ÔNG LÀ AI?

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Chất Vấn Krishnmurt i; Bản dịch Đào Hữu Nghĩa; NXB Thời Đại, Công ty sách Thời Đại.

 

Một trong số thính giả tại buổi nói chuyện

trước công chúng của Krishnamurti

ở Saanen Switzerland, Thụy Sĩ.

Người hỏi: Ông là ai?

Krishnamurti: Câu hỏi đó có quan trọng không? Hay người hỏi phải tự hỏi mình là ai, chứ không phải tôi là ai, mà người hỏi ấy là ai? Nếu tôi nói với bạn tôi là ai, điều đó có gì quan trọng chứ? Chỉ do tò mò thôi, phải không? Tương tự như đứng bên ngoài cửa sổ đọc thực đơn vậy, bạn phải vào trong nhà hàng đặt các món ăn. Đứng bên ngoài và đọc thực đơn không thể giải quyết cơn đói của bạn được. Vì vậy, nói với bạn tôi là ai thực sự hoàn toàn vô nghĩa.

Trước hết, tôi không là ai cả. Thế thôi, đơn giản vậy đó – tôi không là ai cả. Nhưng điều quan trọng là: bạn là ai và là gì? Câu hỏi sở dĩ nêu lên ngụ ý rằng có người nào đó “vĩ đại” lắm đây, cho nên tôi sẽ bắt chước ông ta, bắt chước cách ông ta đi đứng, cách ông ta nói năng, cách ông ta chải răng,v.v… Tôi sẽ bắt chước ông ta vì ông ta là mẫu mực. Có người anh hùng hoặc có người có trí tuệ hoặc đạo sư và bạn nói, “Tôi sẽ sao chép bất cứ việc gì ông làm!”. Việc làm này trở thành hết sức phi lý, ngốc nghếch. Thực là ấu trĩ khi bắt chước người nào đó. Và không phải chúng ta là kết quả của nhiều sự bắt chước sao? Các tôn giáo đã nói – họ không dùng từ “bắt chước” – hãy tự dâng hiến đi, hãy phục tùng tôi đi. Tôi là thế này, tôi là thế khác, hãy sùng bái, hãy thờ phụng. Bạn là tất cả mọi cái ấy. Ở trường học bạn bắt chước. Thu thập kiến thức cũng là một hình thức bắt chước và tất nhiên còn có mốt, có thời trang nữa – váy ngắn, váy dài, tóc dài, tóc ngắn, có râu, không râu – bắt chước, bắt chước. Và ở nội tâm, về mặt tâm lý, ta cũng bắt chước, tất cả chúng ta đều biết đều đó.

Nhưng khám phá ông là ai, bạn là ai, chứ không phải diễn giả là ai là việc làm quan trọng hơn nhiều lắm và để khám phá bạn là ai, bạn phải tra hỏi thâm nhập xem xét. Bạn là truyện kể của toàn thể nhân loại. Nếu bạn thực sự thấy điều đó, nó cho bạn một sức sống khủng khiếp, một năng lượng, cái đẹp và tình yêu, bởi vì bạn không còn là một thực thể nhỏ nhoi đang đấu tranh trong một xó xỉnh nào đó của trái đất. Bạn là một phần của của toàn thể nhân loại này. Điều đó có trách nhiệm đáng kể, sức sống, cái đẹp, tình yêu. Nhưng phần đông chúng ta không muốn thấy điều ấy, phần đông chúng ta chỉ quan tâm chính chúng ta, quan tâm vấn đề nhỏ nhen riêng tư của mình, nỗi phiền muộn nhỏ nhen riêng tư của mình và v.v… Và thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn hạn hẹp ấy hầu như là không thể được bởi vì chúng ta bị qui định, bị lập trình, giống như những máy tính đến độ ta không thể học được điều gì mới. Hiện giờ thì máy tính có thể học, còn ta thì không thể.

Hãy thấy cái thảm kịch của sự thể đó. Chiếc máy đã do ta tạo ra, máy tính có thể học nhanh hơn nhiều, vô cùng nhanh hơn não bộ và não đã sáng chế ra máy, thì ù lì, chậm chạp, tăm tối, ngu đần bởi vì ta đã rập khuôn bắt chước, phục tùng, vâng dạ, nào đạo sư, nhà truyền giáo, nhà giàu – bạn hiểu chứ? Và khi bạn phản kháng, như các tay cách mạng và khủng bố đang làm thì phản kháng ấy cũng còn hết sức cạn hẹp – thay đổi chế độ chính trị, thay đổi cái gọi là xã hội, vốn chỉ là mối quan hệ giữa con người và con người, và ta đang đề cập đến một cuộc cách mạng tâm lý, trong đó không còn có việc rập khuôn bắt chước ở nội tâm. Còn rập khuôn bắt chước khi còn so sánh. Và để có được một trí não hoàn toàn thoát khỏi động thái so sánh thì phải quan sát toàn bộ lịch sử của nhân loại hằn sâu trong bạn.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI “TÔI” ĐƯỢC TẠO RA DO MÊ MỜ
  2. GẠT ĐI CÁI TÔI TỰ ÁI ĐỂ VƯƠN LÊN
  3. CÁI TÔI, NGƯỜI VÀ BẢN NGÃ

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH