SỰ BÌNH AN KHÔNG LAY CHUYỂN

ĐẠI SƯ AJAHN CHAH

Trích: Sự Bình An Không Gì Lay Chuyển; Việt dịch: Sư Tâm Pháp

Một bài pháp thiền sư Ajahn Chah thuyết cho một vị sư chuyên nghiên cứu pháp học và nhóm Phật tử tại chùa Wat Pah Pong trong những năm 1960.

Tôi từng ở trong một cái chùa trong rừng, cách làng xóm khoảng nửa dặm. Một tối nọ dân làng tổ chức ăn uống tiệc tùng rất ồn ào, lúc đó tôi đang đi thiền. Chắc cũng đã hơn 11 giờ tối. Từ buổi trưa ngày hôm đó trong tôi cảm giác rất lạ thường. Tâm tôi rất tĩnh lặng. Hầu như chẳng có nghĩ suy nào. Tôi cảm thấy rất thư thái và bình thản. Tôi đi thiền cho đến khi thấy mệt, nên tôi quay lại ngồi trong cái lều mái rơm của tôi. Khi tôi ngồi xuống, tôi chưa kịp tréo hai chân thì lạ thay, cái tâm tôi cứ muốn chìm sâu vào một trạng thái bình an rất sâu. Tự nó xảy đến như vậy. Ngay sau khi tôi ngồi xuống, tâm thực sự thật bình an. Nó vững chắc như đá. Như thể tôi không còn nghe tiếng tiếng ca hát ồn ào của đám tiệc bên làng—thực tế thì tôi vẫn có thể nghe—nhưng tôi vẫn có thể dẹp bỏ hết mọi tiếng ồn ra khỏi mình. Lạ thay. Khi tôi không hề chú ý đến tiếng ồn thì tâm tĩnh lặng hoàn hảo—không còn nghe tiếng gì nữa. Nhưng nếu tôi muốn nghe, tôi vẫn có thể nghe mà không hề bị tiếng ồn quấy nhiễu.

Lúc đó giống như có hai đối tượng trong tâm được đặt cạnh nhau, nhưng hai thứ đó không đụng chạm nhau. Tôi có thể nhìn thấy cái tâm và đối tượng mà nó tỉnh giác là hai thứ khác nhau và riêng biệt, cũng giống như cái bình nước và cái ly ở đây vậy. Rồi tôi hiểu ra rằng: khi tâm hợp nhất trong trạng thái định (samādhi), nếu ta hướng sự chú tâm ra bên ngoài, ta có thể nghe; nhưng nếu ta lặn sâu vào sự trống không (tánh không) của nó, thì nó sẽ im lặng một cách hoàn hảo. Khi tiếng ồn được nhận biết, tôi có thể thấy rằng sự biết và tiếng ồn là hai thứ riêng biệt khác nhau. Tôi quán niệm rằng: ”Nếu đây không phải là cách của tâm, vậy thì cách nào khác?”. Đó là cách nó diễn ra. Sự biết và tiếng ồn là hai thứ riêng biệt khác nhau. Tôi cứ tiếp tục điều tra theo cách như vậy cho đến khi sự hiểu biết của tôi càng sâu hơn nữa: ”À chỗ này mới quan trọng. Khi sự liên tục nhận biết các hiện tượng bị cắt đứt, thì kết quả là sự bình an”. Sự ảo tưởng trước giờ về tính liên tục (santati) đã được chuyển hóa thành sự bình an của tâm (santi). Do vậy, tôi tiếp tục ngồi, nỗ lực thiền tập. Tâm lúc đó chỉ còn tập trung duy nhất vào sự thiền, bỏ mặc tất cả mọi sự mọi thứ khác. Tôi đã ngừng thiền ngay tại điểm này, chỉ một lý do là sự thiền tập đã xong. Tôi ngừng thiền ở đây dễ dàng, nhưng không phải do lười biếng, do mệt mỏi, hay do thấy chán. Hoàn toàn không phải. Những thứ đó đã đâu còn trong tâm. Đó chỉ là do đã đạt đến một cân bằng và bình tâm hoàn hảo ở bên trong tâm – chỉ cần đến đó là hoàn mãn.

Cuối cùng tôi cũng thả thân nghỉ ngơi, nhưng đó chỉ như là sự chuyển đổi tư thế mà thôi. Còn tâm của tôi thì vẫn ổn định, cân bằng, không lay chuyển và không một chút lay động. Tôi kê gối định nằm nghỉ. Ngay khi tôi nằm xuống, tâm lập tức trở nên bình an và bình tâm như khi ngồi thiền lúc nảy. Rồi, ngay khi đầu tôi sắp chạm xuống gối, sự tỉnh giác của tâm bắt đầu chảy hướng vào bên trong, tôi không biết nó chảy vào đâu, nhưng nó cứ liên tục hướng chảy sâu hơn và sâu hơn vào bên trong. Giống như một nguồn điện đang chạy theo dây diện vào cái công tắc. Khi dòng điện trào đến công tắc điện, thân tôi bùng nổ một tiếng vang làm điếc tai. Sự biết trong lúc đó là cực kỳ sáng rõ và tinh tế. Khi đã vượt qua điểm đó, tâm được giải thoát để tiến sâu vào bên trong. Nó tiến sâu vào bên trong đến một điểm nó không còn là gì nữa. Tuyệt đối không có bất cứ thứ gì từ thế giới bên ngoài có thể tiến sâu vào điểm đó. Không thể có bất cứ thứ gì có thể thâm nhập đến điểm đó. Sau khi an trú bên trong đó trong một quãng thời gian, tâm rút lui và thoát ra khỏi đó. Tuy nhiên khi tôi nói tâm rút lui thì tôi không nói nghĩa là tôi đã làm nó rút lui hay thoát ra. Tôi chỉ đơn giản là một người quan sát, chỉ ngồi biết và chứng kiến.

Tâm từ từ bước ra khỏi trạng thái cho đến khi nó quay về trạng thái bình thường. Khi trạng thái đời thường của tâm đã trở lại, câu hỏi phát sinh là: ”Đó là gì vậy?!”. Câu trả lời đến ngay thức thì: ”Những trạng thái đó xảy ra từ trong sự hài hòa của chúng. Ta không cần phải đi tìm lời lý giải”. Câu trả lời này đủ dư làm thỏa mãn cái tâm của tôi. Sau một lúc, tâm tôi lại tiếp tục chảy hướng vào trong. Tôi chẳng làm gì cố ý để điều khiển cái tâm theo hướng nào hết. Nó tự như vậy. Khi nó chuyển sâu hơn và sâu hơn vào bên trong, nó lại chạm đến điểm đó, như dòng điện trào tới công tắc điện vậy. Lần này thì thân tôi như tan ra thành từ mảnh nhỏ và từng phân tử siêu nhỏ nhất. Tiếp tục tâm được giải thoát để thâm nhập sâu vào bên trong chính nó. Sự im lặng tột cùng. Sự im lặng này thậm chí thâm sâu hơn lần đầu. Tuyệt đối không có thứ gì bên ngoài có thể vào sâu đến đó. Tâm lại an trú vào đó trong một quãng thời gian, tùy theo ý định trước đó của người thiền, và sau đó nó lại rút lui và thoát ra. Lúc đó, tâm chỉ đơn thuần chảy theo cái đà của chính nó và tất cả là tự nó diễn ra. Tôi không hề tác động hay điều khiển cái tâm thoe hươngs nào hết, tâm chảy vào bên trong (định) hay thoát ra bên ngoài là hoàn toàn tự nó xảy ra theo đường lối tự nhiên của nó. Tôi chỉ đơn thuần là người đang biết và đang quan sát. Rồi tâm tôi quay trở lại với trạng thái tâm thức đời thường của nó, và giờ tôi chẳng còn thắc mắc hay phỏng đoán về điều gì vừa mới xảy ra. Khi tôi tiếp tục thiền, tâm lại tự động hướng vào bên trong. Lần này thì dường như tất cả vũ trụ đều tan ra thành những phân tử siêu siêu nhỏ. Trái đất, mặt đất, núi non, đồng ruộng và rừng ngàn—cả thế giới—đều tan rã thành không gian.

Mọi người biến mất. Mọi thứ biến mất. Đến lần thứ ba này thì tuyệt đối không còn lại gì hết. Cái tâm, sau khi đã hướng sâu vào bên trong (nhập định), nó an trú ở đó trong quãng thời gian như đã định trước. Tôi có thể nói tôi không hiểu chính xác tại sao tâm vẫn an trú ở đó. Rất khó mà tả thực lại điều gì đã xảy ra. Bởi không có gì có thể so sánh với điều đó, nên không thể dùng nó hay ngôn từ để tả thực về trạng thái đã xảy ra. Không có ví dụ so sánh nào là chính xác hết. Lần này tâm cũng an trú bên trong đó lâu hơn những lần trước đó, và sau một quãng thời gian lâu tâm mới thoát ra khỏi trạng thái định sâu đó. Khi tôi nói tâm thoát ra, tôi không nói nghĩa tôi làm nó thoát ra hoặc tôi có điều khiển điều đó xảy ra. Tâm tự mình làm lấy. Tôi chỉ đơn giản là một người quan sát. Cuối cùng tâm cũng quay trở lại trạng thái tâm thức đời thường của nó (sau khi thoát ra khỏi định). Làm sao chúng ta có thể đặt tên cho ba lần xảy ra như vậy? Ai biết được? Ta dùng chữ gì để đặt tên dán nhãn cho những trạng thái đã xảy ra đó?. (Tức là, nếu ta có gọi đó là Nhất thiền, Nhị thiền, Tam thiền… đi nữa, thì những danh từ đó cũng không chính xác so với những thực tại không thể tả thực được đó).

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ MỘT CÁCH BÌNH AN
  2. SỰ AN BÌNH SIÊU CÁ NHÂN

Bài viết khác của tác giả

  1. TRÍ TUỆ PHÁT SANH
  2. HÃY XẢ BỎ TẤT CẢ
  3. DÒNG NƯỚC TĨNH ĐANG CHẢY, DÒNG NƯỚC CHẢY ĐANG TĨNH

Bài viết mới

  1. THIỀN CẦU NGUYỆN
  2. RƠI VÀO ĐẤT CHẾT, SAU ĐÓ SẼ SỐNG
  3. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC