NHỮNG LỢI LẠC CỦA TÂM BỒ ĐỀ

ĐẠI SƯ TỊCH THIÊN - SHANTIDEVA

Trích: Nhập Bồ Tát Hạnh;Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải; NXB Tôn Giáo.

Kính lễ chư Phật Bồ tát,

  1. Trước chư Phật và Bồ tát, các đấng đã được Pháp thân, cùng những bậc hiền nhân đáng kính, con xin đê đầu đảnh lễ. Nay con y cứ những lời Phật dạy trong Kinh để lược thuật phương pháp đi vào Luật nghi của hàng con Phật.
  2. Luận này vốn không phải là sáng kiến mới mẻ, về thi ca vần điệu tôi cũng không rành. Bởi thế tôi không dám nói mình có ý định làm lợi lạc cho ai, chỉ cốt vì sự tu tập của bản thân mà tạo Luận.
  3. Nhờ nương theo những kệ tụng để tu hành các thiện pháp mà tôi sẽ tăng trưởng tín tâm. Những ai cùng tin tưởng như tôi, sau khi xem luận này cũng sẽ được lợi ích.
  4. Có được thân người toàn vẹn (không bị các dị tật bẩm sinh như thiếu trí, đui, điếc…) và nhàn hạ (đủ ăn, không phải làm lụng quá vất vả để kiếm sống) là điều hết sức khó khăn. Nay ta đã có được cơ hội làm cho đời mình thực sự có lợi ích (nghĩa là làm cho đời mình có ý nghĩa bằng cách tu tâm, một việc mà loài thú không làm được) mà không lợi dụng cuộc đời này để mang lại tự lợi, lợi tha, thì về sau làm sao còn có được thân người toàn vẹn?
  5. Như trong đêm tối đầy mây đen kịt bỗng có một làn chớp xẹt qua, cũng thể nhờ năng lực uy đức của Phật, mà người đời bỗng tạm nảy sinh ý định tu phước.
  6. Vì năng lực thiện hành nơi người ta thường nhỏ nhoi yếu ớt nên khó địch nổi năng lực tội ác vô cùng lớn lao. Nếu bỏ tâm Bồ đề viên mãn này, thì đâu còn pháp lành nào khác để thắng lướt tội lỗi?
  7. Trải qua nhiều đời tư duy sâu sắc, chư Phật thấy tâm Bồ đề có lợi ích lớn lao. Vô lượng chúng sinh nhờ tâm ấy mà dễ dàng được sự vui thù thắng.
  8. Muốn trừ diệt vô lượng khổ đau trong ba cõi (cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc), và trừ những nỗi bất an cho hữu tình, muốn hưởng được trăm thứ khoái lạc, thì đừng bao giờ xả bỏ tâm Bồ đề (lòng mong cầu giác ngộ để lợi lạc mình, người).
  9. Những hữu hình đang bị trói buộc trong ngục sinh tử mà khởi tâm Bồ đề chốc lát cũng được gọi là con của chư Phật, đáng được trời người kính lễ.
  10. Như hóa chất luyện vàng, cái thân phàm tục ô uế sẽ được tâm Bồ đề chuyển hóa thành thân Phật, bảo châu vô giá. Bởi thế, hãy giữ vững tâm Bồ đề.
  11. Bằng con mắt tuệ, đấng Đạo sư của chúng sinh thấy rõ tâm Bồ đề hết sức quý báu. Bởi vậy, ai muốn ra khỏi ba cõi hãy khéo giữ vững tâm Bồ đề.
  12. Những điều lành khác chỉ như cây chuối, sinh quả xong thì chết khô. Nhưng tâm Bồ đề ví như đại thụ luôn sinh quả, đã không khô héo mà còn thêm tươi tốt.
  13. Kẻ phạm tội nặng nhờ nương một người thế lực nên khỏi lo sợ. Người sợ quả báo tội lỗi, muốn mau giải thoát, tại sao không tìm chỗ tựa nương?
  14. Như đóm lửa nhỏ vào thời hoại kiếp, tâm Bồ đề trong giây lát có thể tiêu hủy các tội nặng. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Di lặc bậc trí đã dạy đồng tử Thiện tài rằng tâm Bồ đề có lợi ích vô biên.
  15. Nói tóm lại, Bồ đề tâm bao gồm hai loại, là tâm nguyện Bồ đề (trong tâm, cầu mong được giác ngộ để lợi lạc hữu tình) và tâm hành Bồ đề (hướng về hành động thực sự để làm lợi ích hữu tình).
  16. Như mọi người đều biết sự khác nhau giữa muốn đi và đang đi, bậc trí nên biết sự khác nhau này giữa hai loại tâm Bồ đề.
  17. Mặc dù tâm nguyện Bồ đề cũng đủ sinh quả bóng vĩ đại, nhưng không thấm gì so với tâm hạnh Bồ đề vì tâm này liên tục phát sinh phước đức.
  18. Bất cứ lúc nào một người khởi sự lập chí nguyện không lùi bước, thọ trì (nhận và gìn giữ) tâm hạnh Bồ đề vì muốn cứu độ cho hết vô số hữu tình;
  19. Thì từ lúc ấy trở đi, người ấy dù lúc ngủ hoặc xả hơi, phước đức vẫn liên tục phát triển rộng lớn như hư không.
  20. Vì muốn cho những người tin cỗ Xe Nhỏ hướng về đại thừa, trong kinh Diệu tý thưa hỏi đức Như Lai đã dạy: Tâm Bồ đề có lợi ích vô biên, điều này rất hợp lý.
  21. Nếu có người lo nghĩ cách chữa một bệnh nhức đầu cho hữu tình mà thôi, cái tâm mong muốn lợi lạc ấy đủ khiến cho người kia được vô lượng phước đức.
  22. Huống gì mong trừ khử vô lượng bất an cho hữu tình, muốn hữu tình được vô số điều lành.
  23. Dù cha hay mẹ, hay bất cứ ai, đã có được tâm Bồ đề ấy chưa? Chư thiên cõi Dục, các vị tu tiên, các Phạm Thiên (cõi mà một người được hóa sinh vào nhờ họ bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỉ, xả) có được tâm ấy không? 24. Những người kia vì lợi ích riêng còn chưa mơ tưởng đến tâm Bồ đề, huống vì kẻ khác mà phát tâm làm lợi ích?
  24. Người ta vì tự lợi còn chưa có thể phát tâm, bởi thể phát được cái tâm lợi tha quý báu này quả là điều hết sức hiếm có.
  25. Tâm Bồ đề quý báu là cái nhân của sự an vui cho chúng sinh, là cam lồ vi diệu để trừ thống khổ. Phước đức hàm chứa trong tâm ấy làm sao đo lường?
  26. Suy nghĩ làm lợi ích chúng sinh có phước hơn cúng dường chư Phật; huống gì nỗ lực làm lợi lạc tất cả hữu tình.
  27. Ai cũng muốn hết khổ, mà sao thống khổ cứ tăng? Mặc dù đi tìm an vui, kẻ ngu tự làm hỏng niềm vui của mình không khác gì bị kẻ thù phá hoại.
  28. Đối với chúng sinh thiếu niềm vui, chịu nhiều đau khổ, tâm hạnh Bồ đề có thể đem lại an vui, trừ tất cả khổ.
  29. Chẳng những thế, tâm Bồ đề còn có thể diệt trừ sự ngu si của chúng sinh. Còn bạn lành nào sánh bằng, còn phước nào lớn bằng?
  30. Nếu có người biết đền đáp cái ân bố thí, người ấy còn đáng được ca ngợi, huống gì Bồ tát vui vẻ giúp đỡ người khác, dù người ấy chưa nhờ, thì lại càng đáng ca tụng biết chừng nào.
  31. Dù có kẻ tình cờ chuẩn bị một ít thực phẩm mang cho một số chúng sinh đang đói, khiến họ no được nửa ngày, người ta còn kính trọng xem như một thiện sĩ.
  32. Huống chi Bồ tát thường xuyên ban cho vô số chúng sinh niềm vui Chính giác tối thượng và thỏa mãn tất cả nguyện vọng của hữu tình.
  33. Phật dạy kẻ nào sinh tâm xấu đối với những Bồ tát cứu độ khắp mọi người như thế, kẻ ấy sẽ sa địa ngục nhiều kiếp số, như số lượng tâm xấu họ đã nghĩ.
  34. Ngược lại, ai phát khởi niềm tin thanh tịnh đối với Bồ tát thì sẽ được quả báo phước đức vượt xa cái nhân đã gieo. Bồ tát dù có gặp gian nan lớn vẫn không làm ác mà còn tăng trưởng thiện hành.
  35. Có ai phát sinh tâm Bồ đề quý báu ấy không, tôi xin kính lễ dưới chân người ấy. Có ai đem lại an vui ngay cả cho kẻ làm hại mình, tôi xin quay về kính lạy người ấy, suối nguồn của an vui.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ ĐỀ TÂM
  2. BỒ ĐỀ TÂM TƯƠNG ĐỐI VÀ BỒ ĐỀ TÂM TUYỆT ĐỐI

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG BUÔNG LUNG
  2. CHÍNH NIỆM, TỈNH GIÁC
  3. TÂM BỒ ĐỀ – NHẬP BỒ TÁT HẠNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP