ĐỨC HẠNH KHIÊM TỐN – LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

LIỄU PHÀM TIÊN SINH

Trích: Liễu Phàm Tứ Huấn - Hay Phương Pháp Tu Phúc Tích Đức Cải Tạo Vận Mệnh;
Dịch giả: Tuệ Châu – Bùi Dư Long

 

Kinh Dịch dạy quy luật vũ trụ :

Luật thiên : Dư thừa bị rút bớt, Thiếu hụt được bổ thêm.
Luật địa : Cao lồi bị bào mòn, Trũng thấp được bồi đắp.
Luật quỷ thần : Kiêu ngạo bị trừng phạt, Khiêm tốn được ban phước.
Luật người : Tự mãn bị người nghét, Khiêm hạ được giúp thương.

Qua những quy luật trên, chúng ta nhận thấy từ thiên, địa, quỷ, thần cho đến con người đều binh vực bên khiêm hạ. Trong Kinh Dịch (1) gồm 64 quẻ, quẻ nào cũng bao gồm tính chất tốt lẫn xấu, chỉ có quẻ Khiêm này trong đó 6 hào (2) đều tốt.

Kinh Thư cũng dạy rằng : « Tự mãn gây thiệt thòi, Tự khiêm được ích lợi ». Ta nhiều lần đi thi với những bạn học đều nhận thấy rằng những thí sinh sắp sửa thi đậu đều có một khuông mặt tràn đầy khiêm tốn.

Chú thích:

(1) Kinh Dịch : dạy chúng ta hiểu rõ quy luật thiên nhiên cũng như quy luật con người để ta biết điều gì nên tìm đến và điều gì nên tránh né .(2) Hào : Trong Kinh Dịch có 64 quẻ. Mỗi quẻ gồm 6 hào, hào có nghĩa là giao nhau, nói lên tính chất tốt hay xấu cho từng trường hợp.

Thật thà chất phát, cung kính vâng chìu, thận trọng dè dặt, bị nhục không cãi

Năm Tân Mùi (1571), mười anh em trong huyện Gia Thiện chúng ta lên kinh đô thi cử nhân. Trong đó Đinh Kính Vũ là người trẻ tuổi nhất và cũng là người khiêm tốn nhất trong đám. Ta nói cho người bạn Phi Cẩm Ba rằng : « Người này năm nay sẽ đậu. »

Phi Cẩm Ba không hiểu hỏi : « Sao anh biết ? »

Ta nói : « Chỉ có người khiêm tốn mới gặp lành. Anh xem trong mười người chúng ta, có ai thật thà chất phát, không dành dẫn đầu lấy oai như Kính Vũ đâu? Có ai cung kính vâng chìu, thận trọng dè dặt như Kính Vũ đâu? Có ai bị làm nhục mà vẫn im lặng, bị nói xấu mà không biện hộ như Kính Vũ đâu? Người được như thế, trời đất quỷ thần đều sẽ phù hộ, làm sao mà không đậu được » ?

Đến khi xem kết quả, quả thật Kính Vũ thi đậu.

Khiêm hạ nghiêm nghị, thản nhiên nhận lỗi

Năm Đinh Sửu (1577) ta đi thi tại Kinh đô. Ở chung phòng với ông Phùng Khai Chí (1). Thấy ông khiêm hạ với nét mặt nghiêm nghị, không còn thấy những tạp khí ngày xưa nữa. Ông Phùng có một bạn tốt tên là Lý Tề Nghiêm, người thật thà thẳng thắn, thấy bạn làm sai là phê bình ngay trước mặt. Vậy mà ông Phùng thản nhiên nhận lỗi, không hề cãi lại. Tôi nói với ông Phùng rằng : « Phước hay họa sắp đến đều có những dấu hiệu báo trước của nó. Nếu lòng thật sự khiêm tốn thì trời sẽ giúp. Theo nhận xét của tôi ông năm nay chắc chắn thi đậu ». Sau đó ông Phùng đậu đúng y như ta đoán.

Ông Triệu Dư Phong, người tỉnh Sơn Đông, huyện Quan. Chưa đầy 20 tuổi đã thi đậu cử nhân. Nhưng sau đó thi tiến sĩ mãi vẫn không đậu. Thân phụ ông làm khoa trưởng huyện Gia Thiện. Ông Phong xin đi theo giúp việc. Trong huyện có ông Tiên Minh Ngộ, người tài cao học rộng, ông Phong lấy làm ngưỡng mộ và đem những bài văn xuất săc đến gặp ông Tiên Ngộ nhờ chỉ dạy. Nhưng không ngờ ông Ngộ lấy viết gạch bỏ hết những câu trong văn của ông Phong. Nếu là người khác chắc đã nổi nóng lên rồi, nhưng ông Phong không những không giận, mà lại khâm phục và nhanh chóng vâng lời sửa sai. Năm tới ông liền đậu tiến sĩ.

Chú thích:

(1) Phùng Khai Chi : Họ Phùng, tên Mộng Trinh, hiệu Khai Chi, người Triết Giang đời Minh. Học rộng chí cao, đậu tiến sĩ hạng nhất, làm quan biên soạn trong Hàn Lâm Viện.

Phước sắp đến, trí tuệ mở : lông bông sẽ chửng chạc, láo xược sẽ nghiêm nghị

Năm Nhâm Thìn(1592), ta lên kinh đô ra mắt vua. Ở đó ta có quen ông Hạ Kiến Sở. Thấy ông ta có khí sắc nhún nhường hạ mình, vẻ khiêm tốn tràn đầy. Ta về nói với bạn rằng : « Trời sắp ban phước cho người này ! Vì phước chưa đến mà đã thấy trí tuệ mở (1). Một khi trí tuệ mở thì người lông bông sẽ chửng chạc lại, người láo xược sẽ nghiêm nghị lại. Ông Kiến Sơ hiền lành ôn hoà đến mức như thế là dấu hiệu trời đã mở trí huệ cho ông ». Đến khi công bố kỳ thi kết quả, ông Kiến Sơ trúng tuyển thật.

Chú thích:

(1) Trí tuệ mở : Khi lòng yên tịnh đến một mức độ nào đó sẽ có hiện tượng khai trí tuệ. Có nghĩa là người đó sẽ cảm thấy đầu óc bỗng rõ ràng sáng sủa, những vấn đề ngày xưa không thấy mà bây giờ thấy rõ, những vấn đề ngày xưa cho là rắc rối nan giải bây giờ có thể giải quyết nhanh chóng dễ dàng, thái độ bề ngoài trở nên nghiêm nghị chững chạc.

Tạo công đức không cần tốn tiền, giữ niệm thiện trong lòng là đủ

Ở huyện Giang Âm có ông Trương Uy Nghiêm, học vấn giỏi, văn chương hay, nổi tiếng trong giới văn học. Năm Giáp Ngọ (1594) đi thi cử nhân ở Nam Kinh. Ông ở trọ trong một ngôi chùa. Sau khi biết kết quả thi rớt, ông trở về chùa mở miệng mắng chửi giám khảo kỳ thi là mờ mắt, không thấy tài năng của ông. Lúc đó bên cạnh có một đạo sĩ nhìn ông mỉm cười. Ông Trương liền đổ cơn giận về phía đạo sĩ. Đạo sĩ bèn nói : « Văn chương của ông chắc chắn không hay ! ».

Ông Trương càng nổi nóng thêm nói rằng : « Thầy chưa đọc văn tôi sao biết văn tôi không hay ? »

Đạo sĩ nói : « Làm văn hay điều khó nhất là phải sáng tác lúc trong lòng bình yên. Nay nghe ông chửi rủa lớn tiếng đủ thấy lòng ông không yên, như vậy văn của ông làm sao hay được » ?

Ông Trương cảm thấy ông đạo sĩ có lý và xin chỉ dạy.

Đạo sĩ nói : « Đậu rớt đều do số mạng. Nếu số mạng không đậu thì dù văn chương hay cách nào cũng chẳng làm gì được. Cho nên phải tự thay đổi số mạng trước ».

Ông Trương hỏi : « Nếu là số mạng thì làm sao thay đổi » ?

Đạo sĩ nói : « Mạng tuy do trời tạo, nhưng đổi hay không là do ta. Chỉ cần hết lòng làm thiện, tích trữ âm đức (1). Phước nào mà chẳng cầu không được » ?

Ông Trương nói : « Tôi là học trò nghèo, tiền đâu để làm thiện » ?

Đạo sĩ nói : « Việc thiện và âm đức chẳng qua phản ảnh tấm lòng của mình. Nếu luôn giữ một lòng lương thiện, công đức sẽ vô lượng. Như giữ lòng khiêm tốn chẳng hạn, chẳng cần tốn xu nào. Sao ông không tự xét lại mình mà lại còn chỉ trích giám khảo làm gì ? »

Từ đó về sau, ông Trương dẹp bỏ tạp khí kiêu ngạo của mình và nghiêm chỉnh kềm chế mình để đừng lạc vào con đường ngày xưa nữa. Vì vậy việc thiện mỗi ngày mỗi tu thêm, phước đức mỗi ngày mỗi tích lũy nhiều. Đến năm Đinh Dậu (1597), ông nằm mơ thấy đi đến một lầu cao, trông thấy danh sách trúng tuyển nhưng bên trong còn có nhiều chỗ bỏ trống. Ông hỏi người kế bên, người đó trả lời rằng : « Đây là danh sách trúng tuyển kỳ thi năm nay. »

Hỏi : « Tại sao có nhiều chỗ bỏ trống? »

Trả lời rằng : « Danh sách trúng tuyển cứ mỗi ba năm xét lại một lần, phải là những ai có âm đức và không gây tội lỗi mới có tên trong danh sách này. Như những chỗ bỏ trống đều là tên của những người đáng lẽ thi đậu những vì hạnh kiểm của họ không tốt cho nên bị xóa đi. » Sau đó lại chỉ một chỗ trống trên bảng danh sách và nói rằng : « Đây là chỗ của ông. Ba năm nay ông kiểm soát mình khá cẩn thận, có lẽ cũng sắp có tên rồi đấy. Mong ông tự thương lấy mình, đừng làm lỗi lầm nữa ».

Quả nhiên năm đó ông Trương đậu hạng 105.

Chú thích:

(1) Âm đức : Làm thiện ngấm ngầm không ai hay.

Khiêm tốn lòng mở rộng, rộng lượng chứa phước nhiều

Qua những chuyện xảy ra ở trên, chúng ta thấy rằng, xung quanh chúng ta đều luôn có thần minh giám sát. Dĩ nhiên ai cũng muốn tích chứa phước đức và tránh né tai hoạ, việc ấy hoàn toàn là do ta quyết định. Ta phải luôn luôn nhớ đến việc kiểm soát hành động của mình. Đừng bao giờ làm mất lòng thiên địa quỉ thần, mà còn phải khiêm tốn hạ mình. Để cho thiên địa quỉ thần lúc nào cũng thương xót ta, vậy mới tạo được cơ sở nhận phước. Còn những người tự cao đều không thể mở lòng rộng lượng hơn thêm. Dù một thời vượng lên rồi cũng không duy trì được lâu. Cho nên đối với người có chút hiểu biết, không ai muốn làm lòng mình nhỏ hẹp rồi hết chỗ chứa đựng phước báo. Hơn nữa, với lòng khiêm tốn, đi đến đâu cũng có người sẵn sàng chỉ dạy giúp đỡ, ích lợi vô cùng. Nhất là đối với những người đi theo con đường thi cử, khiêm tốn là điều không thể thiếu được.

Ước mong như gốc rễ, có rễ mới có trái

Người xưa nói rằng : « Người ước mong công danh (1) sẽ có công danh. Ước mong phú quí sẽ có phú quí ». Ước mong của con người như rễ của cây, có rễ mới có trái. Muốn tạo vững ước mong này, ý nghĩ nào cũng phải khiêm tốn, việc làm nào cũng tạo phương tiện cho người khác, dù là chuyện nhỏ như hạt bụi, cũng hết lòng mà cống hiến. Như thế mới cảm động trời đất rồi phước mới đến. Phải nhớ rằng phước tạo được hay không là do nơi ta. Nay người mong cầu thi đậu làm quan thường không có chí vững chắc ; Tùy cơn hứng, hứng lên thì hăng say, hứng xuống rồi bỏ.

Mạnh tử nói với vua Tề Tôn rằng : « Vua vui thích nhạc. Nếu vua vui mà không quên làm cho dân vui, khổ mà không quên giải quyết vấn đề khổ cho dân thì nước Tề không lý do gì mà không đi đến thịnh vượng ».

Ta nhìn con đường công danh cũng như thế; Ta ước mong công danh, nhưng vẫn không quên nâng đở cho mọi người đều được công danh, số mạng mọi người đều chuyển biến vương thịnh.

Chú thích:

(1) Công danh : khi thi đậu từ tú tài trở lên mới được gọi là có công danh

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỐNG ĐƠN GIẢN
  2. HẠNH PHÚC
  3. TÌNH YÊU THƯƠNG, NGUỒN GỐC CỦA HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ