Ý NGHĨA SỨC MẠNH HÒA HỢP

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

Chuyên mục Phật học; Nguồn: giacngo.vn

Trong giáo pháp, Đức Phật có dạy sáu điều hòa hợp, gọi là lục hòa, các Phật tử phải nhận thức những điều căn bản này để thực tập trong cuộc sống hằng ngày. Một là thân hòa đồng trụ, tức là trong gia đình, hay trong đoàn thể, dù tổ chức lớn hay nhỏ, đều phải hòa hợp với nhau; nếu không hòa hợp sẽ trở thành chống phá nhau, không thể sinh hoạt tốt đẹp, cho đến tự tiêu diệt nhau.

Vì vậy, khi cùng sống chung, nguyên tắc hòa hợp luôn được đặt ra trước tiên. Trong gia đình, trong đoàn thể, ý thức hòa hợp rất quan trọng, nhưng muốn hòa hợp, mọi người phải tôn trọng những nguyên tắc kỷ cương có lợi ích chung. Đối với những nguyên tắc cần tuân thủ, chúng ta gọi là giới hòa đồng tu, nghĩa là lấy giới luật làm thước đo, nếu vi phạm, sẽ bị loại ra khỏi tổ chức. Ví dụ trong đạo tràng của khóa tu Một ngày an lạc có nguyên tắc phải đăng ký; vì không đăng ký, ra vô không theo giờ giấc quy định, đạo tràng sẽ mất trang nghiêm thanh tịnh và Ban Tổ chức cũng không thể sắp xếp việc ẩm thực, việc tu học cho quý vị. Biết số lượng Phật tử để lo khẩu phần cơm trưa, vì nếu đặt phần cơm rồi, mà quý vị không đến thì phần dư phải bỏ đi, là lãng phí có tội, mà đặt ít thì sẽ không đủ cơm ăn cho quý vị, điều mà không ai muốn. Có một số người không ý thức, không tôn trọng quy định này, gây trở ngại cho việc phân phát khẩu phần ăn.

Ngoài nguyên tắc đăng ký tham dự tu học, nguyên tắc thứ hai là giới hòa đồng tu, trước nhất, vào tu trong đạo tràng, Phật tử phải mặc áo tràng. Người không đăng ký và không mặc áo tràng được xếp vào thành phần dự thính ở ngoài giới đàn, không phải là hành giả chính thức. Ngoài ra, Phật tử vào tu không được nói chuyện, chỉ lóng nghe; nếu nghe không được thì ngồi nhiếp tâm niệm Phật. Không tôn trọng nguyên tắc chung này là phá pháp, sẽ bị mời ra ngoài. Trong đạo tràng, ngoài việc tụng kinh, niệm Phật và lóng nghe các giảng sư dạy, không được làm gì khác. Nếu có những điều không hiểu, hoặc nghi ngờ, quý vị ghi vào giấy để đến giờ pháp đàm sẽ được giảng sư giải thích chung, còn những câu hỏi cá biệt thì trả lời riêng. Việc tu học của chúng ta nhằm đạt được sự an lạc giải thoát, nên việc làm trở ngại người khác không nghe pháp được là phạm tội, vì đạo tràng đang thanh tịnh, một tiếng nói nhỏ thôi cũng phá mất sự thanh tịnh của đại chúng. Từ sự yên lặng, tập trung lắng lòng nghe giáo pháp, chúng ta chẳng những nghe được âm thanh bên ngoài mà còn nghe được tiếng nói từ trong tâm của giảng sư, cho đến nghe được pháp âm vi diệu của Phật; đó chính là ngôn ngữ của Thiền dành riêng cho người có tâm hoàn toàn thanh tịnh.

Sống chung phải tôn trọng nguyên tắc, giới hòa thì thân mới hòa. Giới không hòa, làm phiền người khác, phiền não phát sinh, không tu được, nói chi đến phát triển. Thực hành giáo pháp phương tiện, mỗi đạo tràng có nguyên tắc tu khác nhau. Quý vị nên tìm đạo tràng thích hợp với mình, tức nguyên tắc đưa ra mình chấp nhận được, thì giới mới hòa. Ví dụ đến đạo tràng chuyên niệm Phật, người nào thích hợp với pháp môn này, bản thân mình niệm và lóng nghe người khác niệm, ta được giải thoát. Nhưng có người thích đạo tràng yên tĩnh, thì tìm Thiền viện, Thiền đường, ví dụ lên Thiền viện Trúc Lâm Đà lạt của Hòa thượng Thanh Từ, việc chính yếu là ngồi yên lặng để phát huy tuệ giác bên trong, đương nhiên ngôn ngữ đạo đoạn, không được nói, mà bất cứ tiếng động nào cũng không được. Riêng đạo tràng của chúng ta ở chùa Phổ Quang, việc chính yếu là các giảng sư chia sẻ kinh nghiệm tu hành cho Phật tử, quý vị có thắc mắc sẽ trao đổi thêm cho sáng tỏ và về nhà thực tập những gì đã học. Như vậy, trong đạo tràng này, quý vị học nhiều hơn; tuy nhiên, cũng có thời niệm Phật, tụng kinh và sám hối là pháp tu căn bản để tiêu trừ nghiệp chướng trần lao và trồng căn lành ở các Đức Phật, mới được an lạc, giải thoát.

Ngoài những giới nhỏ ở đạo tràng tu của chúng ta là những nguyên tắc vừa nói trên, theo Phật, chúng ta còn có 5 giới, 10 giới cho Phật tử, 10 giới vô tận tạng của Bồ tát (phải thực tập riêng, không phải ở đây), 250 giới của chư Tăng xuất gia …

Thân hòa đồng trụ và giới hòa đồng tu, hai nguyên tắc này gắn liền với nhau và khi đã sống chung, cần tuân theo một số nguyên tắc không phải là giới điều ràng buộc, nhưng nhằm phát triển nhận thức đúng đắn và phát huy đạo lực trong cuộc sống của chúng ta, do đó có khẩu hòa là có sự góp ý. Được quyền phát biểu góp ý, nhưng phải mang tính cách xây dựng, không phải vạch lá tìm sâu, tức cố tình tìm lỗi người khác. Thực tế cho thấy đoàn thể có những người phạm sai lầm này thường đưa đến tan rã tổ chức.

Khẩu hòa vô tranh theo đó chúng ta cần lắng nghe những ý kiến mà đại chúng đưa ra và tôn trọng quyết định của tập thể. Tuy nhiên, nếu áp dụng quyết định chung nhưng không có kết quả tốt đẹp thì họp chúng lại để thay đổi cho thích hợp với thực trạng cuộc sống.

Trong đạo tràng tu hành, chúng ta nói điều gì cũng nhằm mục tiêu xây dựng, không phải ghét mà nói xấu. Mặc dù nói để xây dựng, nhưng không phải lúc nào cũng nói và gặp ai cũng nói. Đức Phật dạy rõ trong luật có 7 pháp dứt sự tranh cãi để tạo tinh thần khẩu hòa. Khi nào đáng làm pháp Tỳ Ni, đối với việc nào đáng làm pháp ức niệm, việc nào phải nhiều người tìm tội, hoặc việc nào đáng làm pháp sám hối như cỏ che đất. Nghĩa là sử dụng trí tuệ để lựa chọn pháp nào thích hợp nhất để giải quyết tốt đẹp.

Lời nói có tác dụng giống như con dao hai lưỡi, sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ sẽ gây bất hòa, khó phát triển, cho đến làm tan rã tổ chức. Có việc đáng đưa ra tranh luận công khai giữa đại chúng, hoặc có những câu hỏi hay giúp cho nhiều người thăng hoa thì nên trả lời ngay trong hội trường, nhưng đối với câu hỏi thắc mắc cá biệt, chúng tôi trả lời riêng. Những điều gì chung mà mọi người cùng học được, không làm mất lòng, thì đưa ra là khẩu hòa vô tranh; không phải việc nào cũng kiểm điểm.

Muốn được hòa hợp, ý kiến đề nghị phải được đa số hay toàn thể mọi người chấp nhận mới thi hành được. Ý thức điều này, chúng ta đưa ra ý kiến nào thì phải tranh thủ được nhiều người đồng tình. Còn chúng ta muốn áp đặt người khác nghe theo, làm theo, nhưng không được, chúng ta buồn phiền, tự ái, khó chịu, cho đến bỏ việc, là sai lầm.

Cùng tu trong đạo tràng, bạn có ý kiến tốt, ta lóng nghe, suy nghĩ và áp dụng để sửa mình, là thể hiện tinh thần khẩu hòa, không tranh cãi, biết chấp nhận điều hay lẽ phải. Đức Phật cũng dạy khi Phật Niết bàn, đối với những gì Phật chưa nói nhưng thích hợp với thời đại, các Thầy phải họp tập thể đại Tăng để quyết định thêm hay bớt giới điều như thế nào. Vì thời kỳ Phật tại thế khác với thời đại chúng ta, thời Phật đi xe dê, xe ngựa, xe trâu, trong khi thời đại ngày nay, chúng ta sử dụng ô tô, tàu hỏa, phi cơ.

Đức Phật dạy chúng ta tôn trọng trí tuệ tập thể và sức mạnh hòa hợp, không cố chấp vào giới điều. Đặt trên nền tảng của sức mạnh tập thể, trí tuệ hòa hợp, Ngài đưa thêm nguyên tắc thứ tư là kiến hòa đồng giải, nghĩa là cùng nhau triển khai những điều đúng đắn có lợi cho số đông, không nên cố chấp những gì không còn thích hợp với thời hiện đại. Có thể khẳng định rằng ở thời đại chúng ta, dù tu theo pháp nào thì làm việc gì cũng phải mang đến sự sống an lạc và giải thoát, đó là ý kiến chung của Phật giáo khắp nơi trên thế giới đều công nhận.

Cuộc sống của người xuất gia khác với hoàn cảnh của cư sĩ, cho nên có những điều giải thoát đối với giới tu sĩ mà người tại gia không thể biết được và ngược lại, có những việc mà quý vị tại gia biết rõ hơn chúng tôi. Nếu nói về cuộc sống giải thoát thì chúng tôi có kinh nghiệm hơn cư sĩ, nhưng bước chân vào đời kiếm tiền, chắc chắn chúng tôi không biết bằng cư sĩ. Vì vậy, Phật giáo muốn tồn tại, phải sinh hoạt vừa thích hợp với xã hội vừa xây dựng được nếp sống giải thoát, nghĩa là kết hợp hài hòa cả hai giới tại gia và xuất gia.

Nguyên tắc thứ năm là ý hòa đồng duyệt, tức trong lòng chúng ta chấp nhận một cách vui vẻ những quy định của tập thể đề ra, chứ không phải bằng mặt mà không bằng lòng. Ví dụ trong giờ tu, để đạo tràng được thanh tịnh, tất cả hành giả đều ý thức rằng phải giữ im lặng, tức mọi người bằng lòng không nói chuyện, không phải chúng tôi áp đặt bắt quý vị nghe theo. Về việc thực tập pháp yên lặng không nói, Hòa thượng Huệ Hưng khi còn sinh tiền, đã phát nguyện tịnh khẩu, không nói trong một thời gian rất lâu. Người tu muốn ngăn chận một điều ác nào, thường đánh dấu, bằng cách viết trên lòng bàn tay, thí dụ viết chữ Nhẫn để khi gặp việc, sẽ nhắc mình không được bực tức, vì không nhịn được, dễ gây tai họa. Tổ Quy Sơn cũng dạy rằng pháp nào cần thực tập, nên viết và để ở nơi mình thường tiếp cận để thường xuyên nhắc nhở mình. Riêng tôi, thuở nhỏ thường đeo tượng Quan Am để nhớ đến hạnh lóng nghe của Ngài, nhờ đó ít phạm sai lầm, ít gặp tai họa vì lời nói, trái lại, biết được tâm tư của người đồng tu, của người mình tiếp xúc,tốt hơn là nói. Nói nhiều dễ phạm lỗi và chuốc lấy tai họa. Sau này, gánh vác công việc hoằng pháp, tôi phải đi nhiều và nói nhiều, để truyền trao cho mọi người những lời chỉ dạy cao quý của Đức Phật.

Có những điều căn bản trong đạo tràng, các Phật tử phải ráng nhớ, nhiều khi quý vị không muốn phạm, nhưng lỡ quên, nếu lỡ nói thì cố gắng tập nói nhỏ vừa đủ nghe, đỡ làm động chúng. Về pháp ý hòa đồng duyệt, Phật tử nên nhớ đừng để rơi vào tình trạng đáng sợ là bằng mặt mà không bằng lòng, tức là chấp nhận nguyên tắc bên ngoài, nhưng bên trong tâm mình bực tức. Tổ chức nào để xảy ra tình trạng mọi người chỉ bằng mặt không bằng lòng, sẽ tạo thành bầu không khí lạnh lùng đáng sợ, không thể sinh hoạt tốt đẹp, nói chi đến phát triển.

Việc tu hành của Phật tử quan trọng là làm cho tâm mình an lạc. Đời sống vật chất tăng lên bao nhiêu thì nghiệp sẽ tăng theo bấy nhiêu, tất nhiên tâm không thể an lạc. Thí dụ trước kia chúng ta chưa ăn bột ngọt, ăn rau quả bình thường; nhưng ngày nay ăn bột ngọt quen rồi, không có bột ngọt cảm thấy lạt lẽo. Quen ăn cao lương mỹ vị thì sống hẩm hiu không chịu được. Quý vị về đây tu hành, hãy tập sống đơn giản theo Phật, nhưng trong lòng cảm thấy vui với pháp, vui vì tinh thần thanh tịnh, không phải vui vì vật chất. Buỗi cơm trưa đơn giản, nhưng cảm thấy thích là biết ta gần Phật. Trong phần phục nguyện, tôi nói “Sáu thời tịnh niệm, trai phạn đơn sơ, thiểu dục tri cơ, thân tâm thường tự tại”. An uống càng đơn giản càng tốt, cho đến khi chỉ ăn cơm trắng như Phật. Thử nghĩ mỗi ngày chúng ta cúng Phật cơm trắng, chẳng lẽ cả đời chúng ta không tập được vài ngày như vậy. An uống đơn sơ, tức ăn vừa đủ sức khỏe để tu hành và Hòa thượng Trí Tịnh dạy chúng ta thiểu dục là ít ham muốn, cái nào hạn chế, bỏ được là bỏ. Có Phật tử vô tu một ngày, quen uống cà phê nên nhịn cà phê cảm thấy khó chịu, hoặc có người muốn tu nhưng không cho hút thuốc thì chịu không nổi. Như đã nói, rõ ràng đời sống vật chất tăng, nghiệp chúng ta tăng theo. Vì vậy, trên bước đường tu, phải tập giảm bớt ảnh hưởng của vật chất, thì tâm sẽ được an lạc; vì tâm ít ham muốn, tự nhiên chúng ta dễ chấp nhận tình huống xảy đến. Việc cấm Phật tử trong đạo tràng ra ngoài uống cà phê, đối với người không ghiền cà phê thấy điều luật này bình thường, nhưng người nghiện cà phê nghe như vậy thấy khổ vô cùng. Muốn tâm tự tại, tất yếu phải hạn chế vật chất. Muốn an lạc trong một ngày tu tập, cần giảm bớt ăn, ngủ.

Nguyên tắc sau cùng là lợi hòa đồng quân. Ở nhà mỗi người có cách sống khác nhau, nhưng vào đạo tràng tu tập nơi đây, tất cả mọi người đều đồng nhau, bữa trưa, ai cũng có một hộp cơm giống nhau, tức chia đều phần ăn như nhau. Từ việc ăn giống nhau ở bước đầu tu tập, quý Phật tử nỗ lực tập chỉ ăn một chén cơm trong một ngày cho đến ba ngày và đến một tuần cũng chỉ ăn một chén cơm thôi. Tập như vậy, để chúng ta lần xa rời đời sống vật chất, bước chân vào thế giới giải thoát.

Tóm lại, bước theo dấu chân Phật, chúng ta cùng nhau thực hiện sáu pháp hòa hợp, chắc chắn tạo thành sức mạnh của ngàn người, đó là sức mạnh của sự hòa hợp, sức mạnh của sự đoàn kết, sức mạnh của sự thành công viên mãn. Muốn được như vậy, cần phải tôn trọng và thể hiện trong cuộc sống những điều Phật dạy; mặc dù tuân thủ một số nguyên tắc có thể một số người cảm thấy nặng lòng, nhưng nếu cố gắng giữ gìn, chắc chắn sẽ xây dựng nên ngôi nhà hòa hợp tràn ngập tinh thần từ bi, sáng suốt, an lạc và giải thoát cho chính chúng ta và tất cả chúng sanh đồng an hưởng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHÂN BIỆT TỪ CÁI KHÔNG PHÂN BIỆT
  2. GẶP GỠ NGƯỜI QUAN SÁT THẦM LẶNG
  3. THỰC TẬP TÌNH YÊU THƯƠNG, LÒNG TỪ BI VÀ SỰ KHOAN DUNG

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ