THIỀN TẬP NƠI NHÀ BẾP

SHOUKEI MATSUMOTO

Trích: Dọn Nhà, Dọn Cửa, Gột Rửa Trái Tim; Hương Linh dich; NXB Lao động, 2018

Tác giả Shoukei Matsumoto là một nhà sư, tu hành tại chùa Komyo (Quang Minh) ở thị trấn Kamiya, Tokyo, Nhật Bản. Sư sở hữu bằng MBA và là giám đốc của một tổ chức phi lợi nhuận được gọi là Otera no Mirai (Học bổng Phật giáo Nhật Bản). Sư Matsumoto đã khởi xướng các dự án khác nhau để xây dựng lại cộng đồng đền chùa bị suy tàn và thu hút nhiều du khách hơn đến các địa điểm tôn giáo. Sư đã được đề cử trong danh sách Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), là một trong 199 nhà lãnh đạo dưới 40 tuổi đến từ 70 quốc gia đã được yêu thích trong năm (2013) theo trang web của WEF.

Sự theo đuổi duy nhất của sư Matsumoto làm cho các ngôi chùa Phật giáo phù hợp hơn với xã hội hiện đại của Nhật Bản. Tất cả các hành động của sư đều tập trung vào việc tăng sự hấp dẫn của Phật giáo trong một đối tượng rộng lớn hơn. Nguyên tắc của sư dựa trên nguyên tắc Phật giáo, là nghệ thuật giác ngộ, và sư cho là “nhiệm vụ của tôi là làm cho mọi người giác ngộ.”

Sư Shoukei Matsumoto

???

THIỀN TẬP NƠI NHÀ BẾP

Trong phái Thiền, người đảm nhiệm vai trò nấu ăn được gọi là Tenzo. Họ là những người đảm nhiệm vị trí vô cùng quan trọng, “chỉ những người có trái tim theo đuổi sự giác ngộ chân thành và sâu sắc mới được giao phó cho vị trí đó”. Vì công việc của Tenzo là “tu hành Phật đạo thuần khiết không chút tạp niệm”, vậy nên trong nhà bếp, các Tenzo phải đứng khi nấu ăn, dành toàn bộ trái tim và tâm hồn để chế biến những món ăn ngon cho các sư thầy trong chùa.

Trong hầu hết các ngôi chùa, nhà bếp thường lớn hơn khá nhiều so với những ngôi nhà bình thường khác. Lý do là bởi cần một không gian đủ rộng để nấu ăn mỗi khi có sự kiện được tổ chức, như nhân dịp người dân hay hội đồng thành phố tới thăm và dùng bữa tại chùa.

Bồn rửa, nồi, rá, tất cả mọi dụng cụ đều lớn hơn bình thường gấp vài lần.

Khi còn nhỏ, tôi luôn mong chờ đến cuối năm, bởi khi đó, hội phụ nữ của thành phố sẽ tới thăm chùa, đương nhiên tôi sẽ lại có cơ hội được thưởng thức những món hầm ngon tuyệt. Mỗi khi đến dịp đó, tôi luôn trong trạng thái phấn khích.

Nhà bếp của chùa có tới vài người cùng nhau nấu ăn, bởi vậy, nơi đó phải luôn được dọn dẹp sạch sẽ, dụng cụ nấu ăn cũng được cất vào những vị trí dã quy định trước.

Nếu có thể sắp xếp nhà bếp theo quy định chung như vậy thì cho dù là ai nấu ăn, họ cũng có thể ngay lập tức bắt tay vào việc trong trạng thái và tinh thần vui vẻ, thời gian nấu ăn được rút ngắn, có thể mang ra những món ăn được bày trí đẹp mắt trong khi vẫn còn đang nóng hổi.

Một điều tôi muốn bạn chú ý khi nấu ăn là tình trạng đóng mở của tủ đựng chén bát trong phòng bếp.

Trong lúc bận rộn, có thể bạn sẽ muốn cứ để mở như vậy nhưng đó chính là dấu hiệu của một trái tim sao nhãng và không lưu tâm trong cách đối xử với vạn vật.

Mỗi một lần lấy ra, tuyệt đối phải đóng lại.

Việc làm này không những giúp tránh tình trạng bụi bám vào dụng cụ ăn uống, mà còn mang ý nghĩa bồi dưỡng một trái tim cẩn trọng và không lộn xộn.

Một điều cơ bản trong dùng bữa của các nhà sư là món ăn chay tịnh.

Không sử dụng thịt cá là đương nhiên, ngoài ra, các ngôi chùa sẽ không sử dụng nguyên liệu nấu ăn có mùi nồng đậm như tỏi tây hay tỏi thường.

Trong số những nhà sư thân quen với tôi, cũng có người là tu sĩ ẩm thực. Anh tạo ra món súp dashi mang hương vị tuyệt diệu, được chế biến bằng cách lấy những nguyên liệu thực vật như tảo bẹ hay nấm hương. Một khi đã quen với bữa ăn tập trung vào các loại rau ít kích thích mạnh đến vị giác, lưỡi bạn sẽ cảm nhận được vị ngon của thức ăn ở một mức độ tinh tế hơn, cảm nhận được sự khác biệt trong hương vị, vị giác cũng thay đổi hoàn toàn, theo một hướng tích cực hơn.

Sử dụng nguyên liệu tự nhiên theo mùa, chế biến món ăn làm sống lại hương vị tự nhiên của nguyên liệu, chính vì tập trung nấu những món ăn như vậy nên các nhà sư thường không cần phải sử dụng những gia vị quý hiếm hay một lượng lớn dầu mỡ khi nấu ăn. Vậy nên, tự nhiên dụng cụ sử dụng trong nhà bếp cũng ít đi, nếu có cũng được cất giữ rất cẩn thận. Đồng thời, vì vết dầu mỡ dính vào nồi và chảo không nhiều nên việc dọn dẹp sau khi nấu nướng xong cũng trở nên đơn giản hơn.

Hơn nữa, các Tenzo luôn cố gắng sử dụng hết nguyên liệu để không có “rác sống” như lá, cọng rau, phần rễ,… nên số lượng nguyên liệu bỏ đi như vậy rất ít.

Chẳng hạn, với phần lá củ cải, Tenzo sẽ cắt nhỏ ra và sử dụng hết, phần vỏ cũng được băm ra và chế biến, mọi người đều thưởng thức trong ngon miệng.

Dù vậy, không thể tránh khỏi những lúc phải bỏ đi rác sống, khi đó các Tenzo sẽ cố gắng biến chúng thành phân bón để quay trở về với đất mẹ thiên nhiên.

Ngay cả trong những gia đình bình thường, nếu thỉnh thoảng các thành viên cùng nhau trải nghiệm một cuộc sống với thói quen ăn uống giống như các nhà sư đang trong quá trình tu hành, có lẽ bạn sẽ có thể nhận ra điểm tốt của nó. Điều thú vị trong dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa mỗi ngày là khi bạn thử cố gắng thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, chắc chắn bạn sẽ thấy quãng thời gian đó là một quá trình vô cùng vui vẻ và thoải mái.

CÁCH DỌN DẸP NHÀ BẾP

* Vệ sinh bồn rửa

Để bồn rửa cũng như vòi nước không bị bám bẩn, nhất định phải lấy khăn khô để lau sạch những giọt nước còn đọng lại. Hằng ngày phải lau chùi cả tấm lưới bên trong rọ chắn rác của bồn rửa, sau mỗi bữa ăn không được phép để lại cơm và thức ăn thừa trong tấm lưới đó. Rác cũng tuyệt đối không được lưu trữ cho đến ngày hôm sau.

* Vệ sinh dụng cụ nấu ăn

Với những dụng cụ nấu ăn hay bồn rửa mà đã bị dính vết cháy đen hoặc vết bẩn, không được phép ngâm nước, sau đó để ngày hôm sau mới rửa. Với vết bẩn khó làm sạch, trước hết sẽ tưới nước qua ( tốt hơn cả là dùng nước nóng), để cho vết bẩn nổi lên trên, sau đó dùng miếng cọ sắt cọ sạch. Dùng muối natri để lau bồn rửa sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ. Cuối cùng, đừng quên lau khô nhé.

* Ý nghĩa quan trọng nhất của việc lau dọn dụng cụ nấu ăn

Ý nghĩa quan trọng nhất của việc lau dọn dụng cụ nấu ăn là không để tình trạng dồn ứ và tồn đọng xảy ra. Để làm được như vậy:

  • Thường xuyên suy nghĩ về bức tranh toàn cảnh của việc nấu nướng, giảm thiểu tối đa những công đoạn không cần thiết và lãng phí.
  • Trong khi nấu nướng, nếu có thời gian rảnh, hãy tranh thủ lau dọn, sắp xếp lại dụng cụ nấu ăn về đúng vị trí.

Nếu có thể làm triệt để hai điều trên, thời gian cũng như quá trình nấu nướng sẽ ngắn lại, có thể giảm đi lượng nước sử dụng. Ngoài ra, số lượng dụng cụ phải rửa sau khi nấu ăn xong cũng giảm thiểu, việc dọn dẹp sau khi mọi thứ kết thúc sẽ không còn khó khăn và phiền phức như trước nữa.

???

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO HUẤN CHO PHỤ NỮ ĐẠT GIÁC NGỘ MÀ KHÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG HÀNG NGÀY
  2. KHI THIỀN SƯ GIÁO HUẤN CON CHÁU
  3. THỰC TẬP PHẬT PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI

Bài viết khác của tác giả

  1. KHIẾN CHO KHÔNG KHÍ TRỞ NÊN THÔNG THOÁNG
  2. RÁC THẢI CÓ PHẢI THẬT SỰ LÀ RÁC?
  3. DỌN DẸP LÀ BỒI DƯỠNG VẺ ĐẸP TÂM HỒN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH