LỜI NGUYỆN BỒ ĐỀ TÂM

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Một Tia Sấm Chớp Sáng Trong Đêm Tối; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức

NHẬP BỒ TÁT HẠNH CỦA SHANTIDEVA

Tôn giả Shantideva (Tịch Thiên)

Shantideva (Tịch Thiên, c.685-763) là một luận sư Phật giáo kiêm thi hào Ấn Độ sống vào khoảng thế kỉ thứ 7-8 Công nguyên, và là người theo phái Trung quán của đạo Phật Đại thừa do Long Thọ chủ xướng.

Ngài là tác giả của hai tác phẩm quan trọng là (Đại thừaTập Bồ Tát học luận (sa. śikṣāsamuccaya) và Nhập bồ-đề hành luận (sa. bodhicaryāvatāra). Một tác phẩm thứ ba cũng thường được nhắc đến là Tập kinh luận (sa. sūtrasamuccaya) đã thất truyền (theo Thánh Nghiêm thì được dịch ra Hán ngữ dưới tên Đại thừa thật yếu nghĩa luận). Nhập bồ-đề hành luận rất thông dụng trong Phật giáo Tây Tạng, là kinh điển giáo khoa.

Nhập bồ-đề hành luận trình bày các bước tu học vị Bồ Tát, từ lúc phát Bồ-đề tâm (sa. bodhicitta) cho đến lúc đạt trí Bát-nhã (sa. prajñā), dựa trên Lục ba-la-mật-đa (sa. ṣaṭpāramitā). Nhập bồ-đề hành luận là tác phẩm nhằm hướng dẫn cho Cư sĩ hay người mới nhập môn. Shantideva (Tịch Thiên) giảng giải trong tác phẩm này hai phương pháp nhằm giúp vị Bồ Tát tương lai nhận biết tại sao mình lại cứu độ cho người và xuất phát từ đó các hành động cần thiết. Một mặt hành giả phải tu học phép quán chiếu cái nhất thể giữa mình và người (sa. parātmasamatā), mặt khác phải học phép hoán đổi giữa mình và người (sa. parātmaparivartana), tức là đặt mình vào địa vị của chúng sinh để thấu rõ tâm trạng của hữu tình (sa. sattva).

Trích đoạn dưới đây từ Nhập bồ-đề hành luận của Shantideva (Tịch Thiên) được Đức Dalai Lama 14 giảng giải trong tác phẩm “Một tia sấm chớp sáng trong đêm tối”, NXB Thiện Tri Thức.

18. Nguyện tôi là người bảo vệ cho những người không có người bảo hộ.
Người hướng dẫn cho những người đang đi trên đường;
Với những người muốn băng qua dòng sông,
Nguyện tôi là một con thuyền, một chiếc bè, một cây cầu.

19. Nguyện tôi là một hòn đảo cho những người mong mỏi cập bến,
Một ngọn đèn cho những ai mong ngóng ánh sáng;
Là một cái giường cho những ai cần chỗ ngơi nghỉ
Nguyện tôi là một nô lệ cho tất cả những ai cần tôi tớ.

20. Nguyện tôi là viên ngọc như ý, một cái bình sung túc,
Một lời thần chú, và món thuốc tối cao.
Nguyện tôi là những cây đầy phép lạ,
Và với tất cả chúng sanh, là con bò không cạn nguồn sung mãn.

21. Cũng như đất đai và những nguyên tố khác,
Tồn tại như bản thân hư không tồn tại,
Cho vô số vô biên chúng sanh đang sống,
Nguyện tôi là nền đất và phương tiện cho đời sống của họ.

22. Như thế, đối với mỗi chỉ một vật gì đang sống,
Trong con số như vô biên cây số của bầu trời
Nguyện tôi là sự nuôi sống và chất bổ dưỡng của họ,
Cho đến khi tất cả họ vượt qua khỏi những biên giới của khổ đau.

Đức Dalai Lama 14

DALAI LAMA GIẢNG GIẢI:

Hai dòng cuối này rất mãnh liệt, phải thế không? Đời sống của rất nhiều chúng sanh dựa vào sự có mặt của năm nguyên tố (năm đại), nên chúng ta hãy nghĩ: Như trái đất, nguyện tôi nâng đỡ chúng sanh nhiều như không gian bao la. Và bao lâu họ chưa đạt đến giác ngộ, nguyện tôi hiến mình hoàn toàn cho hạnh phúc của họ. Chúng ta hãy lập một mong muốn chân thành đạt đến Phật tánh vì họ và thệ nguyện không bao giờ bỏ mất ý tưởng này. Nếu một số trong các bạn không phải là người Phật giáo hay cảm thấy không thể giữ một lời nguyện như vậy, bấy giờ các bạn chỉ cần nghĩ: Nguyện cho tất cả chúng sanh hoan hỷ. Những người trong các bạn muốn nhận lời thệ nguyện về nguyện vọng này, xin đứng thẳng lên, hay quỳ trên đầu gối phải, và chắp hai tay. Lặp lại theo tôi, ba lần, những dòng tôi vừa đọc bằng tiếng Tây Tạng. Đây là hai dòng đầu của câu 23 và 24, bắt đầu bằng “Những bậc Thầy, chư Phật, chư Bồ tát, xin hãy nghe!”.

Tôi đã quán tưởng Đức Phật trước mặt tôi, và các bạn nên xem tôi là một loại sứ giả hay trung gian. Hãy nhìn thấy chúng ta đang được bao quanh bởi tất cả chúng sanh trong vũ trụ và phát sinh tâm bi đối với họ. Hãy nghĩ đến Đức Phật và hãy cảm thấy sùng mộ lớn lao với ngài. Bây giờ, với tâm bi và sùng mộ, cầu nguyện, “Nguyện tôi đạt đến Phật tánh!” và tụng đọc:

Những bậc Thầy, chư Phật, chư Bồ tát, xin hãy nghe!
Như các ngài, trong quá khứ đã đi đến phúc lạc,
Đã từng phát Bồ đề tâm
Cũng thế vì lợi lạc của chúng sanh
Tôi sẽ phát tâm giác ngộ đúng y như vậy.

Khi đọc tụng những dòng này ba lần, đến câu, “Tôi sẽ phát tâm giác ngộ đúng y như vậy,” hãy nghĩ rằng các bạn đã phát Bồ đề tâm này trong chiều sâu thẳm của lòng bạn, trong tận tủy của xương cốt các bạn, và rằng các bạn sẽ không bao giờ từ bỏ lời hứa này.

Theo truyền thống, bây giờ chúng ta đọc tụng chín bài kệ chót của chương như một kết luận cho sự mang nhận lời nguyện.

Bây giờ chúng ta đã mang lời nguyện này, chúng ta nên cố gắng là những con người tốt trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta không nên làm ra vẻ rất dễ thương khi chúng ta đang ở trong rạp này và lại bắt đầu chiến đấu chống lẫn nhau ngay khi ra khỏi! Từ bây giờ trở đi chúng ta nên cố gắng có một tâm tính tích cực và tốt lành: chúng ta sắp sửa được hạnh phúc trong đời sống. Tôi thực sự nghĩ rằng tương lai tùy thuộc vào phẩm chất của tâm thức mình, vào một tâm tốt. Bởi thế chúng ta phải cố gắng là người tốt và là những kiểu mẫu tốt cho những người chung quanh. Sự chủ động để làm giống như vậy phải đến từ mỗi người trong chúng ta một cách cá nhân.

Cám ơn tất cả các bạn đã lắng nghe rất cẩn thận. Bản thân tôi cố gắng thực hành Bồ đề tâm trong mọi hoàn cảnh, và tôi cố gắng càng nhiều càng tốt khuyến khích những người khác cũng làm như thế. Tôi thấy đây là một thực hành nó hoàn toàn không có nguy hiểm và đem lại lợi lạc khổng lồ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VÌ LỢI LẠC CỦA NGƯỜI KHÁC
  2. LỜI NGUYỆN CỦA ĐẠI BỒ TÁT

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ