VƯỢT QUA GIỚI HẠN BỆNH TẬT ĐỂ THỰC HIỆN ƯỚC MƠ

STEPHEN HAWKING

Trích: Trả Lời Ngắn Gọn Những Câu Hỏi Lớn; Nguyên tác: Brief Answer to the Big Questions; Việt dịch: Nguyễn Văn Liễn; NXB. Trẻ, 2020

Khi còn là đứa trẻ bạn đã mơ ước gì, và ước mơ đó có trở thành hiện thực không?

Tôi muốn trở thành một nhà khoa học lớn. Dù vậy, ở trường tôi chưa từng là một học sinh xuất sắc, và hiếm khi vượt qua cái ngưỡng nửa trên của lớp. Bài vở của tôi lộn xộn, và chữ viết không đẹp lắm. Nhưng tôi đã có những người bạn tốt ở trường. Và chúng tôi đã chuyện trò về đủ thứ mà đặc biệt là về nguồn gốc của vũ trụ. Đây là nơi ước mơ của tôi bắt đầu, và thật may mắn là ước mơ đó của tôi đã và đang trở thành hiện thực.

Tôi hai mươi tuổi vào tháng Mười 1962, khi nhập học khoa toán ứng dụng và vật lý lý thuyết ở Cambridge. Tôi đã xin làm việc với Fred Hoyle, nhà thiên văn học người Anh nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Tôi nói thiên văn học, vì thời ấy vũ trụ học khó có thể được ghi nhận như một lĩnh vực đích thực. Tuy nhiên, Hoyle đã có đủ sinh viên rồi, nên với nỗi thất vọng lớn tôi được phân công làm với Dennis Sciama, người mà tôi chưa từng nghe đến. Dù vậy, không trở thành sinh viên của Hoyle cũng hay, vì tôi sẽ không phải tham gia bảo vệ lý thuyết trạng thái ổn định của ông ấy, một việc có lẽ còn khó hơn cả đàm phán Brexit. Tôi bắt đầu công việc của mình bằng cách đọc các sách giáo khoa cũ về tương đối tống quát – lẽ thường, dẫn đến các câu hỏi lớn.

Như một số bạn có thể đã xem bộ phim trong đó Eddie Redmayne đóng vai tôi phiên bản cực điển trai, vào năm thứ ba ở Oxford tôi đã nhận thấy dường như mình trở nên vụng về hơn trong cử động. Tôi đã ngã đôi lần mà không hiểu vì sao, và cũng thấy mình không còn có thể chèo chiếc thuyền đua một cách như ý. Rõ ràng là có cái gì đó không ổn, và tôi đã hơi bực mình khi nghe bác sĩ lúc đó bảo hãy thôi uống bia.

Mùa đông ngay sau khi tôi chuyển đến Cambridge rất lạnh. Tôi về nhà vào kỳ nghỉ Giáng Sinh, khi ấy mẹ đã thuyết phục tôi đi trượt băng trên hồ ở St Albans, cho dù tôi biết là mình không thể. Tôi ngã nhào và rất khó đứng dậy trở lại. Mẹ tôi nhận ra rằng có chuyện gì đó chẳng lành và mang tôi đến gặp bác sĩ.

Tôi trải qua vài tuần ở bệnh viện St Bartholomew ở London và làm nhiều xét nghiệm. Vào năm 1962, các xét nghiệm còn quá thô sơ so với ngày nay. Người ta lấy mẫu cơ từ tay tôi, cài các điện cực vào người tôi và bơm chất lỏng cản radio vào cột sống, các bác sĩ quan sát cột sống, dịch lên dịch xuống các nguồn tia X, trong khi cái giường được lật nghiêng nghiêng. Thực ra họ chưa bao giờ nói với tôi chỗ nào bất ổn, nhưng tôi đã suy đoán đủ để biết là tình trạng khá tệ, nên tôi không muốn hỏi. Tôi đã thu lượm được từ những trao đổi của các bác sĩ rằng nó, dù “nó” là cái gì, sẽ ngày càng xấu đi, và họ chẳng thể làm gì ngoại trừ cho tôi các vitamin. Trong thực tế, vị bác sĩ thực hiện các xét nghiệm đã phủi tay, không muốn liên quan tới tôi nữa và tôi không bao giờ gặp lại ông ta.

Ở mức độ nào đó tôi biết rằng căn bệnh của mình được chẩn đoán là chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS), một loại bệnh về neuron vận động, trong đó các tế bào thần kinh của não và tủy sống bị thoái hóa, rồi đóng sẹo hay bị cứng lại. Tôi cũng biết được rằng những người mắc căn bệnh này sẽ mất dần khả năng điều khiển các vận động của mình, như nói, ăn và cuối cùng là thở.

Bệnh tình của tôi xem ra xấu đi rất nhanh. Cũng dễ hiểu, tôi trở nên chán nản và không còn thấy ý nghĩa thiết yếu của việc tiếp tục làm nghiên cứu Tiến sĩ, vì tôi không biết mình có thể sống đủ lâu để kết thúc việc ấy hay không. Nhưng rồi bệnh tình tiến triển chậm lại và tôi lại có được khí thế để làm công việc của mình. Sau khi các kỳ vọng của tôi đã giảm về số không, mỗi ngày mới trở thành một phần thưởng, và tôi bắt đầu tận hưởng mọi thứ mà tôi có. Chừng nào còn sống, chừng ấy còn hy vọng.

Và, tất nhiên, cũng có một cô gái trẻ tên là Jane, mà tôi đã gặp trong một bữa tiệc. Cô ấy kiên tâm khẳng định rằng, cùng nhau chúng tôi có thể đấu tranh chống lại bệnh tật của tôi. Sự tin tưởng của Jane đã truyền hy vọng cho tôi. Việc đính ước đã vực dậy tinh thần của tôi, và tôi nhận thức được rằng, nếu chúng tôi tiến tới hôn nhân, thì tôi phải có việc làm và hoàn thành chương trình Tiến sĩ của mình. Và như lẽ thường, những câu hỏi lớn ấy đã dẫn dắt tôi. Tôi bắt đầu làm việc rất tích cực và điều đó mang lại cho tôi niềm vui.

Để trợ giúp bản thân trong quá trình học tập, tôi đăng ký xin một học bổng nghiên cứu ở trường Gonvillle và Caius College. Tôi rất ngạc nhiên là mình đã được chọn và trở thành một thành viên của Caius suốt từ ngày ấy. Học bổng này là cột mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Điều đó nghĩa là tôi có thể tiếp tục việc nghiên cứu của mình cho dù bệnh tình có nặng hơn. Điều đó cũng có nghĩa là Jane và tôi có thể kết hôn và chúng tôi đã làm lễ cưới vào tháng Bảy 1965. Sau đám cưới khoảng hai năm, chúng tôi có con đầu lòng, Robert. Thêm khoảng ba năm nữa chúng tôi có bé thứ hai, Lucy. Và bé thứ ba, Timothy, sinh năm 1979.

Là một người cha, tôi luôn cố gắng làm cho con mình thấm nhuần tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi. Có lần, trong một cuộc phỏng vấn, con trai Tim của tôi đã kể một câu chuyện về việc nêu ra một câu hỏi mà khi ấy tôi nghĩ rằng cu cậu đã lo là hơi ngờ nghệch. Tim muốn biết có chăng nhiều vũ trụ rất nhỏ rải rác đó đây. Tôi bảo cháu đừng bao giờ ngại nêu ra một ý tưởng hay một giả thuyết cho dù nó có thể dường như ngớ ngẩn (lời của cháu chứ không phải của tôi) đến thế nào.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THẾ GIỚI BẮT ĐẦU TỪ BƯỚC CHÂN
  2. SIÊU NHÂN LOẠI LÀ LỰA CHỌN CUỘC ĐỜI
  3. QUY LUẬT HÀNH ĐỘNG – THỰC CHỨNG CUỘC ĐỜI MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. TRÍ TUỆ NHÂN TẠO SẼ THÔNG MINH HƠN CHÚNG TA?
  2. VÌ SAO CHÚNG TA CẦN ĐẶT RA NHỮNG CÂU HỎI LỚN?
  3. LỜI BẠT

Bài viết mới

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  3. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH