CÁCH THỰC HÀNH LÒNG BIẾT ƠN TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY

Hoa Sen Phật – Theo: Kaiya

Ý nghĩa lòng biết ơn trong đạo Phật

Phật Thích Ca là một vị Phật giàu lòng biết ơn. Người ta đã viết rằng sau khi giác ngộ, Đức Phật đã đứng trước cây bồ đề mà không dời mắt như một biểu hiện bày tỏ lòng biết ơn, nhờ vào bóng mát cây bồ đề đã che chở cho Ngài trong suốt quãng thời gian đấu tranh cho sự giác ngộ.

Trong giáo lý nhà Phật, lòng biết ơn đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là khi nói về sự chính trực của một người. Theo kinh Katannu Suttas: Đức Phật đã nói về lòng biết ơn như sau:

“Một người liêm chính là người biết ơn và đền ơn. Lòng biết ơn này được ủng hộ bởi mọi người, từ vua chúa cho đến dân thường. Đây là phẩm chất của những người liêm chính.“

Định nghĩa từ điển về sự liêm chính là tuân thủ vững chắc với một bộ quy tắc đặc biệt về Chân-Thiện-Mỹ. Nếu bạn muốn được coi là một người có nhân phẩm tốt, thì điều cần thiết là bạn phải thực hành lòng biết ơn như lời Phật dạy.

Ngoài ra, lòng biết ơn cũng được tìm thấy trong kinh điển Mangala trong Tạng Pali, nói rằng lòng biết ơn là một trong những dấu hiệu chứng tỏ hành giả đang tiến bộ trên con đường tâm linh.

Nói lời cảm ơn mỗi sáng

Theo tu sĩ Phật giáo người Mỹ Jack Kornfeld, các nhà sư Phật giáo bắt đầu ngày mới bằng một lời ca tụng lòng biết ơn đối với các phước lành trong cuộc đời họ.

“Khi bạn thức dậy, trước khi làm bất cứ điều gì khác, hãy thực hành thiền định về lòng biết ơn. Đây là một hành động đơn giản chỉ mất vài phút để đếm phước lành của bạn và biết ơn cho một ngày mới sắp tới.”

Điều này nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng nhận ra những điều cơ bản như việc có không khí trong lành để thở, một nơi trú ẩn che mưa che nắng và một cơ thể khỏe mạnh có thể cung cấp cho bạn một viễn cảnh tốt hơn, tạo một nguồn năng lượng tích cực để khởi động tâm trạng tốt của bạn.

Cảm ơn những người thân yêu, đặc biệt là cha mẹ của bạn

Thể hiện lòng biết ơn đối với những người thân yêu là điều mà bạn phải làm thường xuyên, nhưng đa số đều coi những gì họ làm cho bạn là điều hiển nhiên và ít khi bày tỏ lòng biết ơn đối với họ.

Theo kinh “Katannu: Lòng biết ơn”, Đức Phật dạy rằng nếu có hai người không dễ trả nợ, thì đó là mẹ và cha của bạn.

“Này các tỳ kheo. Có hai người mà các ngươi không dễ đền ơn. Hai người nào? Mẹ và ba của ngươi. Ngay cả nếu ngươi mang mẹ một bên vai, và mang ba ở vai bên kia trong 100 năm, và chăm sóc ba mẹ bằng cách xoa dầu, xoa bóp, tắm và bóp tay chân, và ngay cả nếu họ tiêu và tiểu [ngay trên vai ngươi], như thế cũng chưa đủ đền ơn ba mẹ ngươi. Nếu ngươi lập được cho ba mẹ ngươi ngự trị tuyệt đối trên vương quốc đại địa này, với tràn ngập bảy báu, ngươi cũng chưa đủ đền ơn ba mẹ ngươi. Tai sao thế? Mẹ và ba đã làm quá nhiều cho con. Ba mẹ chăm sóc con, nuôi dưỡng con, đưa con vào thế giới này.

Nhưng bất kỳ ai, khi thấy ba mẹ thiếu tín tâm mà đưa được ba mẹ vào chánh tín; khi thấy ba mẹ thiếu đạo đức mà đưa được ba mẹ giữ gìn giới hạnh; khi thấy ba mẹ keo kiệt mà đưa được ba mẹ về sống với hạnh bố thí; khi thấy ba mẹ còn si mê mà đưa được ba mẹ về sống với trí tuệ: Làm như thế mới gọi là đền ơn được ba mẹ.”

Lần cuối cùng bạn có một cuộc trò chuyện ý nghĩa với cha mẹ hoặc thể hiện lòng biết ơn đối với họ là khi nào? Nói những lời cảm ơn là một khởi đầu tuyệt vời, nhưng thực hiện những hành động quan tâm đến họ thì sẽ tốt hơn nhiều.

Các cử chỉ không cần phải hoành tráng hoặc tặng món quà nào đó đắt tiền. Những hành động đơn giản có thể khiến cha mẹ bạn cảm thấy rằng bạn biết ơn chẳng hạn như dành nhiều thời gian hơn cho họ, trò chuyện với họ thường xuyên hơn hoặc nấu cho họ bữa ăn mà họ yêu thích.

Ngừng vội vã trong cuộc sống

Đã bao nhiêu lần bạn thấy mình vội vã từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ tiếp theo, đóng gói lịch trình của bạn với hoạt động này để theo đuổi mục tiêu của bạn? Không có gì sai khi cố gắng đạt được nhiều thứ, trên thực tế, chính Đức Phật đã nói trong Bhaddekaratta Sutta:

“Hôm nay, nghiêm túc làm những gì phải làm. Ai biết? Ngày mai, cái chết có thể đến.”

Tuy nhiên, đam mê với những gì bạn làm hôm nay khác với việc bất cẩn trải qua những hoạt động mà quên mất giá trị của những gì trước mắt. Khi bạn liên tục làm việc hướng tới tương lai, đừng quên đánh giá cao hiện tại và biết ơn những gì bạn đã đạt được ở hiện tại.

Thực hành nhận thức về cảm xúc, suy nghĩ và kinh nghiệm của bạn tại một thời điểm nhất định được gọi là chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm là một trong Bát chánh đạo mà theo Đức Phật là cách giải thoát bản thân khỏi những trạng thái đau khổ.

Thành ngữ “Dừng lại và ngửi mùi hoa hồng” là một câu nói hay bạn có thể tham khảo để hiểu hơn về chánh niệm. Điều này liên quan đến một nhận thức rõ ràng về kinh nghiệm của bạn có thể giúp bạn thừa nhận những điều nhỏ nhặt mà bạn nên biết ơn.

Buông bỏ

Khi bạn cố bám vào thứ gì đó không có ý nghĩa, điều đó có thể cản trở con đường hạnh phúc của bạn. Điều này được nói đến trong kinh Na Tumhaka:

Bất cứ điều gì không phải là của bạn: hãy buông bỏ nó. Việc bạn buông bỏ sẽ mang lại hạnh phúc và lợi ích lâu dài cho chính bạn.

Theo Phật giáo, buông bỏ chấp trước là trải nghiệm hạnh phúc. Trong cuộc sống, chúng ta gắn bó với rất nhiều thứ: con người, vật chất, công việc, ý tưởng, mục tiêu và mong muốn của chúng ta. Những chấp trước này có thể dẫn đến sự thất vọng vì chúng ta liên tục bám lấy chúng và sợ mất mát.

Buông bỏ có nghĩa là nhận ra không có gì là vĩnh viễn để bám giữ hay sở hữu. Điều này không đồng nghĩa với việc không quan tâm đến bất cứ ai hay bất cứ điều gì, thay vào đó, bạn phải học cách chấp nhận mọi thứ như những gì chúng đang là.

Một ví dụ điển hình là đau khổ về một sai lầm trong quá khứ hoặc một mối quan hệ thường có thể gây ra cảm giác đau buồn tuyệt vọng. Thay vì đắm chìm vào những kỷ niệm buồn trong quá khứ mà bạn không thể thay đổi, hãy buông bỏ và biết ơn vì bạn đã vượt qua khoảng thời gian đó và tập trung cho hiện tại. Hãy biết ơn những bài học bạn đã học được trong cuộc đời và tìm cách để bạn có thể làm cho hiện tại trở nên tốt hơn.

Tránh so sánh bản thân với mọi người trên phương tiện truyền thông xã hội

Một trong những người bạn của bạn đã đăng bài về học bổng quốc tế của anh ấy trong khi một người khác đăng về chuyến đi gần đây của anh ấy đến Paris. Khi nhìn thấy những bức ảnh đó, bạn đột nhiên cảm thấy sự ghen tị dâng trào và bạn bắt đầu thất vọng về cuộc sống của chính mình.

Đức Phật đã dạy:

“Tiêu diệt những gốc rễ ghen tị và tận hưởng bình an lâu dài.”

Khi bạn giải trí với cảm giác ghen tị và bắt đầu tập trung vào thành công của người khác, bạn có nhiều khả năng phẫn nộ với cuộc sống của chính mình và quên đi những điều quý giá mà bạn đang có và nên biết ơn.

Câu nói rằng “Cỏ luôn xanh hơn ở phía bên kia ngọn đồi” rất đúng vì trong khi bạn đang buồn bã về việc không có cuộc sống của ai đó, thì cũng có thể có một người khác ghen tị với cuộc sống của bạn.

Thay vì cảm thấy ghen tị, hãy hạnh phúc vì thành công của người khác và ăn mừng cho họ. Sử dụng chúng như một nguồn cảm hứng thay vì tự trách mình tại sao bạn không sở hữu những trải nghiệm tương tự. Nhưng điều quan trọng nhất là nhận ra phước lành của chính bạn và không bao giờ quên ơn chúng – ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BIẾT ƠN VÀ LÒNG TRẮC ẨN: ĐỘNG LỰC ĐỂ GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC
  2. CẢM THỨC YÊU THƯƠNG THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
  3. MỞ RỘNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH