KHANGSER RINPOCHE
Trích: Làm chủ cuộc đời; Trần Gia Phong dịch Việt; NXB. Hồng Đức; Công ty VH sáng tạo Trí Việt – First News; 2016
Nếu đúc kết những điểm chính của các pháp luyện tâm thì ta sẽ đi đến hai điểm: từ bi và trí tuệ. Tất cả chúng ta luôn hướng đến một đời sống an lạc, hạnh phúc, đồng thời ta luôn mong muốn mình sẽ trở thành một người tốt và có ích. Vì vậy, đạo Phật luôn dạy ta về từ bi và trí tuệ. Từ bi và trí tuệ là hai phương diện quan trọng trong thực hành luyện tâm; ta phải hiểu cách thực hành hai điểm này.
Từ bi là một trong những điểm chính yếu giúp chúng ta có đời sống an lạc. Tâm từ bi không liên quan đến bất kỳ tôn giáo nào, mà đó là một tình cảm cao quý của con người. Trong cuộc sống, đôi khi vì thói quen suy nghĩ ích kỷ mà ta quên mất giá trị của lòng từ bi. Tại sao chúng ta thường trở nên ích kỷ? Vì con người luôn muốn tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình mà bỏ quên hạnh phúc và an lạc của những người xung quanh, thậm chí quên cả hạnh phúc của người thân. Nhưng ta cần nhớ lòng từ bi chính là cội nguồn của mọi hạnh phúc.
Khi vừa được sinh ra đời, chúng ta không theo tôn giáo và thậm chí ta cũng không có tên. Tuy nhiên, nhờ tình thương của cha mẹ và những người xung quanh mà ta đã có thể sống đến hôm nay. Ta vẫn có thể sống mà không cần tôn giáo, nhưng nếu không có tình thương và lòng bi mẫn từ người khác thì rất khó để chúng ta sinh tồn. Bạn cần tình yêu thương từ chồng, vợ, con cái, người thân, bạn bè… Vậy làm sao để chúng ta có được tình yêu thương đó? Rất đơn giản, bạn hãy thương yêu họ. Khi yêu thương họ thì bạn sẽ nhận được tình thương yêu từ họ. Hãy cho đi rồi bạn sẽ được nhận lại. Đối với một con chó, nếu bạn chăm sóc và thương yêu nó thì nó sẽ thương yêu bạn. Tôi từng gặp vài người và họ kể rằng khi chung sống với thú nuôi như chó hoặc mèo, thú nuôi chính là bạn thân nhất của họ. Thú nuôi trở thành bạn thân nhất của con người vì họ không có người bạn thân nào cả. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta quá quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không nhận ra rằng mình đang dần mất đi nhiều bạn bè. Lòng từ bi là chất keo gắn kết bạn bè với chúng ta và nhờ lòng từ bi mà ta có được tình thương yêu từ những người xung quanh.
Một người mẹ có một cậu con trai và con trai bà làm việc ở một công ty nọ. Khi đang làm việc, một tai nạn xảy ra và cậu con trai qua đời ngay tại công ty. Giám đốc công ty gửi tới bà mẹ một lá thư nói rằng ông ta rất tiếc và xin lỗi bà rất nhiều về tai nạn đó. Khi nghe tin con trai mình qua đời, người mẹ đau buồn và khóc rất nhiều. Nước mắt của bà chảy đầy một cái bình, và bà gửi bình nước mắt đến ông giám đốc công ty. Khi nhận được bình nước mắt, ông giám đốc lo sợ bình nước có thể chứa chất độc nên ông ta gửi nó đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm cho thấy không có chất độc trong bình mà chỉ có nước, muối… Người mẹ biết chuyện và gửi lá thư thứ hai đến ông giám đốc. Trong thư bà viết: “Tôi nghe nói ông đã gửi bình nước mắt của tôi đi xét nghiệm và nhận được kết luận trong đó có nước, muối… Tuy nhiên, phòng thí nghiệm không thể tìm ra được một thứ trong nước mắt của tôi. Đó là nỗi đau và sự thống khổ của một người mẹ bị mất con trai. Phòng thí nghiệm sẽ không bao giờ có thể tìm ra điều đó.” Rất đúng! Khi chúng ta được sinh ra, mẹ cho chúng ta vài phần đạm, vài phần canxi… nhưng chúng ta không nhận ra tình thương và lòng bi mẫn bao la của mẹ. Ngay từ khi chào đời, chúng ta đã được đón nhận tình thương và lòng bi mẫn từ mẹ. Đây là một điểm then chốt: Con người luôn cần lòng bi mẫn để sinh tồn.
Phát khởi lòng từ bi là làm phát khởi một dạng tư tưởng tích cực. Những tư tưởng tích cực này thật sự có thể giúp chúng ta dễ dàng đương đầu với nghịch cảnh. Khi thương yêu và có lòng bi mẫn đối với người khác, bạn sẽ có thêm dũng khí để làm việc. Nếu bạn có dũng khí thì mọi việc đều trở nên rất dễ dàng. Nếu không có tình thương và lòng bi mẫn đối với người khác thì bạn chỉ lo nghĩ cho bản thân mình, và nếu càng tập trung vào bản thân thì bạn càng dễ đánh mất chính mình, bạn sẽ căng thẳng và lo âu nhiều hơn. Đó là lẽ thường trong tư duy của con người.
Khi nói về trí tuệ trong Phật giáo, không dễ dàng giảng giải chủ đề này một cách ngắn gọn. Chính Đức Phật đã mất hơn 40 năm để giảng về trí tuệ, đặc biệt là trí tuệ về tánh Không. Nếu tôi buộc phải diễn giải một cách ngắn gọn về tầng mức cao nhất của trí tuệ trong đạo Phật thì đó là “Sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”.
Ở mức độ đơn giản hơn, Đức Phật luôn khuyến khích chúng ta phân tích. Niềm tin của chúng ta phải đến từ phân tích và hiểu biết. Có hiểu biết rồi ta mới nên tin theo. Lời khuyên này rất khoa học. Trí tuệ của đạo Phật có thể song hành với khoa học vì khoa học luôn dựa vào sự thật và lý lẽ để đưa ra kết luận. Tất cả những gì Đức Phật thuyết giảng đều dựa trên sự thật. Do đó, khi nói về trí tuệ trong đạo Phật ta cần phải tỉnh giác và phân tích.
Có một câu chuyện về một cô gái trẻ. Cha cô đã mất và mẹ đang bệnh nặng, nhưng cô ta rất nghèo và không có tiền mua thuốc cho mẹ. Lúc đó, cô gái quyết định viết thư cho Thượng đế để cầu xin. Trong thư cô viết: “Xin ngài hãy cho con mười đôla để con mua thuốc cho mẹ.” Khi cô gửi thư đến bưu điện, các nhân viên bưu điện nhận được thư rất hoang mang và không biết phải gửi đi đâu cho Thượng đế, vì vậy họ mở thư xem. Nhân viên bưu điện rất cảm thông với cô gái nên họ quyên góp tiền và gửi cho cô được tám đô la. Khi nhận được tiền, cô rất vui và lại gửi thêm một lá thư viết, “Cảm ơn ngài đã gửi tiền cho con, nhưng lần sau ngài đừng gửi qua đường bưu điện nữa, vì những nhân viên ở đó đã lấy mất hai đôla của con rồi”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng hay làm những điều ngu ngốc như vậy. Ta hay gửi những lá thư như vậy cho Đức Phật. Chúng ta không dùng những phương pháp mà Phật đã dạy để sống đúng nghĩa, vì vậy ta gặp rất nhiều khó khăn. Khi gặp khó khăn, ta phải sử dụng bộ não của mình, phải luôn phân tích và tư duy.