VŨ TRỤ TOÀN ẢNH – Một lý thuyết cách mạng về thực tại giải thích được

MICHAEL TALBOT

Trích “Vũ Trụ Toàn Ảnh”
Tác giả: Michael Talbot
Dịch giả: Phạm Văn Thiều – Nguyễn Đình Điện
NXB Trẻ, Năm 2018

MICHAEL TALBOT (1953 -1992)

Là tác giả người Mỹ sinh ra và lớn lên ở bang Michigan, Hoa Kỳ. Ông ban đầu là một tác giả hư cấu (khoa học viễn tưởng) cho The Village và các ấn phẩm khác. Talbot trở nên nổi tiếng khi cố gắng kết hợp tính chất tinh thần, tôn giáo và khoa học để làm sáng tỏ những câu hỏi sâu sắc. Nhiều cuốn sách phi hư cấu của ông bao gồm là những cuốn sách bán chạy như Vượt ngoài giới hạn lượng tử (Beyond The Quantum) , Chủ nghĩa thần bí và vật lý mới (Mysticism và The New Physics), Vũ trụ toàn ảnh(Holographic Universe ). Ông qua đời vì bệnh bạch cầu lymphocytic ở tuổi 38.


VŨ TRỤ TOÀN ẢNH (THE HOLOGRAPHIC UNIVERSE) – Một lý thuyết cách mạng về thực tại giải thích được.

Hiện nay hầu như ai cũng biết tới ảnh toàn ký (hay toàn ảnh – hologram) – những hình ảnh ba chiều được phóng chiếu vào không gian nhờ các tia laser. Hai nhà tư tưởng xuất sắc vào loại bậc nhất của thế giới tin rằng chính bản thân vũ trụ có thể cũng là một bức toàn ảnh khổng lồ, một loại hình ảnh hay kết cấu được tạo ra, ít nhất là một phần, bởi tâm trí con người hoàn toàn theo nghĩa đen. Nhà vật lý lý thuyết David Bohm thuộc đại học London, học trò cưng của Einstein và là một trong những nhà vật lý lượng tử đáng kính nhất của thế giới, và nhà sinh lý học thần kinh thuộc đại học Stanford, Karl Pribram, một kiến trúc sư của hiểu biết hiện đại về bộ não, hai người đã phát triển một con đường mới đầy ấn tượng để xem xét vũ trụ. Lý thuyết của họ giải thích được không chỉ nhiều câu đố chưa giải đáp được của vật lý mà cả nhiều hiện tượng bí ẩn như thần giao cách cảm, thoát xác và các trải nghiệm cận tử, những giấc mơ “minh mẫn”, và thậm chí cả những trải nghiệm tôn giáo và thần bí như cảm giác về sự thống nhất vũ trụ hay chữa bệnh thần diệu.

***

Năm 1972, John Bell, một nhà vật lý Ailen, đã hình dung ra một phương pháp đơn giản để xác minh sự thật về tính không định xứ bằng cách tiến hành đo một cặp hạt lượng tử đã từng tiếp xúc với nhau, nhưng bây giờ ở cách xa nhau. Thế giới quan thông thường của chúng ta tin rằng một phép đo sẽ lớn hơn phép đo kia, và do đó chứng minh “tính bất bình đẳng” của chúng. Nếu như tính bất bình đẳng bị vi phạm, thì đó chính là bằng chứng cho thấy hai hạt này có “vướng mắc” với nhau.

Bất đẳng thức của Bell, sau này được biết đến như một định lý, vẫn còn là một thí nghiệm tưởng tượng thông minh cho tới khi thí nghiệm trong đời thực của Aspect chứng tỏ rằng khi hai photon bay ra từ cùng một nguyên tử thì phép đo tiến hành trên một photon ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến vị trí của photon thứ hai. So sánh hai phép đo trên mỗi photon người ta thấy chúng hoàn toàn như nhau. Dường như có một sợi dây vô hình đã nối hai hạt lượng tử qua không gian để làm cho chúng cứ theo sát nhau mãi mãi.

Aspect đã chứng minh một cách thuyết phục rằng các hạt có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Nhưng ông cũng đưa ra những  bằng chứng ban đầu quan trọng rằng tại những tầng thấp nhất của vật chất, mọi thứ nối kết với nhau.

Thí nghiệm của Aspect ít được quảng bá trên báo chí đại chúng, nhưng Tabot đã ngay lập tức nhận ra tầm quan trọng của nó. Đặc biệt ông rất ấn tượng với sự diễn giải của David Bohm, một nhà vật  lý của Đại học London, về những phát hiện của Aspect. Như Bohm đã nhận thấy, chỉ với một thí nghiệm nhỏ, Aspect đã phá tan chính những nền tảng của vật lý: vật chất không còn được xem là những cá thể tách rời nhau nữa, mà phải được coi như những cá thể về cơ bản có kết nối với nhau.

Như Talbot viết, “Bohm tin nguyên nhân để các hạt hạ nguyên tử vẫn còn tiếp xúc với nhau bất kể khoảng cách ngăn cách chúng không phải bởi vì chúng gửi cho nhau một loại tín hiệu bí ẩn đi đi về về mà là bởi vì sự ngăn cách giữa chúng chỉ là ảo ảnh. Ông lập luận rằng ở một mức sâu hơn nào đó của thực tại, những hạt như vậy không còn là những thực thể tách biệt nữa, mà thực sự là những mở rộng của cùng một thứ cơ bản.”

Bohm là người đề xướng rất sớm ý tưởng cho rằng, thực tế, không tồn tại một thực tại khách quan và “cứng”. Ông tin rằng thế giới được quấn lại trong một trạng thái “ẩn”, và ông đã dùng bức ảnh toàn ký như một mô hình.

Bức ảnh toàn ký, theo một nghĩa nào đó, là một tủ hồ sơ lượng tử, trong đó thông tin được xếp lại – được lưu trữ – trong các song lượng tử. Trong bức ảnh toàn ký laser cổ điển, chùm laser được tách ra. Một phần của nó phản xạ trên vật – như quả táo chẳng hạn – và phần còn lại phản xạ trên gương. Sau đó chúng được hợp nhất và được thu bởi một mẩu kính hay phim ảnh. Kết quả trên tấm kính này – biểu diễn bức tranh giao thoa của các sóng đó – giống như một tập hợp lạ lùng của các vòng tròn đồng tâm.

Tuy nhiên, khi bạn chiếu một chùm sáng từ một laser cùng loại qua tấm kính ảnh thì cái mà bạn nhìn thấy là ảnh ảo ba chiều của một quả táo. Một ví dụ hoàn hảo của điều này là ảnh của Công chúa Leia được phát bởi R2-D2 trong tập IV của bộ phim truyền hình nhiều tập Chiến tranh giữa các vì sao.

Bohm đã coi vũ trụ như một đại bản doanh thông tin khổng lồ của “một toàn thể nguyên vẹn” mà ở đó vạn vật trong vũ trụ đã hiện diện trong một vùng vô hình nào đó bên ngoài thời gian và không gian – một trường của mọi khả năng – có thể được gọi ra và làm cho “hiển hiện” hoặc bộc lộ, khi cần. Như Talbot viết, “Nó phải được nhìn nhận như một loại nhà kho vũ trụ của ‘mọi thứ’.”

Talbot cũng đã từng gặp Karl Pribram, một nhà thần kinh học, người đã xác tín rằng nhận thức của chúng ta về thế giới xảy ra như là kết quả của việc đọc và biến đổi phức tạp thông tin ở những cấp độ khác nhau của thực tại. Pribram tin rằng não cũng sử dụng các sóng lượng tử, như một bức toàn ảnh, để lưu trữ một lượng thông tin khổng lồ. Bộ não của chúng ta đọc các thông tin đó và từ đó tạo ra thế giới ba chiều, khá giống với hình ảnh của Công chúa Leia có thể được tái tạo khi một trong những chùm laser gốc được chiếu vào tấm kính ảnh. Điều quan trọng nhất là mô hình này cũng cho Pribram một mô hình để giải thích não đã thực hiện những nhiệm vụ định xứ cũng như xử lý và lưu trữ thông tin như thế nào xuyên suốt một tổng thể lớn hơn.

Trong cuốn sáchVũ trụ toàn ảnh, Talbot là người đề xuất rất sớm ý tưởng cho rằng toàn bộ vũ trụ là một cơ thể khổng lồ, không thể chia tách. “Vạn vật thâm nhập vào nhau, và mặc dù bản chất con người có thể tìm cách phân loại, sắp xếp, và chia nhỏ, nhưng những hiện tượng khác nhau của vũ trụ, tất cả những phần nhỏ đó đều tất yếu là giả tạo và toàn bộ tự nhiên xét cho cùng là một mạng liền mạch”, ông viết. “Mặc cho vẻ cứng rắn biểu kiến của nó, vũ trụ cốt lõi chỉ là một ảo giác, một bức toàn ảnh khổng lồ và chi tiết tuyệt vời”.

Cái toàn bộ nằm trong cái nhỏ bé” là khía cạnh của toàn ảnh mà Talbot đam mê nhất – đó là ý tưởng cho rằng mỗi một phần nhỏ của thông tin được mã hóa đều chứa đựng toàn bộ hình ảnh. Nếu bạn cắt tấm kính ảnh chụp Công chúa Leia thành các mẫu nhỏ và chiếu chùm tia laser thích hợp vào một trong các mẩu đó, thì hình ảnh đầy đủ của Công chúa vẫn sẽ xuất hiện.

Nhiều người đã thừa nhận một cách rất bản năng rằng về cơ bản tất cả chúng ta là một; mỗi ngày chúng ta lại có thêm bằng chứng về chuyện cái tất cả nằm trong cái nhỏ bé của cuộc đời chúng ta. Rất nhiều nghiên cứu mới đây trong mọi khoa học, chứ không đơn giản chỉ là vật lý lượng tử, đều chứng tỏ rằng vạn vật ít tính cá thể hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng. Một câu chuyện khoa học đang xuất hiện cung cấp bằng chứng cho thấy toàn bộ vật chất tồn tại trong một mạng nhằng nhịt các kết nối. Khía cạnh quan trọng nhất của sự sống không còn là vật nữa, mà là mối liên hệ giữa các vật.


Trích “Vũ Trụ Toàn Ảnh”
Tác giả: Michael Talbot
Dịch giả: Phạm Văn Thiều – Nguyễn Đình Điện
NXB Trẻ, Năm 2018

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THIÊN ĐƯỜNG LÀ MỘT TOÀN ẢNH
  2. VŨ TRỤ TOÀN ẢNH: TRẬT TỰ CUỘN LẠI VÀ CÁC THỰC TẠI MỞ RA

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?