THÔNG TIN CƠ BẢN – TRUYỆN VỀ ĐỨC PHẬT

JOHN DAISHIN BUKSBAZEN

Trích: Thiền Định Qua Ngôn Ngữ Giản Dị; Việt dịch: Huỳnh Văn Thanh; NXB. Hồng Đức; 2016

 

John Daishin Buksbazen là nhà sư Phật giáo Thiền tông tại Thiền viện Los Angeles (ZCLA). Qui y năm 1968, ông đã tu tập hơn một thập niên dưới sự dìu dắt của Lão Sư Taizan Maezumi trong lúc vẫn làm công việc biên tập, xuất bản các tài liệu Thiền tông do ZCLA ấn hành, đồng thời với hoạt động tư vấn.

Cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm tại Ấn Độ, người con của một vị vua giàu sang và quyền thế đã có một khám phá hết sức sâu sắc. Không hài lòng với cuộc sống được chở che bảo bọc của mình và hết sức buồn phiền trước những vấn nạn cuộc sống, trước cái chết lẫn sự khổ đau của con người xung quanh mình, Ngài đã rời bỏ ngôi nhà của gia đình và bắt đầu bước vào một cuộc hành trình khám phá tự thân. Và sau nhiều năm nghiên cứu triết lý học thuật cũng như tu khổ hạnh một cách nghiêm ngặt, Ngài đã thừa nhận rằng mình chưa thể trả lời được cho câu hỏi cơ bản: “Sự sống và cái chết là gì?”.

Vào lúc đó, Ngài đã từ bỏ các pháp môn trước đây như tuyệt thực, tự hành xác và tầm cầu tri thức. Ngài quyết định rằng cách duy nhất để thật sự trả lời được câu hỏi đó chính là đi vào nội tâm.

Do đó, Ngài đã thôi tuyệt thực, uống một bát sữa (điều thật sự khiến các bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài sửng sốt!), và tìm kiếm câu trả lời từ bên trong. Trải suốt sáu năm, hoạt động chính của Ngài là ngồi bất động hết giờ này đến giờ khác, tìm kiếm sâu bên trong tâm thức của chính mình. Lúc ấy, Ngài biết mình đã đi đúng hướng; Ngài có thể cảm thấy điều đó khi an trú vững vàng hơn và mạnh mẽ hơn trong cuộc thiền định.

Nhưng mặc dù đã quyết tâm, Ngài vẫn phải vận dụng rất nhiều công phu gian khó để không bị nản lòng và không bị lạc vào những chủ đề khác.

Ngài tiếp tục tu tập một cách vững chắc và một ngày kia, Ngài cảm nhận mình đã đạt đến đỉnh điểm của một cuộc khủng hoảng, đơn giản là phải chọc thủng bất cứ bức màn nào đã ngăn che Ngài khỏi sự nhận thức chân lý. Và thế là, trong ý tưởng như vậy, Ngài đã ngồi dưới một cội cây và thệ nguyện sẽ không đứng lên cho đến khi nào trả lời được câu hỏi cháy bỏng của mình hoặc sẽ chết trong nỗ lực như vậy.

Khi ngồi xuống, Ngài đã tập trung toàn bộ nỗ lực của mình vào câu hỏi và đã để hết tâm trí vào việc quan sát đến mức không còn biết đến bất cứ điều gì khác.

Ngài thậm chí đã không hề nghĩ đến chính mình. Ngài và câu hỏi có vẻ như chẳng còn là hai sự vật khác nhau nữa, như thể Ngài đã hoàn toàn trở thành một với câu hỏi và trở thành chính sự truy vấn.

Vào ngày 8 tháng 12, khi ngồi trong sự nhập định hoàn toàn, Ngài thoáng thấy một tia sáng của ngôi sao buổi sớm đơn độc trong bầu trời trống trải lúc bình minh. Và vào khoảnh khắc đó, một điều thật phi thường đã xảy ra. Ngài chính là ngôi sao buổi sớm đó, Ngài chính là toàn thể vũ trụ. Dĩ nhiên, trải nghiệm này có thể được báo trước gần như từ bất cứ điều gì khác: một con chim kêu, một con thú chạy ngang qua, một ngón chân bị vấp. Thật ra, gần như bất kỳ hiện tượng nào cũng đều có khởi lên bước đột phá một khi Ngài đã an trụ trọn vẹn và tập trung vào câu hỏi. Vào lúc đó, câu hỏi của Ngài tan biến, và Ngài đã thấu hiểu như thể Ngài đã tỉnh thức sau một giấc mơ và có thể nhìn thấy thực tại một cách trực tiếp lần đầu tiên.

Và kể từ đó, mọi người gọi ngài là Phật, một danh hiệu đơn giản có nghĩa là “Giác giả” (Người đã tỉnh thức).

“Chúng ta phải thấy cuộc đời một cách rõ ràng. Sự hiện hữu ngay chính khoảnh khắc này – Đó là cái gì?”
_ Lão sư Maezumi

PHẢ HỆ

Đức Phật đã dành suốt phần đời còn lại của mình, gần năm mươi năm, để giảng giải và chỉ dẫn cho mọi người cách thức để họ cũng có thể giác ngộ bằng cách thực hiện cùng khám phá mà Ngài đã thực hiện. Dần dần, những người khác đã hành tập việc tọa thiền như Ngài đã chỉ dạy và tìm cho chính mình trải nghiệm nhận chân tự ngã, cũng như sự sống và cái chết trên bình diện cơ bản nhất.

Trải qua bao năm tháng đi theo bước đột phá của Ngài, nhiều đệ tử cũng đã có sự khám phá tương tự trên con đường chuyển pháp luân của Đức Phật. Một trong các đệ tử của Ngài có kiến thức uyên thâm và thông suốt đủ để có thể độc lập hoằng dương giáo lý là Ma Ha Ca Diếp.

Đến phiên Ma Ha Ca Diếp cũng tự tìm người kế thừa có khả năng mang lại sự chỉ dẫn đáng tin cậy cho các đệ tử tương lai.

Điều này tiếp tục diễn ra suốt hai mươi tám thế hệ tại Ấn Độ, trước khi một trong những người được thọ truyền y bát, Bồ Đề Đạt Ma, tìm đường sang Trung Hoa, mang theo cùng với Ngài pháp môn tọa thiền. Sau sáu thế hệ tại Trung Hoa, giáo pháp lan truyền sang những nước khác ở Châu Á, và đến Nhật Bản. Điều quan trọng nhất phải nhớ về tính chất liên tục của con đường này là, nó chưa bao giờ sở cậy và nghiên cứu tri thức thuần túy hay sự hiểu biết qua trung gian; luôn luôn có những cá nhân được giao trách nhiệm truyền bá Phật pháp, những người mà sự tu tập và nhận thức của họ thật sự kiệt xuất, những người đã nắm bắt thấu suốt tinh túy của từng lời pháp. Thêm nữa, tính cách của cá nhân đó phải đặc biệt phù hợp với nhiệm vụ giảng dạy cho người khác. Với những điều kiện như vậy, mới có thể trở thành người được thọ truyền y bát trong phả hệ hoằng pháp của các vị Thầy.

Chính dòng hệ các vị Thầy không chút gián đoạn như vậy đã giúp đảm bảo ánh sáng giác ngộ của Đức Phật lịch sử tiếp tục trải qua hơn tám mươi thế hệ, từ Ấn Độ đến các nước phương Đông và ngày nay là thế giới phương Tây.

Điều hết sức quan trọng là bạn cần tu tập dưới sự dẫn dắt của một vị thầy có uy tín thuộc dòng truyền thừa như thế để có thể đạt được sự hiểu biết thâm sâu và rõ ràng về đạo pháp.

“Không ai có thể sống cuộc đời của bạn ngoại trừ bạn. Không ai có thể sống cuộc đời của tôi ngoại trừ tôi. Bạn có trách nhiệm. Tôi có trách nhiệm. Nhưng, cuộc đời của chúng ta là gì? Cái chết của chúng ta là gì?”
_Lão Sư Maezumi

PHẬT ĐẠO Ở PHƯƠNG TÂY

Thiền tông đã được truyền thừa xuyên qua các nền văn hóa nhắc nhở với chúng ta rằng Phật pháp không phải là sự huyền bí Xa Lạ của Phương Đông và những người phương Tây không thể hiểu được. Nó đã đến từ châu Á, nhưng vấn đề là ngay tại phương Tây, người phương Tây vẫn có thể theo pháp môn này, không phải như những người ngoại quốc nhúng mình vào một văn hóa xa lạ, mà là nhúng mình vào trong chính mình. Khi việc này xảy ra, Phật pháp cũng mang tính chất tự nhiên và bản địa y như những người đang hành tập giáo lý đó vậy.

Ngày nay chúng ta cũng băn khoăn với những câu hỏi mà Đức Phật từng tự hỏi. Chúng ta có vẻ như đang tìm kiếm một nguyên lý cơ bản nào đó nói kết mọi thứ lại với nhau. Chúng ta muốn nguyên lý này phải giúp chúng ta sống cũng như phát triển một cách hài hòa và lành mạnh trong một thế giới ngày càng khó khăn hơn.

Là một khúc ngoặt của tâm thức, chúng ta không muốn miễn cưỡng tiếp nhận các khái niệm, miễn cưỡng tiếp nhận các nguyên tắc chung mơ hồ về mặt cảm xúc, hay chấp nhận gián tiếp những cái nhìn thấu suốt của người khác ,bất luận người đó có thể đáng kính trọng hay đáng ngưỡng mộ đến mức nào. Chúng ta muốn tìm kiếm cho chính mình, một cách trực tiếp, rõ ràng và minh bạch, thật sự chúng ta là ai, cuộc sống của chúng ta là gì, và chính xác thì sự thấu suốt đó mang lại sự khác biệt nào.

Trong quá trình thu thập hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này sang năm khác, chúng ta tìm thấy cảm hứng và sự dẫn dắt và các Phật tử đã luôn luôn tìm kiếm. Và sau khi nhận chân những vấn nạn và giải pháp mà một vị thầy mang lại, người đệ tử đã có thể đích thân gặt hái quả vị bồ đề, bởi việc khám phá cái tôi thật sự của mình, bằng cách vượt lên bản ngã hạn hẹp của mình.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khuyến khích các đệ tử là đừng sở cậy vào người khác, mà hãy tìm ở chính mình để đạt được giải thoát. Mười bảy thế kỷ về sau, thiền sư Đạo Nguyên đã nói:

“Nghiên cứu Phật đạo là nghiên cứu chính mình.
Nghiên cứu chính mình là quên đi bản ngã.
Quên đi bản ngã tức là được khai ngộ nhờ vạn pháp.”

Sau đây là cách để bắt đầu làm được điều đó.

“Tọa thiền là sự tu tập và nhận thức về sự thị hiện thân tâm của chúng ta là bồ đề, là giác ngộ. Đó là cả sự tu tập lẫn sự nhận thức, bởi vì khi chúng ta thật sự tọa thiền chẳng có sự phân biệt nào giữa tu tập và nhận thức. Đó là trí huệ như nó đang là, như vạn pháp đang là. Tọa thiền, pháp môn của Phật đạo, chẳng gì khác hơn ngoài trải nghiệm đời sống.”
_Lão Sư Maezumi

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TRUYỆN VỀ ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
  2. TÂM TRÍ TRONG TOẠ THIỀN
  3. VẤN NẠN VÀ GIẢI PHÁP

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM