TRƯỞNG DƯỠNG TÂM AN LẠC – H.H GYALWANG DRUKPA 12

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Hạnh Phúc Tại Tâm - Bí quyết sống hạnh phúc; NXB Tôn Giáo

Bạn cất bước đến đâu, con đường sẽ hiện ra đến đó.
RUMI

Đức Phật đã khai thị rằng trí tuệ và từ bi giống như đôi cánh của một con chim, chỉ khi có đủ hai cánh cùng đập chung một nhịp, bạn mới có thể bay lên. Nói theo cách thời nay, có thể xem trí tuệ và lòng từ bi giống như hiểu biết và hành động vậy. Cốt lõi của mọi giáo pháp đều hướng đến mục tiêu giúp chúng ta hợp nhất tư tưởng, lời nói và hành động. Vạn pháp đều bắt nguồn từ tâm, nhưng nếu không đưa hiểu biết vào hành động, chúng ta sẽ quên bước đi trên con đường của mình.

LỰA CHỌN HẠNH PHÚC

Trong cuộc sống có nhiều việc chúng ta không thể thay đổi hay kiểm soát, nhưng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn hạnh phúc. Trên thực tế, ta có quyền từ chối hạnh phúc, nhưng nếu muốn trải nghiệm nó, trước hết ta phải xác định rõ động cơ và quyết tâm lựa chọn. Thoạt nghe điều này có vẻ thật hiển nhiên, nhưng con người quen sống với khổ đau đến nỗi trở thành giải đãi. Chúng ta không dám nỗ lực hy sinh, chưa sẵn lòng vượt qua rào cản của những thói quen để khám phá thế giới hạnh phúc.

TRI ÂN

Hạnh phúc là tự tính của chúng ta. Hạnh phúc hiện diện ngay tại đây, vào lúc này. Tất cả những gì ta cần làm là tự nhắc nhở mình nhận ra nó thay vì cứ mải miết rượt tìm trong dòng đời. Lòng biết ơn soi sáng hạnh phúc trong ta, giúp bề mặt loạn động của tâm được lắng dịu và khuyến khích chúng ta tạm ngưng vài phút để nhìn lại những gì mình đang có – những thứ ta đang nắm trong tay, vốn sẵn đủ để sống một cuộc đời viên mãn hạnh phúc. Cũng giống như khi lặn xuống bên dưới những con sóng ồn ào, chúng ta có thể khám phá được vẻ đẹp của đại dương sâu thẳm, một thế giới khác biệt của san hô, của sinh vật biển, với sự sống mà chúng ta không thể nhìn thấy từ bên trên. Lòng tri ân giúp chúng ta trau dồi những “kỹ năng hạnh phúc” khác như tính kiên nhẫn. Chúng ta tự nhắc mình hân hưởng mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống, thay vì đặt ra mục tiêu ngoài tầm với hay so đo ganh tị với mọi người. Lòng tri ân giúp ta hân hưởng trọn vẹn hiện tại và bớt đi những lo lắng vọng tưởng về tương lai.

HÃY MỞ LÒNG ĐỂ HẠNH PHÚC

Khi sinh ra, trí tưởng tượng của chúng ta không hề có giới hạn. Theo thời gian, chúng ta tự dệt lên mạng lưới chằng chịt của những niềm tin quan niệm. Qua lớp lưới ấy, chúng ta nhìn thế giới đã được sàng lọc và tô vẽ. Chúng ta áp đặt điều kiện và giới hạn cho hạnh phúc rồi tự kỷ ám thị rằng nguồn hạnh phúc ấy rất hiếm hoi. Rốt cuộc, chúng ta tự hạn chế tiềm năng bản thân, tự tạo tác phân biệt giữa ta và người. Đây là công trình của bản ngã vốn thích áp đặt, đóng gói mọi thứ trong khuôn khổ những định kiến nhị nguyên. Sự bám chấp vô lối vào ý niệm về cái tôi khiến tâm ta trở nên cứng nhắc chật hẹp. Thay vì thích nghi với hoàn cảnh và hòa hợp với mọi người, chúng ta tự làm khổ mình bởi những xúc tình tiêu cực không hề được kiểm soát như sân giận, bực tức, phiền não… Tuy nhiên, ngay khi biết thư giãn tâm, hiểu ra ta luôn có cơ hội thay đổi, cánh cửa tâm đang khép kín sẽ rộng mở để chào đón hạnh phúc trở về.

THAY ĐỔI XU HƯỚNG THÓI QUEN

Tâm ta tạo ra thế giới và hoàn cảnh ta đang sống. Chúng đã quá quen thuộc với lối mòn tư duy và không vui khi thấy những người hay hoàn cảnh không phù hợp với sở thích hay quan điểm của mình. Chúng ta tin rằng mọi bất hạnh xảy đến với mình đều do người khác hoặc mọi việc xung quanh gây nên. Song nếu suy ngẫm thấu đáo hơn, chúng ta có thể tìm hiểu bản chất vấn đề qua việc quan sát tâm và cơ chế vận hành của tâm. Khi đã hiểu rằng chính những ý nghĩ tạo nên cảm nhận về thực tại, chúng ta cũng sẽ nhận ra cơ hội chuyển hóa khổ đau luôn bắt nguồn từ cách nhìn nhận cuộc sống. Nhờ vậy, chúng ta biết mình cần làm gì hôm nay để có được ngày mai tương sáng hơn.

CHẤP NHẬN SỢ HÃI

Cho dù chúng ta cố gắng bám víu vào những gì được cho là chắc thật thì cuộc sống về bản chất vẫn luôn là một ẩn số vĩ đại. Chúng ta không thể lường trước điều gì sẽ xảy ra và sự mơ hồ đó gieo vào tâm ta hạt giống sợ hãi. Không những thế, chúng ta lại để những đau khổ trong quá khứ chi phối cách nghĩ về tương lai: nếu trước đây đã từng gặp việc bất như ý, chúng ta luôn lo lắng điều đó sẽ lặp lại. Khi bắt đầu lựa chọn lấy hạnh phúc, giải phóng tâm để được hạnh phúc, thay đổi thái độ để biết tri ân cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn nỗi sợ hãi và bất trắc từ một góc độ khác. Chúng ta nhận ra sợ hãi là một phần của cuộc sống và trong sự vô thường biến dịch ẩn chứa cả những điều ngạc nhiên thú vị!

SỐNG HOÀ HỢP VỚI CẢM XÚC CỦA BẠN

Cuộc sống luôn đầy ắp thăng trầm và cảm xúc chính là những chiếc đèn báo hiệu. Chúng ta không nên che giấu chúng, nhất là khi ta muốn hiểu bản chất của xúc tình phiền não như sân giận hay đố kỵ để rèn luyện tâm nhằm loại bỏ dần những trải nghiệm xúc tình tiêu cực này. Chúng ta cần sống hòa hợp với mọi cảm xúc dù tích cực hay tiêu cực để nhận ra chúng đến từ đâu và đã được kích hoạt ra sao để sau đó ta càng dễ dàng buông xả chúng. Thực hành nhẫn nhục, tri ân, hiểu và chấp nhận bản chất vô thường giúp ta nhận ra rằng mọi xúc tình đều có thể được chuyển hóa và điều phục. Một khi đã thuần thục quán sát tâm nhờ thiền định và chính niệm, chúng ta sẽ cảm thấy hơi đốt của sân hận trong mình tan biến trước khi ngọn lửa sân bùng cháy.

DỪNG MỌI SO SÁNH

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của so bì và đua tranh. Dù cạnh tranh có thể là động lực thúc đẩy chúng ta vươn tới những tầm cao mới thì nó cũng tạo nên tâm lý hơn thua và khiến ta lo lắng, không biết mình đang ở đâu trên bậc thang viễn tưởng của thành công, danh vọng. Tâm ganh tỵ khiến chúng ta thậm chí không tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc hiện thời của mình. Thay vì hoan hỷ trước thành công hạnh phúc của người khác, chúng ta nhìn họ đầy thèm muốn và đố kỵ. Hoặc đến khi thành đạt, chúng ta lại tự mãn, cái nhìn người khác bằng ánh mắt coi thường của kẻ ở trên. Bây giờ, chúng ta hãy gạt đi tất cả những phán xét, so bì, đàm tiếu, chỉ tập trung sống thật với chính mình, không để ý đến những lời tán tụng hay chê bai.

VUN BỒI NHỮNG KẾT NỐI ĐẦY Ý NGHĨA

Khi tương tác và kết nối với thế giới, chúng ta mở ra biết bao cơ hội để cho đi và đón nhận lại vô số điều tốt đẹp như tri thức, trí tuệ, cảm hứng, niềm vui, tình yêu thương, hạnh phúc, lòng nhân ái… Càng nhân rộng sự kết nối với thế giới, chúng ta càng nhận ra vẻ đẹp bất tận của cuộc sống. Những liên kết ấy trở thành điểm tựa nâng đỡ và tiếp sức khi chúng ta cần mang đến vô vàn ý tưởng, khoảnh khắc và trải nghiệm tuyệt vời. Chúng ta phải học cách lắng nghe thấu hiểu, rèn luyện tính kiên nhẫn, sẵn sàng học hỏi từ cuộc sống và đừng ngại cởi mở lòng mình.

HÃY QUÁN CHIẾU TRẢI NGHIỆM KHỔ ĐAU

Trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc, bao gồm cả những vết thương lòng, có nghĩa là tự cho mình được thực sự trải nghiệm cuộc sống. Chúng ta chỉ có thể thực sự hiểu được hạnh phúc khi đã nếm trải khổ đau.

AN TRÚ TRONG HIỆN TẠI

Cách tốt nhất để bạn sống hạnh phúc là hãy mạnh dạn tiến lên và hân hưởng hạnh phúc ngay trong hiện tại. Đừng để mưa gió khiến bạn lùi bước và cũng chớ cầu toàn chờ đủ mọi điều kiện nhân duyên. Lúc này, bạn đưa thân tâm trở về phút giây hiện tại, trải nghiệm trọn vẹn một ngày, chú tâm đến từng chi tiết tất cả những gì đang diễn ra xung quanh. Bây giờ, nếu muốn thay đổi cuộc sống, hãy bắt đầu từng bước với niềm tin vững chắc vào động cơ ý nghĩa của sự thay đổi đó. Thời điểm tốt nhất để nếm trải hạnh phúc chính là ngày hôm nay.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC LÀ “BIẾT ĐỦ”
  2. HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  2. TỰ DO TRONG KỶ LUẬT – HẠNH PHÚC TẠI TÂM
  3. SỐNG HÒA HỢP VỚI CẢM XÚC CỦA BẠN

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI