ROBERTO ASSAGIOLI
Trích: Sự Phát Triển Siêu Cá Nhân; Tác Giả: Roberto Assagioli; Người dịch: Huyền Giang
Roberto Assagioli (1888 – 1974). Ông là một bác sĩ nổi tiếng, nhất là về tâm – bệnh lý. Ông đề xướng ra phương pháp Tổng hợp tâm lý (Psychosynthèse) được nhiều người noi theo. Roberto Assagioli là người gần như đương thời với Freud, Jung, những nhà tâm lý học và phân tâm học “đầu bảng” của thế kỷ XX. Bằng những nghiên cứu sâu sắc, dựa vào vô số những dữ kiện về đời sống tinh thần và tâm linh có từ hằng nghìn năm, kể cả của các tôn giáo lớn nhất của thế giới, ông khẳng định cái “siêu thức”, cũng là Ngã tâm linh của con người, điểm tựa và nguồn gốc đời sống tâm linh ở con người, mà sự suy yếu hay mất đi của nó cũng đồng nghĩa với sự hủy diệt của con người từ nội tâm.
——- ??? ——-
Khi xem xét những “tia sáng tâm linh” đi xuống nhân cách, chúng tôi đã nói tới vẻ đẹp trong chương trên. Bây giờ hãy xem xét một yếu tố khác rất quan trọng: Tình yêu.
Tình yêu là một trong những mặt phổ biến nhất của cuộc sống, một trong những tình cảm, một trong những hoạt động phổ biến nhất. Thế nhưng, có lẽ nó ít được hiểu hơn cả, và đối với nó, có những sự không hiểu và lầm lẫn lớn nhất và sai lầm lớn nhất mà người ta mắc phải. Vì thế, thật có ích, thậm chí là cần thiết nữa, khi hiểu được tình yêu là gì để yêu cho đúng.
Những lầm lẫn và sai lầm thường phạm phải không có gì làm chúng ta ngạc nhiên lắm. Thật vậy, tình yêu có một nguồn gốc, một bản chất và một chức năng vũ trụ. Đó thường là một hiện thực làm người ta sững sờ. Nó chi phối và khuất phục cá nhân. Nó có những biểu hiện nội tâm và bên ngoài rất khác nhau và có vẻ mâu thuẫn nhau. Có tình yêu thể xác và tình yêu tâm linh; có tình yêu khao khát, thu hút về nó, nuốt hết, hạn chế và nô dịch người ta, và có tình yêu mở rộng và giải thoát người ta; có tình yêu trong đó cá nhân dường như bị mất đi và có tình yêu trong đó cá nhân dường như tìm thấy bản thân mình. Để đem lại đôi chút trật tự và sáng rõ trong sự lẫn lộn ấy, trong những sự đối lập ấy, cần phải đặt tình yêu vào quan niệm tâm linh lớn lao về cuộc sống mà chúng tôi đã nói tới. Bằng cách đó chúng ta mới có thể đi sâu phần nào vào điều bí ẩn này.
Để soi sáng vấn đề này, hãy nhắc lại những nét lớn của quan niệm tâm linh ấy. Có một sự thống nhất ban đầu, chưa phân hóa: cái Tuyệt đối, cái Siêu việt, cái Không biểu hiện. Từ đó đẻ ra sự biểu hiện, sự phân hóa có thể được coi như sự phóng chiếu, sự phát xuất, sự tự đối tượng hóa của thể tối cao. Quá trình Vũ trụ to lớn ấy đi qua một loạt giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là tính phân đôi: Một trở thành hai. Sự phân hóa căn bản đầu tiên đã diễn ra như vậy: tinh thần và vật chất, mặt chủ quan và mặt khách quan, năng lượng và sức chống lại, hoạt động và thụ động, cực dương và cực âm, mặt đực và mặt cái. Cho đến đây, chỉ nói tới mặt khách quan của vật chất, tới một cái gì chưa phân hóa mà chưa nói tới vật chất đã phân hóa như chúng ta đang biết. Đó là giai đoạn đầu tiên có thể coi là quan hệ phân đôi hay giai đoạn phân đôi.
Hai mặt lớn ấy của thực thể không bị cắt rời nhau, như dửng dưng với nhau: những trao đổi, những tác động, và phản tác động nẩy sinh, và hiệu quả của sự hấp dẫn sống còn ấy là sự sáng tạo, sự biểu hiện của vũ trụ như chúng ta biết, của vũ trụ có hình thức, cụ thể hóa. Nó không hình thành một lúc. Trong sự sáng tạo, đã có những sự phân hóa liên tiếp. Đã có sự đối tượng hóa các đồ án, các mức sống ngày càng cụ thể và vật chất, những trạng thái ý thức ngày càng được giới hạn. Ở mỗi trình độ đó, lại có vô số những sự phân hóa mới cho tới khi đạt tới trạng thái hiện thời của sự phân chia tối đa, sự chia tách và phân tán của con người, hiểu theo nghĩa rộng nhất.
Có thể nói đó là cái khung, cái khuôn mà chúng ta phải đặt tình yêu vào đó để có thể hiểu nó. Bên dưới trạng thái phân chia, chia tách, tách biệt khắc nghiệt hiện có ấy, trong con người có một cái gì giống như một ký ức xa xôi và âm thầm về sự thống nhất ban đầu, theo những cách khác nhau, ở những mức độ khác nhau, đó là một cảm giác mơ hồ về nguồn gốc chung và về nỗi buồn nhớ vô thức nhưng mạnh mẽ tới một sự trở về với nguồn gốc ấy. Mọi con người, mọi thực thể cô lập đều cảm thấy mình không đầy đủ, không thỏa mãn. Mọi thực thể đều đi tìm một cái gì đó mà không biết là cái gì. Mọi thực thể đều lang thang và đau khổ về những ảo ảnh kế tiếp nhau, nhưng không thể tự ngăn mình tìm kiếm, như bị một kích thích thúc đẩy khiến cho mình không nghỉ ngơi được và cảm thấy một sự khao khát không biết chán. Mà cũng không thể khác thế được, vì sự thúc đẩy ấy, ham muốn ấy là biểu hiện của quy luật tiến hóa lớn lao.
Bí mật của bản chất và chức năng tình yêu bộc lộ ra như vậy. Sự ham muốn được sung mãn, kết hợp, hòa lẫn với một cái gì đó, với một người nào đó khác với mình, chính là thực chất của tình yêu. Và sự kết hợp, sự hòa lẫn sáng tạo và hữu hiệu này làm nảy sinh một điều khác. Giống như Một, Tâm linh đẻ ra hai và số hai, vật chất đẻ ra ba, biểu hiện sự phân hóa, cũng vậy, cái dương và cái âm bao giờ cũng đẻ ra một cái gì khác, tùy theo những yếu tố hợp nhất lại với nhau. Để diễn đạt điều đó bằng ngôn ngữ khoa học, có thể nói rằng vũ trụ dựa vào nguyên lý đối cực (principe de la polarité), theo một quy luật hấp dẫn, và vào một loạt những hành vi sinh đẻ. Những nguyên lý ấy, những Quy luật căn bản ấy, chúng ta lại thấy có trong tất cả mọi biểu hiện của tình yêu, dù mới Thoạt nhìn những biểu hiện ấy có vẻ khác nhau và đối lập nhau.
Rõ ràng chúng ta lại thấy có những biểu hiện ấy trong vật chất vô cơ. Trong nguyên tử, chúng ta có điện tích dương của hạt nhân và những điện tích âm của các điện tử, và toàn bộ những thứ đó tạo thành sự sống và phẩm chất riêng biệt của tình yêu. Nói chung, chúng ta cũng lại thấy như vậy trong điện với điện tích dương và âm chập lại để phát ra tia sáng và nhiệt. Trong các nguyên tố hóa học, quy luật hấp dẫn và kết hợp cũng hiện ra như một ái lực hóa học. Chẳng hạn, axit và bazơ kết hợp với nhau tạo thành muối.
Trong lĩnh vực sinh học, lĩnh vực sự sống hữu cơ của thực vật và động vật, có sự hấp dẫn và hòa trộn của các tế bào. Trong các cơ thể sơ đẳng, đơn bào, hai cơ thể hòa vào nhau và làm nảy sinh ra một tế bào khác. Trong những cơ thể cao hơn, đa bào, có sự phân hóa giữa các yếu tố đực và cái cho phép sinh sản hữu tính.
Bây giờ ta hãy chuyển sang mặt chủ quan, tâm lý. Chức năng tính dục đem lại cảm giác hấp dẫn thể xác mạnh mẽ và sự thúc đẩy bản năng do những ấn tượng của các giác quan gây ra. Theo cách nhìn này, con người nằm trong thế giới các cảm giác nhưng lại có những trình độ biểu hiện khác của tình yêu. Trước hết là trình độ tình cảm, trong đó tình yêu biểu hiện thành mặt hấp dẫn tình cảm, nhu cầu bổ sung tâm thần ở những mức độ khác nhau, từ sự đam mê chiếm hữu sơ đẳng nhất đến những tình cảm tế nhị nhất của các con tim hợp lại. Sau đó là trình độ trí tuệ. Những trao đổi về ý tưởng diễn ra ở đó, làm phong phú lẫn nhau giữa những ai trao đổi và kết quả là có một kiểu hợp nhất trí tuệ với nhau. Cuối cùng là trình độ tâm linh, trong đó có sự hoạt động của những yếu tố khác mà chúng tôi sẽ trở lại sau.
Cho đến đây, chúng ta đã nói tới kiểu tình yêu đơn giản nhất, tức là xu hướng kết hợp, quy luật hấp dẫn, quan hệ bổ sung giữa hai yếu tố, hai thực thể, tính đối cực, giới tính đối lập nhau. Nhưng mối liên hệ này có thể trở nên phức tạp hơn. Trước hết, có những trường hợp trong đó tính đối cực không cố định và bền vững mà là một chức năng lần lượt xen nhau, như đã thấy ở điện và đôi khi ở giới tính. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tình cảm và trí tuệ, cùng một cá nhân có thể lần lượt mang tính dương rồi mang tính âm, chủ động rồi thụ động, cho rồi nhận. Nghĩa là có một tính linh hoạt lớn hơn, một sự tự do hành động lớn hơn. Và do đó, một sự tự do lựa chọn cũng lớn hơn.
Một biến hóa thứ hai và một sự phát triển thứ hai của tình yêu sẽ xảy ra khi có một sự bổ sung lẫn nhau, hòa lẫn nhau của hơn hai yếu tố. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó trong thế giới vật chất. Chẳng hạn, có những kết hợp hóa học phức tạp, trong đó có tới ba yếu tố hoặc nhiều hơn tham gia. Hầu hết các hợp chất hữu cơ đều thuộc kiểu này: các phân tử phức tạp trong đó có sự tham gia của cacbon, hidrogen, oxygen, azot và những nguyên tố khác nữa. Trong sinh học, trước hết thấy có tế bào như yếu tố cơ sở, rồi những tập hợp tế bào tạo thành các mô, rồi Các mô liên kết lại với nhau để tạo thành các cơ quan, cuối cùng các cơ quan liên kết với nhau để tạo thành sự thống nhất của một cơ thể, mỗi cơ quan phát triển chức năng của nó trong một quan hệ hài hòa với những cơ quan khác, một quan hệ cố kết, yêu thương nếu có thể nói như vậy.
Ở trình độ xã hội, chúng ta cũng thấy tương tự, có những kiểu tập hợp khác nhau được tạo ra, được nhóm lại và được thống nhất bằng những liên hệ tình cảm mạnh mẽ. Kiểu thứ nhất có thể gọi là tế bào con người, gia đình. Rõ ràng, trong nhiều trường hợp, gia đình là một đơn vị tự thân thật sự, nó tạo thành một nhóm nhỏ gần như tách biệt với những nhóm khác và được tập hợp bằng những liên hệ vững chắc của một tình yêu thương, một lý tưởng, một thiên hướng giống nhau. Kiểu thứ hai là cộng đồng người. Từ cộng đồng có nghĩa là sự thống nhất, sự kết hợp những yếu tố khác nhau. Có những tập hợp và cộng đồng chính trị, tôn giáo, xã hội và cả trí tuệ nữa. Chẳng hạn, vài trăm người ở tản mát khắp thế giới, như các nhà thiên văn học, có thể hợp thành một cộng đồng khá riêng biệt, cùng nói một thứ ngôn ngữ mà những người khác chỉ hiểu được phần nào. Cả ở đó nữa, người ta cũng thấy một hình thức kết hợp yêu thương.
Trong tất cả các nhóm, chúng ta đều thấy có những tính chất căn bản mà chúng tôi đã nói tới về tình yêu: những tình cảm, ý thức kết hợp và bổ sung, hoạt động và hiệu quả chung của nhóm, mà những điều này còn lớn hơn và có khi còn khác với những gì do các cá nhân tách biệt đưa lại. Nhưng thế chưa phải đã hết, vì chúng ta chỉ vừa mới đi được nửa đường trong sự nghiên cứu của chúng ta.
Tất cả các quan hệ đối cực và kết hợp đã được xem xét cho đến nay đều diễn ra trên những bình diện giống nhau, có thể nói là theo chiều ngang; chúng mở rộng ra trên bề mặt. Những ái lực hóa học khác nhau nằm trong trường hóa học, còn trường của những sự kết hợp tình cảm con người là lĩnh vực tình cảm, các cộng đồng trí tuệ thì được lập ra trên bình diện trí tuệ. Nhưng còn có những quan hệ khác, những sự bổ sung khác có thể gọi là theo chiều dọc và đó là những sự bổ sung căn bản nhất. Thật vậy, những sự bổ sung theo chiều ngang vẫn chưa đủ; chúng có thể gây ra một lối ứng xử thiên vị và ít bền vững. Cơn khát sâu nhất không dịu đi và đó chính là bi kịch của tình yêu – đam mê (amour – passion), của tình yêu con người theo nghĩa thông thường của nó. Trong tình yêu thể xác, trong tình yêu – đam mê đơn nhất, có một sự không thỏa mãn vô tận. Nhiều nhà thơ và nhà văn đã mô tả những gì nảy sinh ra trong trái tim của hai người yêu nhau: một sự khao khát về tính vĩnh hằng, về cái vô hạn, một khát vọng sâu sắc muốn làm dừng lại thời gian đang quá nhanh, muốn làm cho tình yêu nhỏ bé của con người trở nên hoàn hảo hơn và đầy đủ hơn. Khát vọng ấy, như vốn là thế, không thể được thỏa mãn, mong muốn ấy không thể được thực hiện và sẽ đẻ ra một nỗi đau đớn, một mong muốn hủy diệt được coi như phương tiện duy nhất để vĩnh hằng hóa những gì mang bản chất thoáng qua, và mong muốn này đưa tới chỗ tự sát trong một số trường hợp.
Trên đây, chúng tôi đã nói rõ nguyên nhân của tất cả những điều đó: Đó là ý thức về sự thống nhất ban đầu mà nguồn gốc của nó nằm ở một bình diện khác với hình diện chiều ngang, ở trong hiện thực cao nhất, siêu việt mà lúc đầu được linh cảm với sự ngạc nhiên và bị lý giải sai, nhưng dần dần bộc lộ rõ hơn. Đó là khát vọng hướng tới Tâm linh, tình yêu Thần thánh như Tính hiện thực tối cao, như sự hợp nhất với tất cả mọi sự vật và tất cả mọi thực thể. Khát Vọng ấy, nỗi lo âu ấy là tình yêu, như thánh Augustin đã nói trong một công thức ngắn gọn: “Trái tim con không yên ổn chừng nào nó không được nghỉ ngơi ở Người”. Thế nhưng, tôi xin nhắc lại, giống như sự phát hiện ra khát vọng ấy thường chậm chạp và dần dần, những biểu hiện của nó cũng khác nhau và dần dần. Nó diễn ra thành nhiều giai đoạn được xác định một cách rất khác nhau.
Trước khi có thể yêu thương và cảm nhận Tính thần thánh trong thực chất của nó, trong sự lớn lao vô hạn của nó, con người phải dần dần học yêu thương những biểu hiện che đậy, cụ thể, cá nhân hóa của nó ngày càng rộng lớn. Nó bắt đầu hướng tình yêu theo chiều dọc lên phía cao, lên Tâm linh bằng cách yêu những người cao hơn mình, những con người lý tưởng, biểu hiện tương đối nổi bật một cái gì thần thánh, tâm linh. Đó là những vị anh hùng của loài người, những thiên tài, những vị thánh, những người thần thánh như Phật và Christ. Họ là những cái cầu, những điểm tựa cho con người vẫn chưa thể đạt tới Thực thể tối cao, cái Phổ biến.
Một giai đoạn khác hướng tới tình yêu đối với Thực thể tối cao là tình yêu Tâm linh trong chúng ta, là khát vọng mà cá nhân chúng ta cảm thấy và thu hút nói tới trung tâm tâm linh của nó, Ngã.
Rồi đến tình yêu đối với Đấng vô thượng được cảm nhận như một con người. Tình yêu này tồn tại theo hai cách lớn không loại trừ nhau để cảm nhận Đấng vô thượng. Trong cách thứ nhất, Đấng vô thượng được coi như một con người cao cả, nhưng bao giờ cũng được khu biệt, được biểu hiện ở bên ngoài. Trong cách thứ hai, tức là trong tình yêu thần bí hơn của tâm hồn đối với Đấng vô thượng, khi tâm hồn có một thái độ “tiêu cực” và có những phản chiếu tương tự như những phản chiếu gặp thấy trong tình yêu con người. Các nhà thần bí, về điều này, đã nói tới những lễ cưới thần bí, tới sự hôn phối thần bí. Cả ở đây nữa, chúng ta lại gặp thấy những tính chất của tình yêu: nỗi khao khát về sự sung mãn, sự kết hợp, rồi sự phóng chiếu. Thật vậy, các tâm hồn thần bí này không bằng lòng hưởng thụ một cách thụ động tình yêu thần thánh, mà cảm thấy như được thúc đẩy hành động trong loài người để mang tình yêu ấy lại cho mọi người.
Sau nữa, người ta thấy có tình yêu đối với mọi người, đối với tự nhiên và mọi sinh linh, đây là một tình yêu mang lại tính chất tâm linh mà không còn là tình yêu đối với một người riêng biệt nào, một con người cụ thể nào mà là tình yêu phổ biến, dựa vào nguyên lý về sự thống nhất của tất cả mọi con người.
Tôi hy vọng là đã chứng minh được cách nhìn chung có thể giải thích sự thống nhất và tính đa dạng lớn lao của tình yêu trong tất cả các biểu hiện của nó, ở tất cả các thực thể khác nhau và những trình độ tồn tại khác nhau, nhất là ở con người. Thật vậy, con người là một thực thể phức hợp, mang rất nhiều trình độ, từ những phản ứng vật lý – hóa học thân thể đến những khả năng và ý thức tâm linh, về sự kết hợp với Thực thể tối cao. Điều đó cho thấy rằng, trong con người, những biểu hiện khác nhau của tình yêu cùng tồn tại và trộn lẫn với nhau.
Điều quan trọng – để kết thúc chương này – là phải thấy rằng những trình độ khác nhau ấy không tách rời nhau, mà luôn luôn tác động qua lại với nhau, khiến cho những hoạt động ở một trình độ khác, ảnh hưởng tới chúng, và cứ thế. Người ta sẽ dễ dàng hiểu được sự tác động qua lại ấy có thể đẻ ra những lẫn lộn, những sự không hiểu và những sai lầm đến mức nào, nhưng đồng thời đó lại là nguồn gốc của những cơ hội biến đổi, tái sinh, thăng hoa to lớn, với những hậu quả thực tiễn tốt lành đối với sự tiến bộ và phát triển của chúng ta.