BIẾN MỌI KHOẢNH KHẮC THÀNH TU TẬP – LAMA YESHE

LAMA THUBTEN YESHE

Trích: Trở Thành Đức Phật Từ Bi, Tác Giả: Lama Yeshe
Dịch Giả: Thái An, Nhà Xuất Bản Hồng Đức, Năm 2014

 

Chúng Ta Thật May Mắn

Chúng ta đều rất may mắn, có thể sử dụng thân người quý giá một cách tích cực. Chúng ta đều rất may mắn có được cơ hội để có một thoáng nhìn vào năng lượng an bình vĩnh cửu, năng lượng siêu phàm, năng lượng tâm thức, năng lượng toàn thể của mình. Bạn đã cố gắng thật nhiều để hiện thực hóa những thực hành này. Nỗ lực ấy hết sức đáng giá. Khi bạn đặt bản thân vào đúng tình huống, kết quả sẽ đến.

Nếu chỉ lắng nghe các lời dạy về lamrim, chúng ta khó thấy được làm thế nào hòa hợp mọi khái niệm, bởi lẽ có quá nhiều cách để diễn đạt các chủ đề khác nhau. Nhưng khi bạn hành động, khi bạn hành trì trong một kì ẩn cư như thế này, mọi thứ đều trở nên xử lý được. Khi hành trì, bạn cũng có thể thấy được tính chất toàn thể của cuộc đời mình. Thông thường, tất cả những gì bạn thấy chỉ là những thứ trước mặt; bạn không thể thấy quá khứ và tương lai, không thể thấy toàn bộ bức tranh, những gì đang thực sự diễn ra. Bạn quá bị ám ảnh, bạn có cái nhìn hạn hẹp, và không có khả năng để thấy cái toàn thể. Khi tu tập, bạn có thể thấy được bức tranh toàn cảnh. Bạn có thể nói đó là một thực chứng.

Tất nhiên, cách hành trì lamrim cũng bao gồm sự quán chiếu. Khi định tâm, bạn dễ hợp nhất các giáo pháp với tâm mình. Không những thế, khi đã định tâm, sự kiểm soát trở nên tự nhiên; bạn có thể đặt tâm vào đúng nơi nào bạn muốn. Bình thường chúng ta là những người hầu của tâm mình – nó như một con voi điên, chạy với tốc độ mất kiểm soát hàng trăm dặm mỗi giờ. Khi có định tâm hoàn hảo, bạn trở thành ông chủ của nó.

Thật ra, chỉ cần ngồi trong tư thế thiền định cũng đã là rèn luyện. Nó đòi hỏi không ít năng lượng. Không hề dễ dù chỉ là ngồi như vậy. Không cần nói tới hành trì thực sự, chỉ cần ngồi như vậy là bạn đang học để có được sự kiểm soát. Chẳng làm gì cả ngoài chỉ ngồi, chỉ quan sát – điều này thật tuyệt vời. Chỉ cần ngồi như vậy cũng mang lại sự thay đổi nào đó trong môi trường tâm trí của bạn. Nói cách khác, ngồi trong tư thế thiền định tự nói đã là kiến thức. Hãy tự kiểm chứng, hãy thực nghiệm.

Ảnh: Lama Yeshe (trái) (1935 - 1984) và Lama Zopa (phải)

Ảnh: Lama Yeshe (trái) (1935 – 1984) và Lama Zopa (phải)

Trong Cuộc Sống Hàng Ngày, Đừng Tin Những Gì Bạn Thấy

Trong tiếng Tây Tạng, jeto chawo là hành động sau thời thiền định. Khi tu tập, điều này nói tới những thời điểm giữa các thời khóa công phu, nhưng cũng có thể nói tới đời sống hàng ngày khi chúng ta không hành thiền. Khi bạn hoàn tất thời hành thiền chính thức gọi là nyamshag và đã tan vào tính Không – hay nói cách khác, quá trình bạn trở thành bổn tôn đại thủ ấn Avalokiteshvara, tan vào trái tim, hòa nhập vào vầng trăng, hòa nhập vào ánh sáng, trở nên mỗi lúc một nhỏ hơn rồi cuối cùng tan biến vào sự trống không – bạn hãy tái xuất hiện từ sự trống không ấy, trở thành Avalokiteshvara, và rồi thực hiện mọi điều bạn phải làm như Avalokiteshvara.

Thực hành như vậy là quan trọng. Trong thời hành trì, bạn cảm thấy tốt đẹp, siêu việt, nhưng sau thời hành trì, bạn cảm thấy như mình đã chuyển từ thiên đường xuống địa ngục. Như thế là sai. Trong tiếng Tây Tạng, tình trạng ấy được gọi là kangje lhagsub, nghĩa là để lại dấu chân, cố gắng dùng tay xóa đi, nhưng càng làm càng để lại nhiều dấu chân hơn. Nói cách khác, nó là một công việc bất tận. Thay vì như thế, bạn nên đưa các trải nghiệm tốt đẹp theo mình.

Quan trọng là có sự cân bằng, liên tục, không cảm thấy khi đã rời khỏi nơi tu tập, bạn đi vào một thế giới khác. Nếu cảm thấy như vậy, sự tu tập của bạn đã sai, nó đã không được hợp nhất.

Khi hoàn tất kỳ ẩn cư này, bạn nên giữ nguyên cái thấy rõ, tức thấy mình như Avalokiteshvara – bổn tôn đại thủ ấn, thấy mọi hình dạng và màu sắc như Avalokiteshvara, mọi âm thanh như chân ngôn siêu việt, và mọi ý nghĩ như tâm thức siêu việt. Nếu không làm được như vậy, ít nhất hãy thấy mọi thứ như một ảo tưởng: nhìn nhận mọi thứ xuất hiện với bạn như bong bóng, trống rỗng: “Những gì mình đang thấy không phải là thực, không chân thật”.

Tại sao bạn cần suy nghĩ như vậy? Từ khi sinh ra đến giờ, chúng ta đã bị lừa gạt bởi những quan niệm, niềm tin kiên cố rằng mọi thứ là thật. Chúng ta luôn nói: “Cái này là thật”. Tại sao? “Vì tôi cảm thấy như vậy”, “Vì tôi nhận thấy nó như vậy”. Logic của chúng ta luôn nói “Tôi cảm thấy”, “Tôi nhận thấy”.

Chúng ta cần nhận ra điều gì xuất hiện với mình cũng như một bong bóng, nó không thật. Chúng ta cần phát triển trí huệ sâu xa, thấu tỏ bong bóng ấy, không bị kẹt vào nó. Chừng nào còn tâm trí ảo tưởng, bạn sẽ còn cảm nhận mọi đối tượng tiếp xúc với giác quan là thật. Đây không phải là một trải nghiệm tín ngưỡng. Thực sự chúng ta đang mô tả thực tại. Nó không phải triết học hay giáo lý. Nó là một kinh nghiệm vượt trên giáo lý, vượt trên các ý tưởng.

Ngay từ kinh nghiệm bản thân, bạn có thể thấy khi vừa đặt tên cho thứ gì đó và tin vào nó, nó liền xuất hiện với bạn. Câu nói “Người ta nghe được những gì họ muốn nghe” là một ví dụ. Nếu bạn không muốn nghe điều gì, cho dù ai đó có nói hàng trăm lần, bạn sẽ không nghe. Điều này cho thấy bản chất tương đối của tâm thức.

Hãy trau dồi hiểu biết rằng xấu không hẳn là dở và tốt không hẳn là hay. Hãy nhận ra bạn đang hình dung về một bong bóng. Khi ấy, bạn sẽ không bị sợ hãi hay phấn khích, bạn sẽ có sự kiểm soát. Bạn sẽ vượt lên lối nhìn nhận nhị nguyên cực đoan và có cảm giác hợp nhất lớn hơn. Bạn sẽ trải nghiệm đại thủ ấn.

Tâm bạn vốn đầy sức mạnh. Chỉ cần có chính kiến như vậy trong hai hay ba phút, bạn có thể ở đó mãi mãi. Tất nhiên, vào lúc đầu thì khó mà được như vậy – chúng ta giống như người mới lái xe, không dễ phối hợp mọi động tác, bởi vậy không thể để việc lái xe tự động xảy ra. Nhưng khi có được kỹ năng phối hợp với mọi thứ và có chính kiến, rồi sau đó khi đã rèn luyện được thói quen, tiến trình của bạn trên các chặng đường đạo pháp sẽ xảy ra nhanh đến mức bạn không tin nổi. Đó chính là sức mạnh của tâm thức.

Một cách khác để tu tập trong đời sống hàng ngày là cảm nhận những đối tượng tiếp xúc với giác quan cũng giống như cách nhà ảo thuật cảm nhận về những ảo ảnh mà ông ta tạo ra – một hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau. Khi một nhà ảo thuật tạo ra một ảo ảnh, do nhiều hiện tượng khởi lên – như tình trạng bị ảo giác của người xem, từ một mảnh gỗ, câu thần chú của nhà ảo thuật khiến một con ngựa đột nhiên xuất hiện. Con ngựa không tồn tại trong mảnh gỗ, không tồn tại trong thần chú của nhà ảo thuật, cũng không đến từ ảo giác của mọi người.

Hiểu là điều quan trọng. Nhà ảo thuật thấy con ngựa nhưng biết rằng nó không thật; ông ta không tin vào bong bóng ấy. Tâm ông ta bất động, ông ta không bị vướng mắc. Chúng ta gọi đây là nyitsog, nghĩa là trải nghiệm sự hợp nhất của tính không và bong bóng tương đối, thấy chúng đồng thời. Người khác thấy con ngựa và thốt lên : “Ô, kỳ diệu chưa! Một con ngựa! Nhìn xem!”. Họ hoàn toàn thấy nó là thật, trở nên hoàn toàn bị vướng mắc vào ảo giác ấy. Thay vào đó, chúng ta nên như nhà ảo thuật, thấy ảo ảnh nhưng không tin vào nó. Điều này đem lại một cảm giác khác hoàn toàn so với cảm giác khởi lên khi bạn nhìn nhận mọi thứ như thể có một thực thể tự thân.

Nhưng Đừng Chối Bỏ Thực Tại

Mặc dầu vậy, dù con ngựa không thật, nhà ảo thuật không chối bỏ nó. Ông ta tận hưởng nó, vui đùa với nó. Mọi người vui vẻ và ông ta cũng vui vẻ. Với chúng ta cũng vậy. Chúng ta không cần chối bỏ bữa điểm tâm hay niềm vui thích của mình, mà đơn giản nên thấy những thứ này như bong bóng.

Khi trong trạng thái thiền định, quán chiếu thân đại thủ ấn thiêng liêng, bạn không có những ý nghĩ phàm tục. Không có rung động bong bóng nào. Nhưng khi ra khỏi thời thiền định, những thói quen cũng nguy hiểm vẫn ở đó, nhất là khi bạn trở lại môi trường quen thuộc của mình. Lúc ấy, bạn cần có trí huệ sâu xa, thấu suốt thực chất bong bóng trong mọi sự vật.

Lúc này, chúng ta là người bình thường. Chúng ta thấy sự vật, tin rằng nó có một thực thể tự thân. Nhưng khi có hiểu biết về tính chất không có sự tồn tại tự thân, chúng ta vẫn thấy sự vật, đồng thời thấy nó trống rỗng. Cuối cùng, khi thành Phật, chúng ta không còn bất kỳ nhìn nhận nhị nguyên nào nữa, mà sẽ vượt ra khỏi nhìn nhận nhị nguyên.

Bởi vậy, một điều cũng rất quan trọng là thấy những lúc ngừng nghỉ giữa các thời khóa cũng như cuộc sống hàng ngày của mình như thời hành thiền. Sau khi thời hành thiền kết thúc, tu tập của chúng ta dẫn đến việc thấy mọi thứ là hư huyễn.

Nếu tâm bạn bị phân chia và bạn cảm thấy mình mê lầm khi không hành thiền, chẳng hạn “mình thật tội lỗi! Mình ham muốn nhiều quá!”, bạn sẽ không hạnh phúc. Bạn nghĩ tới thiền là tốt, thiền là niết bàn, còn sống đời sống hàng ngày là luân hồi. Thái độ này không có tác dụng gì. Bạn đang chối bỏ cuộc sống. Không cần phải có thái độ như vậy.

Nếu bạn có thái độ đó, có lẽ chỉ một phút trong số 24 giờ là thiền, phần còn lại là luân hồi. Nếu thật sự hiểu rằng mọi thứ chỉ là ảo tưởng, không có sự tồn tại thật sự, hay tự thân, khi ấy công việc và điều bạn trải qua sẽ tuyệt vời. Mỗi ngày, các hành động của bạn sẽ là giáo pháp, là lamrim. Khi hoàn tất công việc trong ngày, bạn sẽ nghĩ: “thời công phu trên con đường tuần tự đến giải thoát của mình hôm nay đã kết thúc. Giờ mình sẽ nghỉ ngơi”.

Ai trong chúng ta cũng có một cuộc sống: một ngôi nhà, một gia đình. Và chúng ta đều có những ý tưởng cố chấp rằng mọi sự vật là gì – nhưng đều là ảo tưởng. Chúng ta xây dựng mọi thứ từng chút một; mọi thứ trở thành một tuyên bố trọn vẹn: “Đây là con người tôi”. Nhưng đây hoàn toàn là ảo tưởng, không liên quan gì đến thực tại. Nếu đây là thực tại, vậy khi bạn hạnh phúc, bức tranh “Đây là con người tôi” ấy sẽ thật. Nhưng khi bạn đau khổ, bức tranh ấy lại trở thành “Đây mới là con người tôi”.

Nếu thật sự tìm hiểu bằng trí huệ, bạn sẽ thấy đó là những gì chúng ta hay làm theo. Phật giáo nhấn mạnh sử dụng trí huệ. Chúng ta cần thấy mình tạo ra ảo tưởng bằng cách nào, mình không thấy được thực tại ra sao, và làm thế nào mình vướng vào những nhìn nhận mê lầm dẫn tới đau khổ.

Không chỉ với những hành động đời thường chúng ta mới có những ý tưởng cố định này. Nếu bạn đến một nơi chốn để tu tập với ý nghĩ rằng cả nó nữa cũng là một phóng chiếu của tâm trí, một bong bóng ảo giác, bạn sẽ không gặp vấn đề. Thay vì vậy, bạn lại đến với một ý tưởng kiên cố, bạn có một tư tưởng về nơi này thậm chí trước khi đến đây – đó là lý do tất cả những gì bạn nhận được chỉ là rắc rối.

Lamrim không chỉ là bản văn mà chúng ta tìm hiểu. Mọi năng lượng của bạn, mọi thứ có thể là lamrim. Khi ấy, bạn trở thành một người chuyên nghiệp, một lamrimpa.

Mahamudra Luôn Ở Đây

Hãy tận hưởng cuộc sống! Du già mật tông có những phương pháp đầy sức mạnh, nên việc bạn đang hành thiền, không hành thiền hay thậm chí đang ngủ cũng không quan trọng. Có những phương pháp để mọi lúc đều có thể đưa bạn vào chính đạo. Khi thức dậy vào buổi sáng, những nhận thức giác quan hoạt động lại, hãy cố gắng hiểu rằng mọi thứ đều là ảo tưởng. Khi ấy, do đang thấy mọi thứ không có bản chất tồn tại tự thân, bạn sẽ không phản ứng với kiểu vấn đề xảy ra. Trong ngày, hãy tiếp tục thấy bản thân là Avalokiteshvara. Khi ăn tối chẳng hạn, hãy tưởng tượng mỗi miếng ăn là một năng lượng ánh sáng rực rỡ, phúc lạc đi vào con người mình.

Quan điểm Ba-la-mật thừa hết sức nhấn mạnh việc hiểu các vấn đề do ham muốn và chối bỏ nhiều thứ: “Tôi không thể ăn thêm nữa. Tôi thậm chí không nên uống một giọt nước”. Nhưng nếu bạn có trí huệ và phương tiện thiện xảo, thì dù làm gì, mọi hành động của bạn – kể cả những hành động bạn gọi là phàm tục – cũng có thể trở thành con đường siêu việt tới giải thoát.

Mahamudra cũng như tính Không – luôn ở đây. Nó không phải một thứ đặc biệt ở một nơi đặc biệt nào đó. Nếu bạn nghĩ luân hồi là cuộc sống bình thường còn tính Không là ở đâu đó, bạn sẽ không bao giờ thấy được thực tại nếu tìm kiếm nó ở sách vở hoặc các Lạt ma. Bạn sẽ không bao giờ tìm được thực tại theo cách ấy.

Tâm linh cũng luôn ở đây. Chúng ta nói: “Tôi đang tìm kiếm tâm linh. Tôi cần tìm Lạt ma, giáo sĩ, bản văn, kinh sách” – nhưng tâm linh luôn ở đây. Nó là thực tại, và thực tại không phụ thuộc vào việc bạn tin nó hay không. Cứ nhìn vào bong bóng đời thường, ảo tưởng của cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ thấy thực tại.

Tất nhiên, năng lực ở yên trong trạng thái thiền và đồng thời hiện thực các hành động là việc khó nhất; chỉ một vị Phật mới có thể thành tựu khả năng này. Nhưng hãy cố gắng trải nghiệm nó. Khi ấy, cuộc sống của bạn sẽ đáng giá.

Trích: Trở Thành Đức Phật Từ Bi
Tác Giả: Lama Yeshe
Dịch Giả: Thái An
Nhà Xuất Bản Hồng Đức, Năm 2014

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI THẤY VÀ THIỀN ĐỊNH CỦA ĐẠI TOÀN THIỆN
  2. THIỀN TẬP NƠI NHÀ BẾP
  3. THỰC TẬP PHẬT PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM LÀ TÔN GIÁO CỦA BẠN
  2. TẠI SAO NÊN THIỀN ĐỊNH ? MỘT KHẢO SÁT TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
  3. LỜI GIỚI THIỆU CỦA JONATHAN LANDAW VỀ LAMA YESHE

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ