TỰ TRỊ – TỰ CHỦ – MỤC ĐÍCH – SEARCH INSIDE YOURSELF

CHADE-MENG TAN

Trích: Search Inside Yourself - Tạo Ra Lợi Nhuận, Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới

“Con người có khả năng tạo ra những thay đổi tích cực. Quyển sách của kỹ sư Google, Chade – Meng Tan, Search Inside Yourself là một sự kết hợp sáng tạo giữa phương pháp thiền cổ xưa và trí thông minh cảm xúc hiện đại. Nó cho thấy rằng, để tránh những loại kết quả nhất định, bạn cần phải thay đổi các điều kiện tạo ra chúng. Nếu bạn thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm trí, bạn có thể thay đổi thái độ và cảm xúc của mình, từ đó tìm ra an bình và hạnh phúc nội tâm.”

_Dalai Lama

DALAI LAMA 14 & CHADE MENG TAN

DALAI LAMA 14 & CHADE MENG TAN

——-☀️☀️☀️——-

Về tác giả: Chade Meng Tan là một trong những kỹ sư đầu tiên của Google. Ông bắt đầu làm việc cho Google từ năm 2000 sau 5 năm cống hiến cho Kent Ridge Digital Laboratories ở Singapore. Tại Google, ông có 8 năm làm việc dưới chức danh kỹ sư cho một số dự án như tìm kiếm trên nền tảng di động. Công việc hiện tại của ông là “khai sáng trí óc, cởi mở tâm hồn và tạo ra sự bình yên.”

——-☀️☀️☀️——-

Tác giả ăn khách Daniel Pink đã đưa ra một bộ khung có tác dụng bổ sung rất tốt cho những điều mà chúng ta đã thảo luận. Pink đã sử dụng 50 năm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học hành vi để lập luận rằng những phần thưởng bên ngoài như tiền bạc không phải là động lực tốt nhất để tạo ra hiệu suất làm việc cao. Thay vào đó; theo cách gọi của ông, những động lực tốt nhất là “động lực nội tại”, động lực mà chúng ta tìm thấy ở bên trong. Động lực đích thực chứa đựng ba yếu tố sau:

1. Tự trị: thôi thúc định hướng cuộc sống của chúng ta.

2. Tự chủ: khao khát trở nên ngày càng giỏi hơn trong những việc quan trọng.

3. Mục đích: mong muốn làm việc để phục vụ cho điều gì đó lớn lao hơn bản thân mình.

Trong bài diễn thuyết trong chương trình TED của mình, Pink đã kể một câu chuyện nghiên cứu thú vị dựa trên câu đố về cây nến. Câu đố về cây nến như sau: những người tham gia được cho một hộp đinh, một cây nến và một hộp diêm, sau đó họ được đề nghị tìm ra cách dính cây nến vào tường.

Sẽ phải mất 1 thời gian bạn mới giải được câu đố, nhưng giải pháp khá đơn giản: lấy hết đinh ra khỏi hộp, dính cây nến vào bên trong hộp, rồi sau đó dùng đinh dính hộp vào tường. Khoảnh khắc “bừng sáng” cần thiết để giải quyết câu đố này là phát hiện ra rằng chiếc hộp cũng là một phần của đáp án. Điều này sẽ không hiển hiện ngay lập tức; bạn luôn bắt đầu bằng suy nghĩ rằng chiếc hộp chỉ là thứ đựng đinh. Vì vậy, bước đột phá sáng tạo ở đây là nhận ra tác dụng khó thấy của chiếc hộp – kiểu như một dạng “suy nghĩ vượt ra khỏi chiếc hộp”, về chiếc hộp.

Sau đây là một câu chuyện thú vị: bạn có hai nhóm được chọn ngẫu nhiên. Đối với nhóm được khuyến khích, bạn nói với họ rằng họ giải quyết câu đố này càng nhanh thì họ càng được trả nhiều tiền. Đối với nhóm kiểm soát, bạn nói với họ rằng dù họ giải quyết trong bao lâu đi nữa thì họ cũng chỉ được nhận một số tiền như nhau. Phát hiện thú vị ở đây là: nhóm được khuyến khích lại làm tồi hơn! Đúng vậy đó, các chàng trai, cô gái ạ, những nguồn khuyến khích bên ngoài không chỉ không có tác dụng mà còn phản tác dụng.

Nhưng đợi đã, câu chuyện sẽ trở nên thú vị hơn. Trong một chuỗi các thí nghiệm khác, những nhà nghiên cứu cũng đã đưa cho những người tham gia các đồ vật trên (một hộp đinh, một cái nến, và bao diêm) nhưng đinh với hộp tách rời nhau. Trong trường hợp này, ngay lập tức rõ ràng là chiếc hộp là một phần của giải pháp, do đó không xuất hiện khoảnh khắc “bừng sáng”. Trong trường hợp này, nhóm được khuyến khích làm tốt hơn nhóm kiểm soát.

Từ thí nghiệm này cũng như nhiều thí nghiệm khác tương tự, chúng ta rút ra một điều là cách khuyến khích truyền thống bằng tiền có hiệu quả với các công việc làm theo thói quen và quy tắc, các công việc không cần sáng tạo nhiều. Đối với các công việc cần sự sáng tạo hoặc các kỹ năng nhận thức khác, cách khuyến khích bằng tiền không hiệu quả, thậm chí có thể phản tác dụng.

Đối với các công việc như vậy, những động lực duy nhất có hiệu quả là những động lực nội tại: tự trị, tự chủ và mục đích. Hiệu quả của chúng còn quá tốt nữa là đằng khác, chúng thậm chí có thể biến những công việc làm mài mòn tâm hồn thành những công việc đáng tự hào. Một ví dụ tuyệt vời là đội dịch vụ khách hàng qua Zappos. Họ tự gọi mình là Đội trung thành với Khách hàng của Zappos (Zappos Customer Loyalty Team – ZCLT). Những thành viên trong đội được nhận những hướng dẫn rất đơn giản: phục vụ khách hàng, giải quyết vấn đề của khách hàng, làm điều đó theo cách tùy thích. Điều này, cộng thêm việc chú ý đến sự phát triển sự nghiệp của nhân viên, cộng thêm triết lý công ty là “phân phát hạnh phúc”, đã truyền được tính tự trị, tự chủ và mục đích vào công việc của các thành viên ZCLT. Kết quả là các thành viên tràn đầy hạnh phúc này đã cung cấp dịch vụ khách hàng tốt đến mức đôi khi còn được đánh giá cao hơn cả những khu nghỉ dưỡng và khách sạn trong hệ thống Four Season.

☀️ Am Hiểu Và Khiến Bản Thân Tương Thích

Sự tương thích được xây dựng dựa trên sự tự nhận thức. Khi bạn am hiểu sâu sắc bản thân, bạn bắt đầu biết những giá trị cốt lõi, mục đích và ưu tiên của mình. Bạn biết điều gì là thực sự quan trọng đối với bạn và điều gì khiến bạn thấy có ý nghĩa. Khi mọi sự đã rõ ràng, bạn biết điều gì khiến bạn hạnh phúc trong công việc và làm thế nào để đóng góp tốt nhất cho thế giới. Khi đó, bạn sẽ biết mình muốn tạo ra tình huống công việc như thế nào cho bản thân. Khi cơ hội tốt tự xuất hiện, bạn sẽ có thể làm việc theo những cách đem lại cho bạn sự tự trị, tự chủ và mục đích. Từ đó, công việc của bạn sẽ trở thành nguồn hạnh phúc của bạn.

Nền tảng để am hiểu và khiến bản thân tương thích là thiền. Cho dù bạn không thực hiện bài tập nào khác ngoài thiền thì qua thời gian, bạn cũng sẽ tạo ra được mức độ tự nhận thức cần thiết để tìm ra sự tương thích. Chỉ thiền không cũng là đủ rồi – đó là tin tốt.

Tin còn tốt hơn là có những cách khác giúp bạn hiểu rõ được những giá trị và mục đích cao cả của mình. Một cách là nói những điều đó với người khác. Những điều như giá trị và mục đích cao cả đều khá trừu tượng. Việc nói về chúng buộc chúng ta phải khiến chúng trở nên rõ ràng hơn và dễ hình dung hơn đối với chính mình. Một cách khác là viết ra. Ở đây cũng tồn tại một cơ chế tương tự – việc nói ra những ý nghĩ trừu tượng giúp chúng ta trở nên rõ ràng và dễ hình dung. Chúng tôi thấy rằng việc thực hiện những bài tập này theo một cách hệ thống sẽ rất hiệu quả. Ví dụ, trong lớp của chúng tôi, nhiều học viên đã nói rằng chỉ sau một vài phút nói chuyện với nhau, họ đã trở nên thông suốt hơn nhiều.

☀️ Khám Phá Giá Trị Và Mục Đích Cao Cả

Nếu bạn làm điều này một mình ở nhà, hãy thực hiện bài tập Ghi chép (xem Chương 4) trong một vài phút, sử dụng một hoặc cả hai lời gợi ý dưới đây:

• Các giá trị cốt lõi của tôi là…

• Tôi đại diện cho…

Còn không, nếu bạn có bạn bè hoặc người thân để cùng thực hiện (bạn thật may mắn) thì hãy thực hiện bài tập Thiền nghe (xem Chương 3) theo nhóm 2 hoặc 3 người. Hãy thay nhau nói. Người nói bắt đầu bằng một đoạn độc thoại, dài bao lâu cũng được. Sau đó, nhóm thảo luận tự do và những người nghe có thể hỏi để hiểu rõ hơn hoặc đưa ra những nhận xét ngắn gọn. Quy định duy nhất của cuộc thảo luận là người nói (ban đầu) được ưu tiên trước, nghĩa là người đó được ưu tiên nói và khi người đó nói, không ai được xen ngang.

Đoạn độc thoại có thể nói về các chủ đề sau:

• Những giá trị cốt lõi của bạn là gì?

• Bạn đại diện cho cái gì?

Sau khi tất cả mọi người đã được nói, từng người hãy tự nói chuyện với bản thân về cảm giác của mình đối với trải nghiệm này.

Trích: Search Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận, Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới
Tác giả: Chade – Meng Tan
Dịch giả: Kiều Anh Tú
NXB: Lao Động, Năm 2017

Ảnh: Dalai Lama và Chade – Meng Tan

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỐN GIAI ĐOẠN CỦA CUỘC ĐỜI
  2. XÂY DỰNG MỘT CUỘC SỐNG TÍCH CỰC
  3. Ý NGHĨA ĐỜI SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. BA BƯỚC DỄ DÀNG ĐỂ ĐI ĐẾN HÒA BÌNH THẾ GIỚI
  2. THIỀN TRONG HOẠT ĐỘNG
  3. KẾT BẠN VỚI CẢM XÚC

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG