còn mặt phía trước thì vẽ nhỏ hơn. Tại sao lại có cách phối cảnh lạ đời như vậy? Cũng chỉ vì một lý do: Người Nhật luôn quan tâm đến sự sâu sắc, vô hình. Người phương Tây chỉ để ý đến những gì họ trông thấy rõ ràng hoặc rờ mó được. Người phương Đông thì chú trọng đến những gì họ không thể tới. Người ta dễ nhận thấy đầu óc của người Nhật đòi hỏi sự vô tư tuyệt đối, sự thanh tịnh tuyệt vời và coi thường vật chất hữu hình. Vì vậy, văn minh phương Tây đối với họ chưa thật là văn minh. Chữ “giàu có” (phú) theo tiếng Nhật không giống chữ giàu có của phương Tây, mà có nghĩa là “Tâm hồn không vướng bận lo âu, không đau khổ, giày vò”. Đó là một trạng thái tinh thần. Theo nhận thức của người Nhật thì phải định nghĩa nghệ thuật như thế nào? Ông Syakaku, một triết gia danh tiếng ở triều đại thứ 6, (thời Edo, Tokugawa,1603 – 1868) trong quyển “Thẩm Mỹ Học” cho rằng nghệ thuật là “sự rung cảm, sự phập phồng nhịp nhàng theo vận tiết của vũ trụ”. Một định nghĩa như thế, đa số người phương Tây khó mà hiểu được. Nhưng điều khó lý giải nhất là cái vũ trụ được người Nhật nói đến, cái vũ trụ vô hình, có vẻ đẹp vô thể mà những nghệ sĩ Nhật Bản đang ngụp lặn trong đó.

Thế gian có hai mặt hữu hình và mặt vô hình. Mặt hữu hình thì những giác quan bình thường như thính giác cũng có thể nhận biết. Nhưng để nhận biết mặt thứ hai thì phải có sự soi sáng từ bên trong. Điều kỳ diệu nhất theo nhận thức của một người Nhật chính là ở mặt vô hình này mới thể hiện được sự đồng nhất. Về phương diện hữu hình thì mỗi cái mỗi khác; trên thế gian không thể tìm ra hai bộ mặt giống hệt nhau hoàn toàn. Trái lại, đối với một người biết rung cảm thì tất cả đều chung một linh hồn, từ vật nhỏ nhất đến vật lớn nhất, cả đến trời đất, Thượng Đế, và người. Vì vậy, mọi công trình nghệ thuật có thể thực hiện bằng nhiều phương cách. Hội họa có thể dùng hoặc không cần màu sắc vẫn tạo được sự rung cảm ở người xem. Nghệ thuật không thể là nô lệ của sự vật. Nghệ thuật không tự khép mình vào mỗi việc mô phỏng thiên nhiên, nếu không, nghệ thuật chỉ là việc sao chép, chụp hình. Nghệ thuật phải làm sao dẫn dắt tâm hồn vào tận thế giới hư linh, vô hình, vô thể. Cho nên, vấn đề ở đây không phải là kỹ xảo hoặc tài năng vặt vãnh của con người, mà là thấy được vô hình, vô thể và ôm giữ được những gì không thể nắm bắt.

Nếu một triết gia La Mã thường khởi đầu bằng hình học, những hiền nhân Hy lạp thường thông thạo số học, thì bậc hiền triết Đông phương phải am tường các quy luật của hình số tinh thần. Đó là môn hình học không gian bốn chiều được tính bằng dịch số dựa vào nguyên lý tâm nguyên. Nguyên lý không gian bốn chiều này là chìa khóa mở mọi cánh cửa của khoa học và nghệ thuật.

Về thơ cũng thế. Những bài thơ hay nhất ở phương Tây đều do cách kết cấu chữ. Người ta ra sức trau chuốt cho chữ được vang dội, được sáng lạn, được rõ ràng đến cực độ. Trái lại, mặt kia thì che giấu, cũng như một tấm vải người ta không muốn phô bày mặt trái. Khi thưởng thức thơ Tây phương, người Nhật cảm thấy thiếu một cái gì, một thứ sinh chất cần cho sự sống. Một bài thơ Tây phương chỉ là cái đẹp chết, không hồn. Đổi lại, thơ ca Nhật Bản không khi nào được hiểu thấu đáo ở ngoài quê hương người Nhật. Việc phiên dịch luôn luôn tai hại cho một bài thơ Nhật. Nhưng nếu đã dịch thì sẽ còn lật lại hoàn toàn, thay vì diễn tả mặt tinh thần lại chỉ bày có mặt vật chất thì còn tai hại biết bao! Trong khi thơ văn phương Tây nhằm mục đích cho thấy dù sao cõi đời không đến nỗi xấu xa nhỏ mọn như người ta tưởng, thì thơ văn Nhật Bản triệt để mong muốn giải thoát chúng ta ra khỏi thế gian trần tục. Chỉ vỏn vẹn có mấy chữ (17 hay 31 âm), một bài thơ Nhật muốn nhắc ta nhớ lại nhịp rung của vũ trụ vô hình mà chúng ta thường quên; thơ Nhật muốn gợi cho tâm hồn nỗi niềm tưởng nhớ một quê hương vô hình. Không thể trích riêng những câu hay trong một bài thơ Nhật Bản, mà cũng không nên làm thế, vì vẻ đẹp của câu thơ riêng biệt sẽ là vẻ đẹp vật chất, vẻ đẹp thế gian, tức là vẻ đẹp tầm thường. Cả đến những người từng dịch thơ văn Nhật Bản ra tiếng nước ngoài cũng không biết rằng chưa có ai trong họ làm nên trò trống. Mà làm sao họ biết được! Thí dụ như khi họ chỉ dịch chữ Mizu là “nước”, chữ Toku là “đức hạnh” mà chẳng nói thêm điều gì. Đối với các nhà thơ phương Tây, nước là một chất đẹp lấp lánh muôn màu, gợn sóng hoặc có nhiều xoáy rất tao nhã. Nhưng đối với thi sĩ Đông phương, nước là một gương mẫu cho mọi đức hạnh của con người. Nước rất khiêm tốn khi nào cũng ở nơi thấp nhất. Nước tiêu biểu cho sự vâng lời, thủ phận, vì hình nước rập khuôn theo những vật chứa. Nhưng kỳ thật nước là nguồn sinh lực cho mọi thứ, cầm thú, cỏ cây không có nước thì chết. Nước xói mòn những thứ cứng như sắt đá, và cả đến lửa, nước cũng không sợ… Tiếc thay! Chúng ta không thể nói nhiều hơn nữa về điều này. Mỗi lúc chúng ta càng thấy rõ chỗ bất lực của mình không thể dùng lời lẽ đễ diễn tả sự vô hình. Tuy nhiên, nếu cần so sánh, chúng ta có thể nói thêm thơ văn phương Tây giống như tấm hình chụp chậm, còn thơ văn Nhật Bản là bức ảnh chụp nhanh.

Về tình yêu cũng thế, rất khó giải thích tình yêu của người Nhật gồm có những thứ gì. Chẳng hạn tình yêu hoa lá của người Nhật như ta đã biết, ở châu Âu không có tình nào tương tự. Ở châu Âu không ai yêu hoa say đắm như người Nhật. Có người cãi lại: “Người ta vẫn yêu thú vật đấy chứ!”. Đúng thế, người ta vẫn bảo vệ thú vật, chống lại mọi sự ngược đãi, nhưng thật ra đó chỉ là một sự tính toán. Nếu hành hạ thú vật, chúng sẽ làm việc ít đi, hoặc trở nên hung hiểm, hoặc tiếng kêu la của chúng trong các đường phố lớn sẽ làm náo động, rấy tai khách bộ hành. Lòng tốt ấy là lòng tốt có tính toán của nhà chăn nuôi, của kẻ bóc lột (vỗ béo để lợi dụng sức lao động hoặc làm thịt). Bất cứ ai ý thức về quyền lợi của mình đều có “lòng tốt” như thế. Tình yêu có hàng chục từ diễn tả trong tiếng Nhật. Chúng ta đã biết người Nhật là những chuyên gia về những gì liên quan đến tinh thần. Vì vậy, cũng đừng ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều từ để diễn tả tình yêu. Những từ này không thể nào dịch hết ra tiếng Pháp. Cũng như trước đây một thế kỷ, khó có ai dịch cho người Nhật hiểu được chữ “điện năng” hay chữ “đầu cơ”. Người Nhật phân biệt tình yêu bằng những từ konomi (hảo, ưa thích), ai (ái, thương yêu), natsukashimi (hoài, thương nhớ), shitashimi (thân, thân thương), itsukushimi (từ, thương xuống), kanashimi (bi, thương xót), v.v…, nhưng chỉ một chữ là đủ diễn tả tình yêu của người phương Tây, dù với đối tượng nào, chữ đó là konomi. Konomi biểu thị tình yêu thô sơ nhất, duy vật nhất, ích kỷ nhất. Vì vậy, nếu các bạn (người Âu châu) nói yêu hoa, người Nhật sẽ cho rằng đó có lẽ chỉ là konomi, và như thế bạn bị xem là người kém văn minh.

Một xã hội mà trong đó mọi người đều ước ao chiếm hữu ít nhất, và giới lãnh đạo thượng lưu là những người nghèo thì quả là một xã hội lạ kỳ. Ngay cả ngày nay ở Nhật, quân đội một cơ cấu mạnh nhất lại nghèo. Quân đội đối lập với tư bản. Chính vì tác động của văn minh vật chất đã tạo thế lực cho tư bản. Ngày xưa, ai nấy đều hướng về những cái vô hình. Những cái vô hình có thể dùng làm căn bản cho một chủ nghĩa cộng đồng. Chủ nghĩa cộng đồng của Nhật với những giá trị tư tưởng đã trải qua biết bao thế kỷ và rất lạ là chủ nghĩa đó không hề nguy hại cho khoái lạc vật chất và phồn vinh của quốc gia. Chữ “giàu” như đã nói, đúng ra là chỉ diễn tả một trạng thái tâm hồn hơn là một mức độ phồn vinh hoàn toàn làm chủ vật chất thay vì nô lệ, đó là lý tưởng của Lão Tử. Nhưng người ta có thể đạt được điều đó bằng vũ lực, bằng tiền tài trên phương diện vật chất hay không? Nếu tin là có thì quả là tin tưởng hão huyền, vì con người quá ư bé nhỏ, yếu đuối. Con đường duy nhất hay “chính đạo” giúp ta thành tựu là con đường giải thoát, từ bỏ tất cả. Con đường này dường như khó đi, nhưng thật ra dễ nhất, chỉ bước đầu là khó mà thôi.

Nếu giàu mà thích yên tĩnh nội tại và cảm giác nghe bất lực không cưỡng lại được thời gian, không gian và sức hấp dẫn thì giàu cũng như không. Người ta không thể chăm chú nhìn đống vàng chồng chất, vừa lắng lòng để ý từng giây phút trôi qua, cùng sự bao la của thế giới và từ đó quay về nhìn lại tính chất nhỏ nhoi của mình với thân phận bị giam hãm trên thế gian. Thế giới hữu hình là một tổng thể, không thể phân chia để chỉ chọn lấy những điều tiện lợi mà khước từ những điều phiền toái. Cơ chế tâm trí của con người chỉ biết tiếp thụ những khoái cảm vật chất, thích ăn ngon, mặc đẹp và hưởng thụ những tiện nghi sang trọng. Nó không giúp ta cảm nhận được sự mong manh của đời sống vật chất. Điều mà chúng ta tưởng có lợi cho mình một trăm phần trăm thật ra chỉ là sự đổi chác. Vật chất ban cho ta, mà vật chất cũng lấy lại của ta. Cũng có người đạt được hạnh phúc cùng với của cải. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta nhờ có của cải mà đạt được hạnh phúc. Sự trùng hợp đó không phải là ngẫu nhiên. Người ta bắt đầu xây dựng hạnh phúc bằng những cố gắng tích cực hợp với tính cách của họ, chỉ có thế thôi. Nói chung, người phương Tây thường bắt đầu theo cách đó. Đầu óc của họ là thực tế và xây dựng. Ở Đông phương thì không như thế. Khí hậu phương Đông làm cho con người có tâm trạng tiêu cực thụ động. Ở Đông phương rất khó mà quan niệm một người có ít nhiều giá trị lại chú tâm đến sự giàu sang. Trái lại, ở Tây phương người ta tin rằng tiền tài là dấu hiệu của sức mạnh. Hai nhận thức trái ngược nhau, cũng như vị trí đối nghịch ở hai bên trái đất.

Có hai con đường đưa đến một mục đích. Con đường của phương Tây là trước hết phải thu thập cho nhiều những giá trị vật chất, những hiểu biết máy móc, tiền của, rồi ngủ nghỉ và quên hết những đau khổ. Con đường của người phương Đông là sự tự mình giải thoát ra khỏi tất cả những chi phối của vật chất.

Thật ra, những người được hạnh phúc do con đường thứ nhất đã xa rời của cải lúc họ đang góp nhặt. Họ không biết rằng họ đã thỏa mãn một nhu cầu tinh thần chứ không phải vật chất. Nếu thực sự họ là những người duy vật, họ sẽ muốn có nhiều tiền để hưởng thụ, nghĩa là họ sẽ tiêu xài rộng rãi, thỏa thích. Nhưng trái lại, họ chỉ muốn góp nhặt để làm sao càng ngày càng có nhiều thêm. Như vậy họ tiêu xài cách nào?

Đó là một vấn đề mà họ không muốn tự đặt ra. Thế thì từ trong thâm tâm, họ cũng đã thể hiện một sự tổng hợp hoàn toàn về vũ trụ bao la. Vũ trụ này có hai mặt: mặt vật chất hữu hìnhmặt tinh thần vô hình. Trong bản thể tiểu vũ trụ, con người cũng có hai mặt đối với ai biết thấy. Những người mông muội chỉ thấy một mặt đó là lòng ham muốn vàng bạc và khoái lạc do vàng bạc đem lại. Tuy nhiên, xét kỹ vẫn thấy ở họ một ước vọng hướng về cõi vô hình. Bạn có thể giàu bao nhiêu cũng được, điều ấy không hề gì, miễn là tâm hồn bạn thoát ra ngoài của cải. Bạn có thể chiếm hữu mọi thứ bạn muốn, nhưng hãy đem cho người khác những gì họ mong cầu ở bạn.

Qua nhiều thế kỷ, người Nhật tin chắc rằng sự khinh thường đó là dấu hiệu của sự cao cả. Triết lý, nghệ thuật, xã hội học của họ đều dạy rằng nghèo nàn là trường hợp huấn luyện sự thanh cao. Chỉ ở nước Nhật xưa người ta mới thấy quang cảnh khác thường là ai nấy cũng đua nhau thi ân báo đức. Có một nghề lý tưởng là nghề ăn xin và đi giang hồ. Bố thí và đãi khách chẳng qua là việc mậu dịch đổi chác, đổi những vật hữu hình để lấy những thứ vô hình. Thật là một công việc vô cùng có lợi! Người nào cũng muốn tỏ ra xứng đáng được đứng vào thành phần nghèo và được trọng vọng, cũng như một sự bảo hiểm hỗ tương hay là một cuộc chơi hụi có lợi. Cơ chế kỳ lạ đó lại sinh ra điều kỳ lạ khác là xem thường của cải, thì của cải lại dồn dập đến. Bởi tổ chức xã hội có giai cấp thấp nhất lên giai cấp cao nhất. Động lực duy nhất của tất cả là sự quý chuộng những gì không đo lường được, những gì vô hình. Rốt cuộc, tự nhiên những người sẵn sàng hy sinh của cải lại trở nên giàu có.

Ngày nay, sau khi một yếu tố ngoại lai, tức văn minh phương Tây, được đưa vào cơ cấu mới xảy ra xáo trộn hoàn toàn. Nhật Bản ngày nay đang trên đường tìm về quê hương tinh thần. Một phần lý tưởng cũ vẫn còn. Nước Nhật xưa vẫn chưa chết hẳn. Dù những cơn sóng cả của văn minh vật chất cứ dồn dập ồn ào đến, nước Nhật cũ vẫn không muốn tin rằng một ngày kia mình sẽ bị văn minh vật chất ngập tràn. Nếu không từ bỏ thái độ cực đoan thô bạo thì cuộc sống xung đột chưa từng thấy sẽ không tránh khỏi. Một bên là những người muốn tóm thu tất cả, một bên là những người muốn hy sinh tất cả. Đời sống của phe thứ nhất là giá trị vật chất không nên phung phí. Lòng can đảm của họ là tích cực và thuần thúy. Phe sau thì xem nhẹ mạng sống, lòng can đảm của họ không xuất phát từ hy vọng ở sự thành công mà bắt nguồn từ thái độ lãnh đạm cao cả. Phe nào sẽ thắng trong sự tranh chấp quyết liệt này? Chính là những người thực hiện được nhiều nhất trong thâm tâm của họ sự hòa hợp huyền diệu giữa vật chất và vô hình theo mô hình vũ trụ bao la. Đó là những người Nhật lãnh hội nhiều nhất chủ nghĩa thực nghiệm, và những người Âu biết dựa vào giá trị tinh thần.

Nhà kiếm thuật lừng danh Miyamoto Musasi, một samurai (hiệp sĩ) thượng thừa sống vào thời Tokugawa (thế kỷ XVII) đã để lại trong tập tùy bút những nguyên tắc tinh thần chỉ đạo cho một cuộc đời đầy chiến đấu. Ông viết:

“Không luyến ái, không ham muốn vật chất hữu hình.
Không nuối tiếc điều gì.
Không ham muốn điều gì.
Không sợ chết.
Không thèm khát của cải người khác.
Không oán ghét một kẻ ác nào.”

Theo ông thì giá trị của một nhà kiếm đạo (kendo) nằm trong các đức tính tinh thần. Thật vậy, nhiều chiến sĩ của nước Nhật ngày xưa đều là những triết gia hay nghệ sĩ. Tại Nhật có bảo tàng viện Musasi còn lưu giữ những tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ của vị Kiếm Thánh (Kiếm sĩ siêu đẳng) này. Một bậc thầy kiếm thuật khác là ông Nitòryo, người sáng lập môn phái song kiếm, cũng là một nhà hội họa và điêu khắc nổi tiếng. Những vĩ nhân ngày xưa thường xuất sắc đồng thời trong nhiều lãnh vực khác nhau. Điều đó chứng tỏ không có một kỹ thuật nào là biệt lập. Nghệ thuật Nhật Bản vì thế không dựa vào một điểm tựa vật chất. Nghệ thuật Nhật Bản là sự biểu lộ một chân lý triết học, danh từ này được dùng ở đây với nghĩa cao cả nhất. Nghệ thuật Nhật Bản không đưa ra quy luật. Nghệ thuật Nhật Bản hướng về cái thực, nhưng có một hiện tượng khó hiểu ở đây là thực nằm trong thế giới đối nghịch, trong tưởng tượng. Nếu dịch cho đúng nghĩa chữ thực thì thực trở thành tưởng tượng, mà tưởng tượng lại là thực.

Diễn tả cho được những khác biệt này là điều quá khó. Chỉ có một sự vật cụ thể, chẳng hạn như hoa, mới cho ta thấy được.

Bây giờ, khi đã hiểu phần nào triết lý do hoa đem lại, bạn hãy ẩn mình trong một căn phòng không bàn, không ghế như trong phòng trà Nhật Bản. Trước mặt bạn là tách trà xanh không pha đường. Ban đầu mới nhấm, nước trà gần như chẳng có mùi vị gì, nhưng dần dần trà sẽ thanh tẩy con người bạn xóa tan vật chất tính. Trước khi trở thành một thức uống, ngày xưa trà Nhật là một thứ thuốc. Trà liệu pháp (phương pháp chữa bệnh bằng trà) đã được một nhà hiền triết trứ danh ông Eisai – công bố trong tập sách “Kissa yojoki” (Khiết trà dưỡng sinh khí) cách đây hơn 10 thế kỷ. Khi uống trà, không nên uống quá nhiều. Nếu uống nhiều quá bạn sẽ thấy mình trôi qua một thế giới khác như khi dùng ma túy, cả đến hoa ta cũng không trông thấy nữa. Dù sao điều thú vị chính là tình trạng lơ lửng trên không giữa trời và đất, khác chi một con rồng.

Hoa đi vào nước Nhật từ đó.

Trà Nhật Bản (ảnh Pinterest)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ CHỨNG NGHIỆM GIẢI THOÁT
  2. THẨM MỸ
  3. HỘI HỌA

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH