CÂU CHUYỆN NĂM MỚI

RANDY PAUSCH & JEFFREY ZASLOW

Trích: Bài Giảng Cuối Cùng; Nguyên tác: The Last Lecture; Việt dịch: Vũ Huy Mẫn; NXB. Trẻ, 2009

Bất kể mọi chuyện đã tồi tệ tới mức độ nào, bạn vẫn có thể làm cho chúng tồi tệ hơn nữa. Mặt khác, trong khả năng của mình, bạn lại thường có thể làm cho chúng tốt hơn lên. Tôi đã học được bài học đó trong đêm Giao thừa năm 2001.

GS. Randy Pausch cùng vợ và các con

Jai mang thai Dylan bảy tháng, và chúng tôi sắp sửa đón năm mới 2001 với một buổi tối yên tĩnh ở nhà, xem một đĩa phim DVD.

Khi bộ phim vừa bắt đầu, Jai nói, “Em nghĩ nước ối vừa vỡ.” Nhưng đó không phải nước ối. Ðó là máu. Trong chốc lát, máu ra nhiều tới mức tôi thấy không còn đủ thời gian để gọi xe cấp cứu. Bệnh viện phụ sản Magee của Pittsburgh cách nhà chúng tôi khoảng bốn phút lái xe nếu bất chấp đèn đỏ, và tôi đã lái như thế.

Vào đến phòng cấp cứu, các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện lập tức khám bệnh, tiêm truyền và cho khai các giấy tờ bảo hiểm. Họ nhanh chóng xác định, nhau thai bị bong khỏi thành dạ con, gọi là “placenta abrupta”. Với nhau trong tình trạng hiểm nghèo như vậy, nguồn nuôi dưỡng thai nhi đã không còn. Không cần phải nói, bạn cũng biết mức độ nghiêm trọng như thế nào. Sức khỏe của Jai và tính mạng của thai nhi đang trong tình trạng nguy kịch.

Mấy tuần liền, thai không thật yên ổn. Jai không thấy thai đạp. Cô cũng không tăng đủ trọng lượng. Do biết một điều quan trọng là phải hung hăng thì mới mong nhận được sự chăm sóc y tế đúng mức, nên tôi kiên quyết đòi phải làm thêm siêu âm cho Jai. Qua đó, bác sĩ thấy nhau thai hoạt động kém và thai nhi không phát triển đuợc. Họ tiêm steroid cho Jai để kích thích phổi thai nhi phát triển.

Thật quá lo lắng. Và tại phòng cấp cứu, mọi việc lại còn nghiêm trọng hơn.

“Vợ anh có nguy cơ sốc lâm sàng.” – một y tá nói.

Jai quá hoảng sợ. Tôi nhìn thấy điều đó trên gương mặt của cô. Tôi cũng sợ hãi, nhưng cố gắng bình tĩnh để có thế đánh giá được tình hình.

Tôi quan sát xung quanh. Lúc đó là 9 giờ tối ngày giao thừa. Chắc các bác sĩ và y tá giỏi của bệnh viện đã về nghỉ hết. Tôi phải giả thiết đây là kíp B. Liệu họ có đủ tay nghề để cứu vợ con tôi?

Nhưng ngay lập tức, các bác sĩ và y tá đã gây ấn tượng cho tôi. Nếu họ là kíp B, thì họ thật là giỏi. Họ đã giải quyết mọi việc với sự kết hợp tuyệt vời giữa gấp rút và bình tĩnh. Họ không tỏ ra hoảng hốt. Họ điều tiết cảm xúc như thể biết rõ nên làm những việc phải làm như thế nào là tốt nhất, từng giây từng phút một. Và họ toàn nói những điều tích cực.

Khi Jai được đưa vội vào phòng để mổ đẻ cấp cứu, cô nói với bác sĩ: “Việc này thật tệ, có đúng không?”

Tôi khâm phục câu trả lời của bà bác sĩ. Đó là câu trả lời hoàn hảo cho chúng tôi vào lúc đó: “Nếu chúng tôi thật sự hoảng sợ, chúng tôi đã không yêu cầu anh chị ký tất cả các tờ khai bảo hiểm, có đúng vậy không?” – bà nói với Jai. – “Bởi nếu vậy, chúng tôi đã không thể để phí thời gian.” Bác sĩ đã có lý. Tôi ngạc nhiên không hiểu đã bao nhiêu lần bà dùng “thủ tục giấy tờ bệnh viện” để làm giảm bớt nỗi lo lắng cho bệnh nhân.

Trong mọi trường hợp, lời nói của bà đã có ích. Sau đó bác sĩ gây mê đưa tôi ra một chỗ riêng.

“Tối nay có việc cho anh làm rồi.” – ông nói. – “Và anh là người duy nhất có thể làm được việc đó. Vợ anh có nguy cơ sốc lâm sàng. Nếu cô ấy bị sốc, chúng tôi vẫn có thể cứu chữa, nhưng sẽ rất khó khăn. Do vậy anh phải giúp giữ cho cô ấy bình tĩnh lại. Anh phải giúp giữ cho cô ấy tỉnh táo.”

Thường ai cũng nghĩ rằng người chồng thực sự đóng một vai trò trong các ca sinh nở. “Hãy thở đi. Lạy chúa. Tiếp tục thở đi. Lạy chúa.” Nhưng cha tôi vẫn cho việc phụ nữ sinh nở thật là buồn cười, vì lúc đứa con đầu chào đời ông đang ở bên ngoài ăn cheeseburger[28]. Còn bây giờ thì tôi được giao một nhiệm vụ thật cụ thể. Bác sĩ gây mê nói khá bình thản, nhưng tôi đọc được sự căng thẳng trong lời yêu cầu của ông. “Tôi không biết anh sẽ phải nói gì với cô ấy.” – ông nói với tôi. – “Nhưng tôi tin anh sẽ làm được”.

Phải giữ cho cô ấy bình tĩnh, khi cô ấy quá sợ hãi.” Họ bắt đầu mổ và tôi cầm tay Jai, nắm chặt như tôi có thể nắm. Tôi nhìn thấy mọi việc, còn Jai thì không. Tôi quyết định bình tĩnh nói cho Jai biết những gì đang xảy ra. Nói cho cô biết sự thật.

Môi cô đã chuyển sang màu xanh. Cô run khắp người. Tôi xoa đầu, rồi xiết tay Jai trong hai bàn tay của tôi, cố gắng mô tả ca mổ một cách thật trực tiếp và làm yên lòng cô. Phần Jai, cô đã cố gắng một cách ghê gớm để lắng nghe, bình tĩnh và tỉnh táo.

“Anh thấy một em bé.” – tôi nói. – “Một em bé đang ra.” Qua nước mắt, cô không thể hỏi được câu hỏi khó khăn nhất. Nhưng tôi đã trả lời. “Em bé đang cử động.”

Và rồi đứa bé, đứa con đầu lòng của chúng tôi, Dylan, cất tiếng khóc thét. Tiếng thét như chưa hề nghe thấy bao giờ. Các cô y tá mỉm cười. “Thật là tuyệt!” – ai đó nói. Những đứa trẻ đẻ non, nếu lúc sinh thiếu khí lực, ẻo lả, thì sau này sẽ gây nhiều phiền muộn. Còn những đứa lúc sinh đã cáu bẳn và gây nhiều ầm ĩ, thì sau này sẽ biết tranh đấu. Chúng sẽ phát triển rất mau.

Dylan nặng chưa đầy 1,5kg. Ðầu to cỡ bằng quả bóng bầu dục. Điều tốt lành là thằng bé có thể tự thở được rất khá. Jai đã vượt qua những cơn xúc động và đau đớn. Trong nụ cười của cô, tôi thấy cặp môi xanh đã dần trở lại màu sắc bình thường. Tôi thật hãnh diện về Jai. Sự quả cảm của cô đã làm tôi vô cùng khâm phục. Có phải tôi đã giúp giữ được cô khỏi bị sốc? Tôi không biết. Nhưng tôi đã cố gắng để nói và làm mọi thứ có thể được để giữ Jai với chúng tôi. Tôi đã cố gắng để không hoảng sợ. Và chắc những điều đó đã có tác dụng.

Dylan được chuyển tới khu chăm sóc đặc biệt. Tôi dần nhận thấy cha mẹ của những đứa trẻ mới sinh đều cần những chỉ bảo rất cụ thể từ các bác sĩ và y tá. Ở Magee, họ đã làm một công việc thật tuyệt vời, đồng thời truyền đạt hai điều khá trái ngược nhau. Họ nói với các ông bố bà mẹ rằng: 1) Con của bạn rất đặc biệt và chúng tôi biết yêu cầu y tế của nó là duy nhất, và 2) Ðừng lo lắng, chúng tôi đã chăm sóc cả triệu trẻ sơ sinh giống như con các bạn.

Dylan chưa hề phải dùng máy thở, nhưng ngày qua ngày, chúng tôi vẫn căng thẳng lo sợ sức khỏe của thằng bé có thể xấu đi. Thật là còn quá sớm để có thể hoàn toàn ăn mừng cho gia đình mới ba-nhân-khẩu của chúng tôi. Hàng ngày khi lái xe tới bệnh viện, trong đầu Jai và tôi luôn luôn có câu hỏi mà không ai dám nói ra: “Liệu con có còn sống khi chúng mình tới nơi không?”

Một hôm, chúng tôi tới bệnh viện, và cái nôi của Dylan đã biến mất. Jai gần như ngã quỵ vì xúc động. Còn tim tôi thì đập loạn. Tôi túm áo cô y tá đứng gần nhất, và hầu như không nói được câu nào cho trọn vẹn. Tôi lo sợ đến mức giọng rời rạc, đứt quãng.

“Đứa trẻ. Tên Pausch. Ở đâu?”

Lúc đó, tôi thấy mình kiệt quệ một cách khó có thể giải thích nổi. Tôi lo sợ mình sẽ phải bước vào một chỗ tối mà từ trước tới nay chưa hề được mời đến bao giờ. Nhưng cô y tá lại cười. “Ôi, con của anh chị rất khỏe nên chúng tôi đã chuyển cháu lên tầng trên để nằm nôi mở.” – cô nói. Dylan trước đây đã phải nằm “nôi kín”, đó là một từ nhẹ nhàng để mô tả cái lồng nuôi trẻ sinh non.

Thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi leo lên tầng trên, và đây Dylan, đang khóc hét theo kiểu của nó để bước vào tuổi thơ. Sự ra đời của Dylan là một nhắc nhở cho tôi về các vai mà chúng ta phải đảm nhận trong cuộc đời. Jai và tôi đã có thể làm cho mọi việc trở nên tồi tệ và đổ vỡ. Cô có thể bị sốc và quá kích động. Còn tôi cũng có thể bị đánh gục tới mức không thể giúp ích gì cho Jai trong phòng mổ.

Qua toàn bộ thử thách này, tôi nghĩ không bao giờ nên nói câu trách cứ “Thật không công bằng”, mà cứ nên tiến bước. Chúng tôi biết có những điều có thể làm để giúp sự việc đi theo hướng tích cực hơn… Và chúng tôi đã làm như thế. Không cần phải diễn giải nhiều bằng lời, nhưng thái độ của chúng tôi là, “Hãy lên ngựa và phi.”

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG

Bài viết khác của tác giả

  1. HÔM NAY, NGAY BÂY GIỜ, CHÚNG TA ĐANG CÓ MỘT NGÀY TUYỆT ĐẸP
  2. LỜI KHUYÊN VỀ LÀM VIỆC NHÓM – BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG
  3. BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG – CON SƯ TỬ BỊ THƯƠNG VẪN MUỐN GẦM

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ