VẤN NẠN VÀ GIẢI PHÁP

JOHN DAISHIN BUKSBAZEN

Trích: Thiền Định Qua Ngôn Ngữ Giản Dị; Huỳnh Văn Thanh dịch; NXB Hồng Đức, 2016.

John Daishin Buksbazen là nhà sư Phật giáo Thiền tông tại Thiền viện Los Angles (ZCLA). Qui y vào năm 1968, ông đã tu tập hơn một thập niên dưới sự dìu dắt của Lão sư Taizan Maezumi trong lúc vẫn làm công việc biên tập xuất bản các tài liệu Thiền tông do ZCLA ấn hành, đồng thời với hoạt động tư vấn.
Là một bác sĩ chuyên khoa tâm lý trị liệu kiêm nhà phân tâm học hành nghề tại Santa Monia, California, ông còn là người phụ trách Chương trình Đào tạo Tâm lý trị liệu Cao cấp tại Viện Phân tâm học Nam California.

? Bản chất của vấn nạn

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lần đầu tiên trải nghiệm giác ngộ, Ngài đã thốt lên rằng thật hết sức diệu kỳ, thật tuyệt vời, rằng tất cả chúng sinh đều có cùng trí huệ và từ bi như bậc giác ngộ, nhưng bởi nhận thức của họ đã bị sai lạc cho nên họ đã không thể thấy điều này một cách trực tiếp.

Điều Ngài muốn nói là, chúng ta có khuynh hướng tạo ra các vấn nạn cho chính mình bằng phương cách tư duy theo thói quen và bằng những thiên kiến thâm căn cố đế của nhận thức, nhưng về bản chất, tất cả chúng ta đều hoàn toàn trong sáng.

Khi dụng trí phân biệt để chia tách chính mình và thế gian thành phạm trù cố hữu, chẳng hạn như “tốt” và “xấu”, “chúng ta” và “bọn họ”, “thực tế” và “lý tưởng”, chúng ta phát hiện ra mình đã bị vướng vào những khó khăn nan giải.

Suy nghĩ logic và có đầu óc phân tích có thể là cách tốt nhất để tư duy và để hiện hữu. Nhưng khi suy xét cẩn thận, chúng ta sẽ thấy rằng kiểu tư duy tuyến tính như vậy chỉ hữu ích cho một số loại công việc nào đó mà thôi; đối với những loại công việc khác, nó hoàn toàn vô dụng.

Vấn nạn đối với hầu hết những người sinh ra trong nền văn hóa phương Tây, là đã được dưỡng dục và hình thành những thói quen rất sâu đậm, ngay từ thời thơ ấu, là trông cậy gần như hoàn toàn vào logic tư biện và suy nghĩ duy lý, đôi lúc thậm chí còn bị ngăn cản không được phát triển hay trông cây vào khả năng bẩm sinh của mình để nắm bắt thực tại một cách trực giác và trực tiếp.Những khả năng ấy có thể bị nhiều người gán cho cái nhãn là “phi khoa học”, và bị loại trừ như thần bí khó hiểu hoặc chỉ là tưởng tượng đơn thuần. Ngay cả khi cố gắng để lý giải những câu hỏi liên quan đến các giá trị và mục đích tối hậu, khi cố gắng để tiếp cận với thực tại, chúng ta thường được khuyến khích là phải tuân thủ các mô thức tư duy đã tiếp thu trước đây trong nền giáo dục phương Tây và không được tin vào những phương cách khác.

Bởi đã được dạy là phải phủ nhận cũng như cắt đứt sự tiếp xúc với trực giác và tri kiến trực tiếp, và phải dựa hoàn toàn vào khía cạnh duy nhất là tri thức gián tiếp, chúng ta đã xa lìa khỏi chính mình, thay vì đơn giản chỉ hiện hữu thôi.

Và khi làm như vậy, chúng ta tạo ra một sự chia cắt, một khoảng trống mà chúng ta trải nghiệm như một sự vong thân, với những cảm xúc cô độc, chán chường, thất vọng, khao khát hoặc sợ hãi. Chúng ta nhìn vào gương và nhìn thấy những bản ngã cá nhân bị đọa đày trong sự câu thúc cô đơn. Dĩ nhiên, chúng ta có vô số phương tiện giải trí và những thú tiêu khiển bên trong nhà ngục của mình, những thứ mà chúng ta đang sử dụng để đánh lạc hướng chính mình trong đa số thời gian. Nhưng chẳng sớm thì muộn, trong hầu hết các cuộc đời, sẽ có lúc mà chúng ta cảm thấy, một cách đau khổ dù ít hay nhiều, rằng về cơ bản có điều gì đó hoàn toàn không đúng. Xu hướng của chúng ta khi ấy là tìm kiếm và xác định nguồn gốc của vấn nạn này theo các phạm trù xã hội, chính trị, kinh tế hay quan hệ giữa cá nhân với cá nhân. Ngay cả khi tâm lý học phương Tây có sự “quay vào bên trong” chăng nữa, nói chung chúng ta cũng chọn giao tiếp với các ký ức và cảm xúc của mình theo khuôn khổ các tương tác với tha nhân, xem chính mình như thể bị tác động, và các trải nghiệm của chúng ta như thể bị quyết định, bởi những sức mạnh nằm bên ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Bởi vì những tư tưởng đó cũng đúng phần nào, chúng ta có khuynh hướng bám chấp vào chúng, bằng cách khéo léo tổ chức cuộc sống của mình xoay quanh chúng, gắn bó với chúng một cách vô tâm, và phụ thuộc vào chúng. Nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ bước xa hơn điều đó. Nhưng ngày càng có nhiều người thấy rằng cách tiếp cận như vậy để hiểu được cuộc sống suy cho cùng chẳng mang lại sự thỏa mãn, chẳng thể giải đáp các câu hỏi thật sự căn bản của cuộc đời. Đôi lúc, chúng ta có thể thấy cuộc đời mình bao gồm quá nhiều biến cố, tất cả đều trôi qua nhanh chóng đến độ khó lòng theo dõi được tất cả. Thế giới xung quanh không ngững thay đổi, hết khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác; con người cứ đến rồi lại đi, hoàn cảnh mỗi lúc mỗi khác – làm thế nào chúng ta có câu trả lời thỏa đáng cho tất cả những điều đó?

Thế giới bên ngoài thật ra chẳng bận rộn hoặc phức tạp gì hơn so với thế giới bên trong của chúng ta, cái thế giới tràn đầy những cảm xúc, xung động, suy nghĩ, ký ức, những tưởng tượng, ước muốn, hy vọng và sợ hãi. Bên trong chúng ta, hết thảy những trải nghiệm này đang dấy sinh và thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác trong một vũ điệu nhanh đến chóng mặt cùng với các biến cố ở thế giới bên ngoài. Hiếm khi chúng ta ý thức về những cung cách mà vũ điệu này đang ảnh hưởng đến các tương tác của chúng ta với thế giới bên ngoài hay thế giới bên trong của mình.

Chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với cơn lốc xoáy biến cố đến mức tưởng tượng, một cách đơn giản, rằng đó là “cách mà các sự vật đang là”, chưa bao giờ ngừng lại để đặt dấu hỏi về phản ứng của mình. Và khi đã đến lúc, chúng ta phát hiện thấy mình đang ngày càng trở nên mệt mỏi hơn bởi những sự việc xảy ra thật đơn điệu, và chúng ta ngày càng bị căng thằng vì những biến cố thường nhật. Thỉnh thoảng, cuộc sống của chúng ta giống hệt một vòng tròn bất tận gồm những hành động và phản ứng có điều kiện; và đôi lúc, chúng ta có thể chỉ đơn giản là ngoảnh mặt khỏi cảnh tượng nản lòng này và đánh mất chính mình vào các biến cố bề mặt của cuộc đời.

Thế nhưng, sau những năm tháng như vậy, chúng ta cảm thấy có một ý niệm mơ hồ, xa xôi rằng mình đã bỏ sót điều gì đó giữa sự bận rộn quá mức này. Có thể chúng ta hoàn toàn không biết đích xác mình đang bỏ sót điều gì, nhưng biết rằng mình đang bỏ sót.

Thỉnh thoảng, dường như nếu có thể “nghỉ giải lao” khỏi những nhu cầu bất tận đang đòi hỏi sự chú ý và công sức của chúng ta, nếu có thể bằng cách nào đó chỉ cần ngưng lại một chút khỏi thái độ không ngừng ứng phó hết chuyện này đến chuyện khác, biết đâu chúng ta có thể bắt gặp một cái nhìn thoáng qua về những gì chúng ta đang tìm kiếm. Và rồi chúng ta có thể nỗ lực để sang số: một sự thay đổi quang cảnh, một sự thay đổi nào đó trong các nề nếp thường nhật. Chúng ta thực hiện sự thay đổi ở bên ngoài với hy vọng điều đó sẽ mang chúng ta đến gần hơn với sự bình yên nào đó ở bên ngoài, sự cân bằng ở bên trong, hay một lợi thế mà từ đó chúng ta có thể khiến cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, để nhìn thấy bản thân mình một cách rõ ràng hơn. Nhưng điều không tránh khỏi là, sự thay đổi rồi cũng kết thúc, cái mới mẽ trở thành quen thuộc, và biến cố trở thành lệ thường. Thế là, vòng quay ngựa gỗ lại bắt đầu trở lại.

Và sau cùng, chúng ta bắt đầu tìm kiếm một cách tiếp cận sâu xa hơn, một phản ứng xuyên thấu đến tận gốc rễ của hiện hữu, thay vì chỉ đơn thuần là tiếp tục chú ý đến cành và lá.

Trong việc nghiên cứu chính mình,
Chúng ta tìm thấy sự hòa hợp.
Đó là toàn thể hiện hữu.
Chúng ta không tạo ra sự hòa hợp.
Chúng ta không đạt được nó hay mua được nó.
Nó luôn luôn vẫn có ở đó.
Đây là chúng ta, ở giữa con đường này,
và sự tu tập của chúng ta chỉ đơn giản là để
nhận chân ra nó và rồi
hiện thực hóa nó
trong cuộc sống hàng ngày.
– Lão sư Maezumi.

? Bản chất của giải pháp

Tọa thiền chính là một cách tiếp cận như vậy, một phương cách đạt được sự tiếp xúc sâu xa với thực tại. Không chỉ là với bản ngã hạn hẹp; mà đa phần có thể làm được thông qua các liệu pháp tâm lý hay qua các bộ môn khác mà là việc ứng xử với cấp độ cơ bản nhất của thực tại, vốn chẳng liên quan gì đến văn hóa, địa vị xã hội, trí thức hay thậm chí nhân cách. Nó liên quan đến cái tôi thật sự của bạn, vượt lên trên tất cả các chi tiết của không gian và thời gian. Và cái tôi thật sự của bạn rốt cuộc lại chính là thế gian này.

Nhưng việc tọa thiền cũng không chỉ đơn thuần là một phương pháp trải nghiệm thực tại theo kiểu như vậy. Bản thân việc tọa thiền cũng là một sự diễn đạt trực tiếp về những gì mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khám phá – về những gì mà bạn, vì bản thân bạn cũng là một vị Phật, đang khám phá. Đó là lý do tại sao bạn sẽ thấy rằng tọa thiền không chỉ là công cụ, hay phương tiện để hướng đến một mục đích nào đó, mà nó còn là một cách sống, một mẫu mực sống của chính việc sống.

Cách tốt nhất để tu tập là từ bỏ bản ngã.
– Lão sư Maezumi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BẢN NGÃ TẬP THỂ
  2. LÀM VIỆC MÀ KHÔNG BỊ BẢN NGÃ KHỐNG CHẾ
  3. CÁI TÔI, NGƯỜI VÀ BẢN NGÃ

Bài viết khác của tác giả

  1. TRUYỆN VỀ ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
  2. TÂM TRÍ TRONG TOẠ THIỀN
  3. THÔNG TIN CƠ BẢN – TRUYỆN VỀ ĐỨC PHẬT

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU