TIỀN BẠC VÀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH

ROBERTO ASSAGIOLI

Trích: "Sự Phát Triển Siêu Cá Nhân”  -  Dịch giả: Huyền Giang

Nhiều định kiến và thành kiến hiện vẫn còn lan rộng về vấn đề đời sống tâm linh, khiến tôi không lấy làm ngạc nhiên nếu một số bạn đọc lấy làm… ngạc nhiên về đầu đề chương này. Vì thế, không phải là vô ích khi khẳng định lại rằng tính tâm linh không nằm trong các lý thuyết và các sự trừu tượng hóa. Nó không phải là một thứ chủ nghĩa duy lý tưởng cắt đứt với đời sống.

Tính tâm linh trước hết là ở chỗ xem xét các vấn đề về sự tồn tại theo một quan điểm cao cả, toàn vẹn, tổng thể; suy xét mọi sự vật dưới ánh sáng những giá trị thật; cố hiểu được thực chất của tất cả mọi sự kiện mà không dừng lại ở những vẻ bề ngoài, không để mình bị lừa phỉnh bởi những ý kiến truyền thống, bởi những ảnh hưởng tập thể hay bởi những xu hướng, xúc cảm hoặc định kiến cá nhân của mình.

Làm như vậy hoàn toàn không dễ chút nào, và sẽ đầy tham vọng nếu nghĩ rằng có thể hoàn toàn đạt tới điều đó. Tuy nhiên, muốn làm như vậy không những là có thể được mà còn là một bổn phận, vì ánh sáng tâm linh được phóng vào những vấn đề cá nhân và tập thể phức tạp nhất sẽ làm bộc lộ các giải pháp và chỉ ra những con đường có thể tránh được nhiều nguy hiểm và sai lầm, tránh được nhiều đau khổ, và do đó mang lại những lợi thế không thể nào đánh giá được.

Cân Bằng

Quan niệm tâm linh về cuộc sống và về những biểu hiện của nó không phải mang tính lý thuyết, xa cách với thực tiễn, mà là có tính cách mạng, năng động và sáng tạo một cách nổi bật.

Nó có tính cách mạng vì dưới ánh sáng tâm linh, những sự đánh giá thông thường và những ứng xử thực tiễn bắt nguồn từ đó tỏ ra là sai lầm về căn bản. Điều đó thật tự nhiên và không thể tránh khỏi, vì những đánh giá và ứng xử ấy đều lấy cái tôi làm trung tâm và đều có tác dụng phân chia,và do cách nhìn sai lạc làm cơ sở cho chúng những đánh giá và ứng xử ấy làm biến dạng hiện thực đi vào tạo ra những vật chướng ngại giả tạo ở cái mà thật ra chỉ là một cuộc sống duy nhất. Như vậy, cách nhìn tâm linh gây ra một loạt những “cuộc cách mạng kiểu Copernic”, bằng cách thay thế một “thuyết lấy mặt trời tâm linh làm trung tâm” (heliocentrisme) cho những quan niệm lấy con người làm trung tâm và cá nhân chủ nghĩa, để đặt các sự kiện, các vấn đề và nhất là… chính chúng ta vào đúng vị trí.

Tính tâm linh là năng động và sáng tạo, vì những sự thay đổi cách nhìn, những sự đảo ngược các giá trị, sự xua tan các ảo ảnh, sự biến đổi bộ mặt của thế giới và cuộc sống đều đang diễn ra dưới ánh sáng mới, gây ra những biến đổi sâu sắc trong chúng ta, thức tỉnh những năng lượng mới và mạnh mẽ, mở rộng trường tác động của chúng ta đến người khác và làm thay đổi sâu sắc chất lượng của tác động ấy.

Sự xét lại đau đớn mà những người thức tỉnh nhất và nhiệt thành nhất muốn thực hiện trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống con người như vậy là một công việc cực kỳ có ích.

Những sự xét lại theo cách nhìn tâm linh lấy bao gồm 2 giai đoạn: trước hết, phải đạt tới chỗ hiểu thật rõ những nguyên lý và những giá trị vĩnh hằng của tâm linh và khẳng định lại chúng một cách có cân nhắc; rồi lại cần phải áp dụng những nguyên lý và những giá trị ấy vào các vấn đề cụ thể hiện thời, về mặt cá nhân cũng như về mặt tập thể.

Thật ra, ở mọi thời đại và ở mỗi cá nhân, những vấn đề thường xuyên mang những bộ mặt mới. Vì không phải chỉ có những hiện tượng mới, những điều kiện mới, những năng lượng mới xuất hiện trên sân khấu lịch sử, như đang đặc biệt xảy ra hiện nay, mà còn có vô số sự kiện đã đến kết tụ vào những hóa hợp ngày càng mới, làm cho cái hiện có biến hóa đi. Do đó, những giải pháp tâm linh, tuy luôn luôn xuất phát từ những điểm xuất phát giống nhau, phải thích nghi, và ở một ý nghĩa nào đó, phải luôn luôn mới mẻ và độc đáo để gắn với hiện thực luôn luôn thay đổi này và đạt tới một hiệu quả cụ thể.

Trong nhiều vấn đề đang dày vò loài người hiện nay, có hai vấn đề có liên quan với những lợi ích cốt yếu nhất của đời sống các cá nhân và các nhóm, và với những xung lực mạnh nhất thúc đẩy họ tới hành động: vì thế, hơn tất cả những vấn đề khác, hai vấn đề này phải được nghiên cứu và soi sáng bằng ánh sáng tâm linh.

Đó là những ứng xử của chúng ta đối với tình yêu (hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó, bao hàm cả tính dục nhưng không giới hạn vào đó) và đối với tiền bạc. Bây giờ, tôi xin đề cập vấn đề thứ hai, với sự giúp đỡ của những người đã dấn mình vào nhiệm vụ đó.

Thật ra, tiền bạc là gì? Nó là một phương tiện quy ước do con người tạo ra để trao đổi của cải dễ dàng hơn, làm cho việc trao đổi có thể được thực hiện trên quy mô rộng lớn, theo những cách thức phức tạp và nhanh chóng như đời sống hiện nay đòi hỏi. Như vậy, tiền bạc chỉ là một công cụ, một tượng trưng cho của cải vật chất.

Như vậy, những lời lên án kịch liệt đối với nó là không đúng hướng, và một “văn phòng am hiểu”, tức là đạo đức học chân chính, được lập ra là để “gửi trả lại những sự lên án ấy cho người gửi”, tức là cho con người. Trái tim con người là nơi ngụ của chân lý và sai lầm, của cái thiện và cái ác, của ưu điểm và khuyết điểm. Và nếu chúng ta xem xét vấn đề này theo cách nhìn đúng hơn và sâu hơn ấy, chúng ta có thể nhận thấy rằng sai lầm và khuyết điểm của con người đối với tiền bạc về căn bản gồm hai loại: Một loại riêng đối với tiền bạc, loại kia có liên quan với nó, đồng thời với tất cả mọi của cải vật chất.

Việc hiểu sai thứ nhất và những sai lầm về hành vi bắt nguồn từ đó là do con người có xu hướng đảo lộn thứ tự của mục đích và phương tiện, lẫn lộn công cụ và sản phẩm của nó, và nói một cách chung hơn, lẫn lộn các tượng trưng và hiện thực phô bày ra, lẫn lộn hình thức với cuộc sống.

Chính vì thế, hành vi tâm linh đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện là tự giải thoát khỏi sự đánh giá quá cao phương tiện, công cụ chiếm hữu và trao đổi những của cải trên hết là tiền bạc. Hãy kiên quyết từ bỏ những lễ hiến dâng trên bàn thờ của vị thần giả này, hãy tự giải thoát khỏi sự hấp dẫn của thần tượng ấy, và với óc sáng suốt và sự quyết định lạnh lùng, hãy đưa thần tượng đó trở về với hiện thực của nó: đó chỉ là một công cụ, một phương tiện thuận tiện, một quy ước có ích.

Khi đã loại bỏ trở ngại đầu tiên ấy rồi, chúng ta có thể đi tới việc giải quyết vấn đề chủ yếu: vấn đề những quan hệ của chúng ta với toàn bộ những của cải vật chất, mà tiền bạc chỉ là một tượng trưng, một vật thay thế tạm thời.

Chúng ta đã thấy của cải vật chất – thức ăn, đồ mặc, nhà ở, công cụ lao động hay các đồ mỹ thuật – được tạo nên từ những vật chất lấy từ ba giới tự nhiên và được sử dụng trong trạng thái tự nhiên của chúng, hoặc thường thấy nhất là sau khi chúng được biến đổi và thích nghi để con người sử dụng. Như vậy, trong những của cải vật chất ấy không thể có một điều xấu nội tại nào cả. Theo quan điểm tự nhiên chủ nghĩa, đó là các vật; theo quan điểm tôn giáo, đó là những tặng phẩm của Tạo hóa.

Như vậy ý nghĩa của chúng đối với chúng ta và những hậu quả tốt hay xấu của chúng phụ thuộc vào thái độ nội tâm của chúng ta đối với chúng và vào việc sử dụng có cân nhắc mà chúng ta có thể và muốn làm.

Việc thừa nhận có tính chất căn bản này mang lại nhiều sự sáng tỏ có tầm quan trọng to lớn về tâm linh và thực tiễn. Trước hết, rõ ràng là việc không có những chiếm hữu bên ngoài chẳng giải quyết được vấn đề chút nào cả. Gác tất cả những giới hạn và những lệ thuộc mà sự nghèo khổ trong cuộc sống hiện đại áp đặt cho người ta sang một bên, thì khi một “người nghèo” khao khát của cải vật chất một cách say mê, khi anh ta không nghĩ gì hết ngoài việc kiếm cho được những của cải ấy, khi anh ta bực tức và bị hao mòn vì oán hận những người có của, thì người đó bị lệ thuộc vào những của cải vật chất ấy về mặt tâm lý.

Điều đó không có nghĩa là anh ta không được phép tích cực tìm cách cải thiện những điều kiện sống của mình; thậm chí anh ta phải làm như vậy. Nhưng anh ta có thể làm như vậy mà không để mình bị hút mất hoàn toàn, bị ám ảnh, và vẫn giữ được sự tự do nội tâm và phẩm giá của mình. Ngược lại, khi một người giàu có tách khỏi của cải của mình về mặt tinh thần, khi anh ta cảm thấy mình không bị ràng buộc bởi những chiếm hữu về mặt nội tâm, thì người đó không bị suy giảm đi về mặt tinh thần chút nào. Nhưng về mặt tâm lý, anh ta vẫn “nghèo tâm linh”.

Chắc chắn rằng, để chế ngự những của cải vật chất như vậy, để chống lại những cám dỗ thường xuyên của của cải vật chất – những cám dỗ về nhục dục, sự yếu đuối, sự lười biếng, thói vị kỷ đủ mọi loại – thì cần phải có một sự dũng cảm được tôi luyện đặc biệt, cần phải biết sống trong không khí tâm linh của tự do nội tâm, của sự dửng dưng, của “tinh thần nghèo khổ”, mà không khí tâm linh ấy là sự thử lửa thật sự.

Nhưng ngay cả sự “nghèo khổ nội tâm” ấy cũng không giải quyết được vấn đề một cách đầy đủ. Khi một người sống hòa hợp với lương tâm mình, và qua đó, ở một mức nào đó với Tạo hóa, thì còn cần phải làm như vậy với các đồng loại của mình, những người gắn với mình trong một mạng lưới quan hệ xã hội cụ thể và tinh thần thân thiết và gắn bó. Chính vì thế sự giải thoát nội tâm phải đi đôi với việc sử dụng cụ thể những của cải có được, trong đó chúng ta cần phân biệt đúng đắn hai mặt: chiều cá nhân và chiều tập thể.

Cần phát triển những tổ chức – hay lập ra những tổ chức – để cai quản các trung tâm giúp đỡ tâm lý và tâm linh: những trung tâm tư vấn về giáo dục cho các bậc bố mẹ, những trung tâm chuẩn bị kết hôn, những trung tâm tư vấn về đời sống vợ chồng, những trung tâm phòng bệnh và trị liệu tâm lý, những công việc ngăn ngừa tự sát, những cơ quan giúp trẻ em và thanh niên sớm trưởng thành và có tài năng đặc biệt v.v… Một số tổ chức thuộc loại đã có và đang làm việc có hiệu quả, nhưng con số và phạm vi tác động của chúng vẫn chưa đủ so với những nhu cầu vô tận và cấp bách.

Cuối cùng là đào tạo và sử dụng những người “phục vụ” hay làm những công việc tâm linh. Họ phải có một thiên hướng đặc biệt, một phẩm chất riêng mà ít khi người ta gặp thấy. Chính vì thế, những người có thiên hướng này phải được tìm kiếm và quý trọng như những công cụ quý giá của cái thiện và phải cho họ có được những phương tiện cần thiết để họ có thể làm việc có hiệu quả tốt nhất, để họ có thể thực hiện được sứ mệnh của mình ngày càng rộng rãi và càng có hiệu quả càng hay. Nghĩa là để cho những “chuyên gia về tính người và tính tâm linh” trong lĩnh vực này làm được những gì mà các chuyên gia làm được trong những lĩnh vực khác nhau, như một điều tự nhiên.

Trên thực tế, những cách thức và phương tiện khác nhau đan xen lẫn nhau và thống nhất với nhau trong đời sống hiện thực. Công việc của những người hiến thời gian và nghị lực của mình cũng đòi hỏi phải có những tài trợ và những phương tiện vật chất. Ngược lại, những người hiến càng nhiều và càng hào hiệp, thì những người biết sử dụng những thứ đó một cách có hiệu quả hơn và cao cả hơn cũng ngày càng nhiều thêm. Chính vì thế, về mặt này, nhiệm vụ cốt yếu và quyết định là đào tạo những giới tinh hoa mới, tạo thành những đội tiên phong của Kỷ nguyên mới, những người xây dựng một nền văn minh mới một nền văn hóa cao hơn.

Từ tất cả những gì đã trình bày trên đây, có thể thấy rằng vấn đề tiền bạc hay của cải trần thế là một vấn đề chủ yếu có tính tâm linh, chỉ có thể được giải quyết dưới ánh sáng tâm linh. Thật ra, tinh thần và vật chất có vẻ như “thù địch nhau” có thể và phải được thống nhất lại một cách hài hòa thành một sự tổng hợp năng động trong sự thống nhất của cuộc sống.

Trích: Sự Phát Triển Siêu Cá Nhân”
Tác giả: Roberto Assagioli
Dịch giả: Huyền Giang

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TIỀM NĂNG CỦA CON NGƯỜI
  2. HẠNH PHÚC LÀ “BIẾT ĐỦ”
  3. QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO VỀ CUỘC ĐỜI VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU SIÊU CÁ NHÂN
  2. SỰ AN BÌNH SIÊU CÁ NHÂN
  3. VẺ ĐẸP SIÊU CÁ NHÂN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP