DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE
Trích: Đạo Sư Uống Rượu; Pema Trần dịch; Công ty Cổ Phần Sách Thái Hà; NXB. Hà Nội
Xương sống và hơi thở của Phật giáo Kim Cương thừa kỳ diệu, là con đường của hành giả Mật thừa. Kim Cương Thừa không phải là một cuộc dạo chơi an toàn ở vùng nông thôn. Trên thực tế, an toàn là mối quan tâm tối thiểu của chúng tôi. Cách thức mà Phật giáo Kim Cương Thừa điều phục cái ngã và cảm xúc thực sự mạo hiểm. Những phương pháp đôi khi còn táo bạo. Do đó, con đường tu tập Mật giáo là con đường phiêu lưu nhất trong tất cả những con đường thực hành của người Phật tử. Nếu đây không phải là một cuộc phiêu lưu, thì sẽ chẳng có cuộc phiêu lưu nào. Tôi cho rằng, nếu bạn đang đọc cuốn sách này, bạn không phải là một người nhu nhược, và bạn đã chọn tham gia vào con đường đầy rủi ro này.
Mối quan hệ giữa bậc thầy-đệ tử là quan trọng không chỉ bởi vì những chỉ dẫn mà bậc thầy ban cho đệ tử mà còn bởi vì khả năng của bậc thầy trong việc ban phước, sự truyền trao trí tuệ từ bậc thầy đến đệ tử. Khả năng này là tương đương với bất kỳ kỹ năng nào hoặc phẩm tánh nào mà bậc thầy có thể có. Việc ấy yêu cầu bậc thầy phải được trang bị những thứ cần được trao truyền. Nếu bạn trao đi một ánh lửa từ ngọn nến cho người tiếp theo, ngọn nến ban đầu vẫn cháy sáng. Ở mức độ thế tục, khi một học trò cầu nguyện đến bậc thầy, nếu bậc thầy đó được trang bị với sự giác ngộ, lòng bi mẫn, và phước lành, thì bậc thầy ấy còn xứng đáng hơn một đối tượng cầu nguyện.
Nhưng như đã chỉ ra trong câu chuyện nổi tiếng về bà mẹ già tưởng nhầm chiếc răng con chó là xá lợi của Đức Phật, ở nơi nào có lòng sùng mộ, thì ở đó có Đức Phật, vì vậy, hoàn toàn có thể nhận được sự ban phước từ một bậc thầy không xứng đáng. Nhưng nếu đối tượng của lòng sùng mộ được thực sự trang bị với những phẩm tánh trí tuệ, thì rõ ràng các nguyên nhân và điều kiện đều hoàn thiện hơn.
Phương Tây không có một truyền thống mạnh mẽ về mối quan hệ bậc thầy-đệ tử theo nghĩa “guru shishya parampara”, là từ tiếng Phạn cho cụm từ “những đệ tử kế thừa”. Ở đây, chúng ta đang nói vẽ một sự kế tục không gián đoạn của kiến thức được trao truyễn từ bậc thầy xuống đệ tử. Chúng ta không nói về câu chuyện một người giáo viên cấp ba dạy môn Toán cho một học trò.
Nói một cách dễ hiểu, bạn có thể nghĩ mối quan hệ bậc thầy- đệ tử trong Kim Cương Thừa là một mối quan hệ tiến hóa của việc dạy nghề. Không giống như mối quan hệ giáo viên-sinh viên thông thường, trong Kim Cương Thừa, một bậc thầy Kim Cương có thể thực sự trao truyền tất cả những phẩm tánh giác ngộ cho học trò, như thể học trò là vật liệu để đúc và bậc thầy là chiếc khuôn đúc.
Tashi Namgyal là con trai của một người quý tộc ở vùng Derge, được làm thị giả cho Janyang Khyentse Chokyi Lodro khi anh ta còn rất trẻ. Sau đó, anh ta trở thành thị giả đầu tiên của tôi. Anh kể cho tôi nghe về hành trình mà anh cùng với Jamyang Khyentse Chokyi Lodro cùng nhau đi Sikkim vào cuối phững năm 1950. Vào khoảng thời gian đó, rất nhiều Lạt-ma Tây Tạng khác cùng chạy trốn cuộc Cách mạng Văn hóa. Mỗi ngày, Jamyang Khyentse Chokyi Lodro sẽ hỏi Tashi Namgyal xem có những ai đã trốn thoát được khỏi Tây Tạng. Khi ngài nghe được tin người bạn thân của ngài là Dilgo Khyentse Rinpoche, người vừa là học trò vừa là bậc thầy của ngài cùng trốn thoát được, ngài đã thở phào nhẹ nhõm và nói: “Giáo pháp bây giờ đã an toàn rồi”.
Tashi Namgyal đã nói rằng chỉ trước khi Khyentse Chokyi Lodro nhập niết bàn, ngài đã gặp Dilgo Khyentse Rinpoche ở Sikkim và nói chuyện với ngài rất lâu. Sau cuộc nói chuyện đó không lâu thì Khyentse Chokyi Lodro qua đời. Tashi Namgyal nói rằng có một sự thay đổi đột ngột và rõ rệt ở Dilgo Khyentse Rinpoche. Anh ta nói rằng, lúc Khyentse Chokyi Lodro còn tại thế, mức độ hùng biện và oai nghiêm của Dilgo Khyentse Rinpoche còn xa mới đạt được như khả năng của ngài bỗng dưng có được khi ấy, và như chúng ta sau này đều biết đến ngài. Những đệ tử lớn tuổi hơn đều có thể dễ dàng nhìn thấy được một sự trao truyền trọn vẹn từ bậc thầy (Khyentse Chokyi Lodro) sang đệ từ (Dilgo Khyentse Rinpoche).
Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche đã nhận được không chỉ kiến thức của Khyentse Chokyi Lodro; tất cả mọi thứ đều được trao truyền – hào quang của ngài, cách suy nghĩ của ngài. Đây là khả năng của một bậc thầy vĩ đại, và người nhận có thể thậm chí không nhận thức được đã xảy ra điều gì.
Có rất nhiều ví dụ tương tự như thế này ở Tây Tạng. Tertonarma Lingpa là một trong những người phát hiện ra những kho báu giáo pháp vĩ đại nhất. Thật không may, do một số nghiệp trong quá khứ, vị phối ngẫu của ngài lại không phải là một vị phối ngẫu hoàn hảo. Một hôm, ngài đang cầu khẩn những kho giáo lý trong một hang đá với vị phối ngẫu không hành nữ và dùng một cây bút trúc để viết ra. Nhưng cây bút cần phải được mài sắc, vì thế, ngài đã nói vị phối ngẫu đưa cho ngài một con dao sắc. Bà đã bất cẩn ném con dao về phía ngài, và con dao bật trở lại bàn đâm trúng vào háng của ngài. Vết thương không cầm máu được, và ngài biết rằng ngài không thể sống lâu, vì thế, ngài đã cho gọi con trai của ngài là Nyinda Choje, lúc đó còn rất nhỏ tuổi. Nyinda Choje là một cậu bé không chịu học hành. Cậu chỉ là một đứa trẻ, một kẻ hay lang thang.
Karma Lingpa nói: “Cha sắp chết, nhưng cha có một vài việc dang dở ở đây”. Sau đó, ngài kéo đầu của Nyinda Choje chạm vào đầu của ngài và cầu nguyện một thời lâu rồi qua đời. Sau đó, phần còn lại của kho tàng giáo lý ngay lập tức được Nyinda Choje cầu khẩn (để viết ra). Nyinda Choje không hề bị hôn mê. Đó là một hiện tượng trao truyền trọn vẹn – gongpa phowa, chúng tôi gọi như vậy, giống như chúng ta tải dữ liệu từ Dropbox. Đến ngày nay, chúng ta vẫn thực hành pháp tu 100 vị bổn tôn phần nộ và an bình tôn quý của Karma Lingpa là nhờ có sự trao truyền này.
Chúng ta thực hành một pháp tu giống như sự trao truyền này trong suốt quá trình thực hành bổn sư du già. Nhưng từ “trao truyền” hơi khiến mọi người hiểu nhầm: nghe như thể là có một vật thể lạ được tải vào người học trò. Theo một nghĩa, có thể hiểu như vậy, nhưng với cách hiểu khác, học trò cũng đã có sẵn Phật tánh như bậc thầy. Vì vậy, hiện tượng này giống như bậc thầy nhen nhóm lại những gì đã có sẵn trong học trò hoặc làm thức tỉnh điều gì đó nơi người học trò. Việc trao truyền trí tuệ từ bậc thầy sang học trò không nên hiểu như là một kiểu truyền hào quang hay năng lượng. Mức độ tuyệt đối của việc trao truyền tâm trí tuệ trong mối quan hệ bậc thầy-đệ tử là không thể diễn đạt.
Ở mức độ tương đối, những dấu hiệu có thể thấy được của một sự trao truyền thành công từ tâm thức bậc thầy sang tâm thức của bạn là bạn phát triển một sự xả bỏ mạnh mẽ hơn những nỗ lực thế tục, phát khởi lòng bi mẫn lớn hơn đến hữu tình chúng sinh, lòng sùng mộ thuần tịnh hơn đến bậc thầy, và trong khi đó sự kiêu mạn của bạn sẽ biến mất. Cũng như vậy, thói quen viết ra những kinh nghiệm và biên soạn lại thành một cuốn sách, như tôi đã và đang làm, sẽ dừng lại.
Mọi Thứ Đều Là Đức Phật
Những hành giả Mật thừa không thực sự kính ngưỡng một bậc thầy chỉ bởi vì cá tính của ngài, thành tựu của ngài, sự hấp dẫn của ngài hay danh tiếng của ngài. Không hề có vấn để gì mang tính cá nhân ở đây. Một hành giả Mật thừa phải nhìn mọi người như là bậc thầy. Không chỉ như vậy, một hành giả Mật thừa phải nhìn mọi thứ như là hình tướng của bậc thầy, mọi âm thanh là giọng nói của bậc thầy, và mọi ý nghĩ đều là tâm thức của bậc thầy.
Vì vậy, cuối cùng thì mọi sự lý tưởng hóa, xu nịnh, bợ đỡ bậc thầy của bạn sẽ thuần thục đến mức mà bạn sẽ thực hành việc đó với bất kỳ ai, thậm chí với cả những người làm bạn khó chịu nhất, và bất kỳ điều gì chạm vào nhận thức của bạn. Khi điều đó bắt đầu xảy ra, bạn bắt đầu chinh phục và toả sáng vào những sắc tướng và hiện hữu, thay vì để những sắc tướng và hiện hữu chế ngự và làm lu mờ bạn, là điều mà có thể đang xảy ra với bạn trong kinh nghiệm về các hiện tượng tại thời điểm này.