VƯỢT THOÁT LUÂN HỒI

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Rộng Mở Tâm Hồn (Thực Tập Từ Bi Trong Cuộc Sống Hằng Ngày); Nguyên tác: An open heart practicing compassion in everyday life; Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến - Ngọc Cẩm;  NXB. Liên Phật Hội

Cuối cùng, một khi ta nhận ra được thực trạng khổ đau của mình, một thực trạng khổ đau bao trùm khắp thảy, do chính những cảm xúc phiền não như tham luyến và sân hận đã gây ra cho ta. Khi ấy, ta sẽ phát triển một cảm giác chán nản và ghê sợ thực trạng khổ đau trước mắt. Và rồi chính điều này lại nuôi dưỡng lòng khao khát tự mình giải thoát khỏi trạng thái tâm thức hiện tại, những vòng xoay bất tận của những khổ đau và bất toại nguyện. Khi sự quan tâm của ta hướng về người khác với mong muốn giúp họ thoát khỏi khổ đau – đó chính là lòng bi mẫn (*). Tuy nhiên, chỉ khi nào ta thừa nhận thực trạng khổ đau của chính mình và phát triển tâm nguyện tự mình giải thoát khỏi mọi khổ đau, thì mong muốn cứu giúp người khác thoát khỏi đau khổ mới thực sự là có ý nghĩa. Chúng ta cần phải phát khởi thệ nguyện tự mình giải thoát khỏi vũng lầy luân hồi sinh tử này rồi sau đó mới có thể khởi lên lòng bi mẫn chân thật.

Để có thể khởi tâm chán lìa luân hồi, trước hết, ta nhất thiết phải nhận ra rằng tất cả chúng ta đều không tránh khỏi cái chết. Ta sinh ra cùng với mầm mống sẽ dẫn đến cái chết của chính mình. Ngay từ lúc sinh ra, ta đã bắt đầu tiến dần đến với cái chết không tránh khỏi này. Ta cũng nhất thiết phải suy ngẫm về việc ta không thể biết trước mình sẽ chết vào thời điểm nào. Cái chết không đợi cho ta sắp xếp ổn thỏa cuộc đời mình. Nó đến bất chợt không hề báo trước. Vào lúc ta chết đi, bạn bè, gia đình, những vật sở hữu quí giá mà ta đã tỉ mỉ tích cóp trong suốt cả cuộc đời, đều trở thành vô giá trị. Ngay cả thân thể quí báu, cái phương tiện để ta có được đời sống này, cũng trở thành vô dụng. Những suy ngẫm như vậy giúp ta giảm bớt các mối bận tâm lo lắng trong cuộc sống hiện tại. Điều này cũng bắt đầu tạo ra nền tảng giúp ta khởi sinh một trí tuệ bi mẫn nhận hiểu được việc người khác thấy khó khăn như thế nào trong sự buông bỏ những mối lo toan do chấp ngã.

Tuy nhiên, điều cốt yếu là ta phải nhận ra được giá trị lớn lao của việc được sinh làm người, với cơ hội và tiềm năng mà cuộc sống ngắn ngủi này mang lại cho ta. Chỉ khi được làm người, chúng ta mới có được khả năng thực hiện những thay đổi trong đời sống của mình. Thú vật có thể được dạy cho những trò diễn phức tạp và có những đóng góp không thể phủ nhận cho xã hội. Nhưng năng lực tinh thần hạn chế không cho phép chúng bước vào phạm trù đạo đức một cách có ý thức để trải nghiệm sự thay đổi tinh thần thật sự trong đời sống. Những suy nghĩ như vậy sẽ thôi thúc ta phải làm sao cho kiếp người của mình trở nên có mục đích và ý nghĩa.


(*) Kinh văn Hán tạng định nghĩa lòng từ bi là: “Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ.” (Lòng từ thường mang đến niềm vui [cho người khác], lòng bi thường cứu thoát [người khác] khỏi mọi khổ đau.)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÀM LỚN THÊM LÒNG BI MỖI NGÀY
  2. LÒNG HIẾU, LÒNG TỪ BI VÀ TÁNH KHÔNG
  3. NGUỒN GỐC TIẾN HÓA – LUÂN HỒI VÀ TÁI SANH

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  2. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI
  3. SUY TƯ VỀ NHỮNG NGƯỜI MUỐN BƯỚC THEO CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG