THỰC TẬP LỐI SỐNG TỐI GIẢN

SASAKI FUMIO

Trích: "Lối sống tối giản của người Nhật", Sasaki Fumio/ Như Nữ dịch, NXB Lao Động, 2017

HÃY LUÔN COI TRỌNG NHỮNG THỨ QUAN TRỌNG

Người ta nói những ai để bàn làm việc bừa bộn thường không thể hoàn thành tốt công việc. Câu nói này cũng có nguyên nhân của nó. Danh thiếp, tài liệu, sổ sách, giấy tờ cần loại bỏ, công việc cần hoàn thành… tất cả mọi thứ đều không được sắp xếp mà vứt lộn xộn trên bàn. Lúc nào trên bàn cũng chấp đống danh sách cần làm trong thầm lặng khiến sức tập trung của bạn bị giảm sút đáng kể. Khi cần thứ gì đó, bạn sẽ tốn thời gian để tìm, bởi thế bạn khó có thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng. Dù có một “danh sách những việc phải làm thực sự” thì nó cũng bị chôn vùi trong một đống đồ đạc trên bàn và bạn chẳng thể nhận ra đâu là việc cần làm trước cả. Và đến lúc này, mọi việc đều trở nên “phiền toái”, bạn sẽ dần cảm thấy căng thẳng với công việc. Sau đó bạn sẽ không muốn làm và mở điện thoại, kiểm tra mạng xã hội… Cuối cùng tạo nên một vòng luẩn quẩn nhốt bạn trong đó.

Nếu bạn bỏ bớt đồ đạc của mình, tự nhiên những “thông điệp thầm lặng” của những món đồ ấy cũng được giảm bớt. Khi đó, bạn sẽ không bị làm phiền về việc này, việc kia trong thông điệp đấy nữa, não bộ cũng không phải mất công xử lý những thông điệp này. (“Mệt lắm rồi, để tôi nghỉ cái đã”, “Biết rồi, tôi sẽ làm sau”).

Chính vì vậy sau khi giảm bớt đồ đạc, sức tập trung của bạn được cải thiện. Bạn sẽ không còn nhận được những thông điệp dư thừa nào từ đồ đạc nữa, kể cả khi nhận được bạn cũng có thể giải quyết ngay lập tức mà không để tồn đọng.

Tóm lại, nhờ việc giảm bớt đồ đạc, “Danh sách các việc cần làm trong thầm lặng” được giảm xuống, bạn có thể bắt tay giải quyết “Danh sách các việc phải làm thực sự”. Khi giảm bớt đồ đạc, bạn có thể tập trung vào việc quan trọng của bản thân.

HẠNH PHÚC TỪ “DÒNG CHẢY” TẬP TRUNG

Có một nghiên cứu về hạnh phúc sinh ra từ sự tập trung. Đó là trạng thái tập trung mà nhà tâm lý học Csikszentmihalyi gọi là “dòng chảy”. Khi gặp được việc gì đó khiến ta tập trung cao độ, đó là lúc ta có thể biến mất. Càng về sau con người ta sẽ càng cảm thấy một sự thỏa mãn và có thể cảm nhận được cuộc sống thật sự rất tuyệt vời.

Nếu bạn có thể quên cả thời gian, quên cả bản thân mình để tập trung tháo gỡ một vấn đề nan giải nào đó, thì rất có thể đó là “dòng chảy”. Quan trọng nhất là bạn phải “cảm thấy một sự thỏa mãn”. Nếu bạn tập trung quên mình vào một thú vui nào đó nhưng sau khi kết thúc lại hối hận tự hỏi “mình vừa làm cái gì vậy” thì đó không phải là “dòng chảy”.

Csikszentmihalyi đã lấy việc biểu diễn âm nhạc làm một ví dụ của dòng chảy. Không phải ai cũng tìm ra “dòng chảy” của mình. Nhưng khi đã tìm thấy thì sẽ quên hết thời gian, quên hết bản thân mình nên ai cũng sẽ nhận biết được nó. Những người tìm ra “dòng chảy” của mình là những người có thể tích lũy được hạnh phúc ngày càng nhiều hơn.

GẬP GỌN CÁC ĂNG-TEN MỞ QUÁ RỘNG

Có một loại thông tin gọi là tin rác. Đấy là những mẩu tin không mấy chọn lọc ta hay gặp trên báo mạng. Nhìn lướt qua đấy có vẻ là thông tin quan trọng thu hút người đọc, nhưng thật ra đó chỉ là thông tin cho vào đầu để giết thời gian và từ lúc đọc cho đến cuối đời cũng không bao giờ có thể nhớ lại được. Nếu cứ giữ lại những thông tin đấy thì người ta sẽ bị bội thực thông tin. Một thử nghiệm đã chỉ ra rằng những người bị nhồi quá nhiều thông tin rác có xu hướng suy giảm IQ còn nhiều hơn cả hút cần sa.

Hiện nay vấn đề lớn không còn là làm thế nào để có được nhiều thông tin mà là làm thế nào để giữ khoảng cách với thông tin không cần thiết, làm thế nào để giảm những thông tin rác. Cứ mỗi ngày chúng ta lại có thêm một lượng thông tin mới khổng lồ. Nếu là người sở hữu điện thoại thông minh thì chắc hẳn ai cũng đã từng vô thức mở mail kiểm tra tin nhắn, mở liên tục từ đường link này đến đường link khác trên browser hay mải mê chơi game quên thời gian. Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để giảm lượng thông tin ta tiếp nhận hàng ngày, làm thế nào để cất cái ăng-ten đã phủ sóng quá rộng của mình lại.

TĨNH TÂM, NGỒI THIỀN, YO-GA TẬP TRUNG VÀO CHÍNH BẢN THÂN MÌNH

Trong số những người theo trào lưu sống tối giản, có nhiều người tạo cho mình thói quen tĩnh tâm, ngồi thiền hay tập yo-ga. Theo tôi đây hoàn toàn là một điều tự nhiên. Tại sao vậy? Khi các đồ vật của “thế giới bên ngoài” vốn làm nhiễu loạn sự chú ý của bản thân bạn cũng ít đi. Lúc đó, chúng ta sẽ chú ý đến “con người bên trong” mình nhiều hơn.

Ban đầu tôi chưa thấy hứng thú với mấy bộ môn này, nhưng càng về sau tôi càng thấy hiệu quả.

Trong lúc ngồi thiền, tôi hay bất chợt nghĩ đến những chuyện trong cuộc sống, nhưng chỉ cần vài nhịp thở sâu là tôi lại kéo lại được ý thức lơ đãng của mình. Dần dần, khả năng tập trung của tôi cũng được cải thiện đáng kể, mạch tư duy của tôi cũng trở nên rõ  ràng hơn. Đối với tôi, tĩnh tâm hay ngồi thiền giống như cài lại “hệ điều hành” cho chính bản thân mình.

Hiện nay, ngay cả Google hay Facebook cũng đang chú ý đến thiền và tĩnh tâm. Tìm trên Google bạn có thể thấy người ta mở rất nhiều khóa học thiền, và vô tình họ cũng đã tạo ra một mê cung cho những ai muốn đến với thiền chân chính. Nếu không dành thời gian để nhìn nhận, suy ngẫm lại bản thân mình, thì bạn rất dễ nhấn chìm trong vô vàn thông tin trên thế giới này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VẺ ĐẸP SIÊU CÁ NHÂN
  2. HỌC CÁCH SỐNG TRONG HIỆN TẠI
  3. DÒNG SÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG PHẢI TRỞ NÊN HẠNH PHÚC MÀ LÀ CẢM NHẬN HẠNH PHÚC
  2. MỖI NGƯỜI DÂN NHẬT BẢN ĐỀU TỪNG LÀ NGƯỜI SỐNG TỐI GIẢN
  3. LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ