NẾP SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – TỰ TRUYỆN GANDHI

MAHATMA GANDHI

Trích: Tự truyện Gandhi; Nguyên tác: An Autobiography of The Story of My Experiments With TruthMahadev Desai, Navajivan, Ahmedabad-14; Ni sư Trí Hải dịch Việt; NXB. Hồng Đức; 2018

“… Những gì tôi muốn hoàn thành – những gì tôi đã nỗ lực khát khao hoàn tất suốt 30 năm nay – là khát khao tự chứng, khát khao đối mặt cùng Thượng Đế, khát khao đạt đến Giải Thoát. Tôi sống, di động, tồn sinh trong cuộc săn đuổi cùng đích này. Tất cả những gì tôi làm qua lời nói và viết lách, tất cả những mạo hiểm của tôi trong trường chính trị đều hướng về cùng đích ấy…” – Trích Tự truyện Gandhi

Tự truyện Gandhi - Nếp sống trong gia đình

Mahatma Gandhi, tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, sinh trong một gia đình Ấn Độ giáo thuộc cộng đồng Modh (một nhóm thương gia ở Gujarat), tại Porbandar, bang Gujarat, Ấn Độ vào năm 1869. Năm 19 tuổi, Gandhi tới London (Anh) để theo học ngành luật. Ba năm sau, ông trở về Ấn Độ và trở thành luật sư.

Tuy nhiên do biến cố gia đình và công việc không mấy suôn sẻ nên ông chấp nhận sang Natal, Nam Phi làm việc. Những năm lưu trú tại Nam Phi với tư cách một người chủ trương hành động chuyên về xã hội chính trị chính là thời kì những khái niệm và kĩ thuật của phương pháp bất hợp tác và phản đối bất bạo động được phát triển. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Gandhi quyết định trở về Ấn Độ, mang theo tất cả những gì ông đã học được từ những kinh nghiệm tại Nam Phi.

Bài viết dưới đây được trích từ tác phẩm “Tự truyện Gandhi”, kể về nếp sống trong gia đình trong khoảng thời gian ông và gia đình ở tại Johannesburg (Nam Phi).

— ??? —

NẾP SỐNG TRONG GIA ĐÌNH

Đọc giả đã thấy trước đây rằng, mặc dù phí tổn chi tiêu trong gia đình tôi khá nặng nề, song cái khuynh hướng về lối sống giản dị đã nẩy mầm ở Durban. Với ngôi nhà ở Johannesburg, còn có nhiều sự xét lại quan trọng để cải cách đời sống dưới ánh sáng của lời dạy Ruskin. Tôi cố đơn giản hóa ngôi nhà của một luật sư càng nhiều càng tốt. Không thể nào không có một ít bàn ghế. Cuộc cải cách cốt ở bản thân hơn bên ngoài. Tôi càng ngày càng đâm ra thích tự làm lấy những công việc bằng tay chân. Bởi thế tôi khởi sự cho các con tôi tập theo cùng một kỷ luật ấy.

Thay vì mua bánh ở lò mì, chúng tôi bắt đầu làm bánh không men ở nhà theo nguyên liệu của Kukne kê ra. Một máy xay thông thường không tốt cho bánh này, và chúng tôi nghĩ dùng bột xay tay sẽ đem lại sức khỏe, sự tiết kiệm, ngoài ra lại giản dị hơn. Bởi thế tôi mua một cối xay quay bằng tay hết 7 Anh kim. Bánh xe sắt quá nặng không thể quay một người, song hai người thì quay dễ dàng. Polak, tôi và bọn trẻ thường xay bột bằng máy ấy. Vợ tôi thỉnh thoảng giúp một tay, mặc dù giờ xay bột thường cũng là giờ làm cơm của bà. Bây giờ có thêm chị Polak giúp chúng tôi khi chị đến. Việc xay bột đã tỏ ra là một môn thể thao rất tốt cho bọn trẻ. Công việc này cũng như các công việc khác không bao giờ chúng bị bắt buộc phải làm, song đối với chúng là một môn giải trí, chúng có thể đến giúp rồi bỏ đi lúc nào mệt. Nhưng tôi không bao giờ thiếu những trẻ cộng tác. Không phải không có những trẻ lười biếng, song phần đông làm việc khá vui vẻ. Tôi có thể nhớ có vài đứa trẻ tránh trút công việc hoặc lấy cớ mệt.

Chúng tôi đã mướn một người giúp việc để săn sóc nhà cửa. Anh ta sống với chúng tôi như một người trong gia đình và bọn trẻ thường giúp y trong công việc. Chúng tôi tự tay lau chùi lấy những kệ tủ thay vì sai bảo hay chờ đợi người giúp việc làm. Điều này quả là một thói quen tốt cho những đứa trẻ. Kết quả là các con tôi không đứa nào ghét công việc chùi cầu vệ sinh, và dĩ nhiên chúng đều có căn bản tốt về việc giữ vệ sinh chung. Trong ngôi nhà ở Johannesburg không có ai từng đau ốm gì, song mỗi khi có người mệt, thì những đứa trẻ rất sẵn sàng săn sóc. Tôi không muốn nói rằng tôi thờ ơ với việc dạy chữ nghĩa từ chương cho chúng, song dĩ nhiên tôi không ngần ngại nếu phải hy sinh việc ấy. Bởi thế các con tôi có lý do để phàn nàn tôi. Quả thế, thỉnh thoảng chúng đã phàn nàn và tôi phải nhận lỗi phần nào. Tôi vẫn luôn luôn mong muốn cho chúng học chữ nghĩa đấy, và lại còn cố gắng đích thân dạy chúng, song thỉnh thoảng tôi lại gặp chướng ngại này khác. Vì tôi không thu xếp cách nào khác để kèm chúng được, tôi thường cho chúng đi bộ với tôi hàng ngày đến sở và về – một khoảng đường chừng năm dặm Anh tất cả. Điều này cho chúng và tôi khá nhiều vận động cơ thể. Tôi cố dạy chúng bằng cách nói chuyện trong lúc đi nếu không có ai khác cần đến sự chú ý của tôi. Tất cả các con tôi, chỉ trừ thằng con cả Harilal vẫn luôn ở Ấn, đều được nuôi dạy cách đó ở Johannesburg. Nếu tôi có thể dành cho chúng mỗi ngày một giờ đều đặn thường xuyên, thì có lẽ chúng đã được một nền giáo dục lý tưởng theo tôi nghĩ. Nhưng các con tôi và tôi phải ân hận vì tôi đã không thể bảo đảm cho chúng một nền học vấn đầy đủ. Đứa con cả của tôi thường bộc bạch nỗi than phiền của nó riêng trước mặt tôi và trên mặt báo. Còn những đứa khác thì đã rộng lượng tha thứ cho tôi và cho rằng sự thiếu sót kia không thể tránh được. Tôi không đau lòng nát ruột về chuyện ấy cho lắm, mà tôi chỉ hối tiếc vì đã không là một người cha lý tưởng. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã hy sinh sự học vấn của chúng cho những công việc mà tôi thành thực tin là, mặc dù có thể sai lầm, công việc phục vụ xã hội. Tôi hoàn toàn chắc rằng tôi đã không thờ ơ trong việc uốn nắn nhân cách chúng bằng cách làm bất cứ điều gì cần thiết cho việc ấy. Tôi tin đấy là nhiệm vụ của mọi phụ huynh phải cung ứng một cách thích đáng đối với con cái họ. Nếu con cái tôi, mặc dù những nỗ lực giáo dục của tôi, đã tỏ ra thiếu nhân cách thì tôi chắc chắn rằng sự thiếu sót của chúng đã phản ảnh sự thiếu sót của ba mẹ chúng, chứ không phải vì tôi đã không dạy dỗ săn sóc.

Con cái thừa hưởng tính tình của cha mẹ cũng như bẩm thụ khí huyết dáng vẻ bên ngoài. Hoàn cảnh cũng đóng vai trò quan trọng thực đấy, song cái vốn liếng ban đầu mà một đứa trẻ mang vào đời chính là những gì chúng đã thừa hưởng của cha mẹ ông bà. Tôi cũng đã thấy nhiều đứa trẻ đã thành công vượt khỏi những hiệu quả của một sự thừa hưởng không mấy tốt đẹp. Điều ấy là vì mỗi tâm hồn đều mang sẵn sự trong sạch tiềm tàng trong nó.

“Thật không khôn ngoan khi chắc chắn về sự khôn ngoan của chính mình. Sẽ tốt cho bản thân nếu nhớ rằng người mạnh nhất có thể suy yếu và người khôn ngoan nhất có thể phạm sai lầm.” – Mahatma Gandhi

Polak và tôi thường tranh luận sôi nổi về vấn đề: Có nên cho các trẻ hấp thụ một nền giáo dục Anh hay không? Tôi luôn luôn tin rằng những phụ huynh Ấn nào luyện cho con cái tập suy nghĩ và nói năng bằng Anh ngữ từ thơ ấu, chính là những người đã phản bội con cái họ và Tổ quốc họ. Họ đã tước hết gia tài tâm linh và xã hội của trẻ, và làm cho chúng không thích hợp cho việc phụng sự xứ sở mình. Vì có niềm xác tín như vậy nên tôi quyết định luôn luôn nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ, Gujarati. Polak không bao giờ tán đồng việc ấy. Anh ta nghĩ rằng tôi đang làm hỏng tương lai chúng. Anh ta lập luận, bằng tất cả lòng yêu thương hùng hồn của anh, rằng nếu trẻ được học một ngôn ngữ quốc tế như Anh ngữ từ nhỏ, chúng sẽ dễ dàng thắng lướt người khác trong cuộc đua chen với đời ngày mai. Nhưng anh ta đã không thuyết phục được tôi. Bây giờ tôi không nhớ là tôi đã thuyết phục được anh ta hay là anh ta đã đầu hàng chỉ vì cho rằng tôi quá gàn bướng. Việc này xảy ra khoảng hai mươi năm trước, và niềm xác tín trên kia của tôi chỉ có ăn sâu thêm với kinh nghiệm. Mặc dù con tôi đã thiếu một nền học vấn đầy đủ song tiếng mẹ đẻ mà chúng đã thu thập một cách tự nhiên đã vô cùng ích lợi cho chúng cũng như cho xứ sở, vì chúng đã không trông như những người ngoại quốc khi về nước. Chúng tự nhiên nói được hai thứ tiếng, nói và viết Anh ngữ khá dễ dàng, vì tiếp xúc ngày một với một số lớn bạn hữu người Anh, và vì ở trong một xứ mà Anh ngữ là ngôn ngữ được dùng chính thức.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CUỘC THỬ THÁCH – TỰ TRUYỆN GANDHI
  2. THÁNH GANDHI – CON NGƯỜI VĨ ĐẠI
  3. NHỮNG TRIẾT LÝ SỐNG BẤT HỦ CỦA MAHATMA GANDHI

Bài viết khác của tác giả

  1. TÍNH RỤT RÈ: ÁO GIÁP CỦA TÔI 
  2. CUỘC THỬ THÁCH – TỰ TRUYỆN GANDHI
  3. NHỮNG CON SÂU TRONG NỒI CANH – TỰ TRUYỆN GANDHI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP