ĐIỀU PHỤC TÂM BẰNG HAI ĐOÀN QUÂN TỪ VÀ BI

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Bình giảng 37 pháp tu của Bồ tát; Nguồn: Thư viện Lưu trữ Giáo huấn của Đại sư Garchen Triptrul Rinpoche; Anh dịch: Ina Bieler; Việt dịch: Tiểu nhỏ và Trần Lan Anh; NXB. Gyaltsen Publications Pte Ltd; 2017

20. Cho dù có đánh bại được kẻ thù bên ngoài, nhưng lại chưa khuất phục được kẻ thù bên trong là sự sân hận của chính mình, thì cũng chỉ làm gia tăng kẻ thù mà thôi. Bởi vậy hãy điều phục tâm bằng hai đoàn quân Từ và Bi. Đó là pháp tu của Bồ tát.

Ngay cả khi con tạm thời có kẻ thù bên ngoài thì kẻ thù lớn nhất là cảm xúc phiền não, hay độc dược của sân hận. Các cảm xúc phiền não có thể kết hợp với nhau, nên một loại cảm xúc phiền não chứa đựng cả năm loại cảm xúc phiền não. Ví dụ như có sân hận hình thành từ sự bám chấp, sân hận hình thành từ kiêu mạn, v.v… Không nhận biết ngay được cảm xúc phiền não là vô minh nên vô minh là gốc rễ của tất cả. Từ vô minh, khởi lên bám chấp và từ bám chấp khởi lên sân hận. Khuyết điểm của sân hận là gì? Sân hận là kẻ thù. Gốc rễ của mọi khổ đau hình thành từ sân hận và sân hận sẽ mang lại cho con nhiều khổ đau hơn trong tương lai. Ngay khi sân hận phát khởi, nó giống như cái gai độc đâm vào tâm thức con. Bản tánh của nó là khổ đau. Khi có sân hận trong tâm, sẽ luôn có sự thù hằn. Con có thể biết được điều này bằng cách nhìn vào mặt một người nào đó. Kẻ thiếu sự hiểu biết có tâm sân hận; tâm hắn trở nên đau khổ một cách vô thức. Mặt hắn đanh lại, không ai thích vẻ mặt này và không ai muốn đến gần. Rồi hắn trở nên bực tức vì chẳng ai ưa hắn cả. Nếu hắn nghĩ rằng vợ con hắn không thích hắn thì hắn sẽ nổi giận. Vợ con hắn không có tội gì cả nhưng hắn lại chửi bới, nhiếc móc và cau có với họ. Nếu con không cười thì chẳng ai dám lại gần, kể cả cha mẹ con. Cuối cùng thì sân hận sẽ dẫn đến việc đọa sinh ở ba cõi thấp, chủ yếu là địa ngục. Địa ngục do sân hận tạo ra. Kẻ thù tệ hại nhất của con là sân hận. Cuốn ‘Nhập Bồ tát hạnh’ dạy rằng chỉ có một kẻ thù [chính là kẻ thù bên trong] tiêu hủy mọi hạnh phúc; ngoài ra chẳng có kẻ thù bên ngoài nào hết. Một khi chúng ta đối trị được tâm sân hận của chính mình thì chẳng còn kẻ thù bên ngoài nào tồn tại cả. Dĩ nhiên là ngay cả khi con không còn sân hận, vẫn sẽ còn một số người muốn làm hại con. Nhưng khi sân hận đã bị đoạn trừ, con sẽ kết nối được với tất cả mọi người.

Trước tiên, con phải nhận biết được các khuyết điểm của sân hận, bản chất khổ đau của sân hận và sự nguy hại mà nó mang đến cho mình và người khác. Ví dụ như hãy quán chiếu rằng sân hận không giải quyết được vấn đề nào cả. Có câu châm ngôn ‘Nếu con giết một kẻ thù thì ba kẻ thù khác sẽ xuất hiện. Nếu con giết ba kẻ thù thì mười kẻ thù khác sẽ xuất hiện’. Rồi hãy quán chiếu rằng nếu sân hận phát khởi trong tâm con, con sẽ ghét bỏ ngay cả gia đình con và họ sẽ trở thành kẻ thù của con. Khi sự ghét bỏ tồn tại trong tâm con, con sẽ giận dữ và suy nghĩ ‘Họ không thích mình’, ngay cả khi họ yêu thương con. Nếu có sân hận trong tâm thì tâm sẽ bị nhiễm độc. Khi chúng ta ở gần một người có tâm yêu thương, chúng ta cảm thấy rất hạnh phúc, phải không? Nhưng khi chúng ta ở gần một kẻ thích gây hấn và không được hạnh phúc thì ngay lập tức, tâm của chúng ta sẽ trở nên căng thẳng và sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Biện pháp đối trị sân hận là lòng từ ái và bi mẫn.

Bi mẫn mà không có từ ái là bi mẫn thông thường. Từ ái trước tiên có nghĩa là nhận biết được sự tử tế, rồi ghi nhớ sự tử tế này và cuối cùng là biết ơn người có lòng tử tế. Hãy nghĩ đến cha mẹ, người thân, bè bạn và tất cả những người con đang yêu thương với một tình cảm rất bao la. Nếu con quán chiếu và nghĩ về sự tử tế của họ, con sẽ cảm thấy một ý muốn mãnh liệt mang lại lợi lạc cho họ để trả ơn. Một số người lại còn phát khởi tình yêu thương thật mãnh liệt hơn sau khi người mình yêu thương qua đời. Sau khi chết, không hẳn là họ chấm dựt sự tồn tại, họ vẫn còn đâu đó trong sáu cõi. Drugpa Kunleg nói rằng ‘một số chúng sinh an trú trong cõi tịnh độ, còn một số chúng sinh khác thì đang ở trong địa ngục.’ Do đó, con phải nghĩ về những người thân đã quá cố, vẫn còn lang thang ở đâu đó trong sáu cõi và liên tục quán chiếu rằng chẳng có chúng sinh nào mà lại không giống người quá cố đó; tất cả bọn họ đã từng sống gần gũi với con. Khi con nhận thức rằng điều này là thực sự đúng thì con sẽ cảm thấy gần gũi, thân thiện với tất cả mọi người, thậm chí khi con không quen biết họ. Con sẽ thiết lập được một mối quan hệ tự nhiên với tất cả bọn họ. Đây là lòng từ ái. Nếu có người gặp khổ đau hay khó khăn, con sẽ lập tức giúp đỡ người đó nếu có thể. Không có lòng từ ái thì người ta chỉ giúp bạn bè của mình và không kết nối yêu thương được với những người khác. Ở đây, mọi người đều khôn ngoan, họ yêu thương những người gặp khó khăn đang sống ở những nước khác. Nếu một quốc gia gặp khó khăn thì các quốc gia khác sẽ giúp đỡ. Đây là một điều rất tốt lành.

Con cần phải liên tục tịnh hóa tâm của mình với sự thiền định về lòng từ ái. Con cần phải hiểu rằng trưởng dưỡng lòng từ ái cũng mang lại lợi lạc cho chính bản thân con. Rồi ngay khi có kẻ đến để hãm hại con, con sẽ không cảm thấy sân hận nổi lên. Đối với chư Bồ tát, phương tiện đoạn diệt sân hận là lòng từ ái và bi mẫn, nếu con cứ để sân hận chi phối thì con sẽ đánh mất Bồ đề tâm. Bằng cách quán tưởng mọi người đều là cha mẹ của mình, sân hận trong con sẽ bị đoạn diệt.

Ngài Garchen Rinpoche quang lâm chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc tự (Gia Lâm, Hà Nội) 07/2019

Đức Milarepa đã dạy: ‘Nguồn gốc của các cõi thấp là sự sân hận, do đó, hãy trưởng dưỡng hạnh nhẫn nhục ngay khi tính mạng của con đang lâm nguy’. Khi sân hận khởi lên thì Bồ đề tâm [vốn là sinh lực của sự giải thoát và toàn trí] sẽ bị đoạn diệt. Sân hận hủy hoại sinh lực của sự giải thoát. Khi con không khởi tâm sân hận thì sinh lực giải thoát sẽ không bị tước mất. Sinh lực của thân xác này, vốn là sự kết hợp của các uẩn, có thể bị tước đi, nhưng sinh lực của sự giải thoát sẽ vẫn còn đó trừ phi con khởi tâm sân hận.

Đại thủ ấn và Đại viên mãn có những phương tiện khác nhau để chế ngự sân hận. Khi sân hận khởi lên và các ý niệm khác không đan xen vào thì sẽ có chánh niệm quan sát sân hận; con thiền định về sự sân hận và sẽ thấy bản chất khổ đau của nó. Sân hận không có tự tánh và khi bị quán sát nó sẽ biến mất vào tính Không. Nếu con đi tìm màu sắc hay hình dạng của sân hận, con sẽ thấy chúng không tồn tại. Khi bám víu vào sự tồn tại của cái thiếu vắng sự tồn tại, khi bám chấp vào sự nhị nguyên của chủ thể và đối tượng là chúng ta đã tạo ra Luân hồi. Nếu con quán sát tâm và trụ lại trong bản tánh của nó thì sân hận không tồn tại, nó biến mất trong một khoảnh khắc và khởi lại trong một khoảnh khắc khác. Một số đệ tử than phiền rằng họ nghĩ là sân hận đã biến mất hoàn toàn rồi nhưng nó lại cứ quay lại thường xuyên. Nhưng khi con hiểu được bản chất của sân hận, con sẽ không ngạc nhiên khi thấy nó biến mất và xuất hiện lại thường xuyên. Đức Milarepa đã nói với Lugtsi Repa: ‘Khi thiền định, sẽ không có khổ đau; khi không thiền định, sẽ có khổ đau. Con phải thiền định không ngưng nghỉ’. Con phải thực hành liên tục. Con phải thiền định không ngưng nghỉ.

Theo truyền thống Đại thủ ấn, khi một cảm xúc phiền não như sân hận khởi lên, sẽ có một năng lực hiểu biết – chánh niệm – nhận biết được sự phát khởi này. Một khi chánh niệm đã được kích hoạt, nó sẽ tự ổn định mà không cần yếu tố nào khác. [Khi đó] nghĩ về sân hận là tốt hay xấu và tìm hiểu nó là không cần thiết. Chánh niệm giống như ngọn lửa và cảm xúc phiền não giống như củi; khi con thiền định và kết hợp cả hai thứ này thì cảm xúc phiền não sẽ bị thiêu rụi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN
  2. MỌI THỰC HÀNH PHÁP ĐỀU BẮT ĐẦU VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ