VĂN HÓA LÀ HIỂU BIẾT VÀ YÊU THƯƠNG

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Đạo Phật Và Đời Sống; NXB Thiện Tri Thức.

Văn hóa là những gì làm cho con người rộng hơn và sâu hơn (hoặc cao hơn, sâu hay cao chỉ là một cách nói). Phát triển con người cả bề rộng lẫn bề sâu. Đó là sự hoàn thiện hóa con người.

Gặp một người hiểu biết nhiều vấn đề, chúng ta nói: người ấy học rộng. Rồi nếu người ấy lý giải nhiều vấn đề một cách thấu triệt, chúng ta nói: người ấy sâu sắc.

Tất cả những kiến thức từ khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị, văn học nghệ thuật, triết học và tôn giáo và từ cuộc sống hàng ngày (đời sống là một cuốn sách vĩ đại nhất) đều đem lại cho chúng ta chiều rộng và chiều sâu, đều mở rộng con người và đào sâu (hay nâng cao) con người.

Chính bề rộng và bề sâu ấy quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta. Cùng ngồi với nhau trong một quán nước trên bờ biển người nào có văn hóa nhiều hơn (nghĩa là bề rộng và bề sâu nhiều hơn) sẽ hưởng thụ được nhiều hơn. Người ấy hưởng thụ bề rộng và bề sâu những kỷ niệm, nghĩa là quá khứ, hưởng thụ bề rộng và bề sâu của hiện tại và bề rộng và bề sâu của tương lai. Không phải viện dẫn đến một nguyên lý “Vạn pháp duy tâm tạo”, chính bề rộng và bề sâu của tâm thức một người khiến họ hưởng thụ được bề rộng và bề sâu của đời sống. Cũng một người nếu có thiền định đều đặn, chỉ cần hít vào một hơi thở cũng đủ làm say còn hơn là hít không khí biển (có biển thì quá tốt nhưng hiện giờ đang ở thành phố thì sao?).

Người ta thường nói: “Văn hóa là cái gì còn lại sau khi tiêu hóa hết mọi kiến thức kinh nghiệm”. Cái còn lại đó là bề rộng và bề sâu của tâm thức và cả nội dung của nó. Bề rộng và bề sâu của tâm thức do học hỏi (Văn). Suy nghĩ (Tư) và thực hành (Tu) mà thành. Sự thu thập kiến thức (Văn), sự chọn lọc, suy nghĩ, chiêm nghiệm, đào sâu kiến thức đã nghe được (Tư) và đưa vào thực hành, thể nghiệm, đưa vào cuộc sống (Tu). Từ đây chúng ta có những lóe sáng của trực giác là sự hiểu biết cấp cao. Cũng phải thấy rằng có những kiến thức, những kinh nghiệm không làm sâu rộng tâm thức mà chỉ làm chật trí óc, vô bổ có khi còn làm cho tâm thức bệnh hoạn nữa. Kiến thức dù tốt nhưng không được tiếp nhận một cách khách quan mà với tính chủ quan lại được điều động bởi những tình cảm xấu (chứ không phải tình thương) thì có tác dụng ngược lại, làm cho trí óc thêm chật hẹp nặng nề. Cũng cần phải thấy rằng, để làm rộng sâu tâm thức, nếu chú trọng đến thực hành thì một số kiến thức (Văn) là đủ. Vì những phương pháp thiền định (Tu) sẽ trực tiếp làm rộng và sâu tâm thức. Đây cũng là con đường học trực tiếp nhất, Phật giáo là con đường của sự học, từ người bình thường đến bậc Hữu học (có học, biết học) và cuối cùng đến bậc Vô học (không còn gì để học nữa).

Đó là con đường đi từ không biết (vô minh) đến sự hiểu biết hoàn toàn. Đó cũng là con đường an vui vì biết làm lợi lạc cho mình và cho người khác, cũng là con đường giải quyết khổ đau cho mình và cho người, bởi vì khổ đau là do sự không biết, biết sai, biết méo mó sinh ra. Đó là con đường của sự học suốt đời. Học hiểu biết, học thương yêu và học hành động. Cái học ấy không chỉ là hiểu biết hiện tượng bên ngoài của vạn vật mà còn hiểu biết tất cả trong thực thể.

Văn hóa theo chữ Tây phương là culture, nghĩa là nuôi dưỡng, trồng trọt, chăm bón (như agriculture: nghề nông). Khổng giáo cũng nói trồng người (thụ nhân). Nuôi dưỡng chăm bón cái gì? Nuôi dưỡng chăm bón sự hiểu biết và lòng thương yêu, từ đó có mọi đức tính khác và có hành động. Hiểu biết và thương yêu thậm chí là bản năng, bản năng gốc của con người. Aristote nói: “Tất cả loài người về bản chất đều khao khát hiểu biết”. Cũng nhờ hai yếu tố căn bản ấy mà loài người xứng đáng quản lý, nuôi dưỡng muôn loài, muôn vật, nói chung là trái đất và cả vũ trụ này. Mọi hành động đều đúng, đều hợp lý nếu đầy đủ hai yếu tố đó.

Hiểu biết thương yêu và hành động đó là triết học vĩnh cửu (philosophia perennis), văn hóa vĩnh cửu. Bởi vì cho đến lúc tận cùng của loài người và trái đất sẽ không có một nhà lãnh đạo dù bất cứ của ngành học thuật nào có thể cho rằng sự vô minh không biết là cái cần trau dồi thay vì hiểu biết, lòng thù hận là cái cần chăm bón thay vì lòng thương yêu. Mục đích và phương cách hoạt động của các ngành thuộc về con người, chính trị, kinh tế, pháp luật, hành chánh… đều để đưa đến sự hài hòa trong xã hội và trong thế giới. Hài hòa đó là sự biểu lộ có thể thấy được của tình thương và hiểu biết. Thiếu hai yếu tố căn bản này những ngành hoạt động ấy thay vì phục vụ cho con người thì lại cản trở sự phát triển của con người, có khi còn gây tai họa cho nó.

Trong thế kỷ XX, chúng ta đó có hai cuộc thế chiến và những cuộc chiến tranh ngày nay vẫn còn xảy ra và sự suy hoại của trái đất. Chỉ hai điều đó đủ cho chúng ta thấy chúng ta còn thiếu hiểu biết và thương yêu con người và trái đất. Chúng ta có khá nhiều hiểu biết về thế giới và con người trên bình diện vật lý và hiện tượng, nhưng chúng ta còn biết khá ít thế giới và con người ở bình diện cao hơn và rộng hơn. Nói thẳng ra, chúng ta tiến rất nhanh về khoa học vật chất, nhưng tiến rất chậm về văn hóa và tâm linh.

Hiểu biết, thương yêu và hành động (mà thuật ngữ Phật giáo gọi là Hạnh) là sự phát triển của con người. Sự phát triển vật chất đã đạt đến ngưỡng và bão hòa (đối với chính con người và thế giới, nhưng sự phát triển của hiểu biết và thương yêu là vô hạn. Thế cũng có nghĩa là sự phát triển của con người là vô hạn. Giá trị một con người hay một xã hội được đánh giá theo mức độ phát triển của hai yếu tố căn bản này.

Hiểu biết và yêu thương tương tác lẫn nhau. Ít hiểu biết thì cũng ít thương yêu, có nhiều chăng thì chỉ là tình cảm chấp trước mù quáng, nghĩa là càng thêm mê muội. Và muốn hiểu biết phải có thương yêu. Muốn hiểu biết thiên nhiên hay con người thì phải thương yêu nó. Chính hiểu biết và thương yêu đem đến sự tiến bộ, sự chuyển hóa cho con người. Càng hiểu biết, càng thương yêu, càng hành động có chiều rộng và chiều cao, con người càng được chuyển hóa, càng thăng tiến. Hiểu biết và thương yêu không chỉ là mục tiêu và hoạt động hiệu lực của văn hóa. Chúng còn là suối nguồn của văn hóa, suối nguồn tâm linh, suối nguồn tôn giáo. Tiên cảm được những điều cốt lỗi này, mặc dù vào thời đó kinh sách Phật giáo được dịch ra còn rất ít, Einstein đã có một nhận định tầm nhìn sâu rộng: “Phật giáo có những đặc trưng của một tôn giáo mang tính toàn có trong tương lai mà mọi người mong đợi. Nó vượt khỏi giới hạn của việc thờ cúng cá nhân một vị thần hay bậc thánh và tránh được chủ nghĩa giáo điều hay thần học, nó bao hàm cả lĩnh vực tự nhiên và siêu nhiên, và nó dựa trên một cảm nhận tâm linh xuất phát từ kinh nghiệm tiếp xúc với mọi vật dù mang tính tự nhiên hay siêu nhiên như một tổng thể có ý nghĩa. Nếu có một tôn giáo nào có khả năng đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó chính là Phát giáo”.

Hiểu biết, thương yêu và hành động là ba cái tạo thành cốt tủy của văn hoá. Văn hoá là ba cột trụ ấy, kiến tạo nên một cuộc đời đáng sống và đầy đủ ý nghĩa của chức phận làm người.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VĂN HÓA TÂM LINH
  2. VĂN HÓA

Bài viết khác của tác giả

  1. TU QUÁN
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN