TRƯỞNG DƯỠNG BỒ ĐỀ TÂM

NYOSHUL KHENPO RINPOCHE

Trích “Đại Toàn Thiện Tự Nhiên”; Việt dịch: Nguyễn An Cư; NXB Thiện Tri Thức, 1999.

Chúng ta cần trưởng dưỡng Bồ đề tâm như là một phương cách để trừ khử vô minh căn bản nó tạo ra những tư tưởng tiêu cực. Có nhiều giáo lý đề cập đến việc làm sao từ bỏ những tư tưởng tiêu cực và chuyển hóa những tư tưởng trung tính. Nhưng bởi vì đây là một chủ đề rộng lớn, chúng ta sẽ chỉ có một ít lời về Bồ đề tâm quý báu, cội gốc của mọi tư tưởng tích cực.

Để thiền định về Bồ đề tâm, trước tiên chúng ta phải có một cái hiểu rất đầy đủ, bởi vì đây là một chủ đề rộng lớn vô cùng. Vì nó liên hệ với sự hiểu biết cái mê lầm phổ khắp của tất cả chúng sanh trong những vũ trụ vô số. Không chỉ chúng ta, mà cha mẹ chúng ta và tất cả chúng sanh đã mê lầm từ vô số đời, và vì sự mê lầm ấy, họ đã khổ đau to tát không trừ một ai. Bởi thế, sự trưởng dưỡng căn bản Bồ đề tâm đòi hỏi một hiểu biết về tính cách rộng lớn của mê lầm và những khổ đau của chúng sanh. Khi người ta ý thức được độ dài rộng vô biên của những đời và những vũ trụ trong đó chúng sanh rơi vào mê lầm và khổ đau, chỉ lúc ấy những cảm nhận đích thực về lòng bi và những mong muốn giải thoát cho những chúng sanh ấy mới có thể phát triển trong tâm thức chúng ta. Như thế, chúng ta cần ý thức độ dài rộng của mê lầm và khổ đau, không phải để trở nên chán chường hay yếm thế, mà để thấy mọi sự như chúng là và để đem lại cái tốt nhất cho chính chúng ta và tất cả chúng sanh ở khắp nơi.

Với chúng ta Bồ đề tâm có nghĩa là gì? Bồ đề tâm tiếng Tây Tạng là changchub. Từ này có hai nghĩa căn bản. Trước hết, chang nghĩa là “làm sạch.” Trong ngôn ngữ giáo pháp chúng ta thưòng nói “làm sạch hai cái che chướng.” Trong ngôn ngữ bình thường nó có nghĩa là trừ sạch mọi lỗi lầm, vết bẩn, bất toàn và khuyết điểm của tâm thức chúng ta. Khi chúng ta nói đến chub, nó có nghĩa là khai triển đến mức rốt ráo mọi phẩm tính bẩm sinh vốn có, hay mọi tiềm năng, trong lòng và tâm. Bởi thế, Bồ đề tâm, chang-chub, nghĩa là trừ sạch bất cứ lỗi lầm nào có thể có và khai triển mọi phẩm tính giác ngộ đã vốn có. Tạo sao chúng ta nói Bồ đề tâm hay tâm giác ngộ? Bởi vì điểm bắt đầu là cái tâm tối tăm, mê lầm, và điểm kết thúc là tâm giác ngộ. Thế nên Bồ đề tâm liên hệ với sự tịnh hóa và sự khai triển rốt ráo của tâm thức.

Khi sự tịnh hóa của tâm thức và sự khai triển tất cả những phẩm tính giác ngộ ấy đạt đến điểm rốt ráo – sự hiện thực hóa tất cả những phẩm tính của tâm và sự gỡ bỏ mọi tấm màn che chướng – trạng thái này được gọi là Phật, hay Guru Rinpoche, hay Chenrezig hay Quán Thế Âm. Không có gì ngoài trạng thái giác ngộ trong đó mọi phẩm tính đã được khai triển, không có chút mê mờ nào do vô vàn hình tướng, bởi vì tất cả là một bản tánh tinh túy đơn nhất.

Tạo sao chúng ta cần thiền định về Bồ đề tâm, tâm giác ngộ? Bởi vì điều kiện giới hạn của chúng ta, sự khổ đau và mê lầm của chúng ta. Khi mọi mê lầm đã được trừ sạch, đây là trạng thái được gọi là “Phật tánh”: trạng thái của người đã hiện thực hóa những phẩm tính rốt ráo và đã trừ sạch mọi lỗi lầm. Người ta có thể tiến hành từ trạng thái mê lầm bình thường đến trạng thái giác ngộ; đây được gọi là “con đường.” Nhưng bản tánh giác ngộ này hiện ở trong mỗi chúng ta, vì nó là bản tánh chân thật của chúng ta.

Bản tánh Phật vốn sẵn có này – tâm giác ngộ nền tảng trong mỗi chúng ta – thì giống như bầu trời, như hư không, nó bao la, thanh tịnh và bất biến một cách không khuyết hụt. Trong bản tánh tự nhiên và sâu xa này, những phẩm tính của Phật tánh giống như những tia sáng tỏa ra từ mặt trời. Sự diễn đạt không thể quan niệm và phong phú những phẩm tính giác ngộ thì giống như đại dương, trong đó mọi ngôi sao và hành tinh đồng phản chiếu. Trong cùng một cách, những phẩm tính giác ngộ của Phật đều tự nhiên hiện diện trong mỗi chúng ta.

Chúng ta chỉ thể hiện chúng, khai mở và khám phá chúng, giải thoát tâm thức chúng ta khỏi mê lầm bằng phương cách thực hành Bồ đề tâm trên con đường.

Sự khác biệt giữa tâm không trong sạch và tâm trong sạch, tâm mê lầm và tâm giác ngộ, chủ yếu là sự khác biệt của chật hẹp và rộng mở. Trong trạng thái mê lầm hiện thời của chúng ta, tâm thức chúng ta thì cực kỳ chật hẹp. Chẳng hạn, chúng ta sống cô độc và hiếm khi, nếu không nói là chưa bao giờ, nhìn xem sự vô biên của chúng sanh. Tâm thức càng co rút và chật hẹp, càng chỉ nghĩ đến chính nó, hoàn toàn chẳng để ý gì đến sự an vui, hạnh phúc và những đau khổ của những người khác. Ngược lại, Phật giác ngộ là người xem thấy sự vô biên của chúng sanh hơn là lưu tâm tới bản ngã và cá thể của ngài. Như thế, toàn bộ con đường – từ một chúng sanh bình thường tới Phật tánh – là sự mở rộng dần dần của tâm thức! Và đó chính là cái chúng ta gọi là chang-chub hay sem-kye: nghĩa đen là làm lớn và khai triển thái độ giác ngộ này. Khái niệm “làm lớn lên” được dùng ở đây để chỉ sự đi từ một thái độ hoàn toàn chật hẹp, chỉ chủ yếu nhắm vào chính mình, đến một tấm lòng thương yêu rộng mở mà khung cảnh của nó tự động bao trùm vô biên chúng sanh.

Khởi từ một thái độ hoàn toàn ích kỷ, chúng ta cần tìm ra một cách thức để rộng mở và phá thủng qua sự chật hẹp bó chặt này. Làm sao để chúng ta thực sự bắt đầu quan tâm một cách thành thật đến sự an vui, của những người khác, nhận ra họ không quá khác với chúng ta? Căn bản, chúng ta có thể tiến hành như thế này: Như một kết quả của sự ích kỷ của chúng ta, chúng ta có một thương mến tự nhiên đối với cha mẹ chúng ta, họ đã cho chúng ta cuộc sống và nuôi nấng chúng ta trong đời này. Nếu chúng ta sử dụng cảm giác tự phát đã sẵn có này, chúng ta có thể trải dài nó một cách chầm chậm và tiệm tiến đến những chúng sanh khác. Với những phương tiện thiện xảo, trước tiên chúng ta nghĩ đến lòng tốt của mẹ chúng ta sanh ra chúng ta, chăm sóc chúng ta, giáo dục chúng ta v.v… Từ sự cảm kích này đối với lòng tốt của mẹ chúng ta sẽ khởi lên ước muốn đền đáp lòng tốt của mẹ, và tâm thức sẽ bắt đầu mở ra với thái độ vị tha. Lấy nó như là căn cứ, chúng ta có thể chủ động trải rộng sự nồng ấm căn bản này đến thân thuộc và những chúng sanh khác. Đây là căn cứ của tiến trình thiền định làm tăng trưởng tình thương cho tất cả chúng sanh.

Một trong những bước đầu tiên trong thiền định về Bồ đề tâm là trở nên ý thức đến lòng tốt của những người khác. Như Phật đã dạy, điều này bắt đầu bằng sự cảm kích lòng tốt của chính bà mẹ của chúng ta. Chẳng hạn, nếu người nào cho chúng ta một trăm đô la hay chở chúng ta đi đến chỗ mình, chúng ta nghĩ người ấy là một người rất tốt. Nhưng thật ra điều ấy quá nhỏ so với lòng tốt của mẹ chúng ta, người đã cho chúng ta thân thể từ chính thịt xương của bà và chăm sóc chúng ta ngày đêm khi chúng ta không thể làm gì được. Một khi chúng ta đã được sanh ra, chúng ta không thể tồn tại chỉ mười phút nếu không có mẹ chúng ta thường trực chăm nom chúng ta. Như chính đức Phật đã nói rằng trao một quà tặng là một thân thể là một trong những lòng tốt vĩ đại nhất chúng ta có thể tìm thấy trong thế giới. Chúng ta cần ý thức và cảm kích lòng tốt này. Nếu chúng ta chỉ nghĩ, “Rốt cuộc, điều đó chẳng có nghĩa gì cả. Bà làm điều đó cho ích lợi riêng của bà, chỉ sự tốt đẹp riêng của bà,” đó là một sai lầm rất nghiêm trọng. Để khai triển Bồ đề tâm, trước tiên chúng ta phải ý thức và biết ơn, và cảm kích lòng tốt bao la của người đã cho chúng ta đời sống này, cũng như người nào khác làm lợi lạc cho chúng ta.

Ngay trong thế giới bình thường, một cảm thức chung khi một ai đó làm một điều gì cho chúng ta từ lòng tốt lớn lao của họ, và chúng ta biết ơn và cư xử theo một cách đền đáp lòng tốt của họ, ai cũng nghĩ điều chúng ta làm là đúng. Nhưng nếu người nào làm điều gì rất tốt cho chúng ta, và đáp lại chúng ta đối xử với họ theo một cách rất xấu, bấy giờ ai cũng nghĩ chúng ta là một người xấu.

Chúng ta cần bắt đầu cảm kích lòng tốt của những người khác, đặc biệt là của mẹ chúng ta. Rồi chúng ta nên nhận thấy rằng qua khắp các đời của mình, không có một chúng sanh nào không từng là mẹ hay cha chúng ta vào một lúc này hay lúc khác. Bởi thế, không có lý do gì chúng ta không nên cảm thấy cùng một tình thương và biết ơn tự nhiên mà chúng ta có cho cha mẹ trong đời này, đối với tất cả chúng sanh. Điều này dẫn đến một thái độ bao la, Bồ đề tâm – có cùng một lòng biết ơn đối với mỗi một chúng sanh không phân biệt, và mong muốn cho họ mọi điều tốt đẹp như chúng ta mong muốn mọi điều tốt đẹp cho cha mẹ chúng ta trong đời này.

Bởi vì tâm thức có tiềm năng này để trở thành giác ngộ, qua thực hành, tiềm năng lớn lên dần dần. Đấy là lý do tại sao Bồ đề tâm có thể bừng nở và trải rộng không bờ. Và một khi nó trở nên bao la, nó có năng lực vô biên.

Có nhiều điển hình về sức mạnh của lòng bi trong đời những bậc thánh. Chẳng hạn có một vị thánh nổi tiếng tên là Libpon Pawo, ngài thiền định về lòng bi trong mọi lúc. Một lần nọ, ngài gặp một con cọp cái gần chết đói không thể nuôi sống những con của nó. Ngài nghĩ đến việc cho cọp thân ngài. Nhưng dù ngài là một Bồ tát hoàn hảo, khi đến lúc cho thân thể, ngài cảm thấy một ngại ngần và nghi ngờ tự nhiên. Ngài chuyển hóa sự nghi ngờ này thành một sự mở rộng đầy đủ cho khả năng biếu tặng thân thể. Để diễn tả sự nở hoa trọn vẹn này của Bồ đề tâm, lòng bi của ngài, trước khi cho con cọp máu của ngài, ngài dùng chính máu mình viết những câu kệ về cách làm thế nào khai triển Bồ đề tâm trên đá. Những câu kệ này còn được tìm thấy trong tạng Tengyur. Rồi ngài cho những con cọp thân thể mình.

Một Bồ tát Tây Tạng thế kỷ thứ mười một, một hóa thân của Shantideva có tên là Gyalse Ngulchu Thomay – ngài đã tạo ra Ba Mươi Bảy Thực Hành Của Bồ Tát rất nổi tiếng – nơi ẩn tu của ngài, tất cả thú vật đều sống trong hòa bình với nhau. Ngay cả chó sói và cừu cũng chơi đùa với nhau, cho dù chúng thường là những kẻ thù hung tợn của nhau. Đây bởi vì sự thiền định liên tục về Bồ đề tâm và lòng từ của ngài quá mạnh đến nỗi nó có thể biến đổi tâm thức của những thú vật hoang dã và dữ tợn.

Thực sự có thể khai triển Bồ đề tâm qua sự thực hành của chúng ta. Có đại sư tên là Nyoshul Lungtok là một đại đệ tử của Paltrul Rinpoche. Ngài bắt đầu thiền định mười năm trong một cái hang, chỉ tham thiền về Bồ đề tâm. Một hôm Nyoshul Lungtok ở trong rừng trên một ngọn đồi nhỏ, ngài nghe dưới đồng bằng một âm thanh, như có người đang cỡi ngựa và hát những bài ca vui vẻ. Dù Nyoshul Lungtok không thấy anh ta, nhưng có thể nghe. Bởi vì ngài là một thiền giả cao cấp, Lungtok nhìn thấy qua thiên nhãn của mình rằng người cỡi ngựa chỉ còn sống thêm một ngày nữa. Khi nghĩ đến con ngựa, ngài thấy con ngựa chỉ sống được một tuần nữa. Thình lình ngài nhận ra rằng người đàn ông kia, không nghĩ đến và không lo âu gì về chuyện đó, không thấu hiểu sự ngắn ngủi và mong manh của cuộc đời, sự bất toàn của sanh tử, và nghiệp của người ấy đang kéo anh ta ra khỏi cuộc đời này sang một đời khác trong khổ đau như thế nào. Điều này chạm đến Nyoshul Lungtok một cách sâu xa đến độ từ lòng bi hoàn toàn cho người đó – vui vẻ một cách vô ý thức trong đại dương khổ đau này – ngài không thể ngừng khóc trong bảy ngày. Ngài trở nên được biết đến do lòng bi bất khả tư nghì tự phát và lòng tốt đối với mọi chúng sanh.

Chính bản tánh đích thực của tâm thức khiến nó có thể phát triển và tiến bộ vượt qua những giới hạn hiện thời của nó. Tuy nhiên nó có thể phát triển theo cả hai cách tích cực và tiêu cực. Nếu chúng ta thường xuyên nhắm vào sự tiêu cực, tâm thức lớn lên rất mạnh trong sự tiêu cực. Ban đầu có vẻ rất khó giết một người nào; nhưng dần dần, trở nên hung bạo và quen với chuyện đó, không chỉ nghĩ mà thôi, chúng ta còn có thể lấy đi hàng trăm hàng ngàn mạng sống mà không có dằn vặt xung đột nào trong chúng ta. Cũng như thế, chúng ta có thể phát triển tâm thức trong đức hạnh.

Bởi thế, điều chính yếu là tịnh hóa và tu hành tâm thức chúng ta, để chuyển hóa thái độ và động lực của chúng ta thành tích cực. Điều này được gọi là lojong trong tiếng Tây Tạng – tu hành tâm thức.

Chúng ta không nên nghĩ rằng chúng ta chỉ là một công chức hay một nông gia, và do đó không thể là những hành giả thật sự. Một mặt, quả thật nếu chúng ta có những trách nhiệm và bó buộc thì chắc chắn chúng ta sẽ không dùng nhiều thì giờ của đời mình để dấn mình trong định hay trong chốn ẩn cư. Nhưng mặt khác, điều đó không đúng, bởi vì tinh túy của Pháp là Bồ đề tâm quý báu, nó có thể được trau dồi trong bất cứ hoàn cảnh nào và qua bất cứ hoạt động nào. Đó là cái mà ai cũng có thể khai triển trong bất cứ công việc gì họ dấn thân. Đó chính là Pháp chân thật. Như thế chúng ta có thể hoàn toàn thực hành Pháp trong tâm thức, trong khi vẫn dấn thân vào bất cứ loại hoạt động nào với thân và lời.

Như có nói, “Nếu ý định là tốt, bấy giờ mọi cấp độ của con đường sẽ tốt. Nếu không, mọi cấp độ sẽ xấu.” Nếu chúng ta có một tấm lòng rất trong sạch và một tâm thức trong sáng vị tha, thì dù chúng ta có thể gặp những khó khăn hay đau khổ, nhưng cuối cùng chúng ta chắc chắn đạt đến an lạc: nó là kết quả không thể tránh được của việc có ý định tốt, thái độ tích cực, và sự trong sạch của lòng. Nếu chúng ta có một tâm thức rất xấu, bất hòa và tiêu cực, chúng ta có thể gặp những thành công tạm thời, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ nếm trái cây của khổ đau, cả cho chính chúng ta và cho những người khác.

Bồ đề tâm chắc chắn có thể được khai triển qua sự trưởng dưỡng có chủ định, để làm thế, chúng ta có thể tham chiếu những lời dạy khác biệt, như Ba Mươi Bảy Thực Hành của Bồ tát của Nyulchu Thomay đã nói ở trên, hay Bảy Điểm Tu Hành Tâm Thức của Atisha, hay Bồ Tát Hạnh của Shantideva, và những lời dạy rõ ràng khác chuyển hóa tâm thức thành từ và bi. Điều này thiết lập một nền tảng tuyệt hảo cho sự thực hành tâm linh.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ ĐỀ TÂM NGUYỆN
  2. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  3. BỒ ĐỀ LÀ DÙNG HẠNH ĐI VÀO VÔ HẠNH

Bài viết khác của tác giả

  1. TRUNG ĐẠO
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. MỘT KẺ LANG THANG CHỨNG NGỘ

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN