TÔN TRỌNG SỰ ĐA DẠNG

JOHN MURPHY

Trích: “Làm Việc Nhóm - 10 Quy Tắt Để Phối Hợp Nhóm Hiệu Quả”;Tác giả: John J. Murphy;Người dịch: Trần Hoàng Anh; Nhà Xuất Bản Dân Trí, 2018.

JOHN J. MURPHY – LÀM VIỆC NHÓM


 

“John J.Murphy là một tác giả, diễn giả và nhà tư vấn về quản lý được đánh giá cao, với rất nhiều kinh nghiệm về làm việc nhóm qua các vị trí quản lý và tư vấn. Ông đã xuất hiện trên hơn 400 đài phát thanh, truyền hình và các bài viết của ông cũng đã được đăng tải hơn 50 tờ báo trên toàn Hoa Kỳ.

Bằng cách điều chỉnh con người và các hệ thống một cách hợp lý, bạn sẽ tạo được sự cam kết, lòng trung thành và nhiệt huyết cho các thành viên trong nhóm.”

—☘☘☘—

Sự hiệp lực nảy sinh và phát triển từ yếu tố đa dạng. Thông qua việc tập hợp mọi người lại và khuyến khích họ thoải mái trao đổi các ý tưởng và suy nghĩ, chúng ta sẽ làm cho quá trình ra quyết định trở nên phong phú và hiệu quả hơn. Chúng ta nhìn được bản chất bên trong sự việc. Chúng ta có thêm dữ liệu. Chúng ta xác định được các lựa chọn. Chúng ta tạo ra các phương án thay thế. Chúng ta thách thức các giả định và nhận thức điều khiển hành vi cá nhân. Chúng ta học được về những cảm nhận, cách diễn giải và động cơ.

Chúng ta kiểm soát và cân bằng lẫn nhau, tổng hợp các nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực nhằm thu được những kết quả lớn hơn. Bí quyết để phát triển các giải pháp đôi bên cùng có lợi chính là lắng nghe những người hiểu rõ nhất về vấn đề, vì ý kiến của người trong cuộc là yếu tố sống còn đối với hiệu quả của nhóm.

Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates từng tuyên bố: “Tạo hóa đã ban cho chúng ta hai cái tai, hai con mắt và một chiếc lưỡi để chúng ta có thể nghe và nhìn nhiều hơn là nói”.

• Bạn có biết cách lắng nghe không? Và khi bạn lắng nghe, bạn đồng cảm và cố gắng cảm nhận những cảm xúc người nói ở mức độ nào.

• Bạn hiểu và tôn trọng các thành viên khác trong nhóm như thế nào, nhất là khi họ bất đồng ý kiến với bạn?

• Mọi người trong nhóm hiểu bạn đến đâu?

• Bạn có lắng nghe với sự đồng cảm và tôn trọng các quan điểm khác nhau hay không? Bạn có giao tiếp hiệu quả không?

• Bạn có một mối quan hệ cởi mở, trung thực và tin cậy được xây dựng dựa trên sự tôn trọng không?

Các thành viên trong một nhóm làm việc hiệu quả đánh giá cao sức mạnh của sự đồng cảm và xem nó như một kỹ năng lãnh đạo quan trọng. Họ hiểu rằng để thúc đẩy và tác động người khác mà không cần dùng đến quyền lực, đòi hỏi một sự tôn trọng. Để truyền cảm hứng cho mọi người, chúng ta cần phải nắm được những gì khích lệ họ. Để tránh mâu thuẫn và giải quyết được mâu thuẫn, chúng ta cần hiểu điều gì khiến họ cảm thấy phiền toái. Để liên kết các thành viên trong nhóm một cách hiệu quả, chúng ta cần phải đánh giá chính xác các kỹ năng của họ. Và cuối cùng để có mối quan hệ tốt với mọi người, chúng ta cần thể hiện rõ rằng chúng ta hiểu và coi trọng họ.

“Trân trọng là một điều tuyệt vời; nó khiến cho những gì xuất sắc ở người khác cũng thuộc về chúng ta.” – Voltaire

Những mối quan hệ cộng tác vững mạnh thường đạt được mức độ thấu hiểu vượt lên trên chuẩn mực thông thường, một mức độ thấu hiểu gần như phi thường tới mức có thể “đọc” được suy nghĩ của nhau qua trực giác. Bạn đã vượt lên trên những chuẩn mực thông thường hay chưa? Bạn có kết nối được với những người cùng nhóm không? Bạn có lắng nghe nhiều gấp đôi so với những gì bạn nói không? Hãy đánh giá nhóm và văn hóa nhóm của bạn. Tất cả các thành viên trong nhóm có được khuyến khích thể hiện ý kiến và cảm nghĩ của họ một cách thoải mái không? Các thành viên trong nhóm có được tham gia vào các quyết định quan trọng có ảnh hưởng tới công việc của họ hay không? Mọi người có cảm thấy được coi trọng hay không – đặc biệt là khi họ có quan điểm khác về sự việc? Và cuối cùng, nhóm của bạn có đang tận dụng tính đa dạng như một lợi thế hay không?

“Tôi chưa từng thấy ai có thể làm việc thực sự, trừ khi có tác nhân kích thích là sự khích lệ, lòng nhiệt huyết và sự chấp thuận của cấp trên của họ”. – Charles Schwab

“Hãy khác biệt – nếu bạn không có các thông tin và kiến thức cần thiết, chỉ cần lắng nghe là đủ. Khi bạn có thể lắng nghe trong khi người khác chỉ muốn nói, bạn sẽ được xem như một hiền nhân”. – Jim Rohn

“Hãy tìm cách thấu hiểu người khác trước khi mong được người khác thấu hiểu”. – Stephen Covey

“Nếu bạn quan sát kỹ những người thành công nhất trong cuộc sống, bạn sẽ thấy rằng sức mạnh của họ không nằm ở việc có câu trả lời đúng, mà nằm ở việc đặt ra những câu hỏi đúng”. – John Chancellor

—☘☘☘—

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÀM VIỆC NHÓM (TEAMWORK)
  2. LÀM VIỆC MÀ KHÔNG BỊ BẢN NGÃ KHỐNG CHẾ
  3. LÀM VIỆC NHÓM – MỘT LÀ CON SỐ QUÁ NHỎ ĐỂ LÀM NÊN ĐIỀU VĨ ĐẠI

Bài viết khác của tác giả

  1. CÁC BÀI HỌC TỪ LOÀI NGỖNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ