TÂM TRÍ TRONG TOẠ THIỀN

JOHN DAISHIN BUKSBAZEN

Trích: Thiền Định Qua Ngôn Ngữ Giản Dị; Việt dịch: Huỳnh Văn Thanh; NXB. Hồng Đức; 2016

Trên một số phương diện, tâm thức cũng giống như một hồ nước. Khi nước yên tĩnh và chẳng có gì gây xáo động, mặt nước trở nên êm ả và phẳng lặng như gương, phản chiếu cực kỳ rõ ràng mọi sự vật.

Nhưng nếu nước bị khuấy động, khi ấy, tùy theo nó bị khuấy động bao lâu, các con sóng và gợn nước sẽ làm méo mó các hình ảnh phản chiếu, cho đến khi người ta chỉ còn có thể nhìn thấy những hình ảnh chập chờn tan tác. Chỉ đến khi sự khuấy động đó tan biến thì bạn mới có thể nhìn thấy rõ ràng trở lại mọi sự vật, và đó là thực tại, trong sự tròn đầy và không bị thiên lệch của nó.

Khi bạn hít vào, hãy nuốt trọn cả vũ trụ.

Khi bạn th ra, hãy thở ra cả vũ trụ.

Vào và ra.

Vào và ra.

Sau cùng, bạn quên mất s phân chia giữa hít vào và th ra;

ngay c sự hít thở cũng hoàn toàn quên.

Bạn chỉ ngồi đó với cảm giác hợp nhất.

Lão sư Maezumi

Khi ngồi đúng cách, chúng ta đang làm tĩnh lặng những con sóng lớn nhất, hiển hiện nhất – những con sóng sinh ra bởi sự chuyển động của cơ thể. Đó là lý do vì sao điều quan trọng là phải ngồi hoàn toàn yên tĩnh và không cựa quậy hay nhúc nhích. Nếu thân thể bất động, nó sẽ không tạo ra dòng cảm xúc vốn dễ khuấy động thành những con sóng lớn. Mặc dù chúng ta có thể gặp một sự khó chịu nào đó, hoặc những cơn ngứa ngáy, hoặc những cơn sổ mũi, nhưng cũng thật xứng đáng để quan hệ cởi mở với những điều này khi ngồi và không cử động, không gãi hoặc làm những gì như bình thường chúng ta có thể làm. Quan hệ cởi mở có nghĩa là đón nhận từng trải nghiệm như chính nó, chẳng bám chấp vào ý kiến hay cảm xúc liên quan đến nó, mà cũng chẳng cố gắng tránh né nó. Những bất mãn và khó chịu khác nhau cũng là một phần trong cuộc sống của chúng ta, y như những vui vẻ và hài lòng, và chừng nào còn cảm thấy bị bắt buộc phải tránh né cái này và theo đuổi cái kia, chừng ấy chúng ta vẫn chưa sống một cách giải thoát. Do đó, khi toạ thiền, chúng ta ngồi càng thật tĩnh lặng càng tốt, đồng thời giữ vững sự tĩnh lặng ngay cả trong ánh mắt, bất kể các cảm giác đang dấy sinh. Chúng ta chỉ đơn giản là ý thức và chấp nhận những gì đang đến, đúng như nó đang là – mà không tránh né hay bám chấp vào nó. Đả toạ (ngồi thiền) có nghĩa là như vậy.

Việc đó để nói rằng, điều quan trọng nữa là chúng ta không được biến các khó khăn thành những dịp để lạm dụng chính bản thân mình. Chuyện ngồi thiền không nên trở thành một cuộc thi đua, có tính điểm cho sự khéo léo kỹ thuật hoặc mức độ khó; trong từng khoảnh khắc, chỉ có thực hành như chính mình, mà không so sánh với mẫu hình lý tưởng có thật hay tưởng tượng nào đó.

Cộng thêm với mức độ tĩnh lặng sinh ra nhờ tư thế bất động, khi biết hít thở đúng cách, bạn sẽ càng làm cho mặt nước tĩnh lặng hơn nữa và đưa mình đến gần hơn nữa với trạng thái mặt nước tĩnh lặng như gương.

Nhưng còn lâu mới đạt được sự phản chiếu như gương nếu như tâm thức bị khuấy trộn bởi những tưởng tượng và mơ mộng, bởi những suy nghĩ lan man, và bởi nhiều hình thái hoạt động tâm trí phóng túng, buông thả, những hoạt động có vẻ tiếp diễn không ngừng ở hầu hết chúng ta trong đa số thời gian.

Trong đa số thời gian, chúng ta phải mang vác một gánh nặng: cái màn hình thật lớn của tự ý thức, của ý thức liên tục và gay gắt về “cái tôi”, có khuynh hướng làm che mờ cảm nhận trực tiếp về các trải nghiệm khi chúng dấy sinh và có khuynh hướng thay thế sự chú ý vào chính mình với tư cách người trải nghiệm, người sàng lọc mọi thứ. Trong đa số thời gian, ý thức về cái tôi như vậy rất quen thuộc, đến mức chúng ta không hề để ý đến. Nhưng đôi khi, nhất là khi lần đầu tiên khởi sự ngồi thiền, bạn có thể thấy mình bỗng trở nên hết sức ý thức về điều đó. Đa phần những gì đang diễn ra chính là vấn đề thái độ không ngừng phê phán cũng như đánh giá bất cứ điều gì thu hút sự chú ý của bạn. Nó thật sự có thể gây được sự chú ý nếu bạn chưa thực hành tọa thiền và đang cần lý do gì đó để ngồi yên lặng.

Ví dụ bạn đang ngồi yên lặng trong phòng, chẳng làm bất cứ chuyện gì, chỉ ngồi đó cho qua thời gian. Bạn thay đổi tư thế ngồi trên thường xuyên đến mức nào? Có bao nhiêu mơ mộng được sinh ra và phát triển sung mãn trong sự im lặng của căn phòng trống không? Có lẽ một chiếc xe cứu hỏa đang chạy ào qua khi bạn đang ngồi. Thay vì chỉ đơn giản là nghe âm thanh ấy và buông bỏ nó, chẳng phải việc phẩm bình điều đó là rất bình thường sao? (“Tại sao mấy chiếc xe cứu hỏa chết tiệt đó cứ không ngừng chạy ngang qua nhà mình vậy?”) Hay có thể bạn đang bước vào một cảnh hoàn toàn tưởng tượng về nó:

Tôi đang thắc mắc không biết đám cháy ở đâu. Có lẽ đó là căn nhà bỏ trống chỗ góc phố. Nhà gì mà chẳng có lối thoát hiểm! Mấy người chủ nhà nghĩ gì không biết nếu có hỏa hoạn xảy ra?… Rốt cuộc hôm nay có lẽ chính là cái ngày đó. Chẳng phải chuyện đáng suy nghĩ một chút nào, ước muốn hỏa hoạn xảy ra chỉ để chứng minh rằng mình không đồng tình với những người chủ nhà không có mặt ở đó… Dĩ nhiên, việc đó tự thân nó luôn là một vấn nạn.

Thật là buồn cười khi bạn nghĩ: một mặt, chúng ta ghét chuyện chẳng làm gì hết với những con sóng trên mặt hồ, và mặt khác, chúng ta cảm nhận nhu cầu sâu sắc là phải có sự yên lặng và sáng suốt để có thể nhìn thấy sự vật mà không bị những méo mó gây ra bởi các cơn sóng do chính chúng ta tạo ra chứ không ai khác!

Dẫu sao thì thật sự là khó lòng ngồi yên tĩnh, giữ vững sự tỉnh táo và chú ý mà không có vô vàn ý nghĩ chạy qua tâm trí.

Chẳng quá khó để tập trung sự chú ý vào một bộ phim hay; nó mang đến nhiều cơ hội để ngăn cản tình trạng thiếu tập trung, hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Nếu một khoảnh khắc trong phim chẳng mấy thú vị, điều đó cũng chẳng sao, bởi vì ngay trong giây phút kế tiếp thì một điều khác có thể xuất hiện lôi cuốn sự chú ý của bạn. Tất cả những gì bạn phải làm là ngồi một cách thụ động và cho phép các hình ảnh chảy tràn qua tâm trí hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, một điều gì đó luôn luôn xuất hiện để kéo bạn khỏi cảnh buồn chán, mà về phần bạn thì chẳng cần tốn sức một chút nào. Và nói chung, những điều thu hút sự chú ý và giúp tránh né sự tẻ nhạt luôn đầy màu sắc tươi sáng, ầm ĩ, dữ dội và sặc sỡ, đến độ ngay cả một sự chú ý hời hợt nhất cũng sẽ mang lại một vụ mùa những kích thích giác quan và những phản ứng tinh thần mang tính giải trí. Bằng cách này, mặt hồ không ngừng bị khuấy động, và bạn đang xoay xở để giữ cho mình không tiếp xúc được với chân tính của chính mình.

Do đó, công việc đầu tiên để điều hòa tâm thức của bạn là làm cho tâm thức cùng ngồi với cơ thể và hơi thở. Khi bắt đầu hành thiền, bạn thực hiện điều này bằng cách đếm hơi thở.

Trước tiên, hãy ngồi cho thật đúng cách và để cho sự hít thở trở nên đều đặn và êm ái.

Khi bạn bắt đầu thở ra, hãy đếm hơi thở ra đó là một. Thế rồi, khi bạn hít vào, hãy đếm hơi thở hít vào đó là hai. Khi bạn thở ra lại, hãy đếm đó là ba, và lần hít vào kế tiếp đó là bốn, cho đến khi bạn đếm đến mười. Bắt đầu toàn bộ lại từ đầu với hơi thở kế tiếp là một, và lặp lại việc đếm từ một đến mười lần nữa rồi lần nữa. Hãy tiếp tục việc này một cách đều đặn đến khi bạn có thể thực hiện nó bằng sự chú ý hoàn toàn, không đếm sai, không thấy chán, không suy nghĩ lan man, không làm bất cứ điều gì khiến bị mất tập trung. (Khi đạt được mức này trong hành thiền, đó là lúc bạn nên chuyển sang một cách tập khác, đó là chỉ đếm các hơi thở ra hay chỉ dõi theo hơi thở mà không đếm gì hết.)

Đếm hơi thở là một việc làm rất giản dị, nhưng chẳng phải dễ dàng. Có một điều mà hầu hết mọi người đều vấp phải khi bắt đầu là không ngừng suy nghĩ, và thấy rằng việc làm này thật khổ sở. Để có một cái nhìn hợp lý về điều này, hãy thử khảo sát hai loại suy nghĩ khiến chúng ta thấy lo lắng.

Thứ nhất, bởi bản chất của bộ não con người là không ngừng sinh ra các ý nghĩ, cho nên chẳng ai cảm thấy bối rối khi việc này xảy ra. Bất kỳ ai đang không ngủ hay không bị tổn thương não thì cũng sẽ có hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác. Việc đó hết sức bình thường.

Những chớp lóe của hoạt động tinh thần, những suy nghĩ bất chợt, chẳng phải là vấn nạn trong toạ thiền; chúng đơn giản chỉ là hoạt động tự nhiên của một bộ não khỏe mạnh. Nếu cố gắng ngưng những suy nghĩ bất chợt này, bạn sẽ gặp khó khăn, và có thể rơi vào trạng thái giống như mất hồn, một điều hoàn toàn chẳng mang tính chất tọa thiền chút nào. Trong tọa thiền, bạn không cố gắng để làm ngưng tất cả các suy nghĩ, không cho chúng xảy ra.

Mặt khác, có một loại suy nghĩ vốn chính xác là những gì bạn phải buông bỏ khi ngồi thiền, bởi vì nếu không, nó sẽ khống chế tâm thức của bạn như nó đang làm trong toàn bộ cuộc đời bạn. Dạng suy nghĩ đó được gọi là suy nghĩ lan man, hay suy nghĩ theo chuỗi; nó được dàn xếp theo một cốt truyện, một chủ đề liên tục bởi vì nó bao gồm một chuỗi ý tưởng lúc đầu nảy sinh từ một suy nghĩ bất chợt và ngẫu nhiên, rồi dần dần biến thành một sản phẩm mang tính triết lý hay kịch nghệ rất công phu, nó sẽ tước bỏ sự tập trung một cách hết sức hiệu quả, cũng như làm khuấy động mặt nước tâm thức của bạn.

Nhưng cách thức xử trí với các suy nghĩ ngẫu nhiên hoặc suy nghĩ lan man cũng như nhau. Ngay khi bạn nhận ra điều gì đang xảy ra, hãy ngưng lại, quay trở về với số một, và bắt đầu đếm trở lại với sự hăng hái mới. Nếu thỉnh thoảng gặp những suy nghĩ bất chợt, bạn có thể chỉ cần tiếp tục và phớt lờ chúng. Nhưng nếu các suy nghĩ bất chợt bắt đầu chuyển thành dòng ý thức độc thoại, khi ấy bạn sẽ thấy hữu ích nhất chính là quay trở lại đếm từ một và bắt đầu quá trình tu tập một lần nữa.

Nguyên lý trong vấn đề này về cơ bản rất đơn giản: không ai thật sự có thể tập trung sự chú ý vào hai việc cùng một lúc. Nếu nó có vẻ như đang xảy ra, trong thực tế chẳng có suy nghĩ hay đối tượng suy nghĩ nào giành được trọn vẹn sự chú ý của bạn. Và ngược lại, nếu bạn thật sự đang hướng toàn bộ sự chú ý của mình vào một tiêu điểm, chẳng còn sự chú ý nào khác để giành cho các suy nghĩ như bối rối, buồn chán hoặc tự phê phán chẳng hạn.

Đừng ngộ nhận vì tính chất đơn giản của pháp môn này. Có thể phải tốn khá nhiều công phu gian khó trước khi bạn có thể đếm được từ một đến sáu, chứ đừng nói đến mười. Nhưng chẳng có gì bí mật liên quan đến con số mười cả! Nếu bạn không đếm được nhiều như vậy, mà chỉ đếm được đến hai, ba thôi, đó cũng có thể là sự tập luyện hết sức hiệu quả, miễn sao bạn vẫn không ngừng quay trở lại việc đếm. Điều quan trọng là tính chất kiên định của sự chú ý. Bản thân việc đếm từ một đến mười không phải là mục đích, mà chỉ đơn giản là một cấu trúc tạm thời nhằm giúp phát triển sự chú ý nhất tâm. Nếu việc “đếm được đến mười” trở thành mục tiêu, việc đó cũng có thể trở thành một yếu tố gây xao lãng. Các con số chỉ là những dấu mốc, chứ không phải là những mục tiêu. Khi đếm, chúng ta chỉ đếm mà thôi, Nếu phải bắt đầu lại vào lúc đếm được đến năm, hay thậm chí đến mười, chúng ta chỉ là bắt đầu lại, không bình luận, không phê phán. Bằng cách đó, chẳng mấy chốc bạn sẽ phát triển được sức tập trung mạnh mẽ, và các kết quả sẽ khích lệ bạn tiến xa hơn nữa. Khía cạnh rèn luyện tinh thần này cũng giống như việc tập cử tạ. Mặc dù lúc mới bắt đầu bạn yếu ớt, nhưng những buổi luyện tập thường xuyên và đều đặn chẳng mấy chốc sẽ mang lại kết quả.

Từ đầu đến giờ, chúng ta đang nói về ba khía cạnh của việc ngồi thiền – cơ thể, hơi thở và tâm trí – như những phần riêng biệt. Nhưng trong hành tập thực tế bạn sẽ làm việc cùng một lúc với cả ba. Thật ra, cơ thể, hơi thở và tâm trí là bất khả phân. Khi tư thế càng mỹ mãn, bạn càng có thể làm cho cột sống của mình gióng thẳng, sự hít thở càng trở nên đễ đàng thoải mái và tâm thức của bạn càng an tĩnh. Và mặt khác, tâm thức càng trong suốt, cũng như sức tập trung chú ý càng mạnh mẽ, bạn sẽ càng đỡ vất vả trong việc giữ cho lưng được thẳng hay giữ cho việc ngồi được thoải mái mà không phải cựa quậy nhúc nhích hay thay đổi tư thế.

Với tinh thần như vậy, đừng nản lòng nếu một khía cạnh trong việc hành tập diễn ra chậm chạp hơn so với khía cạnh khác. Việc tu tập của mỗi người phát triển khác nhau, và thường thường ba khía cạnh này của việc ngồi sẽ hoàn thiện theo những tốc độ khác nhau.

Để xử lý sự nản chí, có lẽ hữu ích nhất là nghĩ đến chuyện chỉnh dây của cây đàn guitar: nếu dây căng quá hay chùng quá, không thể đạt được âm vực đúng. Tương tự, khi ngồi, chúng ta không cố gắng để tìm biết xem mình có thể lên các sợi dây cơ thể, hơi thở và tâm thức căng đến mức nào; mà là, chúng ta đang cố gắng để đạt được âm vực tĩnh lặng đúng cách ra sao. Chúng ta cần phải nhận ra rằng mỗi khoảnh khác là một khoảnh khắc mới mẻ, chưa từng tồn tại trước đó. Các trải nghiệm nơi thân và tâm của chúng ta đến và đi một cách tự nhiên. Mệt mỏi, thích thú, buồn bã, khó chịu, chú ý tản mạn, và các mối lo lắng, phiền muộn – là những biến cố tự nhiên, cũng giống như các thay đổi của thời tiết vậy. Đôi lúc trời nóng, đôi khi trời lạnh. Đôi lúc trời nắng sáng, có lúc trời đầy mây. Nhưng nó luôn luôn chính là thời tiết. Khi ngồi thiền, đó chính là cuộc sống của chúng ta đang phơi bày, trong từng khoảnh khác. Ngay cả sự chán nản cũng chỉ là một khoảnh khác của hiện hữu, chẳng cần gì phải bám chấp vào đó hay sợ hãi nó. Hãy đón nhận mỗi khoảnh khắc như nó đến, và bước tiếp đến khoảnh khắc mới, độc đáo, kế tiếp. Đây chính là toạ thiền.

Tuy nhiên, khi thực hành việc ngồi thiền một cách thành thật và hăng hái, bạn dễ có khuynh hướng bắt gặp những câu hỏi quan trọng cần giải đáp. Ở đây, một lần nữa chúng ta lại thấy sự cần thiết của việc có mối quan hệ thầy-trò. Cũng giống như việc một vận động viên có thể được hướng dẫn để xem các khó khăn như những cột mốc để giúp mình trau dồi năng lực, người ngồi thiền cũng có thể được chỉ bảo như vậy. Nhưng, cũng giống như một vận động viên phải luyện tập ngay cả khi không có sự dẫn dắt của huấn luyện viên, người ngồi thiển cũng phải biết hành tập ngay cả khi không có sự giám sát của người thầy. Mặc dù người thầy là hết sức quan trọng, nhưng cũng phải hiểu rằng tự thân việc ngồi thiền cũng đã là một người thầy tuyệt vời. Việc ngồi thiển một mình hay chung với cả nhóm gồm những người giống mình luôn luôn là đáng quí; tốt nhất là hãy hành tập theo cách này hay cách kia còn hơn là chẳng tập gì hết chỉ vì bạn không thể tìm được một người thầy.

Mặc dù vậy, cũng nên nhấn mạnh một lần nữa rằng; sớm hay muộn, việc tu tập với một vị thầy có đủ tư cách mà bạn có thể tín tưởng, hoặc với người mà bạn có thể thảo luận chân tình về việc tụ tập của mình, là điều vô cùng quan trọng. Cho dù có đọc sách vở nhiều bao nhiêu cũng không thể ứng xử hiệu quả với mọi trải nghiệm có thể có, vì những trải nghiệm này luôn luôn nảy sinh từ chiều sâu của bản ngã. Nhưng, nếu tuân thủ cẩn thận các chỉ dẫn trong sách này, bạn sẽ có được bước khởi đầu tốt đẹp cho việc tu tập cơ bản, và điều đó sẽ giúp bạn duy trì cho đến khi sẵn sàng để tìm thấy vị thầy cho mình.

Hành thiền cũng giống như tập thể dục thuờng xuyên, tạo dựng sức khỏe, vẻ đẹp và lòng tự tin để ứng phó với những tình huống mà chúng ta đối điện ngày ngày.

Và nó giống như một phòng thí nghiệm, trong đó chúng ta có thể thí nghiệm liên tục sự hiểu biết của mình để xem nó có thỏa đáng hay không.

Nếu chưa từng thí nghiệm qua các niềm tin của mình, chúng ta chẳng làm thế nào biết được chúng đúng hay sai.

Lão sư Maezumi

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN VỀ BẢN TÍNH CỦA TÂM
  2. THIỀN MANG LẠI LỢI ÍCH NHƯ THẾ NÀO TRONG ĐỜI SỐNG CỦA BẠN?
  3. THIỀN TRONG CÔNG VIỆC

Bài viết khác của tác giả

  1. TRUYỆN VỀ ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
  2. VẤN NẠN VÀ GIẢI PHÁP
  3. THÔNG TIN CƠ BẢN – TRUYỆN VỀ ĐỨC PHẬT

Bài viết mới

  1. SỰ GẮN BÓ
  2. SỐNG CHẬM LẠI
  3. HẠNH PHÚC LÀ ĐIỀU CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC