HH. DALAI LAMA XIV
JEFFREY HOPKINS
Trích: Trí huệ và Đại bi; Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức, 2000
Đức Dalai Lama 14 – Ngài được xem là hiện thân của Quán Thế Âm Bồ tát
Thực hành thần chú Om mani padme hum là một điều tuyệt hảo, nhưng cần phải chú ý vào ý nghĩa của nó khi người ta trì tụng, bởi vì sáu âm có một tầm rộng và sâu.
Âm thứ nhất Om, thật ra tạo bằng ba chữ A, U, M, tượng trung cho thân, ngữ và tâm thức bất định của thiền giả. Chúng cũng tượng trưng cho thân, ngữ và tâm thức thanh tịnh tuyệt vời của một vị Phật. Những yếu tố bất tịnh này có thể chuyển hóa thành những yếu tố thanh tịnh không? Chúng có hoàn toàn khác biệt với nhau không? Tất cả chư Phật đã là người như chúng ta và đã đạt đến giác ngộ bằng cách đi theo đường đạo. Theo Phật giáo, lúc ban đầu không ai thoát khỏi những bất toàn và có đầy đủ mọi phẩm tính. Thân, ngữ và tâm trong sạch bởi một sự từ bỏ dần dần những trạng thái bất tịnh, cho đến lúc chuyển hóa thành trạng thái thanh tịnh.
Một sự chuyển hóa như thế hoàn thành như thế nào? Tất cả lộ trình được chứa đựng trong bốn âm sau đây.
Mani nghĩa là viên ngọc và tượng trưng những yếu tố của phương tiện – ý định vị tha đạt đến giác ngộ, đại bi, đại từ. Như một viên ngọc chấm dứt sự nghèo khổ, ý định vị tha được giác ngộ có quyền lực loại bỏ sự thống khổ và những khó khăn trắc trở của vòng sanh tử và của cả sự giải thoát riêng cho cá nhân mình. Như một viên ngọc lấp đầy những nguyện vọng của những chúng sanh, ý định vị tha được giác ngộ thành tựu những mong mỏi của họ.
Hai âm của chữ Padme có nghĩa là “hoa sen” và tượng trung cho trí huệ, bởi vì, cũng như hoa sen mọc lên trong bùn mà không dơ nhiễm bởi sự bất tịnh của bùn, trí huệ có quyền lực làm cho chúng ta trọn vẹn, còn khi không có nó, chúng ta rơi vào mâu thuẫn.
Dưới nhiều hình thức đa dạng, trí huệ là sự thấu hiểu vô thường; sự thấu hiểu rằng cá nhân thì không có hiện hữu riêng, sự thấu hiểu cái bất nhị (của sự phân biệt chủ thể và đối tượng), sự thấu hiểu vô tự tánh. Trong mọi mặt mà trí huệ biểu lộ, sự thấu hiểu tánh Không là cái quan trọng nhất.
Không lìa nhau, phương tiện và trí huệ phải hợp nhất để cho sự tịnh hóa hoàn thành. Sự hợp nhất của chúng được tượng trung bởi âm cuối cùng, Hum, dấu hiệu của không chia biệt. Trong con đường kinh điển, sự không chia biệt của phương tiện và trí huệ có nghĩa là mỗi cái có một âm hưởng trên cai kia. Trong Mật thừa, sự không chia biệt là sự kiện một tâm thức trong đó phương tiện và trí huệ, trong hình thức hoàn mãn của chúng, kết hợp với nhau thành một thực thể không khác biệt.
Trong bối cảnh năm đức Phật chiến thắng, hum là âm chủng tự của A Súc Bệ Phật, bất động, bất loạn, vị không gì có thể tác động.
Thần chú uy lực này được mọi người dân xứ Tây Tạng trì tụng hàng ngày
Vậy thì sáu âm của thần chú Om mani padme hum cho chúng ta biết rằng, qua sự thực hành con đường, trong sự kết hợp không thể phân chia của phương tiện và trí huệ, chúng ta có khả năng làm cho thân, ngữ, tâm bất tịnh của chúng ta thành thân, ngữ, tâm thanh tịnh siêu việt của một vị Phật. Phật tánh không thể được tìm ở đâu khác ngoài tự nơi mình, vì những yếu tố cần thiết cho sự thành tựu của nó thì ở nơi chúng ta. Trong dòng cao cả của Đại thừa, Maitreya nói rằng Phật tánh nội tại trong dòng hiện sinh của mọi chúng sanh. Bị trôn dấu trong chúng ta, hạt giống của sự thanh tịnh, tinh túy của Như Lai (Tathagatagarbha) chờ đợi sự chuyển hóa và sự khai mở trọn vẹn của nó trong Phật tánh.
Nguồn: Tác phẩm “Trí huệ và Đại bi”
Tác giả: Tenzin Gyatso
Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức, 2000